Vô Ngữ Thoại Thiền Tâm ( Từ Huấn của Nguyệt Tuệ Bồ Tát )
Thiền, dựa theo kinh nghiệm mà nói, đấy là sự linh chiếu của tự tánh. Dựa theo cảnh giới mà nói, đấy là chân không diệu hữu chẳng thể nói chẳng thể nghĩ bàn.
Dựa theo nội dung mà nói thì lại là Như Lai Chân Tạng đại nhi vô ngoại, tiểu nhi vô nội ( lớn đến nỗi không có vật gì ở bên ngoài nó, nhỏ đến mức chẳng có vật gì nằm bên trong nó ) , là viên đá đặt nền của tất cả mọi giáo nghĩa, là mẫu thai của tất cả mọi tư tưởng. Thật ra khi người ta dùng những “ văn tự hình dung ” như thế để đi tiếp xúc “ thiền ”, thì không tránh khỏi lại phải đánh mất chuẩn đầu ( tính chuẩn xác ), rơi vào chướng ngại.
“ Thiền ” là cái gì ? “ Thiền ” chẳng phải là một thứ kinh nghiệm, cũng chẳng phải là một thứ cảnh giới, càng chẳng phải là một thứ chủ nghĩa. “ Thiền ” một chút cũng chẳng thần bí, thiền chỉ là thiền, chẳng nhiều cũng chẳng ít, người người đều có đủ, người người chẳng khiếm khuyết. Chỉ có từ trong sự thể ngộ trực tiếp của thiền mới có thể biết “ thiền tức là tâm phật ”, là phải trực thấu lúc phật tổ Thích Ca “ hoắc nhiên đại ngộ, thành vô thượng chánh đẳng chánh giác ”, 「境物」“ cảnh vật ” mà đã ngộ đã giác; là phải trực tiếp tra cứu tất cả mọi đầu nguồn. Thiền, Đạo, Phật, Bổn Lai, khác tên cùng ý. Trung tâm của nghĩa Phật là “ Ngộ ”, Thiền cũng chẳng ngoại lệ. Ngộ là mục đích của sự tham thiền, kinh rằng : “ lí có thể đốn ngộ, sự thì phải tiệm tu ”.
Thiền tuy rằng nhấn mạnh chú trọng “ Ngộ ”, thế nhưng càng xem trọng việc thật tu, do vậy mà Ngộ chẳng bằng với “ Thiền ”; “ Thiền ” cũng chẳng bằng với “ Ngộ ”; nếu không, chẳng xem trọng việc thật tu, thì thành khẩu đầu thiền ( thiền nói xuông, nói mà không thực hành được ) chẳng có chút ích gì, mất đi cái bổn ý tham cứu rồi !
Lục Tổ Huệ Năng vốn nơi lí niệm “ ứng vô sở trụ nhi sanh kì tâm ” của Kim Cang Kinh chỉ ra rằng tâm niệm vẫn có thể hoạt bát, chỉ là chẳng trước tướng mà thôi. Cái gương có thể soi vạn vật, nhưng lại chẳng dính một vật gì. Cùng lúc đối với tất cả mọi thứ của ngoại cảnh thảy đều chẳng có cái tâm phân biệt, tự tánh giống như cái gương vậy, lúc thiện đến, soi (ứng ) tỏ cái thiện ấy, lúc ác đến, soi ( ứng ) ra cái ác ấy; mà thể của gương trước sau rốt cuộc vẫn chẳng bị ô nhiễm. Người tham thiền phải đả phá sự chấp trước cái công phu của ngoại tu, mà nhấn mạnh việc dụng công phu trên tâm địa. Cái công phu của ngoại tu là mượn nhờ vào cái từ bên ngoài mà khiến cho tâm niệm chẳng động, đấy là thuộc về nhân vi ( không tự nhiên ) đấy, do vậy mà chỉ có thể có hiệu quả ngắn tạm. Công phu của tâm địa vẫn là từ trí tuệ của minh tâm kiến tánh, để khiến cho tâm địa chẳng bị sự ô nhiễm của tất cả vọng niệm. Đấy mới là chơn công phu vĩnh hằng một cách tự nhiên.
