Lời nói làm tổn thương người còn nghiêm trọng hơn việc giết người.
Nhẫn nhục thì giống như biển lớn, có thể nạp trăm sông.
1. Người ta lăng mạ xúc phạm con, con phải xem như là bồi phước; Người ta làm hại con, con phải xem như là họ đến để thành tựu con. Con chịu tận những ủy khuất, hãy nhớ lấy ! Con là người có phước báo, chớ có kháng cự.
Một người làm hại người khác thì có hai tình hình sau : làm hại người khác chính là làm tiêu tốn những công đức pháp tài của bản thân; một người làm tổn hại người khác, lòng dạ không tốt, thường hay làm hại người khác thì là đem tiền cho người khác kiếm. Một người nhẫn nhục thì là người cứ mãi thu tiền. Sự nhẫn nhục lớn này thì giống như là mở ngân hàng vậy, như biển lớn có thể nạp trăm sông.
2. Trên thế gian có một thứ làm ăn vĩnh viễn lỗ vốn, đấy chính là sự nổi nóng nổi cơn lôi đình.
3. Tâm tốt miệng không tốt thì vinh hoa phú quý bị tổn mất rồi.
4. Cái gì cũng không thể nhẫn chịu nhẫn nhịn thì thành tựu của con sẽ có hạn. Nhẫn nhục cũng chính là sự kiên nhẫn, kiên trì, bền chí mà người đời chúng ta thường hay nói. Nếu mọi chuyện đều suôn sẻ tốt như ý muốn thì phải nhẫn, vì sao vậy ? vì sợ sanh tâm tham ái, phải giữ khoảng cách. Oan gia đối đầu cũng phải nhẫn, vì sao vậy ? để bảo vệ cái tâm thanh tịnh của bản thân con. Quả báo của việc tu nhẫn nhục là tướng tốt.
5. “ Một niệm sân tâm khởi, trăm vạn cửa chướng mở ”, tâm sân giận hễ khởi lên thì trí tuệ bèn không còn rồi, lí tánh đã bị che lấp mất, do đó mà toàn là xử lí sự việc dựa vào tình cảm bốc đồng nhất thời và sự yêu ghét cá nhân, không chỉ làm tổn hại đến bản thân mà còn kết oán thù với tất cả chúng sanh trong vô tình hay cố ý. Oán thù nếu chẳng thể hóa giải, khi nhân duyên chín muồi thì oan oan tương báo, vả lại quả báo nhất định là mỗi lúc một tàn khốc hơn trước.
6. Thân thể, tâm trạng con người dung hòa thành một mảng với đại tự nhiên là cái đạo dưỡng sanh thật sự. Thất tình ngũ dục nhiễu loạn đại tự nhiên, nhiễu loạn cơ thể người. Thất tình là “ hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục ”, trong đó thì cái mà nghiêm trọng nhất, sức phá hoại lớn nhất chính là sự sân hận, nổi trận lôi đình. Thầy Lí Bỉnh Nam từng nói rằng : điển tịch căn bản của y học trung quốc “ Hoàng Đế Nội Kinh – Linh Xu ” nói đến rằng thọ mạng bình thường của con người là 200 tuổi; sống không được đến 200 tuổi là do những phiền não của bản thân đã làm tổn hại đến cơ thể. Người mà vĩnh viễn sống trong cảnh giới đại từ bi, không già, không suy, không mê, không tà, không nhiễm, đấy là công đức thù thắng viên mãn cứu cánh, là niềm vui thật sự.
7. Cho dù người khác lăng mạ sỉ nhục ta, hủy báng ta, hãm hại ta thì ta cũng vẫn phải dùng thiện tâm để đối đãi với họ, vả lại còn cảm tạ chân thành xuất phát từ nội tâm. Chính là do sự lăng mạ sỉ nhục, sự hủy báng và hãm hại của đối phương đã làm tiêu trừ đi những tội nghiệp mà bản thân mình đã tạo trong quá khứ, kiếp này, do đó mà tuyệt đối không thể có một chút cái tâm oán hận nào. Nếu có một chút cái tâm oán hận thì chẳng những không thể tiêu nghiệp, trái lại còn tăng trưởng thêm nghiệp chướng.
8. Không yên tĩnh là do bản thân không để bản thân mình yên tốt; không tu hành thì không thể qua cuộc sống sinh hoạt yên tịnh một ngày.
9. Người hỏi Phật rằng hôm nào thì có thể tốt đẹp, Phật bảo rằng xem coi người ngày nào thật thà, ngày nào yên tĩnh, ngày nào nghe lời, ngày nào tu hành.
