Nhận Thức về Giảng Sư
Nhận Thức về Giảng Sư
Hoạt Phật ân sư từ bi nói rằng : “ tôn chỉ của chúng ta là cứu nhân tế thế. Thân là giảng sư thì phải khiêm tốn, hòa nhã dễ gần, cung kính người khác. ” Thầy lại nói rằng : “ Giảng sư nếu chẳng đọc tứ thư thì sẽ thua 4 điều :
1. Thứ nhất là xuất khẩu vô chương.
2. Thứ hai là xử sự vô phương.
3. Thứ ba là dáng vẻ chẳng trang nghiêm.
4. Thứ tư là sinh mệnh chẳng sáng.
Trời đất chẳng có lời nói, giảng sư là người đóng vai đặc biệt thay trời tuyên hóa, cũng có thể đại biểu cho đạo, đem chân lý truyền đạt ra bên ngoài, từ đấy có thể thấy tầm quan trọng của giảng sư.
1. Lời răn dành cho các vị giảng sư
Hoạt Phật Sư Tôn từ bi rằng :
a. Phải lấy chân lý thiên đạo làm chỗ dựa tâm linh.
b. Phải lấy Phật đường làm gia đình đạo đức, cùng tu cùng tham bàn cùng chứng đạo với các Tiền hiền hậu học.
c. Phải lấy bổn tánh đức trang nghiêm để làm sáng ngời cái đạo trung dung, làm mực thước tu chứng.
d. Lấy việc hoằng dương phước âm của Thánh Phật Bồ Tát làm sứ mệnh thần thánh, thế nhưng không được lấy ý thức tự ngã ( ý thức của cái tôi cá nhân ) làm chủ, nếu không thì sẽ gánh lấy nhân quả.
Đối với vấn đề nhân quả, tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng, không thể mở miệng nói càn. Việc này có liên hệ đến một công án của nhà Thiền. Chuyện kể rằng :
Một hôm, Hòa thượng Bá Trượng lên tòa giảng pháp cho đại chúng. Sau khi kết thúc buổi giảng, mọi người đều ra về hết, duy chỉ có một cụ già còn ở lại, đi đến đảnh lễ và trình với Hòa thượng:
- Bạch Hòa thượng! Con không phải là người.
Hòa thượng hỏi:
- Ông không phải là người, vậy ông là gì?
Ông lão đáp:
- Bạch Hòa thượng! Năm trăm đời về trước, con vốn là một người xuất gia tu hành ở ngọn núi này. Ngày nọ, có một người đến hỏi con: ‘Bậc tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả hay không?’. Khi ấy, con đã trả lời: ‘Không còn rơi vào nhân quả’. Chỉ vì một câu nói đó, mà con phải bị đọa năm trăm kiếp làm chồn sống ở ngọn núi này. Nay xin Hòa thượng từ bi nói cho con một lời để chuyển hóa thoát khỏi kiếp chồn.
Lúc đó, ngài Bá Trượng nghiêm trang nói với ông lão:
- Vậy ông hãy hỏi lại ta câu hỏi đó.
Ông lão hỏi:
- Bạch Hòa thượng! Người tu hành đạt đạo có còn rơi vào nhân quả không?
Ngài Bá Trượng đáp rằng:
- Không lầm nhân quả!
Khi nghe câu nói đó rồi, ông lão đảnh lễ Hòa thượng và cầu xin:
- Xin Hòa thượng buổi chiều nay hãy làm lễ an táng cho con giống như một vị Tăng.
Nói xong, ông lão đảnh lễ Hòa thượng ra đi. Buổi chiều, ngài Bá Trượng đánh kiền chùy tập hợp đại chúng lại và nói: ‘Hôm nay có một vị Tăng vừa qua đời, đại chúng nên đi làm lễ’. Mọi người đều ngạc nhiên vì nhìn thấy số Tăng chúng sống trong chùa đều còn đầy đủ, không có ai viên tịch. Sau đó, ngài đã dẫn đại chúng đi tới một cái hang phía sau núi để xem thì thấy có một con chồn đang nằm chết trong đó. Ngài và đại chúng cùng nhau làm lễ nghi thức an táng cho con chồn giống như một vị Tăng xuất gia.
