Người tu hành chớ có phơi bày để lộ công đức của bản thân
Người thế gian sẽ hay đem phước báo để lộ ra bên ngoài, đem những thói xấu giấu nhẹm đi. Vậy người tu hành thì phải nên làm trái ngược lại, phải đem phước báo và công đức giấu nhẹm đi, đem những thói xấu phơi bày để lộ ra ngoài, chớ có đi trang điểm làm đẹp cho nó.
Ví dụ như có người phước báo rất lớn, thế nhưng đều để lộ ra rồi, nghĩa là đã kiếm rất nhiều tiền, thế nhưng đều đem để cho bản thân mình hưởng thụ, quần áo mua một bộ lại một bộ, xe đổi một chiếc lại một chiếc, trông thì có vẻ mọi người đều rất ngưỡng mộ phước báo của anh ta lớn. Thế nhưng khi phước báo chuyển hoá thành tiền, cũng có nghĩa là phước báo đã tiêu mất đi, hưởng thụ nhất định chẳng phải là chuyện tốt, hưởng phước chính là đang tiêu phước. Có tiền thì nên bố thí ra nhiều. Bố thí chính là đem phước báo cất giấu đi, tiền bố thí ra bên ngoài rồi thì đem sự giàu sang hữu hình chuyển thành phước báo vô hình. Các vị Tổ Sư đều rất trân trọng phước báo, tự bản thân mình chẳng có hưởng thụ, vậy thì phước báo đi đâu rồi ? Các ngài đem phước báo để giành lại cho các con của phật, các cháu của phật rồi, người đời sau bèn kính ngưỡng các ngài ấy.
Công đức cũng như vậy, phải giấu nhẹm nó đi, phải tích luỹ âm đức, nghĩa là làm việc tốt rồi đều chẳng để cho người khác biết. Vậy thì ai sẽ biết đây ? Anh ta làm việc tốt, chẳng vì danh lợi, vậy thì anh ta bèn có thể hoàn toàn phục tùng Thiên Đạo, làm việc thiện chính là bổn phận của mình, con người sống thì nên làm việc thiện, giống như lời mà Bạch Cư Dị đã nói, để lại sự từ bi cho người đời sau, để lại âm đức cho người đời sau, vậy thì phước báo bèn có thể kéo dài liên tục không dứt.
Tương tự, khi thấy người khác ca ngợi chúng ta, trái lại càng phải vô cùng cẩn thận. Trước tiên, phải hỏi bản thân liệu mình thật sự có cái phước đức này, có thể xứng đáng, đỡ nổi sự ca ngợi của người khác không ? Chẳng phải là công đức của mình, nhưng mình lại cứ tự cho rằng mình có công, điều này là rất tổn phước báo đấy. Người tu hành đều phải khiêm tốn. Bất luận là có thành tựu nhiều đi chăng nữa, phải ghi nhớ rằng những niềm vinh dự này trước tiên đều quy về cha mẹ và tổ tiên; cha mẹ đã cho mình cái sắc thân này thì mới có thể làm người. Cha mẹ và tổ tiên là vị chủ đầu tiên của mọi công đức. Thứ hai, phải quy về thầy, quy về Phật Đà, quy về tổ sư các đời. Chúng ta có thể gặp phật pháp, tu hành phật pháp, đều là do những nỗ lực của tổ sư các đời từng đời từng đời một truyền thừa đã hơn 2000 năm thì mới có thể truyền đến trên tay mình. Niềm vinh quang quy về Tam Bảo, quy về Tổ Sư, quy về Thầy. Thường thường cảm nhớ ân đức của Tam Bảo, tuyệt đối chớ có tự cho rằng mình có công. Niềm vinh quang ấy là của Tam Bảo, công đức chính là của đại chúng thành tựu đấy. Thường có thể quán như thế, thì phước đức sau này bèn sẽ tăng lên.
Con người có những thói xấu, thì chớ có đi trang điểm làm đẹp cho những khuyết điểm của bản thân. Thói xấu cũng giống như một khối u ác tính vậy, hãy phơi bày nó ra, nó bèn sẽ chết mất. Còn nếu cứ đi trang điểm làm đẹp cho những thói xấu của bản thân, thì thói xấu này bèn sẽ đem theo anh ta đến kiếp sau. Muốn thật lòng sám hối là điều chẳng dễ dàng, việc này cần phật lực gia trì. Phát chẳng nổi cái tâm sám hối, là bởi vì có nghiệp chướng; sau khi bị nghiệp chướng che lấp, thì chúng ta bèn sẽ trang điểm làm đẹp cho những thói xấu của bản thân.
Niệm niệm đều phải khởi cái tâm hổ thẹn, sám hối; đối mặt với những tập khí của nội tâm, con người sám hối những thói hư tật xấu đi rồi thì nội tâm của anh ta bèn sẽ quang minh sáng ngời.
Số lượt xem : 603