Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )( phần 15 -16 )
Phần thứ mười lăm
Trì kinh công đức
Phân giải :
Nhẫn nhục xả thân mà phần trước nói đến đều là phá ngã chấp. Sau khi phá ngã chấp, càng cần phải ngộ cái lí của bát nhã. Nếu biết nhẫn nhục xả thân mà không thể thọ trì kinh điển thì vẫn là tình thức dụng sự, chứ chẳng hỗ tương với chơn tánh. Nếu có thể nhẫn nhục xả thân, lại có thể thọ trì kinh điển, ngộ thấu triệt chẳng có nhị chấp ( nhân pháp nhị chấp – phân biệt chỉ ngã chấp và pháp chấp ), nhị ngã đều hoàn toàn tiêu trừ thì công đức của pháp tánh đắc được không thể nghĩ bàn.
Nguyên Văn
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, vào khoảng buổi sáng, đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi trưa, lại đem thân-mạng bằng số cát sông Hằng để bố-thí, vào khoảng buổi chiều cũng đem thân-mạng, bằng số cát sông Hằng để bố-thí; trong vô-lượng trăm-nghìn muôn-ức kiếp, đem thân mạng bố-thí như thế.
Lại như có người nào, nghe kinh điển nầy mà sanh lòng-tin không trái, thời phước của người nầy, hơn phước của người trước kia, huống chi là biên-chép, thọ-trì, đọc-tụng, nói cho người khác nghe!
Nầy Tu-Bồ-Đề! Tóm tắt mà nói đó, thời kinh nầy có vô-biên công-đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường được.
Đức Như-Lai vì người phát-tâm đại-thừa mà nói, vì người phát-tâm tối-thượng-thừa mà nói.
Như có người nào, có thể thọ-trì, đọc-tụng, giảng nói rộng ra cho người khác nghe, thời đức Như-Lai đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, thảy đều được thành-tựu công-đức không thể lường được, không thể cân được, không có ngằn mé, không thể nghĩ bàn được.
Những người như thế, chính là người gánh vác pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của đức Như-Lai.
Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì nếu người nào ham-ưa pháp tiểu-thừa, chấp-trước tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng-sanh, tướng thọ-giả, thời ở nơi kinh nầy, người ấy không thể nghe-nhận, đọc tụng và giảng-nói cho người khác nghe được.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu những nơi-chỗ nào mà có kinh nầy, thời tất cả Trời, người, A-Tu-la..., trong đời đều nên cúng-dường. Phải biết chỗ đó chính là tháp thờ đức Phật, đều phải cung kính lễ lạy, đi nhiễu quanh, đem các món hoa-hương mà rải trên chỗ đó.
Khái luận
Phần trước nói trì kinh thành tựu công đức. Phần này dùng lặp lại pháp so đo ( đây là lần thứ 4 so sánh phước huệ với nhau ), dùng bố thí bằng hằng hà sa số thân mệnh vẫn chẳng bằng cái phước của việc nghe kinh điển này mà sanh lòng tin không trái. Nói một cách khác, trì kinh hơn hẳn bố thí thân mạng, ý ở chỗ hiển rõ cái công vô trụ của bát nhã, và chỉ ra rằng kinh này là đại thừa, nếu trụ ngã nhân kiến …thì không thể nghe thụ đọc tụng, giảng nói cho người khác nghe. Và nói thế nào đây ? bởi vì tướng phân là thuyết pháp tiểu thừa, kiến phân là thuyết pháp đại thừa. Tướng phân là nhân ngã tướng, kiến phân là pháp ngã tướng. Người ham ưa pháp tiểu thừa tích không phá tướng, đặc biệt chẳng biết kiến phân vẫn tồn. Có kiến phân này vẫn chưa phá, pháp ngã chấp vẫn còn. Có pháp ngã chấp thì tức là chưa hiểu sâu cái lí của bát nhã, chưa đạt chân đế ( nghĩa thật ) của bát nhã, tự lợi ( làm lợi ích cho bản thân ) còn chưa thể, sao có thể lợi tha ( làm lợi ích cho người khác ? ). Cho nên nói, chấp trước tứ kiến. Người ưa thích pháp tiểu thừa, tức chẳng thể giảng nói nơi kinh này cho người khác. Lần nữa, lại ngợi ca đánh giá cao kinh này có toàn thân Như Lai. Không cần thiết cúng dường bề ngoài. Chỉ cần trì kinh này để hiểu rõ tâm, thì có thể đạt đến cảnh giới chí thành vô vọng. Bởi vì nếu có thể trì kinh này, cúng dường tâm ấy thì tâm tức là phật, hà tất ngoài thân mà tìm phật, Như Lai chỉ ở trong tâm của mình thôi.