Như vậy, ngay cả người đã xuất gia, nhưng chưa tu hành tới chỗ rốt ráo, vẫn có thể phạm sai lầm trong vấn đề nhân quả và làm cho người khác lầm lạc, thấy không đúng dẫn đến việc tu sai, do đó phải chịu tội báo đọa làm chồn năm trăm kiếp. Đối với vấn đề nhân quả, tất cả mọi người đều phải hết sức thận trọng, không thể mở miệng nói càn. Chỉ là không có sai lầm đối với nhân quả, bởi vì đã thấu suốt rõ ràng nhân quả, chứ chẳng phải không còn rơi vào nhân quả.
e. Lấy thệ nguyện lập ngôn, làm động lực không gián đoạn.
Tinh thông kinh điển các tôn giáo, lấy tứ thư làm chính, dẫn dắt hướng đến tôn chỉ tối cao của Tiên Thiên Đại Đạo.
Siêng canh tác mẫu ruộng tâm, gieo trồng các hạt giống đạo khiến cho mảnh đất canh tác có sinh mệnh mới.
2. Điều kiện làm giảng sư
a. Thanh khẩu trường chay
Không sát sinh, giới khẩu thì việc tu bàn đạo sẽ khá là chẳng có chướng ngại, trí tuệ khá sáng tỏ thì đạo lý nói ra cũng sẽ khá viên dung, sinh động.
b. Tôn Sư Trọng đạo
Trọng Thầy mới được làm Thầy. Duy có tôn trọng thầy giáo, người dạy bảo mình thì những người khác mới nghe theo hay tôn trọng những lời chỉ bảo của mình vậy.
Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.
Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:
– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?
Khổng Tử rung đùi đáp:
– Không sao.
Lại hỏi tiếp:
– Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
– Được.
Lại hỏi tiếp:
– Thế nhỡ về làm giặc?
Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:
– Cũng không hại gì!
Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy:
– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!
Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!
Học trò đuổi theo hỏi:
– Thầy chạy đi đâu?
Khổng Tử vừa thở vừa đáp:
– Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi:
– Thầy sang nước Đằng làm gì?
Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:
– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!
Lại có câu chuyện cổ kể về Lỗ Ban , là người nước Lỗ thời xuân thu chiến quốc. Ông được tôn xưng là ông tổ của nghề thợ mộc. Thuở niên thiếu, Lỗ Ban từng theo một vị sư già học nghề thủ công. Sau mấy năm, Lỗ Ban thấy mình học cũng chẳng kém ai. Hơn nữa, Thầy dạy lúc này tuổi cũng đã cao, thế là lúc này cậu có ý định cáo biệt thầy ra đi. Thầy hiểu và thông cảm với suy nghĩ của Lỗ Ban nên cũng không nài ép cậu ở lại.
Trước ngày lên đường, cậu đến cáo biệt cùng thầy. Cậu chợt phát hiện trong phòng của thầy sừng sững một bức tượng bằng gỗ biết cử động. Lỗ Ban vô cùng kinh ngạc, cậu thầm nghĩ : “ Thầy sợ mình bỏ ông ấy mà đi nên còn giữ lại một tuyệt chiêu đây. ” Cậu quyết xin thầy học cho biết tài khéo tay tuyệt vời này. Cậu đem mong muốn của mình nói với Thầy. Thầy liền bảo cậu nhìn tượng gỗ mà bắt chước làm theo sao cho giống y như vậy. Chỉ tốn một chút công sức, Lỗ Ban đã làm xong pho tượng gỗ. Đặt cạnh pho tượng của Thầy, pho tượng do Lỗ Ban tạc thật giống nhau, nhưng pho tượng do Lỗ Ban tạc chẳng cử động được. Lỗ Ban liền phải nhờ thầy chỉ bảo . Lão Hòa Thượng hỏi : “ mọi kích cỡ đo rồi phải không ? ”
Lỗ Ban đáp : “ thưa thầy, con đã đo hết rồi ạ.”
Lão Hòa Thượng lại hỏi tiếp : “ Ta sợ con chưa đo lòng dạ của nó đấy !”
