BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )( phần 9 -10 )

Tác giả liangfulai on 2023-07-12 09:13:30
/Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )( phần 9 -10 )

Phần thứ chín 

 Nhất tướng vô tướng


 

Phân giải :
 

Phần trước nói không được chấp trước phật pháp, ở đây nói cũng không được chấp tướng quả phật.

Tu Bồ đề do ngày xưa Phật vì Thanh Văn mà nói pháp Tứ Đế, tưởng rằng cái mà phật đã nói tất có pháp có thể đắc được, dựa theo pháp mà tu, tất có quả có thể đắc được.

Đấy đều là ý lời phân biệt, đều rơi vào trong cái năng tri sở tri.

Nào biết đâu thật tướng của Bát Nhã, phi nhất tướng, phi dị tướng, phi hữu tướng, phi vô tướng, phi phi vô tướng, phi phi hữu tướng, phi phi nhất tướng, phi phi dị tướng. Phi hữu vô câu tướng, phi nhất dị câu tướng, rời tất cả tướng, tức tất cả pháp, phàm có tướng đều là hư vọng. Phá tướng phá đến cùng, tức chư vọng tận trừ ( trừ hết tất cả cái hư vọng ).

 

Nguyên Văn

 

 "Tu-Bồ-Đề! Vị Tu-Đà-Hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng được quả Tu-Đà-Hoàn chăng?"

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn, không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tu-Đà-Hoàn, gọi là bực Nhập-Lưu, và chính không nhập vào nơi đâu, chẳng vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu-Đà-Hoàn".

 

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị Tư-Đà-Hàm có thể tự nghĩ rằng mình được quả Tư-Đà-Hàm chăng?"

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị Tư-Đà-Hàm gọi là bực Nhất-Vãng-Lai, mà thiệt không có vãng-lai, đó gọi là Tư-Đà-Hàm".

 

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-Na-Hàm có thể tự nghĩ rằng, mình được quả A-Na-Hàm chăng?"

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì vị A-Na-Hàm gọi là bực Bất-Lai, mà thiệt không có tướng bất-lai, cho nên gọi là A-Na-Hàm".

 

"Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Vị A-La-Hán có thể tự nghĩ rằng, mình chứng được quả vị A-La-Hán chăng?"

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn không thể được! Bởi vì sao? Vì thiệt không có pháp chi gọi là A-La-Hán. Bạch đức Thế-Tôn! Nếu như vị A-La-Hán nghĩ thế nầy: Ta chứng được quả vị A-La-Hán, thời chính là còn chấp-trước tướng ngã, nhân, chúng-sanh, thọ-giả.

 

Bạch đức Thế-Tôn! Đức Phật dạy rằng con được môn "vô-tranh tam-muội", là bực nhứt trong mọi người, là bực A-La-Hán ly-dục thứ nhứt.

 

Bạch đức Thế-Tôn! Nếu con tự nghĩ rằng mình được quả-vị A-La-Hán, thời chắc đức Thế-Tôn chẳng nói: Tu-Bồ-Đề là người ưa hạnh tịch-tịnh. Bởi Tu-Bồ-Đề thiệt không khởi một niệm, mới gọi Tu-Bồ-Đề là ưa hạnh tịch tịnh".

 

Tu Đà Hoàn : là tiếng phạn, dịch là nhập lưu ( nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng thánh ), lại do bắt đầu dự vào dòng Thánh nhân, cho nên lại dịch là Dự Lưu. Nghĩa là tuy ở trần thế huyên náo hỗn loạn, nhưng đã nhập vào dòng Thánh.

 

Tư Đà Hàm : là tiếng phạn, dịch là nhất vãng lai ( nghĩa là còn trở lại một lần nữa ). Theo pháp tiểu thừa, cái gọi là dục giới tư hoặc, chia làm 9 phẩm, cần phải chia làm 7 lần phá, nghĩa là cần phải 7 lần trở về sanh tử mới có thể phá. Cái gọi là nhất phản sanh tử nghĩa là sanh lên trên trời, phước báu trên trời hết thì lập tức chuyển sanh ở nhân gian, thụ hết phước báu của nhân gian, lại sanh lên trời, 6 lần phản sanh tử ( trở lại sanh tử ) như thế này tính là đã phá 6 phẩm tư hoặc, 3 phẩm tàn hoặc còn lại chưa tận, vẫn cần phải một lần trở về sanh tử để phá, nghĩa là lại phải một lần sanh trên trời, một lần đến nhân gian thụ sanh, đoạn cái dư hoặc này. Là thể nhị quả.