Giảng nghĩa :
Phật rằng : “ này Tu Bồ Đề ! nếu có thiện nam tín nữ, vào khoảng buổi sáng, đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, vào khoảng buổi trưa, lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, vào khoảng buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí. Theo như thế, trải qua lâu vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp, một ngày 3 thời đều bố thí như vậy, tự nhiên đáng được cái phước của bố thí !
Nếu lại có người có thể dùng tâm chẳng vi nghịch ( vi phạm làm trái lại ), tin chắc kinh này thì cái phước ấy hơn rất nhiều cái phước của việc người ấy xả thân bố thí ! huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng nói ý nghĩa của kinh cho người khác nghe, tồn cái tâm lợi nhân lợi kỉ, chẳng những hiểu rõ tánh của bản thân mình, còn phải khiến cho người người kiến tánh, thiện căn thuần thục, lợi ích vô cùng, cái nhiều của phước ấy sao có thể so đo được !
Phật lại nói : “ này Tu Bồ Đề ! tóm tắt mà nói đó, thời kinh này có vô biên công đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường được. Đức Như Lai nói, kinh này vì sao mà có vô biên công đức vậy ? là bởi vì kim cang bát nhã là bổn tánh diệu dụng của chúng ta, là tối thượng thừa của Bồ Tát đại thừa, chẳng phải hạng tiểu thừa có thể làm được. Cho nên, đức Như Lai vì khải phát người đại thừa, nói rõ cái diệu của chân không này. Vì khải phát người tối thượng thừa, nói rõ cái pháp bát nhã này. Nếu người có đại căn khí trì kinh điển đại thừa này, rộng xiển phát diệu chỉ cho người khác, thì công dụng đức hạnh thành kỉ kiêm thành nhân ( thành tựu bản thân và thành tựu người khác ) của hạng người này là chẳng thể cân lường, chẳng thể nghĩ bàn. Mà hạng người này ấn khế tâm phật, công đức đã thành tựu được duy có đức Như Lai biết được thấy được. Hạng người này đã thành tựu công đức này thì đủ có thể gánh vác chánh pháp vô thượng bồ đề của Như Lai. Duyên cố này chính là do người ưa thích pháp tiểu thừa hạn chế ở việc ít thấy nghe, không tránh khỏi có tư kiến nhân ngã …đối với pháp tối thượng thừa của đại thừa này bèn khởi tâm e sợ. Tự tâm còn chư thể tịnh, đâu còn có thể nghe thụ đọc tụng, giảng nói kinh này cho người khác ?
Phật lại nói rằng : “ này Tu Bồ Đề ! người đại thừa ở bất cứ chỗ nào nói kinh điển này, có thể khiến cho người nghe tâm khai ý giải, thiện khí cảm thông thì thần nhân thiên long bát bộ đều đến cúng dường, hộ vệ pháp thân. Phổ hiện hoa quang tam muội chính là một toà bảo tháp xá lợi, có thể khiến xa gần kính ngưỡng đảnh lễ, rải bảo hoa diệu hương ở nơi trì kinh thì cúng dường có thể nói là đến cực điểm ! đấy gọi là nhất nhân biện tâm chư thiên biện cung ( một người tu hành bàn đạo, vô lượng chư thiên ủng hộ ).