Lỗ Ban nghe trong lời nói của Thầy có ý muốn bảo rằng : “ đo lòng dạ” chẳng phải lương tâm đức hạnh sao ! Cậu như sực tỉnh ngộ, vội vàng quỳ xuống đất, mặt mày ửng đỏ nhận lỗi với thầy. Thế mới hay “trọng thầy mới được làm thầy, phải đâu đong gạo đấu đầy đấu vơi”.
Từ hai câu chuyện trên cho thấy biết tôn sư thì mới không qua cầu rút ván.
Biết trọng đạo thì mới tinh tấn siêng tu bàn, đạo lý giảng ra mới có sức nhiếp phục, sức tín phục, vậy thì các hậu học sẽ học tập noi theo.
c. Cẩn thận tuân thủ Phật quy
Giảng sư là đối tượng mà mọi người nhìn vào, đối với phương diện thừa thượng khải hạ, tôn sư trọng đạo, phật quy lễ tiết nên là tấm gương mẫu mực cho người khác thì mới không trở thành một giảng sư chỉ biết lý luận, chẳng biết thực hiện.
d. Hiếu thuận phụ mẫu
Giảng sư nếu như “ ở Phật đường hành vương đạo, tại gia hành bá đạo ” thì rất nhanh sẽ khiến người ta từ trong lời nói cử chỉ mà nhìn ra kẽ hở. Không hiếu thuận phụ mẫu thì đạo mà giảng nói ra nhất định là chột dạ, có tật giật mình, sẽ không làm cảm động được người khác.
3. Tinh thần của giảng sư
a. Hàm dưỡng nội đức
Sức ảnh hưởng của giảng sư không phải là chỉ ở biểu hiện trên bục giảng. Lúc bình thường nếu làm được khiến đạo thân cảm động, tín phục thì mới là thật sự thay trời tuyên hóa.
b. Thâm nhập thể ngộ
Giảng sư là phải giảng đạo chớ không phải là giảng bài.
Giảng đạo là từ trong sinh mệnh mà thể nghiệm, từ trong đức hạnh mà bộc lộ ra bên ngoài đủ để làm cảm động cảm hóa người khác, dẫn dắt người khác, từ trong lời nói mà bộc lộ ra tâm đạo thanh tịnh vô vi, không phân biệt chấp trước vọng tưởng.
Giảng bài thì là y văn giải nghĩa, giáo điều giáo dục, khó mà cảm hóa người khác.
Vậy nên, lúc bình thường thì phải có qua kinh nghiệm rèn luyện thực tiễn, thường phản tỉnh tự thân, có cuộc sống phong phú và thể ngộ sâu sắc, thì mới chẳng sợ khốn khó ngăn trở. Lúc nào cũng học tập, đột phá, cải tiến thì mới có thể tăng thêm những thể ngộ, tăng trưởng trí tuệ, nâng cao tâm tánh.
c. Đọc rộng, học nhiều kinh sách
Thâm hiểu chơn nghĩa của kinh giáo, lấy kinh điển làm bằng chứng thì một là sẽ có đạo lực, hai là sẽ không sai lệch. Vậy nên, lúc bình thường thì phải nghiên cứu kinh điển nhiều vào, những câu kinh nên thuộc lòng thì phải thuộc làu nhiều vào.
d. Cử chỉ trang trọng
Tiếp xúc qua lại với đạo thân thì có thể tùy duyên nhưng không được tùy tiện. Thân giáo phải trội hơn ngôn giáo. Trang phục dáng vẻ phải trang nhã đoan trang thì mới hiển ra sự tôn quý của đạo, không thì cũng chẳng khác chi những người thế tục ngoài đời.
e. Thân tâm lành mạnh
Lúc bình thường phải vận động tập thể dục nhiều, thường tịnh tâm, phản tỉnh. Khi tâm trạng cảm xúc không ổn định thì phải tránh trò chuyện tán gẫu với người khác, đặc biệt là “ không tùy tiện lan truyền tin tức ” để tránh mù quáng dẫn dắt sai lầm những người khác cũng mù quáng theo.
