BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Kim Cang Diệu Nghĩa – Đèn tháp trí tuệ ( Phần 2 )

Tác giả liangfulai on 2023-07-12 15:59:03
/Kim Cang Diệu Nghĩa – Đèn tháp trí tuệ ( Phần 2 )

Kim Cang Diệu Nghĩa – Đèn tháp trí tuệ

( Phần hạ )


11. Cứu cánh vô ngã, nhất thể đồng quán

 

     Phần thứ 17 của Kim Cang Kinh, Phật Thế Tôn lại lần nữa giảng giải phương pháp tu hành của Bồ Tát đại thừa. Người tu hành muốn đạt đến cảnh giới minh tâm kiến tánh, nhất định phải phá trừ ngã chấp và pháp chấp mới có thể đạt đến cứu cánh vô ngã để khôi phục bổn tánh quang minh thanh tịnh, giống với cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát, nhất thể đồng quán, chẳng có khác biệt.

 

Phần trước Trưởng Lão Tu Bồ Đề sau khi thông qua sự chỉ điểm của Phật Thế Tôn về tâm pháp vô thượng nên trụ tâm như thế nào thì đã biết được chỗ của tâm bồ đề, tiếp theo lại hỏi Phật Thế Tôn làm thế nào mới có thể khiến cho tâm bồ đề hàng phục lâu dài chẳng khởi vọng tâm. Phật bảo với Tu Bồ Đề rằng : “ phải sanh tâm như vầy ”, cũng có nghĩa là dựa vào chỗ như thế này ( chủ nhân ông bên trong huyền quan khiếu ) mà sanh tâm, thời thời khắc khắc ghi nhớ kĩ trong tâm, niệm niệm chẳng quên rằng lúc nào cũng dựa vào đạo tâm để dụng sự thì có thể khiến cho tâm bồ đề thường trụ chẳng thoái chuyển. Tiếp theo Phật Thế Tôn đưa ra phương pháp chúng sanh nhất định phải phá trừ ngã chấp và pháp chấp, càng phải dựa vào tự tánh tự độ để đạt đến mục đích cứu cánh vô ngã, minh tâm kiến tánh. Phương pháp này chính là :

 

  1. Chẳng tồn suy nghĩ rằng ta có thể diệt độ
  2. Nhắc lại việc nhất định cần phải trừ sạch hết nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
  3. Nơi pháp chẳng có chỗ đắc, tức là nhấn mạnh rằng tự tánh nhất định cần phải tự độ.
  4. Phật nói tất cả mọi pháp đều là tên giả lập tạm thời, do vậy nên xả bỏ tất cả mọi thứ pháp, liễu ngộ chơn không.
  5. Ví dụ như thân người to lớn, tứ đại giả hợp cuối cùng cũng quy về hoại diệt, chỉ có vô ngã, pháp thân mới có thể thường tồn.
  6. Cứu khổ độ chúng sanh là việc nằm trong bổn phận trách nhiệm mình nên làm, không được chấp trước tướng công đức.
  7. Nên tu trì từ trong cái thanh tịnh vô ngã.
  8. Không được tồn cái tâm ta sẽ diệt độ, cũng không được sanh cái tâm của việc chứng quả.
  9. Chẳng tồn cái tướng trang nghiêm phật độ.

 