Lục Tổ Huệ Năng nơi công phu của thiền càng chú trọng phiền não tức bồ đề. Do đó chẳng cần phải sợ những vọng niệm, lúc có vọng niệm thì vừa đúng lúc soi ra nó là vọng niệm. Cũng chẳng cần phải né tránh phiền não; có phiền não thì vừa đúng lúc giác ra rằng nó là phiền não. Như thế thì công phu trên tâm địa mới có chỗ bắt tay vào. Lúc này vấn đề là ở chỗ làm thế nào đi dụng công phu; chỗ quan trọng nhất của công phu này chính là ở chỗ trước tiên phải có thể “ giác ”; sau khi có thể “ giác ”, thì vọng niệm tự nhiên chẳng nhiễm, cho dù là có phiền não thì cũng sẽ chuyển thành bồ đề, chớ nếu không, chẳng có trí tuệ ( giác ) mà muốn đoạn dứt vọng niệm, thì kết quả là bất cứ hiện tượng nào cũng đều biến thành vọng niệm, nhìn thấy gió thổi cỏ động đều tưởng là binh địch ( lo sợ nghi ngờ hão huyền ), chẳng vọng cũng cuồng đấy.
Thiền là bổn tâm, hiển lộ rõ ràng chỗ nào cũng đều là thiền, lời văn khó biểu đạt, duy chỉ có giác có thể hiểu. Cái tánh của trời ban phú là thể của cái thiền này, người người vốn có, quay đầu thì là, các Tu Tử có thể hiểu trong sự vô lời không ?
Ngộ Duyên : Đệ tử khấu thỉnh Sư Mẫu đại nhân thánh an ! Theo như đệ tử biết, cái mà thiền quan tâm chú trọng là : “ ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt ”, mà đại bộ phận các công án tham thiền phần lớn đều chọn dùng phương thức vô tình thuyết pháp, dùng để khám phá lời nói và tâm thức của người ta mà trực hiển bổn giác. Thế nhưng những chúng sanh hữu tình thời mạt pháp căn cơ cạn nhỏ, nhất thời chẳng cách nào lĩnh hội được thiền ý, dẫn đến khiến cho thiền pháp đại thừa chẳng được hiệu lực. Đệ tử khẩn thỉnh Sư Mẫu đại nhân nhân cơ duyên này, nơi chỗ phương tiện quyền nghi, sơ lược khai thị chỗ ứng hợp của thiền tâm để dẫn cái tuệ tu thiền !
Sư Mẫu : Thiền cơ tồn tại phổ biến khắp nơi, ngộ ở lĩnh hội, lời nói khó biểu đạt rõ. Nay Ngộ Duyên nếu đã có tấm lòng này, ta bèn ứng duyên cũng được ! Con bèn hãy dùng văn nói để lược thuật lại vài mẫu công án thiền tông để tiện cho quyền nghi thuyết pháp !
Ngộ Duyên : Đệ tử cung kính lãnh Thánh Dụ !
Lúc xưa nhị tổ Huệ Khả hỏi Sơ Tổ Đạt Ma rằng : “ xin thầy hãy an tâm cho con ”.
Đạt Ma Tổ Sư bèn hỏi ngược lại : “ Tâm của con ở chỗ nào ? hãy đem lại đây, ta sẽ an tâm cho con ”.
Lát sau … Huệ Khả nói rằng : “ con tìm kiếm đã lâu, thế nhưng tìm chẳng ra tâm đâu ”.
Đạt Ma Tổ Sư rằng : “ Ta đã an tâm cho con rồi đấy ”.
Xin Sư Mẫu Đại Nhân sơ lược khai thị thiền cơ trong ấy.