f. Từ bi nhiệt tình chân thành
Giảng sư không phải là chỉ có xuất hiện ở trên bục, còn những việc khác thì đều không biết làm, cũng chẳng nghĩ chẳng màng đến. Sân khấu của giảng sư xây dựng ở trong cuộc sống sinh hoạt, lúc bình thường thì chủ động quan tâm, hiệp trợ đạo thân, không sợ phiền phức, khốn khó, giúp các đạo thân giải trừ những khốn khó nghi hoặc, chẳng những có thể nâng cao sự thể hội, trí tuệ của bản thân, mà còn có thể gỡ bỏ những mối nghi hoặc.
g. Công bằng vô tư không thiên vị
Đối với mỗi vị đạo thân, phải tránh thân sơ yêu ghét. Phải dùng tâm nhẫn nại, dụng tâm, chân tâm bình đẳng đối đãi, bất kể là trí, ngu, hiền, xấu xa chẳng ra gì thì đều phải dụng tâm dẫn dắt.
h. Chịu khổ chịu cực
Giảng sư nếu như say mê trong tiếng vỗ tay, lâu rồi thì sống trong nhung lụa chẳng nếm được một chút khổ, chịu không được một chút thiệt thòi, chịu không nổi một lời khuyên can của người khác, thì làm sao mà nói ra được những đạo lý làm rung động lòng người, khiến người cảm động thông hiểu ? Muốn hiển vinh trước người khác thì phải bị giày vò, chịu mang vạ phía sau người ta vậy.
4. Trách nhiệm của giảng sư
a. Thừa thượng khải hạ
Phải làm cầu nối giữa Tiền hiền với các hậu học, làm hài hòa cân đối các sự việc, kết nối lòng người, hóa giải những nghi hoặc, thay người khác bố đức, tôn vinh thiên mệnh, dìu dắt các hậu tiến, khiến cho nhân sự đạo trường viên mãn, nâng cao tâm tánh của mỗi người.
b. Thay trời tuyên hóa
Giảng sư phải chuyên tâm nhất ý thay trời tuyên hóa, kiến đạo thành đạo, mở miệng toàn là những lời tốt lành lợi người giúp người, lời chân thật. Chỉ cần là những lời đối với chúng sinh chẳng có ích lợi thì một câu cũng chẳng nói, càng không được bàn luận thị phi, lan truyền thị phi, nói lời ly gián thay vì can gián.
c.Thúc đẩy đạo vụ
Một giảng sư thành công chẳng những giảng đạo tốt, nhân duyên tốt, mà còn phải siêng năng tích cực tham gia vào "mười tổ vận hành", thúc đẩy đạo vụ, biết làm thế nào để hiệp trợ Điểm Truyền Sư, Tiền hiền xử lý đạo vụ việc vặt, dũng cảm đưa ra lời gợi ý, vui vẻ thành toàn đạo thân, lên kế hoạch đạo vụ, làm trợ thủ tốt của Điểm Truyền Sư và Tiền hiền.
d. Thay đổi phong tục
Giảng sư có trách nhiệm đem đạo trường kết hợp với xã hội thành một thể, chẳng những có thể cho ra tâm sức trên đạo trường, mà còn có thể làm người tình nguyện trong các công tác thiện nguyện, người phát ngôn chánh nghĩa, gánh lên trách nhiệm thay đổi phong tục.
e. Quan tâm đạo thân
Giảng sư không phải chỉ có giảng bài ở trên bục giảng mà còn phải quan tâm riêng đến các đạo thân, hiệp trợ đạo thân, giúp họ giải nghi hoặc, càng phải tận hết trách nhiệm độ hóa, khuyến hóa.
5. Giới luật của giảng sư
a. Giảng Sư cố gắng hết mức chớ có làm người mai mối để tránh bắc sai nhân duyên, tạo xuống nhân quả.
b. Không được kiêu ngạo khoe khoang, tự kiêu tự phụ về tài hoa của mình mà không nghe thầy điều phái hoặc xem thường Tiền nhân.
c. Người không có thanh khẩu trường chay thì không được đề bạt làm Giảng Sư.
d. Giảng sư không được phạm giới luật “tam thanh tứ chánh”, nên lấy mình làm gương để cảm hóa các đạo thân.