Trên là lần thứ 9 Phật Thế Tôn đưa ra yếu quyết phá trừ pháp chấp, ngã chấp; đấy là yếu quyết hàng phục vọng tâm, đạt đến cứu cánh vô ngã, thành tựu Phật, Bồ Tát. Phật Thế Tôn cho rằng bổn tánh của chúng sanh và Phật Bồ Tát đều là như nhau, chứ chẳng có sự khác biệt, chỉ là ở giữa sự mê và ngộ mà thôi. Do vậy, Phật Thế Tôn dựa vào tâm đại từ bi của nhất thể đồng quán, khai đạo chỉ đường cho chúng sanh phá mê sanh giác, mới có thể minh tâm kiến tánh, rời khổ được vui. Phật Thế Tôn lại lần nữa đưa ra vấn đề : “ trong tánh thể của Như Lai, có nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn, pháp nhãn, phật nhãn hay không ? ”. Trên là ngũ nhãn trong phật pháp, là sự minh giác của bên trong bổn tánh, người người đều có, có thể cùng luận với lục thông. Thế nhưng do nguyên linh sau khi đọa lạc ở hồng trần, bổn tánh bị trần duyên làm mê hoặc, vật dục che lấp, cho nên đánh mất đi linh giác ( tánh linh minh giác ngộ ) của tiên thiên mà chúng sanh vốn có. Hôm nay, chúng ta nhận được sự chỉ điểm của Minh Sư, nên khế ngộ vị chủ nhân ông bên trong huyền quan khiếu, lúc nào cũng lấy lương tâm làm chủ, chẳng dựa vào thức thần dụng sự nữa, trừ bỏ đi cái tâm mê, phản quán nội chiếu, bộc lộ ra sự từ bi hỷ xả, hoằng đạo độ người, minh tâm kiến tánh, tự nhiên ngũ nhãn được khai mở thông. Phật Thế Tôn lại chỉ ra rằng người tu hành phải tam tâm chẳng sanh, tứ tướng mới có thể tiêu diệt. Tam tâm là : “ tâm hiện tại, tâm quá khứ, tâm vị lai ” đều không được có, bởi vì tam tâm này trong giới hiện tượng, bất cứ lúc nào đều đang biến hóa, do vậy không được lưu chuyển chẳng ngưng trên tam tâm này. Phàm tất cả mọi sự vật thuộc về quá khứ thì nên như gương soi vật, việc qua rồi thì chẳng tồn, không được để lại bất kì vết tích gì, đấy gọi là tâm quá khứ bất khả đắc. Đối với những tình huống sự việc của hiện tại, nên việc đến thì ứng, việc đi thì tịnh, chẳng thể tồn sự tốt xấu lấy xả mà làm nhiễu loạn bổn tánh, đấy là tâm hiện tại bất khả đắc. Đối với tất cả mọi sự cảnh của vị lai, cũng không được tồn cái tâm ảo tưởng tốt xấu được mất, đấy gọi là tâm vị lai bất khả đắc. Tóm lại, Phật Thế Tôn muốn chúng ta đem chơn tâm đặt ở chỗ trung đạo của “ nên trụ như thế này ”. Lúc này, tam tâm tứ tướng tiêu trừ, tức tâm tức phật, đạo tâm tự nhiên có thể thường trụ chẳng thoái chuyển, có thể giống với cảnh giới của Chư Phật Bồ Tát vậy.

 

12. Pháp giới thông hóa, li sắc li tướng

 

Chương ở trên đức Thế Tôn giảng giải tam tâm bất khả đắc, thế nhưng e rằng chúng sanh phát sanh sự hiểu lầm, tưởng rằng phước chẳng cần phải tu, chúng sanh chẳng cần phải độ rồi, cho nên lại diễn thuyết chương này, khiến cho trí tuệ của người tu đạo tràn đầy, thông hóa vô ngại. Công phu này là phải bắt tay vào từ li sắc li tướng. Cho nên lần thứ 6 Phật Thế Tôn nhắc đến việc dùng thất bảo bố thí để so sánh công đức. Nội dung là như thế này :

 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên đại-thiên để dùng bố-thí. Do nhơn-duyên như thế, người ấy có được phước, có nhiều chăng?"

 

"Bạch đức Thế-Tôn! Đúng thế. Người đó, do nhân-duyên ấy, được phước rất nhiều."

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu dùng phước-đức là có, hữu-vi, thì đức Như-Lai chẳng nói là được phước-đức nhiều. Do vì phước-đức là không, vô-vi, nên đức Như-Lai mới nói là được phước-đức nhiều."

 

Ý của Phật Thế Tôn là phàm là cái tâm chấp trước ở nhân duyên để hành bố thí tu phước đức thường trụ trong lòng, đấy là sự bố thí hữu lậu, cho nên chẳng nói là phước đức nhiều. Nếu có thể chẳng để tâm nhớ đến người mà mình đã bố thí cho, gọi là Không tâm, chẳng tính toán vật mà mình đã thí, gọi là Không vật, chẳng ỷ việc mình có thể thí, gọi là Không ngã, có thể đạt đến tam luân thể không, gọi là “ phước đức là không, vô vi ”, nếu có thể như thế mới là bồ tát thật sự thông đạt cái pháp Vô Ngã, mà công đức thanh tịnh vô vi đắc được ấy vô lượng vô biên, cho nên đức Như Lai nói phước đức mới là thật sự nhiều.