Phần thứ mười sáu
Năng tịnh nghiệp chướng
Phân giải :
Nghiệp chướng hoặc là tiền nghiệp, hoặc là hiện nghiệp đều có thể che lấp ( gây trở ngại ) chơn tánh. Tiền nghiệp chính là nghiệp của kiếp trước. Nghiệp của kiếp trước không thể tính đếm. Bởi vì vô thuỷ kiếp đến nay, những nghiệp đã tạo đều nạp vào trong bát thức điền, gặp duyên thì phát, quả chín thì sinh, lục đạo chuyển hoàn, chẳng có ngừng nghỉ, hoà hợp vọng sanh, hoà hợp vọng tử, sanh diệt chẳng ngừng, đều là do nghiệp lực không thể nghĩ bàn này lôi kéo. Kinh viết : nghiệp của chúng sanh, nếu có tướng thể thì tận giới hư không chẳng thể dung nạp chứa đựng. Đấy chính là nói nghiệp của chúng sanh vốn thuộc hư vọng, chỉ do chúng sanh chẳng liễu duy tâm, cho nên đã tạo cái nhân của hư vọng, tức chịu cái khổ của hư vọng. Đấy chính là cái gọi là hiểu được thì nghiệp chướng vốn dĩ không, chưa hiểu vẫn cần phải trả nợ cũ. Cái gọi là hiện nghiệp, tức ngũ trọc ác thế này, là cái sân khấu trả nợ mà chúng sanh đã tạo ra chung. Nếu có chúng sanh trì đọc tụng kinh này, biết sâu tất cả ảo tướng đều là cái hiện ra của duy tâm, ngũ uẩn vốn không, lục trần chẳng có, chẳng bị vật lay chuyển mà có thể lay chuyển sự vật thì chẳng chịu cái khổ của hư vọng này. Tuy nhiên, muốn liễu duy tâm, cần thiết phải thông sâu bát nhã. Nếu có thể vào sâu bát nhã, hiểu được tất cả các pháp đều là không thì tất cả hư vọng đều tĩnh hết, do vậy nói duy chỉ có bát nhã có thể tịnh nghiệp chướng.
Nguyên văn
Lại nữa, nầy Tu-Bồ-Đề! Như có trang nam-tử, thiện nữ-nhân nào, thọ-trì, đọc-tụng, kinh nầy, lại bị người khinh-tiện; thì những tội nghiệp đã gây ra trong đời trước, người ấy đáng lẽ sẽ phải đọa vào ác-đạo, nhưng bởi trong đời nay, bị người khinh-tiện, nên tội-nghiệp đã gây ra trong đời trước đó, liền được tiêu-diệt, người ấy sẽ đặng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
( Việc khinh tiện rất nhiều, hoặc là đố kị, hoặc sanh kị hiềm, hoặc trong lòng ghi hận mà thêm phỉ báng, hoặc cậy thế mà áp bức bắt nạt, thậm chí thêm đao, gậy, đá, quyền cước đều là khinh thị. )
Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta nhớ lại hồi thuở trước đức Phật Nhiên-Đăng ra đời, vô-lượng vô-số kiếp về quá-khứ, Ta gặp đặng tám-trăm bốn-nghìn muôn-ức na-do-tha các đức Phật, lúc ấy Ta thảy đều hầu-hạ, cúng-dường, không có luống bỏ qua.
( Na do tha : dịch thành tiếng hoa là nhất vạn vạn )
Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có người hay thọ-trì, đọc-tụng kinh nầy, thời công-đức của những người ấy có được, nếu đem so sánh với công-đức cúng-dường các đức Phật của Ta trong thuở trước, thời công-đức của Ta sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn, ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Về đời mạt-thế sau nầy, nếu có trang thiện-nam, người thiện-nữ nào, thọ-trì, đọc-tụng, kinh nầy, công-đức của những người đây đặng, nếu Ta nói đủ hết cả ra, hoặc có kẻ nghe đó, trong lòng liền cuồng-loạn, nghi-ngờ, không tin.
Nầy Tu-Bồ-Đề! Phải biết rằng, vì nghĩa-lý của kinh nầy chẳng thể nghĩ-bàn được, nên quả-báo cũng không thể nghĩ-bàn được!"