Sư Mẫu : cái tâm mà Tổ Sư Huệ Khả bạt mạng muốn đi tìm, đi an vốn chẳng phải là chơn tâm, mà là vọng tâm. Chơn tâm là chủ thể, như như bất động, vĩnh hằng thường an. Giả như người ta hễ nghĩ đến nó, hoặc là khi tính nắm bắt lấy nó, bèn chẳng phải là chủ thể, mà là khách thể đấy, đương nhiên cũng chẳng là chơn tâm nữa. Đạt Ma Tổ Sư sở dĩ khiến Huệ Khả lấy tâm ra, chỉ là muốn bản thân ông ấy phát hiện ra cái mà gọi là “ tâm ” là hư ảo đấy, như thế do loại chỉ điểm bất ngờ này của Sơ Tổ đã gọi tỉnh trực quán ( trực giác ) của nhị tổ Huệ Khả mà đã liễu ngộ được chơn tâm của chính mình.
Ngộ Duyên : Thì ra là như thế, phiền não là bồ đề, bồ đề chẳng phải là phiền não, chỉ khác ở Giác và Mê mà thôi. Diệu ! Diệu !
Trong quyển Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi chép một công án này :
Long Đàm nói với Đạo Ngộ rằng : “ Từ ngày con vào đây đến nay, chưa từng được nghe qua thầy chỉ tâm yếu ”.
Đạo Ngộ nói rằng : “ Từ ngày ngươi vào đây, ta chẳng có một thời một khắc nào mà chẳng đang chỉ dạy tâm yếu cho ngươi ! ”
Long Đàm chẳng tỏ vẻ đồng ý, do vậy bèn hỏi : “ Thầy đã chỉ dạy ở chỗ nào ? ”
Đạo Ngộ trả lời rằng : “ Ngươi có thể hồi tưởng lại một cái : ngươi dâng trà lên, ta vì ngươi mà tiếp; người đem cơm đến, ta vì ngươi mà nhận; ngươi hành lễ xá lui ra thì ta gật đầu; đấy chẳng phải là chỗ nào cũng đều đang chỉ dạy tâm yếu cho ngươi sao ? Sao có thể nói là ta chẳng có chỉ dạy ? ”
Long Đàm cúi đầu im lặng suy nghĩ rất lâu. Lúc này Đạo Ngộ lại nói : “ ngộ thì thẳng đó liền ngộ, suy ngẫm liền sai khác ”.
Qua câu nói đó, Long Đàm đã khai ngộ, liền hỏi thêm : “ làm sao giữ gìn phần ngộ cảnh này đây ? ”
Đạo Ngộ rằng : “ đơn giản dễ dàng thôi, chỉ cần thuận theo tự tánh của ngươi, mặc cho nó tiêu dao mà rong chơi; ứng với tất cả mọi ngoại duyên, phóng khoáng mà hành, dựa theo cái tâm bình thường chớ chẳng có sự phân biệt thánh phàm thì được rồi ”.
Mẫu công án này chỉ dạy ngộ đạo từ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, rất thích hợp để làm tham chiếu cho các Tu Tử của thời đạo giáng hoả trạch ( thứ dân ). Khẩn thỉnh Sư Mẫu đại nhân khai thị thiền cơ trong ấy !
Sư Mẫu rằng : Tu đạo vốn chẳng cần bất cứ hành vi gì khác với người bình thường, chỉ cần trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày trải việc luyện tâm, lâu dần rồi tự có thể ngộ đạo. Khai ngộ là như thế, phương pháp gìn giữ cũng là như thế. Đạo là cái lí cực bình thường, chớ chẳng cần làm kinh hãi thế tục ( lời nói hành vi khác người, khiến người ta cảm thấy đặc biệt kinh ngạc quái lạ ). Kinh Kim Cang viết rằng : “ Lúc đó, gần đến giờ ăn, đức Thế-Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá-Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, đức Phật theo thứ tự, ghé từng nhà, khất-thực xong trở về Tịnh-Xá, dùng cơm, rồi cất y-bát, sau khi rửa chân xong, đức Phật trải tòa mà ngồi. ” Từ đây có thể biết cuộc sống sinh hoạt của Phật Tổ cũng chẳng khác với người thường.