 

Tiếp theo Phật Thế Tôn lại giảng giải lần nữa cái đạo phá tướng hiển chơn, kiến tánh thành phật :

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do sắc-thân cụ-túc, mà thấy được đức Phật chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do sắc-thân cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói sắc-thân cụ-túc, chính chẳng phải sắc thân cụ-túc, đó tạm gọi là sắc thân cụ-túc."

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý ông nghĩ thế nào? Có thể do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai chăng?"

"Bạch đức Thế-Tôn! Không. Chẳng nên do nơi các tướng cụ-túc mà thấy được đức Như-Lai. Bởi vì sao? Vì đức Như-Lai nói các tướng cụ-túc, nhưng chẳng phải cụ-túc, đó tạm gọi là các tướng cụ-túc."

 

Phật Thế Tôn lại đưa ra đạo lý sâu thêm một tầng, muốn kiến tánh thành phật nhất định phải rời xa sắc tướng, bởi vì 32 tướng viên mãn nhất trong sắc thân là báo thân của tứ đại giả hợp nước lửa gió đất, cuối cùng cũng hoại diệt, do vậy không thể dựa vào sắc thân cụ túc ( đầy đủ ) để nhìn thấy được bổn tánh của chúng ta, cũng không thể dùng các tướng cụ túc biến hóa thần thông để kiến tánh, bởi vì 6 loại thần thông là diệu dụng của tự tánh, chẳng phải là bổn thể của tự tánh. Tuy rằng có sức thần thông của các tướng cụ túc, cũng không thể kiến tánh, bởi vì thật tướng của bổn tánh chẳng phải tướng, không thể dựa vào các tướng sắc thân nhục nhãn để nhìn thấy. Nếu có thể hồi quang phản chiếu, rời xa tất cả mọi tướng, từ bổn tánh của bên trong chỗ “ như thế này ” bộc lộ ra đức hạnh thiện mỹ giữa cuộc sống hàng ngày, đấy tức là đạo lý thiết yếu ( con đường nhất định phải thông qua trải qua ) để minh tâm kiến tánh.

 

13. Phi thuyết phi đắc, vô pháp khả đắc

 

     Phật Thế Tôn diễn thuyết phá trừ sự chấp trước của chư tâm, sắc tướng, và sự chấp trước của tự ngã. Tiếp theo lại nói sự chấp trước các pháp cũng nên phá trừ đi mới có thể giải đi sự trói buộc, khôi phục lại tánh thể quang minh thanh thanh tịnh tịnh.

 

Do vậy, phần thứ 21 của Kim Cang Kinh nói rằng : "Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông chớ nói rằng đức Như-Lai nghĩ thế nầy: Ta nên có chỗ thuyết pháp, ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nếu người nào nói rằng: Đức Như-Lai có thuyết-pháp, thời là hủy báng đức Phật, không hiểu được nghĩa-lý của Phật nói.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Thuyết pháp đó chính thiệt không có pháp chi nói được, đó tạm gọi là thuyết pháp."

 

Ý của Phật Thế Tôn là vì để dẫn dắt chúng sanh tự tánh tự độ, do đó chỉ là tạm thời mượn ngôn từ để giải thoát phá trừ khỏi sự ngu mê, hoàn toàn ra từ tự nhiên, trong tâm chẳng có cái niệm đầu thuyết pháp; còn người nghe pháp thật sự cũng không được chấp trước thanh trần đã thuyết ( nói ), cho nên thuyết pháp và nghe pháp cả hai đều quên đi; giác tánh tự có thể càng viên minh thêm. Nếu như chỉ câu nệ ngôn từ, là không hiểu chân đế ( ý nghĩa thật ) của phật pháp. Loại người này chẳng khác gì hủy báng phật. Lại nữa người thuyết pháp chẳng có pháp có thể thuyết, bởi vì thánh đạo của chơn không diệu lý là phải dựa vào sự thể ngộ và thật thà tu hành mới có thể chứng đắc, ví dụ như thầy giáo nói từ “ hỏa ” ( lửa ) chẳng phải là lửa thật sự, nói rằng phong cảnh của Khê Đầu rất đẹp, cũng chẳng phải là phong cảnh của Khê Đầu thật sự, đạo lý cũng là như nhau. Lại nói rằng : “chúng-sanh đó, đức Như-Lai nói chẳng-phải chúng-sanh, đó tạm gọi là chúng-sanh. Bởi vì chúng sanh đều có phật tánh, có một ngày nào đó rồi cũng sẽ kiến tánh thành phật, do vậy chẳng phải là chúng sanh vĩnh viễn. Hiện tại chưa chứng đắc kiến tánh thành phật, chỉ là tạm gọi là chúng sanh mà thôi.

