Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật 1 ) Nói về tên của Kinh
I. Nói về tên của Kinh
Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, một câu tên kinh này dễ dàng giải thích, cho nên chia làm 4 đoạn ( 1 ) Kim Cang, ( 2 ) Bát Nhã ( 3 ) Ba La Mật ( 4 ) Kinh để nói.
(1 ) Kim Cang : Kim Cang hai từ, trong rất nhiều kinh sách giải thích đều nói Kim Cang là Kim trung chi cang ( cái cứng rắn bên trong của kim loại ), có nghĩa là có sự sắc bén có thể chặt đứt. Thực ra thì Ấn Độ và Hào Châu các nơi, quả thật có đá kim cương thế này, là đá quý hiếm có trên thế giới. Nó là một loại khoáng vật, hình dạng trong suốt, có dạng hình nón tám mặt. Khi phơi bày dưới ánh nắng hoặc ánh sáng của đèn, nó sẽ phát ra sắc vàng chói lọi. Tính chất của nó vô cùng cứng và bén, có thể cắt vẽ kính, có thể điêu khắc đá cứng, có thể đả thông tầng đá, có thể khoan mài mọi thứ, là thứ cứng và sắc bén nhất trong vạn vật, cho nên cho nó cái tên gọi là đá kim cương. Nói đến hình dạng ánh bóng trong suốt của nó, thì lại chẳng nhiễm một tí bụi trần. Do đó mà kinh này lấy Kim cang làm đầu, tức là y như lấy sự cứng rắn, sắc bén của nó vậy; Cứng thì trải qua trăm kiếp nghìn sanh, lưu chuyển lục đạo mà giác tánh chẳng hoại. Bén thì chiếu tất cả pháp không, phá vô minh chướng, không có chỗ nhỏ nào chẳng chiếu đến. Nói một cách khác, nghĩa là lấy sự cứng rắn của kim cang để ví von thể của Bát Nhã, lấy sự sắc bén của kim cang để ví von Dụng của Bát Nhã
(2)Bát Nhã : Hai từ Bát Nhã là tiếng phạn, trong rất nhiều kinh sách giải thích đều dịch là hai từ trí tuệ trong tiếng hoa. Nhưng mà nếu chỉ dùng hai từ trí tuệ, rất dễ trộn lẫn với hai từ trí tuệ nói theo cách thông thường, cho nên nên thêm một chữ diệu, có thể tránh sự hiểu nhầm này. Ví dụ như chúng ta thường nói từ Lí, chia nhỏ ra, quả thật có sự khác biệt giữa thô, tế, vi, huyền, diệu. Lí thô rất dễ nói, lí tế phải nói tường tận, lí vi đã khó nói, lí huyền còn có thể nói, đến lí diệu thì không thể nói rồi, cho nên thêm một chữ diệu, dùng 3 chữ diệu trí tuệ tương đối thích hợp.
( 3 ) Ba La Mật : Ba La Mật 3 chữ là tiếng phạn, dịch thành tiếng hoa thì là đến bờ bên kia. Chúng sanh bởi vì chịu sự mê hoặc của một chữ tôi mà ngày nào cũng trong biển khổ của phiền não, chưa thể từ bên trong biển lớn của phiền não sanh tử qua đến mảnh đất thanh tịnh an lạc bất sanh bất diệt, tức là đến bờ bên kia ( ví von tức là thoát khỏi biển khổ ), nhưng mà qua bờ bên kia lại có sự phân biệt đốn tiệm. Đốn nghĩa là mới nghe đại pháp thì biết ngũ uẩn vốn không, lục trần chẳng có, lập tức ngộ được thân tâm mà hiểu rõ đại đạo. Tiệm nghĩa là từ tín mà giải ( hiểu ) , từ giải mà hành, từ hành mà chứng, theo thứ tự tiệm tu ( tu dần ) cũng có thể ngộ nhập. Đốn tiệm tuy khác nhau, nhưng đến bờ bên kia thì là một.
( 4 ) Kinh : từ Kinh giải thích như là con đường, ví như một con đường tu hành.