 

A Na Hàm : là tiếng phạn. Dịch là bất lai ( nghĩa là không trở lại nữa ), nghĩa là đã đoạn tận 9 phẩm tư hoặc. Từ đây kí vị tứ thiền, sanh tịnh cư thiên, càng chẳng đến dục giới thụ sanh, là thể Tam quả.

 

A La Hán : là tiếng phạn, dịch là vô sanh, nghĩa là bất sanh bất diệt, đã vượt ra khỏi lục đạo luân hồi, chẳng thụ sanh, xứng đáng được sự cúng dường của nhân thiên, là thể tứ quả. Vị này chẳng nói quả, mà nói đạo, bởi vì đã gần với giác đạo.

 

Vô tranh : không có tâm cạnh tranh. Tam muội nghĩa là đã đến chỗ tinh diệu.

 

Li dục : rời khỏi ái dục của dục giới.

 

Khái Luận :

 

Phần này do phần trước chỉ điểm ra cái mà gọi là phật pháp tức chẳng phải phật pháp.
Phật e rằng các đệ tử vẫn chưa hiểu cái đạo lí này, muốn các đệ tử nhân cơ hội lúc đó ngộ sâu cái lí trụ tâm vô trụ. Lại do pháp tiểu thừa câu nệ nơi danh ngôn tập khí, chấp có pháp thật, cho nên một mặt là từ pháp tiểu thừa dẫn dắt các đệ tử lãnh ngộ, mặt khác là bởi vì biết được Tu Bồ Đề đã thành đạo tiểu thừa, muốn mượn cái miệng của Tu Bồ Đề nói ra cái quả mà bản thân Tu Bồ Đề đã chứng. Thì ra pháp đại thừa là một cái pháp tu hành tích cực. Trong việc hành bồ tát đạo tự lợi lợi tha, có cái khổ tâm của đồng thể đại bi, vô lượng đại từ. Pháp tiểu thừa là một pháp tu hành tiêu cực, đang vì bản thân liễu sanh tử.

 

Thời cổ xưa của Ấn Độ thì quốc phú dân an, bá tánh phần nhiều tìm kiếm sự an dật.

 

Phật xuất thân ở nơi này, không thể không thuận nhân tình ( cái lẽ thường tình của con người, thế tình ), kiêm dụng pháp tiểu thừa, cho nên phần này, do phần trước nói đến phật và pháp đều chẳng phải, e rằng các đệ tử nghi rằng phật bất khả cầu, pháp chẳng thể lấy, cho nên lại mượn cái ngộ tiểu thừa của Tu Bồ Đề mà biểu đạt đầy đủ ra ngoài cái chỗ vi diệu bên trong của nó một cách tỉ mỉ, quanh co uyển chuyển cho mọi người, khiến cho các đệ tử thật tốt mà lãnh ngộ, lại trong cái tứ quả đều có vô ( vô sở nhập, vô vãng lai, vô bất lai, vô hữu pháp ) là pháp vô vi. Cái gọi là tất cả Thánh Hiền đều dựa vào pháp vô vi mà có sự khác biệt, ở đây có thể chứng rằng cái tứ quả có được của phật giống như cái tứ giáo có được của Khổng Tử, nhưng mà cái tứ quả của Phật nói, tự có đẳng cấp.

 

Thứ nhất, chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là biết dục nên tránh, đấy là cái sơ sanh của quả.

 

Thứ hai, nhất vãng lai còn trở lại một lần nữa ), là không bước vào dục cảnh nữa, tức là sự trưởng thành của quả.

Thứ ba, bất lai chẳng đến ) là rời khỏi dục cảnh, tức là sự chín muồi của quả.