 

Tu Bồ Đề thông qua sự khai thị của Phật Thế Tôn đã triệt ngộ bát nhã diệu pháp là bảo vật của tự gia ( nhà mình ), vốn dĩ chẳng có mất thì từ đâu mà có đắc được, nhưng mà vẫn có chút nghi hoặc, cho nên lại hỏi Phật Thế Tôn rằng : "Bạch đức Thế-Tôn! Đức Phật chứng được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là không có chỗ chi là được sao?"

 

Đức Phật dạy rằng: "Đúng thế! Đúng thế! Nầy Tu-Bồ-Đề! Ta ở nơi Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, cho đến không có chút pháp chi có thể gọi là đắc được, đó mới gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác".

 

Phật Thế Tôn lại nhấn mạnh lần nữa, trong bát nhã chánh pháp vô thượng này, vốn dĩ chính là chẳng có đắc được, vả lại đến cả chút pháp tí ti cũng chẳng có chỗ đắc được, bởi vì nếu có chỗ đắc được tức có chỗ mất, có được có mất, đều là những vật ngoài thân, mà tự tánh vốn dĩ là chơn thể của Ngã ( cái tôi ), vốn dĩ chẳng có mất, vậy thì ở đâu có chỗ đắc, chỉ là khôi phục lại bổn lai diện mục thanh tịnh mà thôi, cho nên mới gọi là bồ đề vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thời nay Nhất Quán Đạo ứng vận phổ truyền, một chỉ của Minh Sư khiến chúng ta khế nhập chơn không, hội kiến ( thấy gặp ) tự gia bồ tát, giải thoát sanh tử luân hồi, ngay lúc ấy thanh tịnh giải thoát, chính là chẳng có chút pháp có thể đắc được, gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Đấy là pháp môn đốn ngộ tối thượng thừa. Do vậy nhờ vào tâm truyền của phi thuyết phi đắc ( chẳng có nói, chẳng có đắc ) , chẳng có pháp có thể đắc khiến cho chúng ta viên mãn tâm tánh, đắc được thanh tịnh giải thoát.

 

14. Tịnh tâm hành thiện, phước trí vô song

 

     Phật Thế Tôn ở phần thứ 3 diệu hạnh vô trụ giảng giải công đức của bố thí chẳng có trụ tướng. Bây giờ lại giảng chơn đế của tịnh tâm hành thiện, phước trí vô song, là muốn chúng ta phá trừ cái vọng tâm của việc hành thiện được phước, nên dùng cái tâm từ bi bình đẳng thanh tịnh vô vi để hành đạo độ chúng mới có thể đạt đến cảnh giới của bồ tát phước trí vô song.

 

Phần thứ 23 tịnh tâm hành thiện nói rằng : “Lại nữa, nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp đó bình đẳng, không có cao, thấp, đó gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Do vì không ngã, không nhân, không chúng-sanh, không thọ-giả, mà tu tất cả pháp lành, liền được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Pháp lành đã nói đó đức Như-Lai nói chính chẳng phải pháp lành đó tạm gọi là pháp lành. 

 

