BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

NGỮ LỤC BỒ ÐỀ ÐẠT MA : BỐN QUÁN HẠNH VÀO ĐẠO CỦA ĐẠI THỪA ( Nguyên Hảo dịch )

Tác giả liangfulai on 2022-11-10 16:31:01
/NGỮ LỤC BỒ ÐỀ ÐẠT MA : BỐN QUÁN HẠNH VÀO ĐẠO CỦA ĐẠI THỪA  ( Nguyên Hảo dịch )

BỐN QUÁN HẠNH VÀO ĐẠO CỦA ĐẠI THỪA

Nguyên Hảo Dịch


 

Muốn vào Ðạo có nhiều đường, tóm lại không ra ngoài hai đường: Lý Nhập và Hạnh Nhập.

 

Lý Nhập

Là thực hành theo giáo lý mà bước vào cội nguồn của đạo. Tin sâu rằng các loài hàm sinh đều cùng một chân tánh, chỉ do khách trần (1), vọng tưởng che khuất nên không hiển lộ. Nếu rời hư dối mà trở về nơi chân thật, dừng lại trong bích quán, không thấy có mình có người, phàm thánh là một, vững chắc không dời, cũng không theo chữ nghĩa. Ðó là hợp với lý, không phân biệt tịch diệt vô vi, gọi là lý nhập.

 

Hạnh Nhập

Có bốn hạnh. Tất cả những hạnh khác cũng đều nhập cả vào bốn hạnh này.

 

Bốn hạnh đó là gì? Thứ nhất là Báo Oan Hạnh, thứ hai là Tùy Duyên Hạnh, thứ ba là Vô Sở Cầu Hạnh, và thứ tư là Xứng Pháp Hạnh.

 

Báo Oan Hạnh: Người tu đạo lúc gặp khổ, nên tin nghĩ rằng mình từ trong vô số kiếp xưa, bỏ gốc theo ngọn, trôi nổi theo các pháp hữu vi, khởi nhiều oan ghét, tội lỗi rất nhiều. Ngày nay tuy không lầm lỗi, nhưng chính là cái tai họa tạo ra trước kia của mình. Khi ác nghiệp chín, không có trời, không có người nào có thể thấy trước. Nay mở tâm nhận chịu, không than thở. Kinh dạy: "Gặp khổ không buồn". Vì sao thế? Hiểu rõ vậy." Hiểu như thế, thì tương ưng với lý. Lấy oan mà tăng tiến đạo hạnh, nên gọi là Báo Oan Hạnh.

 

Tùy Duyên Hạnh:

Chúng sanh không phải do chính mình làm chủ mà do duyên nghiệp chuyển hoá. Cảm nhận khổ vui đều do duyên sinh. Nếu được quả báo tốt đẹp vinh dự vân vân, đó là do nhân quá khứ cảm nên, ngày nay có được, khi duyên hết thì trở lại hoàn không. Có gì mà vui khi được? Ðược mất theo duyên, tâm không thêm bớt. Gió vui không động, thầm thuận nơi đạo. Ðó là Tùy Duyên Hạnh.

 

Vô Sở Cầu Hạnh:

 

Người đời ở trong cơn mê dài, dẫy đầy sự tham trước, gọi là có cầu. Người trí giác ngộ sự thật, ngược lại thế tục, an tâm nơi vô vi, thân thuận theo sự biến chuyển. Vạn vật đều là không, không có chỗ để ham muốn.

Công đức và hắc ám thường đuổi theo nhau. Ba cõi ở lâu như trong nhà lửa. Có thân tất khổ, chẳng ai được an ổn. Hiểu rõ chỗ này thì sẽ bỏ được mọi thứ, dừng lại vọng tưởng, không còn cầu mong. Kinh dạy: "Có cầu tất có khổ, không cầu được vui." Khi không cầu mong, đó thật là tu đạo.

 

Xứng Pháp Hạnh:

 

Lý thể các pháp tự tánh thanh tịnh. Trong đó, mọi vật đều là không, không nhiễm, không trước, không chủ, không khách. Kinh dạy: "Pháp không chúng sanh, nên lìa chúng sanh cấu, pháp không có ngã, nên lìa ngã cấu." Người trí nếu tin hiểu lý này, có thể thuận với Phật Pháp mà tu hành. Bản thể của pháp là không, nên xả thí thân mạng, tài sản mà tâm không luyến tiếc. Hiểu rõ ba không, không nương không bám, dẹp dần trần cấu, giáo hóa chúng sanh mà không mắc vào hình tướng. Ðó là tự hành, mà lại có thể lợi người, lại có thể trang nghiêm đạo Bồ Ðề.

 

Hạnh bố thí với năm hạnh khác (sáu ba la mật) cũng đều đầy đủ. Giải trừ vọng tưởng, tu hành lục độ (2), nhưng không thấy chỗ tu, gọi là Xứng Pháp Hạnh.

 

Chú thích:

(1) Khách trần: Bụi bặm từ bên ngoài. Theo Kinh Lăng Nghiêm, khách trần là những thứ từ bên ngoài tác dụng vào tâm thức chúng ta.

 

(2) Lục độ: 1/ Bố thí, 2/ Trì giới, 3/ Nhẫn nhục, 4/ Tinh tấn, 5/ Thiền định, 6/ Trí Huệ.

Số lượt xem : 669