6. Những kiêng kị khi giảng bài
a. Nâng cao cái tôi của mình
Giảng đạo phải nhấn mạnh “ Thiên ân sư đức, Tiền nhân khổ tâm”, phải tránh nâng cao cái tôi của mình.
b. Đơn điệu nhàm chán
Giảng bài không được đơn điệu nhàm chán, bài nào cũng như bài nấy thì vĩnh viễn đều là con vẹt học nói, y văn giải nghĩa. Lúc bình thường phải thể hội nhiều thì khi giảng đạo mới có nội dung giảng đạo phong phú. Chẳng hạn như các câu chuyện, kinh điển, kiến chứng, đạo học, y học, tâm lý học, xã hội hiện thời, thời cuộc ... đan xen các đề tài đa dạng trong đó, lấy kinh điển làm ấn chứng thể nghiệm khiến cho người nghe cảm động lây, khởi tác dụng suy ngẫm phản tỉnh, noi theo.
c. Hẹp hòi thiên vị
Giảng bài tối kị là tư tưởng thiên vị, nội dung hẹp hòi khiến người nghe rồi tâm trạng sẽ không rộng lượng, trái lại còn chán nản nặng nề. Phải có suy nghĩ khách quan, tâm lượng rộng lớn, tâm trạng đồng cảm thì những đạo lý nói ra mới có thể thông đạt vô ngại, mặt nào cũng được.
d. Cố chấp chủ quan
Giảng đạo không được quá chủ quan, phải tùy theo thời điểm, tùy theo nơi chốn, tùy theo người mà thay đổi : các giới sinh viên học sinh, giới xã hội, lớp dành cho người lớn tuổi đều có trình độ, nội dung, cách giảng khác biệt, nên “ứng biến linh hoạt”, tùy theo khả năng và trình độ của mỗi đối tượng mà dùng những cách tương tác khác nhau, tùy cơ ứng biến. Không được chỉ lo nội dung mình muốn nói mà lại không lưu ý đến sự khác biệt trình độ của các đạo thân.
e. Phê bình các tôn giáo khác
Không tùy tiện phê bình các pháp môn tu trì hoặc các tôn giáo khác. Nên giảng đạo lý hoặc khích lệ từ mặt tích cực nhiều vào để tránh chưa gầy dựng công đức thì đã tạo khẩu nghiệp trước rồi.
f. Công kích người khác
Không được vì có ý gì đó với ai đó thì mượn tiếng giảng bài để dương đông kích tây phê bình, cảnh cáo, làm lợi mình hại người, đặc biệt là kiêng kị việc nói thẳng tên người, địa điểm.
g. Đề cập tới chính trị
Đạo noi theo tự nhiên, chẳng có tổ chức, bối cảnh chính trị, thuần túy dạy người tu thân dưỡng tánh, siêu sanh liễu tử, do vậy không luận bàn các chủ đề chính trị.
h. Chẳng biết mà nói bừa
Những đạo lý mà không hiểu lắm thì chớ có nói để tránh chỉ dẫn sai cho chúng sinh.
i. Kị nhìn trần nhà, sàn nhà, bảng
Giảng bài kị nhất là nhìn chằm chằm lên trần nhà, sàn nhà, bảng đen, chẳng dám nhìn thẳng thính chúng, như vậy sẽ khiến người nghe phân tâm, chẳng cách nào tập trung, nên ngẩng đầu nhìn quanh thính chúng.
j. Lệch khỏi chủ đề
Cho dẫu thể hội rất nhiều cũng không được nói bừa bãi không bờ bến dẫn đến xa rời chủ đề, thậm chí chẳng cách nào kết thúc. Chỉ cần phân phối tốt tỉ lệ phân lượng thì tự nhiên có thể làm nổi lên chủ đề.
k. Kéo dài thời gian
Nội dung cho dẫu phong phú, thời gian thì dài đến nỗi khiến người ta phiền chán, chẳng những chưa đạt mục đích, còn tạo thành hiệu quả ngược lại. Nếu thấy tư liệu còn rất nhiều thì 15 phút trước lúc tan lớp nên cô đặc nội dung, chọn những điều không thể không nói, và tuân thủ nguyên tắc “ xuống lớp đúng giờ ”
l. Trước hình trước tướng
Giảng bài có thể mượn tướng để rõ lý, mượn văn tải đạo, thế nhưng chớ có thiên chấp hình tướng, cảm ứng, thiên cơ, tình người, văn tự. Mượn pháp vẫn cần phải phá pháp để tránh chỉ dẫn sai cho chúng sinh.
