BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Câu Chuyện

Tác giả liangfulai on 2022-03-30 21:31:26
/Câu Chuyện


- Thưa đại đức! Trẫm có nghe đại đức nói nhiều lần rằng bậc A-la-hán không còn một sự sợ hãi nào trên thế gian này, kể cả sợ hãi sự chết! Vì các nguyên nhân của sợ hãi các ngài đã chấm dứt, đã tuyệt diệt, có phải thế không ạ?



- Tâu, vâng!


- Trẫm có đọc một đoạn kinh , đại ý rằng: khi Đức Thế Tôn, năm trăm vị A-la -hán cùng đại đức Ànanda đi vào thành Vương-xá để khất thực, Đề-bà-đạt-đa với ác tâm, bèn thả con voi dữ uống rượu say cố ý giết Phật. Năm trăm vị A-la-hán thấy con voi như điên cuồng lao tới, các ngài sợ hãi quá bỏ trốn hết; chỉ có đại đức Ànanda là không sợ hãi gì cả, bước đến, đứng chắn phía trước, cố ý thà chết để bảo vệ cho Đức Thế Tôn! Phải vậy không, thưa đại đức?
- Tâu, vâng!
- Sao kỳ lạ như thế! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc vô lậu, đã chấm dứt mọi nguyên nhân của sợ hãi; lại tham sống sợ chết, thấy voi dữ, bỏ trốn hết, để Đức Thế Tôn đứng đấy một mình! Còn đại đức Ànanda là bậc hữu học, phiền não còn nhiều, nguyên nhân của mọi sợ hãi chưa được cắt đứt; thế mà ngài lại không hề sợ hãi, chẳng tiếc sanh mạng của mình, hy sinh cái thân giả tạm để che chắn cho Đức Đạo Sư? Hay năm trăm vị A-la-hán ấy tò mò, muốn biết, muốn thấy Đức Thế Tôn sử dụng thần thông, phép lạ ra sao? Lý nào lại thế được?


- Vâng, chẳng có lý nào mà năm trăm vị A-la-hán còn tò mò, khởi tâm muốn thấy, muốn biết phép lạ, thần thôngcủa Đức Thế Tôn. Quả thật không hề có chuyện đó xảy ra!


- Nếu là không có lý thì đại đức phải giải thích cho minh bạch chứ?


- Vâng! Quả đất hoặc như tối đại sơn là đỉnh Sineru có khi nào lay động, sợ hãi bởi điều gì không, hở đại vương?


- Dĩ nhiên là không! dù cho ai cuốc, ai đào, ai đánh, ai đập, ai dùng lửa đốt, thì quả đất hoặc núi Tu-di vẫn không lay động, không sợ hãi bao giờ.


Quả đất hoặc núi chúa không lay động, không xao động, không sợ hãi bất cứ một điều gì; cũng giống như tâm bất động, trạm nhiên của các bậc A-la-hán vậy, tâu đại vương. Dù có một số đông người, tay nắm xà-mâu sắc bén, vây quanh một vị A-la-hán với thái độ rất hung dữ, đằng đằng sát khí, muốn giết vị A-la-hán ấy; cũng không vì vậy mà vị A-la-hán tỏ ý khiếp sợ hoặc có một sự dao động, xao động nào ở trong tâm. Đại vương nên hiểu như vậy.
- Nói thế cũng không biện hộ được cho thái độ hèn nhát, khiếp nhược của các vị A-la-hán khi họ tham sống, sợ chết, bỏ trốn lấy thân mình mà bỏ mặc Đức Đạo sư ở lại đấy với voi dữ!
- Đại vương nói như vậy hơi nặng lời! Đại vương hãy sám hối đi là vừa!

Đại vương có biết khi ấy các vị A-la-hán suy nghĩ gì không?
- Thưa, không biết!
Không biết thì đừng võ đoán! Hoặc chỉ nhìn thấy bên ngoài, chưa thấy sự thật ở bên trong thì đừng vội quy kết! Năm trăm vị A-la-hán đều là bậc lậu hoặc đã tận, mọi nguyên nhân của cái gọi là hèn nhát, khiếp nhược gì đó đã chấm dứt. Khi thấy voi dữ xông đến, các vị ấy tâm ý tương thông, đồng khởi niệm như sau: "Đức Ànanda suốt đời tận tụy, kính cẩn, thương yêu phục vụ, hầu hạ Đức Thế Tôn, thật trong hàng đệ tử chẳng ai dám sánh. Rõ là đức Ànanda sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ cho Đức Thế Tôn mà chẳng khởi lên một tí sợ hãi nào. Vậy tất cả chúng ta hãy lánh đi, để bố cáo những đức tính cao quý sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng của đức Ànanda; cho tứ chúng cùng tất thảy mọi người trong nhiều quốc độ được thấy, được biết! Còn việc đối trị với voi dữ chỉ là trò trẻ con đối với Đức Tôn sư! Chỉ có Đức Tôn sư mới biết rõ ngài nên làm gì!"
Đức vua Mi-lan-đà giật mình, kinh sợ:
- Quả các ngài ấy đã nghĩ như vậy sao?
- Quả đúng thế, đại vương!
- Vậy là trẫm có tội rồi! Làm sao sám hối cho hết cái tội võ đoán, loạn ngôn, lộng ngữ của trẫm đây, đại đức?

Đại đức Na- tiên mỉm cười:
- Nói thế chứ đại vương không có tội! Bần tăng hiểu rõ tâm ý của đại vương, là chẳng có sự khi mạn nào đối với các bậc Thánh Tăng! Sở dĩ đại vương lập ngôn, lập ngữ như thế là lợi ích cho phần đông, có vậy mới lột tả được cái "phản diện" của vấn đề!
Đức vua chợt thốt "Sàdhu, lành thay" rồi quỳ xuống đảnh lễ thật cung kính:

- Chỉ có sự thông tuệ của đại đức mới hiểu được dụng tâm sâu kín cuả trẫm!

- Không dám!

 

Bài học kinh nghiệm rút ra :

 

Chớ dùng dạ Phàm nhân,

Để đo lòng Hiền Thánh,

Thật giả thường lẫn lộn,

Duy dùng “tuệ nhãn” phân.

 

Chớ tin vào ý niệm,

Nơi tự bản thân mình,

Vọng tâm thường tự dối

Lấp tánh khởi vô minh.

 

Huống hồ các hiện tượng,

Tướng vật việc ngoài thân.

Phàm có tướng đều vọng

Chấp tướng loạn tâm mình.

 

Tự tánh thường soi quán,

Vọng niệm nơi tâm mình,

Thấu ngộ đâu thật giả ?

Lỗi người tức lỗi mình.

 

Nơi người chẳng thấy lỗi,

Không chấp tướng vọng hình,

Thì liền gần với đạo,

Thật giả liền khả phân.

Số lượt xem : 1355