Thứ tư, li dục , là thoát nhiên trừ dục, tức đã thu hoạch của quả.

 

Phụ bút :

Phật pháp về nguồn gốc đại khái phân biệt thành hai loại hiển giáo và mật giáo. Hiển giáo lại phân thành hai loại tiểu thừa và đại thừa. Tiểu thừa lại chia làm hai loại Câu Xá Tông và Thành thật Tông. Đại thừa lại chia làm 7 loại :  Tam Luận Tông, Pháp Tướng Tông, Thiên Đài Tông, Hoa Nghiêm Tông, Luật Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông. Mật Tông lại chia làm hai loại Kim Cang Bộ và Thai Tạng Bộ. Câu Xá Tông của tiểu thừa lập cái nhân vị quả vị của tam thừa : Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Thanh Văn Thừa phải đang tu pháp tứ đế. Kẻ nhanh thì 3 kiếp, người chậm 60 kiếp mới có thể đắc quả. Phương tiện tu hành của nó gồm 7, đắc quả có 4, tường tận như sau :

 

Thanh Văn Thừa

 

Ngũ đình tâm quán :   Dựa vào ngũ quan chặn dừng vọng tâm.

1.      Quán Bất Tịnh : để trị đẩy lùi lòng tham sắc dục.

2.      Quán từ bi : để trị đẩy lùi lòng sân hận.

3.      Quán nhân duyên : để trị đẩy lùi lòng si mê

4.      Quán phân biệt:  để trị đẩy lùi ngã kiến ( lòng chấp ngã )

5.      Quán sổ tức : để trị đẩy lùi sự tán loạn của tâm trí.

 

Biệt Tướng niệm xứ

Chia tu tứ niệm

1.      Quán thân bất tịnh

2.      Quán thụ là khổ

3.      Quán tâm vô thường

4.      Quán pháp vô ngã.

 

Tổng tướng niệm xứ : tổng tu tứ niệm xứ, hằng niệm thân này bất tịnh, là khổ, vô thường, vô ngã.

Noãn
Có thể ở chân không, phát tương tự chi giải, phục phiền não hoặc, được ánh sáng phật pháp, như khoan gỗ lấy lửa, trước hết được hơi ấm, gọi là noãn vị.

 

Đỉnh
Lại tiến đến tăng thắng tương tự chi giải, định quán phân minh, ở trên noãn vị như lên đỉnh núi, quán nhìn tứ phương, toàn bộ đều hiểu, gọi là đỉnh vị.

 

Nhẫn

Lại tiến đến hiểu pháp tứ đế, tức có thể quyết định, kham nhẫn dục lạc, gọi là nhẫn vị.


Pháp thế đệ nhất
Lại tiến đến tu hạnh tứ đế, dần dần thấy pháp tánh, tuy chưa đắc thánh đạo, nhưng ở thế gian gọi là đệ nhất, gọi là pháp thế đệ nhất.



Quả Tu Đà Hoàn
Sau pháp Thế Đệ Nhất, trí vô lậu sanh, đoạn tận kiến hoặc của tam giới, gọi là quả Tu Đà Hoàn, lại gọi là quả Dự Lưu, là sơ quả.

 

Quả Tư Đà Hàm
Từ đây đoạn thiểu phần của dục quả tư hoặc, vẫn đến và đi nơi dục giới. Gọi là quả Tư Đà Hàm, còn gọi là quả Nhất Lai, là nhị quả ( quả thứ hai ).

 

Quả A Na Hàm
Đoạn tận tư hoặc của dục giới mà chẳng tái sanh dục giới, gọi là quả A Na Hàm, lại gọi là Quả Bất Lai, là tam quả ( quả thứ ba ).


Quả A La Hán

Nếu hoàn toàn đoạn tư hoặc của tam giới, vượt ra khỏi tam giới, gọi là quả A La Hán. ( Tam giới là chỉ dục giới, sắc giới, vô sắc giới mà nói ).


Ngũ đình tâm quán,biệt tướng niệm xứ, tổng tướng niệm xứ, gọi là Tam Hiền.

Ngoãn vị, đỉnh vị, nhẫn vị, pháp thế đệ nhất, gọi là tứ thiện căn.

