BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Vì sao nói ái dục là nguồn gốc của khổ ?

Tác giả liangfulai on 2022-03-30 07:53:49
/Vì sao nói ái dục là nguồn gốc của khổ ?

Vì tâm khởi lên ái dục đối với một ai đó, cũng ví như tâm khởi lên sự yêu thích đối với một món hàng nào đó và khao khát làm chủ sở hữu món hàng ấy, có điều là món hàng thì vô tâm, nhưng người thì hữu tâm, mà tâm mỗi người mỗi khác, “tâm viên ý mã” vọng tâm rất nhiều, đến nỗi thậm chí ngay cả đến tự bản thân người ấy còn chẳng thể làm chủ nổi cái tâm lăng xăng của chính bản thân, huống chi là mình lại muốn làm chủ kiểm soát cả thân tâm của người ấy, đó càng là chuyện không tưởng.


Khi khởi lên tâm ái dục đối với một ai đó và muốn làm chủ sở hữu người ấy, nhưng tâm của người ấy lại không thuộc về mình, tất người ấy chẳng thuộc sở hữu của mình, thế là “cầu bất đắc khổ”. Khi dục vọng khởi lên mà lại chẳng thể được đáp ứng, thì cũng ví như đang cơn thèm đói khát mà lại chẳng được ăn, đấy là cái khổ thứ nhất.

Khi yêu thương quan tâm đến một ai đó, thì lại thường bận lòng phiền não nghĩ đủ mọi cách để làm hài lòng, vui lòng người đó, cho đến sẵn lòng nhẫn chịu những tánh khí thói hư tật xấu của người đó, chẳng khác gì như người hầu luôn phải cố gắng hết mình làm hài lòng chủ nhân, phải hạ mình cho đến mất cả lòng tự trọng, đấy là cái khổ thứ hai.

Khi yêu thương quan tâm đến một ai đó mà lại chẳng được đáp ứng lại tình cảm, bèn sẽ dễ khởi lên tâm niệm tự ti, hụt hẫng, cảm giác như bị xúc phạm, hoặc thậm chí là ôm lòng ghét hận. Đấy là cái khổ thứ ba.

Còn như khi tình yêu thương đã được đáp lại, thì tâm lại vừa hạnh phúc tột cùng, lại vừa lo lắng bất an vì sợ được rồi một lúc nào đó lại sẽ bị mất đi, như nỗi lo bị người khác cướp giật mất một món đồ quý báu của mình vậy, thế nên ngày lo, đêm lo, thời thời khắc khắc mãi âu lo, tưởng nhớ, hoang tưởng vu vơ. Lại nữa, đi kèm song song với ái dục luôn là trách nhiệm gánh vác cuộc đời, kinh tế đối với người mình yêu thương, cả những lúc bình an mạnh khỏe lẫn những khi ốm đau hoạn nạn. Đấy là cái khổ thứ tư.

Khi tâm khởi ái dục sâu nặng thì ngọn lửa dục khát khao cháy bỏng muốn được sở hữu người đó sẽ thiêu đốt lương tâm và sinh mệnh của bản thân, cho đến cả sinh mệnh của người khác, sẵn sàng không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được, cho dẫu người ấy đã có “ chủ sở hữu “, từ đó có thể dẫn đến cuộc chiến khốc liệt đổ máu với “ tình địch “, tạo nên mối oán thù sâu nặng lũy kiếp, gieo xuống ác nghiệp đau thương oan oan tương báo vô cùng tận. Khi tâm ái dục khởi sẽ che lấp hết trí tuệ khiến người làm ra những chuyện đồi bại trái với thiên lý lương tâm để rồi phải chịu quả báo khổ đau vô cùng tận, đó là nỗi khổ thứ năm.

Tâm ái dục càng sâu nặng thì nỗi khổ sẽ càng sâu nặng, từ một sinh hai, từ hai sinh ba, từ ba sinh mãi cho đến vô cùng tận, ngày này tháng nọ năm kia, gốc rễ ái dục càng bám sâu trong ruộng thức càng vững chắc bao nhiêu thì càng trổ nhiều quả khổ luân hồi bấy nhiêu, càng nhiều các ân oán nợ thù phải trả nhau mãi không hết. Vậy nên nói ái dục chính là nguồn gốc của mọi đau khổ.

Chuyển hóa ái dục tình cảm đôi lứa cá nhân ích kỉ hữu vi thăng hoa lên thành tình yêu thương vĩ đại rộng lớn thanh tịnh trong sáng vô vi cho đến trải rộng khắp tất cả muôn loài chúng sinh, tức niệm niệm vì chúng sinh, chính là cách để chuyển khổ thành vui, chặt đứt gốc rễ phiền não sinh tử luân hồi. Đây cũng chính là công phu, là bài tập khó nhất, là ải cuối cùng của tất cả mọi người tu đạo.

Sông yêu ngàn thước sóng

Sóng phiền não muôn trùng

Gió nghiệp thổi từng đợt

Vùi người khởi dục tâm.

 

Luân hồi trong sanh tử

Chìm bể khổ mênh mông

Đều vì tâm ái dục

Khiến người khó “ sang sông ”.

 

 

Trong cuộc đời mỗi người, sẽ có hai đối tượng nhân vật quan trọng xuất hiện :

Đối tượng thứ nhất là người dẫn nhập vào biển ái dục phiền não sinh tử luân hồi, dùng sợi dây gông cùm tình ái trói xiết mình lại thật chặt, biến mình thành nô lệ cam tâm tình nguyện hy sinh phục vụ cả đời.

Đối tượng thứ hai là người dẫn xuất lìa khỏi biển ái dục phiền não sinh tử luân hồi, chỉ dẫn phá gỡ mọi xiềng xích gông cùm, hướng mình trở lại vị trí chủ nhân, trở thành bậc Thánh Phật cao quý danh giá.

Hai đối tượng này sớm muộn gì rồi cũng sẽ xuất hiện trong cuộc đời mỗi người, chỉ có điều là đối tượng thứ nhất thì trong muôn kiếp luân hồi đều nhất định sẽ gặp, duy có đối tượng thứ hai thì lại phải trải qua muôn kiếp luân hồi đau khổ và khát khao nguyện cầu con đường giải thoát rồi mới được gặp. Điều đáng tiếc là phần lớn chúng sinh vẫn thích gặp đối tượng thứ nhất hơn là đối tượng thứ hai, nên dẫu có gặp được đối tượng thứ hai, thì vẫn cứ thích nghe những lời phát ra từ vọng tâm của đối tượng thứ nhất, trân quý như vàng ngọc, và chán mệt với những lời chân tâm phát ra từ chơn tánh của đối tượng thứ hai, thường né tránh như tránh phân tránh rác, đấy gọi là điên đảo mộng tưởng.

Thơ rằng :

" Tình nhân muôn kiếp còn dễ gặp,

Minh sư muôn kiếp khó tìm cầu,

lỡ qua duyên rồi muôn kiếp đợi,

lại chìm trong bể khổ không thôi ! ".

 

Số lượt xem : 1580