m. Lời nói rập khuôn
Chớ có quá tỉa tót câu chữ, hoặc toàn là thuật ngữ đạo trường. Các đối tượng, chương trình lớp khác nhau thì phải có những lời lẽ dùng từ khác nhau. Có thể trích dẫn đúng lúc các nội dung ngụ ý theo bản xã hội, những chuyện hài để khơi dậy sức lãnh ngộ của các lớp viên, làm rung động phấn chấn tinh thần.
n. Thoát lìa cuộc sống
Nội dung giảng bài hữu ích nhất là không rời cuộc sống sinh hoạt lấy con người làm gốc. Dẫn chứng nhiều những thể nghiệm trong cuộc sống, lại ấn chứng đến kinh điển, những lời mà các bậc Tiền bối, Tiên Phật từng nói qua, khiến cho đạo lý sinh hoạt hóa, hợp lý hóa, từ những nhận thức và lý giải đối với những việc vật mà mình đã biết tiến đến thông đạt nhận biết đối với những sự vật khác.
o. Dùng từ không thích hợp
Tâm không được nóng vội. Nóng vội thì câu văn chưa kết thúc thì đã vội nói câu tiếp theo, tạo thành ý nghĩa lời nói không rõ ràng. Phương diện dùng từ phải thanh lịch, tuyệt đối chớ có lời mang ý châm chọc mỉa mai, thô tục.
Bất Hưu Tức Bồ Tát từ bi kết duyên huấn
Dặn dò các vị Giảng Sư
囑訓篇篇,傳下人間,
Từng bài huấn văn truyền xuống nhân gian
解疑開惑明心田。
Giải mở nghi hoặc làm sáng tỏ tấm lòng.
咐予講師,克念作聖, 傳題實務用心專。
Dặn dò giảng sư, thông đạt rõ mọi sự lý, dụng tâm chuyên chú vào các đề tài chia sẻ và vận hành thực tế.
講道宣理,真知灼見,言行合一參辦前。
Giảng đạo tuyên lý, nhận thức chính xác ( kiến giải thấu đáo thông suốt chính xác ) , ngôn hành hợp nhất, tham gia tiên bàn tiên phong.
師德宏揚,關德行仁,尊師重道行完全。
Hoằng dương Sư đức, quan tâm chú ý thực hành đức nhân, tôn sư trọng đạo toàn diện.
講師者,謙和心慈以引後賢,
Bậc Giảng Sư, dùng tấm lòng khiêm cung hòa ái nhân từ để dẫn tiến các bậc hậu hiền.
戒慎恐懼以承上情 學道,
Cảnh giác cẩn thận lo sợ để tiếp nhận truyền đạt ý chỉ bề trên.
低心下氣謙卑進,按部就班踏穩基。
Thái độ nhún nhường lời nói kính cẩn để tiến đạo, tiến theo từng bước, bước chân vững chắc từ nền căn bản.
修道,認理實修抱道進
Tu đạo nhận lý thật tu ôm đạo tiến.
見賢思齊化顽迷。
Học tập noi theo để sánh bằng với người tài đức, hóa bỏ đi những sự ngoan cố chấp mê.
講道,闡明義理身躬進,
Giảng đạo xiển rõ nghĩa lý, tự thân thực hiện
實踐道義提昇己。
Thực tiễn đạo nghĩa nâng cao tự thân.
辦道,積極進取公心用,身顯道氣行合一。
Bàn đạo tích cực tinh tiến dùng tấm lòng công chánh. Nơi thân hiển đạo khí, tri hành hợp nhất.
行道,效聖法賢大道趨,
Hành đạo noi theo Thánh Hiền tiến hướng đại đạo bước chân nhanh.
標竿典範身樹立。當时时慎行獨也,
Thân làm tấm gương sáng mẫu mực, cẩn thận hành động những lúc một mình.