Cộng lại Tam Hiền và tứ thiện căn gọi là thất ( 7 ) phương tiện, chính là quả vị Thanh Văn Thừa.

Tu Đà Hoàn, Tư Đà hàm, A Na hàm, A la Hán chính là quả vị của Thanh Văn thừa.

Kiến hoặc, tư hoặc đều thuộc phiền não.

 

Nếu phân biệt, phàm ở ý thức, khởi tất cả phân biệt, cái ngã kiến tà kiến do mê nơi chân lý mà khởi, gọi là kiến hoặc.

Ngũ thức đối cảnh ngũ trần ( nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức đối với ngũ cảnh có tác dụng thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc ). Tham ái do mê nơi sự tướng mà khởi, gọi là tư hoặckiến hoặc là chướng ngại của giác ngộ, tư hoặc là chướng ngại của giải thoát. 

Do vậy muốn ngộ chân lý của tứ đế, nhất định cần phải đoạn kiến hoặc, nếu muốn ra khỏi tam giới mà nhập niết bàn, nhất định cần phải đoạn tư hoặc, không thể không phân biện rõ ràng. Trí vô lậu là trí tuệ thanh tịnh vô cấu, không bị các loại phiền não tri phối. 

 


Giảng nghĩa : 

 

Phật nói : “ này Tu Bồ Đề ! ý của ông như thế nào ? ”

Tu Đà Hoàn lúc tu hành, tự nghĩ trước rằng mình đắc sơ quả của Thanh Văn chăng ?

Tu Bồ Đề đáp rằng : bạch Thế Tôn ! không thể có cái niệm rằng đắc sơ quả, cái duyên cố này là do Tu Đà Hoàn tuy không thể đốn ngộ chân không, vẫn có thể chỉ cưỡng chế dục, có thể khước cảnh giới lục trần, tạo nhập cánh cửa vô tướng, được là dòng Thánh Nhân, cho nên gọi là nhập lưu.

 

Phật lại nói : “ này Tu Bồ Đề! Ý của ông như thế nào ? Tư Đà Hàm lúc tu hành, tự nghĩ trước rằng mình đắc quả thứ hai của Thanh Văn chăng ?

 

Tu Bồ Đề đáp rằng : bạch Thế Tôn ! không thể có cái niệm là đắc quả thứ hai, cái duyên cố này là do tâm cảnh của Tư Đà Hàm đã đạt được chỗ chí tĩnh, nhưng mắt nhịn mọi cảnh mà tâm này vẫn một sanh một diệt, cho nên gọi là Nhất Vãng Lai. 

 

Thật ra thì chẳng có cái sanh diệt thứ hai, niệm trước mới hiện ra, niệm sau đã rời khỏi, tâm chẳng chấp trước tướng sanh diệt, cho nên thật ra chẳng có đến và đi.

Phật lại nói : “ này Tu Bồ Đề ! ý của ông như thế nào ? A Na Hàm lúc tu hành, tự nghĩ trước rằng mình đắc quả thứ ba của Thanh Văn chăng ?

 

Tu Bồ Đề đáp rằng : bạch Thế Tôn ! không thể có cái niệm đắc quả thứ ba, cái duyên cố này là do A Na Hàm tâm không, vô ngã, đã đoạn tư hoặc của trần thức, trong chẳng có dục tâm, ngoài không dục cảnh, tập định đã sâu, lục trần tứ tướng, lần lượt từng cái chứng không, mà không có cái tướng bất lai ( chẳng đến ), cho nên tuy gọi là chẳng đến, thật sự là vĩnh viễn chẳng đến dục giới thụ sanh.

 

Phật lại nói : “ này Tu Bồ Đề ! A La Hán lúc tu hành, tự nghĩ trước rằng mình đắc quả thứ tư của Thanh văn chăng ?

Tu Bồ Đề đáp rằng : bạch Thế Tôn ! không thể có cái niệm đắc quả thứ tư. Cái duyên cố này là do A La Hán đã tâm không, tướng diệt, chẳng có cái niệm đắc đạo. Thật ra chẳng có pháp, gọi là A La Hán. Nếu A la Hán tự nghĩ rằng đắc đạo, thì tức là chấp trước tứ tướng, thì không thể gọi là A La Hán rồi. 