Phần trước phá trừ rất nhiều pháp tướng, ở đây Phật Thế Tôn lại bảo với chúng ta rằng muốn thành phật thì phải tu tất cả mọi thiện pháp, cho nên Phật Thế Tôn bảo với Tu Bồ Đề rằng bát nhã chánh pháp mà ta đã nói tức là bồ đề tự tánh mà mỗi người có đầy đủ. Bồ đề tự tánh này tại Thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm, chúng sanh và phật đồng thể bình đẳng ( là pháp bình đẳng, chẳng có cao thấp ); chỉ cần dựa theo bát nhã chánh pháp để tu trì đều có thể chứng đắc cảnh giới vô thượng chánh đẳng chánh giác, thế nhưng nhất định phải rời xa tứ tướng, từ bỏ sự chấp trước, dựa vào đạo tâm thanh tịnh vô vi để tu trì tất cả mọi thiện pháp, hành công lập đức để trở lại bổn lai diện mục thanh tịnh thì cái chơn tâm của bổn lai có thể hiện ra trước mắt, bồ đề tự tánh nguyên thủy cũng có thể hiển hiện ra. Phật Thế Tôn diễn thuyết đến đây, lại lần nữa nhấn mạnh rằng chúng ta đã làm tất cả mọi việc thiện mà không chấp trước; nếu như chấp trước rồi thì là nhân quả của hữu lậu, không chấp trước mới là bồ tát đạo, bởi vì bồ tát đạo tu trì tất cả mọi thiện pháp đều là sự bộc lộ của bổn tánh tự nhiên, tùy duyên độ hóa chúng sanh; cho nên nói chẳng có thiện pháp gì có thể nói, chẳng qua chỉ là dẫn mê nhập ngộ mới tạm gọi lập cái thiện pháp mà thôi.

 

Tiếp theo Phật Thế Tôn lần thứ 7 đưa ra sự khác biệt giữa phước đức bố thí và phước đức của việc trì kinh giảng nói cho người khác nghe, nội dung là như thế này : “ Nầy Tu-Bồ-Đề! Như trong cõi tam-thiên, đại-thiên, có bao nhiêu núi chúa Tu-Di, nếu có người góp cả bảy thứ báu lại, bằng những núi Tu-Di đó, đem dùng mà bố-thí.

 

Nơi kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật nầy nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v... nếu có người thọ trì, đọc-tụng, giảng nói cho kẻ khác nghe, thời phước-đức của người bố-thí trước, sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến tính đếm thí-dụ đều chẳng bằng được.

 

Ý nghĩa là nói nếu có người góp cả bảy thứ báu lại lớn như núi Tu Di của toàn vũ trụ để hành bố thí, loại phước đức này có thể nói là rất lớn; thế nhưng nếu như lại có người tu trì bát nhã chánh pháp, lại dùng 4 câu kệ quan trọng nhất để thọ trì đọc tụng, lại giảng giải cho người khác, nghĩa là sau khi khai ngộ kiến tánh, lại độ hóa những chúng sanh hữu duyên, sự to lớn vĩ đại của công đức ấy so với phước đức của việc góp cả bảy thứ báu lại bằng những núi chúa Tu Di để bố thí phải nhiều đến mức chẳng cách nào tính toán được, bởi vì dùng tài vật để bố thí, bản thân tài vật chẳng có tự tánh, đều là những phước báo hữu lậu, còn việc độ người tu đạo cùng ra khỏi biển khổ, Nhân Ngã ( người, ta ) cả hai đều quên, đấy là chánh pháp thanh tịnh vô lậu bên trong tự tánh, do vậy có thể phước đức và trí tuệ đều cùng đạt đến, thì công đức chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô biên, do vậy gọi là phước trí vô song.

 

15. Hóa vô sở hóa, pháp thân phi tướng

 

Kim Cang Kinh mãi nhấn mạnh công đức của việc độ hóa chúng sanh, như hư không bốn phía trên dưới, chẳng có giới hạn, không thể cân đo được; thế nhưng độ hóa chúng sanh không được chấp trước tướng công đức, nên ngoài chẳng thấy người mà mình đã độ, bên trong chẳng thấy là mình có thể độ, tự tha ( tự : bản thân mìnhtha người khác ) cả hai đều quên đi thì mới có thể thành tựu đạo nghiệp, gọi là hóa vô sở hóa. Nếu có thể phá trừ đủ thứ loại chấp trước, dần dần đi sâu vào, đạt đến cảnh giới hóa vô sở hóa, pháp thân tức có thể hiển lộ ra ngoài, thì có thể kiến tánh thành phật. Thế nhưng pháp thân chơn không vô tướng, chẳng thể dựa vào tướng để nhìn thấy, không thể dựa vào tướng để quán xem, cho nên nói rằng pháp thân phi tướng ( pháp thân chẳng là tướng ).