Nói tóm lại, mục đích của tu hành là ở chỗ độ kỉ độ nhân ( độ bản thân mình và độ người khác ). Chơn tánh của con người vốn là hư linh bất muội, trải qua nhiều kiếp vẫn thường tồn. Tiếc là vì vật dục che lấp, cho nên trầm luân trong biển khổ sanh tử, chưa thể thoát li. Ngã Phật từ bi, đặc biệt nói kinh này để đoạn phiền não của chúng sanh, thoát li biển khổ, đến bờ bên kia, mảnh đất siêu thoát cứu cánh thật sự. Nhưng muốn đạt được mục đích này, không tu đắc diệu trí tuệ thì không thể được, phải tu đắc diệu trí tuệ, không giống với sự cứng rắn, sắc bén ánh bóng của đá kim cương thì không thể được. Nếu có thể chẳng chiêm nhiễm tí bụi trần, đoạn tuyệt tất cả vọng niệm, tự có thể chém tà ma nơi tự thân, diệt trừ yêu quái nơi vạn dặm, dũng mãnh tinh tiến, hiểu rõ tự tánh mà đạt đến bờ bên kia, cùng hưởng khoái lạc với chư phật bồ tát.
II. Nói về lịch sử của Kim Cang Kinh
Kim Cang Kinh, vốn bao gồm trong quyển thứ 577 của Kinh Đại Bát Nhã. Người xưa bình luận quyển kinh này như là Luận Ngữ của nhà Nho, từ hữu tận, lí vô cùng ( từ ngữ thì có giới hạn, nhưng lí trong đó thì lại vô cùng vô tận ). Phật Như Lai giảng kinh Đại Bát Nhã tổng cộng 600 quyển, nơi giảng kinh và số lần Pháp Hội tổng cộng gồm 4 nơi 16 hội. Giảng quyển Kim Cang Kinh này là hội thứ 9 trong 16 hội. Nơi giảng kinh là Vườn Cấp Cô Độc của phía nam thành Xá Vệ thuộc Trung Ấn Độ. Nói đến thời đại này là tương ứng với năm thứ 9 thời Chu Mục Vương của Trung Quốc.
Bốn nơi mười sáu hội
Núi Linh Thứu của thành Vương Xá : 6 hội
Rừng Thệ đa, vườn cấp cô độc của thành Thất La Phiệt : 3 hội
Trời Tha Hóa Tự Tại, ở cung điện Ma-ni bảo tạng : 1 hội
Lại ở Rừng Thệ đa, vườn cấp cô độc của thành Thất La Phiệt : 4 hội
Lại ở núi Linh Thứu của thành Vương Xá : 1 hội
Bên bờ hồ Bạch Lộ, Vườn Trúc Lâm của thành Vương Xá : 1 hội
III. Lịch sử của Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập - người đã dịch kinh này- vào thời Dao Tần
Cưu Ma La Thập ( kumārajīva ) là người ấn độ, cái tên gọi này là tiếng ấn độ, dịch thành tiếng hoa là hai chữ Đồng Thọ. Phụ thân của ngài Cưu Ma là Cưu Ma La Viêm ( Kumarayàna ). Em gái của vua nước Quy Tư là Thập-Bà (Jivà), là mẫu thân của ngài. ( Quy Tư là miền Tây Vực nay thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Hoa ) . Ngài Cưu Ma La Thập xuất thân ở Quy Tư, tên gọi của ngài là do hợp dùng tên gọi của phụ mẫu mà thành, cho nên gọi là Cưu Ma La Thập. Lúc mới lên 7, ngài đã cùng mẫu thân là Thập-Bà du lịch các nơi. Tại nơi Kế Tân của phía bắc Ấn Độ, ngài theo Bàn Đầu Đạt Đa học giáo tiểu thừa. Lại ở tại nước Sơ Lặc, ngài theo Tu Lợi Da Tác Ma học giáo đại thừa. Sau đó, ngài trở về Quy Tư, lại theo Ti Ma La Nghĩa học luật. Từ đây, ngài bèn ở Quy Tư tuyên bố giáo pháp đại thừa. Kiến Nguyên năm thứ 19, vua Tần Phù Kiên sai kỵ binh tướng quân Lữ Quang đánh vào nước Quy Tư, tướng quân Lữ Quang bắt giữ ngài Cưu Ma La Thập, đưa ngài trở về Lương Châu. Khi vừa đến đất Lương Châu thì nghe tin vua Tần Phù Kiên bị ông Dao Trành giết chết, Lữ Giang bèn tự chiếm đất Lương Châu và tự phong mình làm vua là Tam Hà Vương, lập ra nhà Hậu Lương. Sau đó Dao Hưng là con trai của vua Dao Trành cất binh qua đánh, tiêu diệt Lữ Quang và rước ngài Cưu Ma La Thập về Trường An, tôn làm quốc sư và mời ngự tại vườn Tiêu Diêu và lầu Tây Minh để kiểm duyệt lại tất cả kinh điển và dịch kinh.