 

Tu Bồ Đề nói rằng : bạch Thế Tôn ! thầy của con đã từng nói con rằng con suốt ngày đứng trong tất cả pháp, chẳng khởi một phiền não, chẳng não một chúng sanh, chẳng có tâm cạnh tranh, ( chẳng tranh chấp ) đã đến chỗ tinh diệu.

 

( Tam muội ) trong số các đệ tử, Tu Bồ Đề con là giải không đệ nhất, là A La Hán thứ nhất li dục, thoát tận nhân ngã, đoạn tuyệt niệm này.

Tu Bồ Đề nói rằng : “ bạch Thế Tôn ! con tuy được thầy của con ca ngợi thế này, nhưng con thật chẳng có cái niệm đã đắc đạo A La Hán.

Tu Bồ Đề lại nói : bạch Thế Tôn ! con nếu có cái niệm đã đắc đạo A La Hán thì là con sanh một vọng niệm, lại an đắc lục dục đốn không. Thế Tôn thầy của con bèn chẳng nói Tu Bồ Đề con là hành giả giỏi tịch tĩnh ( A Lan Na ).

Bởi vì Tu Bồ Đề con, tâm vốn chẳng có cái tâm niệm mình chứng đắc được cái gì, cũng chẳng có hành gì, chỉ có trên bổn phận nhất trần chẳng ( chấp ) trước, dựa vào thế này mà đắc danh Tu Bồ Đề mà thôi ! cho nên Thế Tôn thầy của con gọi con là hành giả ưa hạnh tịch tĩnh

 

 

 

 

Phần thứ mười 

Trang nghiêm tịnh thổ

 

 

Phân giải :

 

Trên nói rằng tứ quả không thể đắc, đây nói rằng thánh quả cũng không thể đắc, nếu có cái đắc được ( có cái tâm niệm mình chứng đắc được cái gì ) , đều là trụ tướng.

Cái nghi ngờ của phàm phu tất nhiên tưởng là tứ quả nếu chẳng gì đắc được thì ở đâu mà có cái tên gọi là tứ quả ?

Thánh quả nếu chẳng có gì đắc được, làm thế nào có thể đạt được vô sanh pháp nhẫn ?

Đấy đều là bệnh trụ tướng của phàm phu. Phải biết rằng tên gọi của Thánh hiền đều là mượn tên.

Toàn bộ đều là mượn pháp hữu vi để hiển pháp vô vi, cho nên Bát nhã chỗ nào cũng phá chấp, chỉ sợ phàm phu tham trước pháp hữu vi.

Cái gọi là trang nghiêm tịnh thổ, chẳng phải là sắc tướng trang nghiêm mà trong mắt phàm phu nhìn thấy.

như tu sửa miếu vậy, tưởng rằng nguy nga tráng lệ thì gọi là trang nghiêm ), thật ra là nói pháp thân phi tướng, chân thổ vô hình, pháp tánh trang nghiêm vô hình chất khả thủ ( chẳng có hình chất có thể lấy được ), vô sắc tướng khả quán ( chẳng có sắc tướng có thể xem được ).

 

 

 Nguyên Văn

Đức Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề: "Ý của ông nghĩ thế nào? Thuở xưa, hồi ở chỗ đức Phật Nhiên-Đăng, đức Như-Lai có chứng đắc nơi pháp chăng?"

 

( Phật Nhiên Đăng : do lúc sơ sinh bên thân có ánh sáng như đèn, do vậy còn gọi là định quang, là thầy thọ kí cho Phật Như Lai. )

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Hồi ở chỗ đức Phật Nhiên-Đăng, nơi pháp, đức Như-Lai thiệt không có chỗ chứng đắc."

 

"Này, Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Bồ-tát có trang-nghiêm Phật độ chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Không, tại vì sao? Vì trang-nghiêm Phật-độ đó, chính chẳng phải trang-nghiêm, đó tạm gọi là trang-nghiêm."