 

Cái gì là hóa vô sở hóa đây ? Phần thứ 25 của Kim Cang Kinh nói rằng : “Nầy Tu-Bồ-Đề! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Các ông chớ cho rằng đức Như-Lai nghĩ như vầy: Ta phải hóa-độ chúng-sanh. Nầy Tu-Bồ-Đề! Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì thiệt không có chúng-sanh nào đức Như-Lai độ cả. Nếu có chúng-sanh mà đức Như-Lai độ đó, thời đức Như-Lai còn có tướng ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả.Nầy Tu-Bồ-Đề! Đức Như-Lai nói có ngã đó chính chẳng phải có ngã, mà kẻ phàm-phu lại cho là có ngã.

Nầy Tu-Bồ-Đề! Phàm-phu đó, đức Như-Lai nói chính chẳng phải phàm-phu, đó tạm gọi là phàm-phu.

 

Ý của Phật là Như Lai ta đang thuyết pháp độ hóa chúng sanh, trên thực tế thì trong tự tánh của ta vốn chẳng có sự tồn tại của Ngã kiến và Ngã tướng, bởi vì chúng sanh đều có phật tánh, chúng sanh đều có thể kiến tánh thành phật, đều là tự tánh tự độ. Phật pháp tuy rằng có tám vạn bốn nghìn pháp môn, thế nhưng đều là nhấn mạnh muốn chúng ta tự tu tự ngộ, tự cầu giải thoát, tự mình được cứu, tự tánh tự độ, ai cũng chẳng cứu nổi bạn, ai cũng chẳng thể tu thay cho bạn, càng chẳng có cách nào giúp cho bạn thành phật; tất cả đều phải do chính bản thân mình làm; khi tu chứng đến giác hành viên mãn, đạt đến cái Vô Ngã ( chẳng có cái tôi ) thật sự, vậy thì thành công rồi. Tất cả phàm phu đều có phật tánh, đều có thể tu đạo thành phật, do vậy chẳng phải là vĩnh viễn gọi họ là phàm phu, chỉ là hiện tại vẫn mê muội chưa tỉnh, luân hồi lục đạo, cho nên tạm gọi là phàm phu. Chúng ta nên gọi thức tỉnh họ, tự tánh tự độ mới có thể được cứu. Phật lại nhấn mạnh lần nữa rằng pháp thân phi tướng, tự tánh là một đoàn hư linh, giống như Đại Thừa Đồng Tánh Kinh đã nói : :「如來真法身者,無色、無觀、無著、不可見、無言說、無住處、無相、無生、無滅、無譬喻。」 “ Pháp thân thật của Như Lai vô sắc, vô quán, vô trước, bất khả kiến, vô ngôn thuyết, vô trụ xứ, vô tướng, vô sanh, vô diệt, vô thí dụ ”.

 

Ở trên đã đem bổn thể của tự tánh nói rất tường tận, cho nên không thể chấp trước 32 tướng để quán thấy bổn tánh, do vậy nói kệ rằng :

Nếu dùng sắc thấy ta,

Dùng âm thanh cầu ta,

Người ấy hành đạo tà!

Chẳng thấy được Như-Lai.

 

Tà đạo : tức là ngoại đạo. )

Phật lại lần nữa phá trừ những pháp tu thuật lưu động tĩnh hữu hình hữu tướng, những cái ấy đều là ( chấp ) trước tướng tu hành, đều chẳng thể nhìn thấy bổn tánh thanh tịnh của chúng ta. Nhất Quán Đạo ứng vận phổ truyền, mượn nhờ một chỉ của Minh Sư chỉ ra tự gia bồ tát, khiến cho chúng ta đạt cảnh giới chân không diệu hữu, từ bỏ tất cả mọi âm thanh sắc tướng, tức rời xa tất cả mọi hình tượng ngôn ngữ, phải tự ngộ tự chứng, hành ngoại công tu nội đức để khôi phục bổn lai diện mục thanh tịnh, dựa theo trí tuệ từ bi của Phật Thế Tôn để tu bàn, noi theo cái tâm quang minh hào hiệp cao thượng của Di Lặc Tổ Sư, bụng lớn có thể bao dung, miệng cười thường mở thì bổn tánh tự nhiên viên dung vô ngại, giải thoát tự tại, chính là chỗ diệu đế của Phật Thế Tôn diễn thuyết Kim Cang Kinh.

Số lượt xem : 272