Pháp sư Cưu Ma La Thập xem xét lại kinh điển thì thấy phần lớn đều sai lệch chẳng đúng với phạm-bản liền cho mời các vị danh tăng như Tăng Triệu, Tăng Duệ, Tăng Lãnh, Đạo Sanh, Đạo Dung, Đạo Hằng, Huệ Quang, Huệ Nghiêm, Đạo Thường, Đạo Phiêu mà được người đời gọi là :”Thập môn, Thập triết” tức là mười nhà, mười vị bác học cùng với các vị Đại đức khác tổng cộng trên 108 người cùng nhau dịch ra các bản kinh, luật, luận mới, 74 bộ, trước sau hơn 390 quyển.
Ngài tịch ở Trường An Đại Tự, vào tháng 8 năm thứ 15 (413) niên hiệu Hoằng Thỉ, Hậu Tần, thọ 74 tuổi. Hai chữ Tam Tạng này là chỉ 3 thứ Kinh, Luật, Luận mà nói. Do bởi ngài Cưu Ma La Thập tinh thông kinh tạng, luật tạng, luận tạng, cho nên người đời sau gọi ngài là Tam Tạng Pháp Sư. ( Những điển tịch về giáo pháp mà đức Phật Như Lai đã nói là kinh tạng. Những điển tịch về giới luật mà đức Như Lai đã nói là Luật Tạng. Những hỏi đáp về pháp tướng mà đức Như Lai đã nói và những nghĩa kinh mà các đệ tử của phật hoặc các bồ tát đã giải thích sau khi phật nhập diệt và những điển tịch về biện luận pháp tướng là Luận Tạng )
IV. Phân chia các phần thuyết giảng của Kim cang Kinh
Toàn bộ Kinh Kim Cang tổng cộng chia làm 32 phần, là do Thái tử Lương Chiêu Minh chia ra. Cổ tạng chân kinh chẳng có sự phân chia các phần thế này. Nay đem 32 phần lại chia làm 3 tầng để thuyết minh, gồm : ( 1 ) Phần lời tựa ( 2 ) Phần Chánh Tông ( 3 ) Phần Lưu Thông.
( 1 ) Phần lời tựa
Phần lời tựa chỉ bao gồm phần thứ nhất. Phần này là nói về nguyên do của pháp hội; nhưng mà phần lời tựa này lại có thể phân thành các phần thông tự, biệt tự. Ta nghe như vầy cho đến 1250 người câu hội là thông tự, đây là điểm chung với những kinh khác. Từ lúc đó, Thế Tôn …sau khi rửa chân xong, đức Phật trải toà mà ngồi là biệt tự, đây là điểm khác với những kinh khác.
( 2 ) Phần chánh Tông
Từ phần thứ 2 cho đến phần thứ 31 gọi là phần chánh tông, hoàn toàn là nói tông chỉ của kinh này.
( 3 ) Phần lưu thông
Là nói lưu thông về đời sau, tức là phần thứ 32 cuối cùng nhất.