 

"Này, Tu-Bồ-Đề! Vì thế các vị đại Bồ-tát, phải nên sanh tâm thanh-tịnh như vầy: chẳng nên trụ-trước nơi sắc mà sanh tâm, chẳng nên trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, và pháp, mà sanh tâm, nên "không-chỗ-trụ-trước" mà sanh tâm thanh-tịnh kia.

 

( Vô sở trụ, chẳng trụ trước ở một chỗ, không ngưng trệ chẳng hoá. Bởi vì tâm này thần minh chẳng lường được, biến hoá vô cùng, là tịnh độ thật sự. Không thanh tịnh thì chuyển dời theo cảnh, phóng dật chẳng kiểm soát được, bèn trước lục trần mà trụ nhiều chỗ. )

Này, Tu-Bồ-Đề! Ví như có người, thân như núi chúa Tu-Di, ý của ông nghĩ thế nào? Thân của người đó, có lớn chăng?"

 

( Núi Tu Di cao rộng 336 vạn dặm, là vua của tất cả núi, chẳng qua dùng nó để ví von sự to lớn của thân người, làm một từ giả thiết, như thất bảo đầy tam thiên đại thiên. )

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Rất lớn. Bởi vì sao? Vì đức Phật nói chẳng phải thân, đó mới gọi là thân lớn."

 

( Chẳng phải thân : chính là pháp thân, nghĩa là chơn tâm như như bất động. )

 

 

Khái luận

 

Phần này, phật Như Lai do e rằng cái tâm sở đắc ( tâm cho rằng thật sự có cái để gặt hái được ) của chư Bồ Tát vẫn chưa trừ, động thì trụ nơi hữu pháp ( có pháp ), chẳng sanh tâm thanh tịnh.

Cho nên hỏi đức Như Lai, khi xưa nơi Nhiên Đăng Cổ Phật, tuy đắc quả vô thượng Bồ Đề, nhưng nơi pháp của bổn sư phật Nhiên Đăng có cái để đắc chăng ?

 

Ý ở chỗ dẫn chuyện ngày xưa để chứng minh bản thân đức Như Lai nơi pháp thật vô sở đắc ( thật ra chẳng đắc được gì )

Bởi vì Phật Như Lai tuy nghe pháp nơi Bổn Sư Nhiên Đăng Phật, chẳng qua là được khai đạo của bổn sư mà thôi !

Thật ra thì là tự ngộ tự tu, nơi pháp thật vô sở đắc. Phật đặt ra câu hỏi này muốn biểu rõ pháp vô sở đắc, là không pháp tướng.

 

Cho nên tiếp theo lại hỏi Bồ Tát có trang nghiêm phật độ chăng ? ý là ở chỗ lại muốn biểu rõ trang nghiêm chính chẳng phải trang nghiêm, là không phật tướng.

 

Như thế này thì Phật và pháp đều không mới được sanh tâm thanh tịnh.

Do đó nói nên như thế sanh tâm thanh tịnh. Sanh tâm thanh tịnh chính là sanh tâm Bồ Đề.

Bồ Đề chánh pháp chẳng thể đắc, chẳng thể nói, cho nên người phát tâm Bồ Đề trực phát tâm thanh tịnh mà thôi ! Nhưng mà tâm vốn thanh tịnh, chẳng có cái gọi là phát, là trực sanh mà thôi !

Tâm thanh tịnh được gọi là sanh, tâm lục trần được gọi là sanh, có thể biết rằng chơn tâm vọng tâm đều là do từ cái tự sanh của tâm, chứ chẳng phải là Bồ Đề chánh pháp có thể giác ta, cũng chẳng phải sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp có thể nhấn chìm ta.

 

Phật nói đến đây đã nói rõ ra phật quả là nên cầu từ trong tâm chúng sanh.

Lại e rằng chúng sanh xem phật pháp quá quảng đại, cho nên lại đặt ra một cái thân lớn để ví von, nghĩa là giả dụ núi Tu Di tuy lớn, nhưng vẫn là một cái lớn có tướng.

Như thập phương thế giới vẫn còn thành hư, có thể biết rằng cái lớn của núi Tu Di chẳng phải lớn.