Khái luận
Đoạn văn phần trên nói về công đức của việc trì kinh và sự tôn trọng của những nơi nào mà có kinh này. Phần này hiển công đức của việc trì tụng, biểu rõ bát nhã có lợi ích rời khỏi những chướng ngại làm phiền đeo bám. Chẳng những diệt tội mà còn đắc thắng quả. Phân ra để nói, có hai thứ không thể nghĩ bàn, một là đời này có thể trì tụng kinh này thì tội nghiệp của kiếp trước bèn có thể tiêu diệt. Hai là không chỉ có thể tiêu diệt tội nghiệp của tiền kiếp mà còn có thể đắc quả bồ đề. Cái trước hiển báo chẳng thể nghĩ bàn. Cái sau hiển quả chẳng thể nghĩ bàn, và dẫn chứng bản thân Phật Như Lai, trước lúc chưa gặp Phật Nhiên Đăng, tuy cúng dường thừa sự nhiều vị Phật mà công đức chẳng nhiều bằng hậu thế thọ trì đọc tụng kinh này, cho dù là con số vạn ức, ví như cát bụi đều chẳng sánh bằng. ( Đây là lần thứ 5 lấy công đức của việc cúng phật so sánh với công đức của việc trì kinh ).
Lại tuyên bố rằng những trang thiện nam tín nữ về đời mạt thế sau này, nếu có người thọ trì đọc tụng kinh này thì công đức của người ấy có được chẳng gì sánh bằng được. Như Lai kiêm cả việc thuyết pháp cho hàng hạ thừa, cho nên không thể không nói quả báo, khiến cho họ cảm động. Nếu đem công đức này nói ra tường tận, lại e rằng chúng sanh ngưỡng mộ phước lớn, tâm tức cuồng loạn, trái với đạo lí vô tướng vô trụ ở trong kinh, như tin chẳng tin, dẫn đến thành hồ nghi. Cho nên nói, quả báo của kinh nghĩa chẳng thể nghĩ bàn, chẳng qua khiến cho hồi tâm tịch chiếu, mượn pháp mà tu trì, tự rõ tự tánh. Nói tóm lại, Như Lai hiển thị kinh này là một con đường quỹ đạo của phát bồ đề tâm, bồ tát, ma ha tát nên hàng phục tâm như thế, thiện nam tín nữ cũng nên hàng phục tâm như thế, là tuyệt đối chẳng có khác biệt.
Giảng nghĩa
Phật rằng : “ này Tu Bồ Đề ! như có trang thiện nam tín nữ nào có thể thọ trì đọc tụng kinh này, chẳng những không được người trờ cung kính, lại bị người khinh tiện là vì sao ? Đấy chính là vì kiếp trước người đó có tội nghiệp lớn. Đã có tội nghiệp thì đời tương lai nên đoạ vào trong tam ác đạo : địa ngục, ác quỷ, súc sanh mà chịu khổ vô cùng. Nay dựa vào công đức trì kinh, giảm đi tội nghiệp, bởi vì bị người khác khinh tiện cho nên bù trừ. Dần dần tu trì, nhân trừ quả hiện, tội diệt phước sanh, tự nhiên có thể đắc chánh đẳng chánh giác.
Phật lại nói rằng : “ này Tu Bồ Đề ! ta nhớ lại khi xưa, đã trải qua vô lượng số kiếp, lúc trước chưa gặp Phật Nhiên Đăng, ta đã từng cúng dường vô số vị phật, và phật phật đều như nhau, chẳng một vị nào mà ta chẳng chuyên tâm chuyên ý cùng dường. Về đời mạt thế sau này, nếu có người trì tụng đối với kinh này, thấy bổn tánh của mình, vĩnh viễn rời khỏi luân hồi thì công đức mà người ấy có được nhiều hơn gấp vạn vạn lần công đức cúng phật của Như Lai.
Phật lại nói rằng : “ này Tu Bồ Đề ! nếu có trang thiện nam tín nữ nào, về đời mạt thế sau này, thọ trì đọc tụng kinh này, tất đắc công đức vô lượng này là chuyện chắc chắn không còn nghi ngờ gì. Điều này đức Như Lai chỉ là đại khái mà nói, nếu nói đến tường tận thì lớn bao cả trời đất, nhiều hơn cát sông Hằng, e rằng người hạ căn nghe rồi, lớn thì cuồng loạn, nhỏ thì hồ nghi, trái lại xem lời ta nói cho là cuồng vọng mà kinh ngạc sợ hãi.
Phật lại nói rằng : “ này Tu Bồ Đề ! nên biết công đức do nghĩa của kinh, ứng nơi quả báo. Nghĩa lý của kinh vô cùng sâu, chẳng thể suy luận được. Quả báo vô cùng nặng, chẳng thể nói hết được.
Số lượt xem : 413