Nói về nguyên do của Pháp Hội
Nguyên do của Pháp Hội nghĩa là nói những ngày ấy khi A Nan ghi nhớ kinh. A Nan là một trong mười đại đệ tử của Phật Như Lai. Hai chữ A Nan là tiếng Ấn Độ, dịch thành tiếng hoa là vô nhiễm, lại dịch thành hoan hỷ, lại dịch thành Khánh Hỷ. A Nan đi theo phục vụ Phật Như Lai, ở chỗ của con sông Hê Lan Nhã gần thành Câu Thi Na, Như Lai vào lúc này đã sắp sửa viên tịch. A Nan nhìn thấy thầy sắp lâm mệnh chung, nỗi bi thương trong lòng bèn trào dâng, đứng bên cạnh mà than khóc. Lúc này, đệ tử Tu Bạt Đà La cũng đã đến. Ông ta nhìn thấy A Nan than khóc, do vậy bèn khuyên A Nan rằng, Thầy còn tại thế, chúng ta vẫn còn có thể vấn đạo bất cứ lúc nào, Sau khi Thầy mất, chúng ta không còn cách nào để thỉnh giáo, khóc là vô ích thôi, chẳng thà nhân lúc Thầy vẫn chưa mất, có 4 sự việc, ông có thể mời Thầy chỉ điểm ra cho chúng ta nghe.
Sự việc thứ nhất, chính là sau khi Thầy mất, nên lấy ai làm Thầy
Sự việc thứ hai, chính là sau khi Thầy mất, nên lấy gì để trụ ?
Sự việc thứ ba, chính là sau khi Thầy mất, nên lấy gì làm Pháp ?
Sự việc thứ tư, chính là khởi đầu của Kim Cang Kinh, nên dùng văn tự gì ?
Đối với vấn đề thứ nhất, Phật Như Lai nói nên lấy Ba La Đề Mộc Nghĩa làm thầy. Ba La Đề Mộc Nghĩa là tiếng phạn, dịch thành hai từ giới luật, nghĩa là phải lấy giới luật làm Thầy.
Đối với vấn đề thứ hai, Phật như Lai đáp rằng nên lấy tứ niệm để trụ. Cái gì là tứ niệm ? chính là 4 thứ như sau :
( 1 ) Quán ( xem ) thân chẳng tịnh
Người có ngũ bất tịnh ( 5 thứ chẳng tịnh ) : thứ nhất là chủng tử bất tịnh, thứ hai là chỗ ở bất tịnh, thứ ba là lúc sống bất tịnh, thứ tư là sau khi chết bất tịnh, thứ năm là cứu cánh bất tịnh.
( 2 ) Quán ( xem ) thụ là khổ
Tất cả mọi hưởng thụ của con người đều là khổ đau phiền não.
( 3 ) Quán ( xem ) tâm bất thường
Tâm vô thường của con người không phải là bổn tâm ( tâm vốn có ), do có tâm vọng tưởng cho nên lương tâm thật không thể thực hiện.
( 4 ) Quán ( xem ) pháp vô ngã
Tất cả đau khổ phiền não của con người là do chỉ vì bị mê hoặc bởi một chữ Tôi mà thôi, thật ra thì tất cả mọi vật trên thế giới thật chẳng có Tôi.
Đối với vấn đề thứ ba, Phật Như Lai đáp rằng : mặc bấn. Thì ra, A Nan hỏi lấy gì để làm Pháp, là do lòng tin của các đệ tử trong pháp hội cũng không đều nhau. Nếu gặp phải đệ tử có sự thay lòng, nên quan tâm chăm sóc họ như thế nào ? Cho nên, Phật Như Lai đáp dùng hai từ Mặc bấn. Hai từ này, nghĩa là chẳng màng ngó ngàng đến, chẳng hợp tác.
Đối với vấn đề thứ tư, Phật Như Lai đáp : “ Ta nghe như vầy ”, câu nói này chính là chứng minh kinh văn quả thật chẳng sai, là một phần kể lại chi tiết nguồn gốc của kinh để khởi tín niệm của chúng sanh mạt thế, các kinh điển đều có chung.
Số lượt xem : 627