Điều này có thể cho một số những người theo đuổi những cái huyền dị một sự chỉ thị : “ hãy ngộ đạo từ trong cuộc sống sinh hoạt ”. Sách Trung Dung rằng : “ 道 不 遠 人. 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道. ” « Đạo bất viễn nhân. Nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo.» ( Dịch nghĩa : Đạo trời không xa người. Đạo luôn gần gũi người đời. Những ai lập đạo xa vời chúng nhân, hiếu kỳ, lập dị, là nhầm, chẳng thể là đạo. ) Do vậy mà đạo ở trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Các Tu Tử hiện có thân người. Chỉ cần hành theo tự tánh phật, thì khi ứng duyên chắc chắn là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Do đó mà phật tánh người người được trời ban phú mà có, chỉ cần ngộ điều này, làm điều này thì mọi thứ thảy đều đủ cả ! Có câu nói rằng : “ nhân đạo thành, thì thiên đạo cũng viên mãn, các Tu Tử còn cầu cái gì nữa ?
Ngộ Duyên : khấu tạ ân khai thị của Sư Mẫu đại nhân.
Trong Truyền Đăng Lục có ghi chép thuật lại khi Động Sơn giả từ thầy là Vân Nham Đàm Thạnh để lên đường vân du, trong lòng hãy còn bất an. Một hôm đang lội qua một khúc sông, chợt nhìn thấy bóng mình trên mặt nước, đốn thời đại ngộ, cảm thấy như gặp được khuôn mặt thật sự của mình. Hôm đó đối với ông là một ngày rất đặc biệt nên ông đã làm bài kệ Quá Thủy để ghi lại sự kiện nói trên:
「 切忌從他覓,迢迢與我疏。
我今獨自往,處處得逢渠:
渠今正是我,我今不是渠,
應須恁麼會,方得契如如。」
“Thiết kỵ tùng tha mịch, Thiều thiều dự ngã sơ.
Ngã kim độc tự vãng. Xứ xứ đắc phùng cừ.
Cừ kim chính thị ngã. Ngã kim bất thị cừ.
Ưng tu nhậm ma hội. Phương đắc khế như như”
Dịch nghĩa :
“ Rất kỵ tìm nơi khác, xa xôi bỏ lảng Ta
( bỏ lảng : không gần gũi, lơ đễnh, không chú ý ),
ta nay riêng tự đến, nơi nơi đều gặp y.
Y nay chính là ta, Ta nay chẳng phải y
Phải nên hiểu như thế, mới khế hợp Như Như.
Khấu thỉnh Sư Mẫu Đại Nhân khai thị thiền cơ trong đó.
Sư Mẫu rằng : Như Như trong bài kệ này tức là chỉ Tự Tánh và Chơn Ngã ( cái tôi thật ), cũng tức là “ Thường Đạo ” bên trong Đạo Đức Kinh.
Đại ý của bài kệ này là chỉ : cái gọi là tự tánh và chơn phật chính là bản thân ngươi; nếu đã là bản thân ngươi thì tự nhiên chẳng cần hướng ra bên ngoài mà theo đuổi tìm cầu, nếu không thì tự tánh sẽ rời bản thân mình càng lúc càng xa. Quay trở về bổn tâm, nương về cái giác của Một, đương nhiên chỗ nào cũng đều có thể nhìn thấy được sự bộc lộ của tự tánh, mà nói nơi nơi đều gặp y.
Còn về phần “ Y nay chính là Ta, Ta nay chẳng phải Y ” cớ sao lại trước sau mâu thuẫn ? Bởi vì Động Sơn nhìn thấy cái bóng của chính mình trong sông nước, bởi vì cái bóng ấy chính là “ Ta ”, từ đấy đã nhìn thấy cái bổn lai diện mục của chính mình, do vậy mà đại ngộ. Thế nhưng mà cái bóng ở bên ngoài chẳng thể thường trụ, do đó mà phải duyên diệt liền qua, mau vội buông đi. Giả như vẫn chấp trước cái bóng là mình mà chẳng chịu buông, vậy thì rơi vào “ Ngã Chấp ”. Do đó nói : “ Y nay chính là Ta, Ta nay chẳng phải Y ”.
Số lượt xem : 1102