Dùng cái ví von này để khiến chúng sanh chẳng thấy phật pháp, chỉ thấy nhất tâm.

Có thể thật sự thanh tịnh cực kì, bắt đầu nhập Bồ Đề tam muội.

( vào chỗ chánh giác tinh diệu ) hoặc nói : Phật Như Lai ở phần thứ 7, ( Vô đắc vô thuyết phân ) bởi vì muốn biểu rõ quả pháp li tướng, từng hỏi qua 「 Như Lai đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề chăng ? Như Lai có chỗ thuyết pháp chăng ?」 

 

Vậy thì lại hà tất ở trong phần này lại nói rằng nơi pháp có chỗ đắc chăng ?

Nên biết cái hỏi trước là nói rõ 「Pháp còn nên xả, huống hồ chẳng phải pháp」 để làm rõ ý độ chúng sanh li tướng, nói cách khác, nghĩa là lấy cái sở đắc trên quả phật, có hay không để hỏi.

Lần hỏi này là nói rõ, “ cái mà gọi là phật pháp, tức chẳng phải phật pháp ” để làm rõ ý trụ tâm vô trụ.

Nói cách khác nghĩa là lấy trong cái nhân phật, nơi pháp đắc và chẳng đắc để hỏi.

Nói tóm lại, cái hỏi trước đó là tự chứng Bồ đề trên quả Phật, cái hỏi bây giờ là trong cái nhân phật cầu đắc Bồ Đề, ý nghĩa mỗi cái không giống nhau, chứ chẳng phải là hỏi lặp lại.

 


Giảng nghĩa :

 

Phật bảo “ này Tu Bồ Đề ! ý của ông như thế nào ? ”

Như Lai ta khi xưa ở chỗ đức Phật Nhiên Đăng, đức Như Lai có chứng đắc nơi pháp chăng ?

Tu Bồ Đề đáp rằng : bạch Thế Tôn ! Thầy của con ở chỗ Phật Nhiên Đăng là tự ngộ tự tu, nơi Pháp, đức Như Lai thiệt không có chỗ chứng đắc.

Phật lại nói rằng : “ này Tu Bồ Đề ! ý của ông như thế nào ? ”

Bồ Tát ở trong Phật độ làm phước nghiệp thiện duyên, thì trang nghiêm chăng ?

 

Tu Bồ Đề đáp rằng : chẳng phải trang nghiêm. Cái duyên cớ này là vì cái trang nghiêm mà Thầy con đã nói chẳng phải là cái trang nghiêm của hình tướng, như hoàng kim làm đất, thất bảo làm đài, chẳng qua gọi là trang nghiêm mà thôi ! 

 

Phật lại nói : “ này Tu Bồ Đề ! cho nên chư Bồ Tát, Ma Ha Tát nên nhất tâm bất loạn như thế này, sanh tâm thanh tịnh, không thể trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm. Nếu không thì trói buộc nơi lục trần, vọng niệm khởi quanh quẩn, đâu có thể thanh tịnh được ?

Thì ra tâm thanh tịnh, ( giác tánh ) sâu diệu viên tịch, vốn vô sở trụ, như trước tấm gương sáng, vật đến thảy đều soi, vật đi thì không, cho nên phải vô sở trụ thì có thể hoàn toàn thanh tịnh.

Phật lại nói : này tu Bồ Đề ! ví như có người, thân như núi chúa Tu Di, ý của ông như thế nào ? thân của người đó có lớn chăng ? Tu Bồ Đề bạch rằng : bạch đức Thế Tôn ! rất lớn.

Cái duyên cố này là do thân này tuy lớn, nhưng mà có sanh có diệt, cuối cùng chịu luân hồi, không thể gọi là thân lớn.

Nhưng mà như pháp thân phi tướng mà thầy con đã nói trước đây thì là cái bổn tâm thanh tịnh, là pháp thân thật.

Tâm này bao khuếch thái hư, chu tàng pháp giới, vô tướng vô trụ, đốn nhập viên minh, làm sao mà núi Tu Di có thể sánh được ? cái này mới gọi là thân lớn.

Số lượt xem : 627