知恩報恩,立愿了愿,做道場之人才。佛堂之棟樑、
Tri ân báo ân, lập nguyện liễu nguyện làm nhân tài của đạo trường, trụ cột của Phật đường.
點傳之橋樑、道親之典範、眾生之服務員。
Làm cầu nối Điểm Truyền Sư, làm tấm gương mẫu mực cho các đạo thân, làm người phục vụ cho chúng sinh.
是以此戰戰兢兢、克己天職、
Vậy nên nơm nớp lo sợ, yêu cầu nghiêm khắc đối với thiên chức của mình,
法喜充滿,扛起使命與責任,共辦三曹之大事也。
tràn trề niềm vui pháp, gánh vác lên sứ mệnh và trách nhiệm, cùng bàn đại sự của Tam Tào.
TRẤN ĐIỆN NGUYÊN SOÁI Từ Huấn
( Trích dẫn những điều chuyên dành cho thiên chức giảng sư )
Điều 1 : Giảng đạo qua loa sơ sài, có tội. Đến lúc luân phiên mình đi lớp, coi theo thời gian biểu thấy chưa chuẩn bị, lấy sách ra đọc, không đúng đề tài, có tội.
Điều 5 : Không tận tâm tận lực với cái mệnh Thiên chức, có tội.
Điều 8 : Mười lăm điều Phật quy, Đạo chi Tôn Chỉ, Lễ Vận Đại Đồng Thiên không biết, có tội. Bất kể mình nói hay như thế nào cũng có tội.
Điều 10 : Gặp đạo thân không thành toàn, chỉ nói thị phi, nói việc phàm, có tội.
Điều 11 : Đi nói lớp còn chọn chỗ, chọn đạo thân để nói đề tài, có tội.
Điều 12 : Nghi hoặc đạo thân này nọ, phê bình tôn giáo khác, có tội.
Điều 13 : Giảng lớp chỉ nói hiển hóa không nói chân lý, có tội.
Điều 17 : Đứng trên đài giảng đạo giảng thị phi, có tội.
Điều 18 : Điểm Truyền Sư, tiền hiền nói mình vài câu, thì không tu đạo, không bàn đạo, thối rút bất tiền, Sư huynh ở đây cảnh cáo các vị, đảm Thiên chức 3 năm mà không ra, khỏi làm. Ơn Trên một lần lại một lần cho các vị cơ hội, các vị mỗi lần đều mượn cớ, có tội.
Điều 20 : Bản thân đã đảm Thiên chức còn không biết đầy đủ, xa vọng muốn thăng làm Điểm Truyền Sư, không đề bạt mình, suốt ngày chỉ biết tranh công quả, tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, nếu mình có suy nghĩ này, có tội.
Điều 22 : Gặp khảo nghiệm, gặp trắc trở, gặp đến ma nạn thì thối rút bất tiền, có tội. Tại vì mình không hoàn thành sứ mệnh Thiên chức.
Điều 24 : Lúc mình đương giảng đạo, y phục nhất định phải chỉnh tề, mặc đồng phục, bằng không có tội, dạy ca hát cũng vậy, lúc nào mình đứng trên đài, dáng điệu y phục nhất định phải hợp tiêu chuẩn, không dơ bẩn, đầu tóc không bù xù tán loạn, mình phải hiểu khi đứng trên đài là đại biểu đạo.
Điều 25 : Khi giảng đạo thêm vào mấy câu vui cười cũng được nhưng không được quá mức, bằng không có tội.
Điều 46 : Giảng Sư phải hiểu rõ sự thù thắng của Đạo, Đạo chi tôn quý, thường trong lúc bận rộn lấy chút giờ rãnh, Tam Giáo kinh điển, Tứ Thư Ngũ Kinh phải dung hội quán thông, để giáo môn giáo đồ khác hỏi một câu là ngã rồi, như vậy là có tội.
Điều 47 : Làm Giảng Sư trong lúc độ giáo môn khác, không được hủy báng giáo khác, mình chỉ có cho họ biết Đại Đạo thù thắng (đặc biệt, đặc sắc) và tôn quý, khẩu đức khẩu nghiệp rất quan trọng.
Số lượt xem : 2197