10. Nổi cơn nóng giận thịnh nộ là điều đại kị của người tu hành, “ lửa thiêu đốt rừng công đức ” chẳng phải là lời nói hư vọng. Nếu như không sửa bỏ đi cái tánh khí xấu này, bất luận là một ngày niệm bao nhiêu bộ kinh, nói bao nhiêu lần pháp, độ bao nhiêu người học phật, bản thân con đều ra chẳng khỏi tam giới. Bản thân của việc nổi cơn nóng giận thịnh nộ là sự biểu hiện của sự vô minh, vô minh chính là sự không hiểu. Bản thân con đều chẳng hiểu phật pháp, làm sao mà có thể độ người một cách rất viên mãn được ?
11. Chúng ta dùng cái tâm bất thiện, dùng ác ý đối đãi với người, người bị hại chỉ có ba phần mười, bản thân mình bị hại đến bảy phần mười, đấy là tự làm tổn hại bản thân. Bản thân con muốn khỏe mạnh, muốn trường thọ, muốn tràn đầy trí tuệ thì con hãy dùng cái tâm yêu thương để đối đãi tất cả mọi chúng sanh; những tế bào toàn thân của chúng ta đều là tâm yêu thương, đều là thiện tâm.
12. Lời nói làm tổn thương người, còn nghiêm trọng hơn cả việc giết người, cái chơn tướng sự thật này rất ít người biết đến ! Khẩu tạo nghiệp là dễ dàng nhất, vả lại tạo được nhiều nhất, quả báo của kiếp sau vô cùng thê thảm tàn khốc.
13. Phật dạy chúng ta không kết oán với tất cả mọi chúng sanh; thà rằng chịu sự lăng mạ sỉ nhục, sự hãm hại, hủy báng của người khác chớ tuyệt đối không thể có một niệm cái tâm báo thù thì mới có thể siêu vượt tam giới. Nếu như oán trời trách người, sanh khởi cái tâm mang mối hận thì vẫn phải luân hồi trong sáu nẻo như trước, đời đời kiếp kiếp oan thân trái chủ báo thù phục oán lẫn nhau, mỗi lần một thêm tàn khốc. Những tội nghiệp mà quá khứ vô thủy kiếp đã tích lũy, con nếu như vẫn lưu ở trong sáu nẻo luân hồi, oan thân trái chủ vô lượng vô biên, làm gì có ngày tháng tốt đẹp để mà qua ? Người đời bất luận là hưởng sự phú quý to lớn như thế nào đi nữa vẫn tránh không khỏi sự bao vây của các oan thân trái chủ.
14. Bất luận là phát sanh những việc gì không vui thì đều phải học không phiền não, bởi vì phiền não càng dễ làm thúc đẩy sự suy già của dung nhan chúng ta nhanh hơn so với năm tháng. Nó sẽ ảnh hưởng đến tâm cảnh của chúng ta, tăng thêm gánh nặng cho thân tâm của chúng ta, phá hoại các mối quan hệ giữa người và người của chúng ta.
15. Đo lường sức mạnh của một con người lớn hay nhỏ thì nên xem sức tự kiềm chế của bản thân người đó như thế nào. Người nào không thể khắc chế nổi bản thân thì người đó sẽ vĩnh viễn là nô lệ. Khắc chế nổi bản thân thì mới có thể làm chủ được bản thân, thành tựu bản thân. Phóng túng bản thân thì sẽ bị những ma lực của dục vọng và những tình cảm kích động mãnh liệt kiềm chế, chẳng được tự do; chớ nói đến việc thành tựu sự nghiệp, thậm chí sẽ còn đi hướng đến tình cảnh đáng thương. Một người chỉ có trong tình huống không có người giám sát đốc thúc vẫn có thể kiên trì làm những việc đúng đắn ( công phu thận độc ) thì mới được xem là đã thật sự trở thành chủ nhân của bản thân.
16. Khẩu dễ dàng tạo tội nghiệp nhất. Biết bao nhiêu những người tu hành rất tốt, tu hành cả đời, tích công lũy đức, đến cuối cùng công đức đều rò rỉ mất rồi. Rò rỉ mất từ đâu vậy ? rò rỉ mất từ miệng. Con cớ sao lại nhìn thấy những lỗi lầm của người khác ? Trong lòng của bản thân có lỗi lầm nên mới nhìn thấy người khác có lỗi lầm. Những công đức mà mỗi ngày đều tu này đều đã chảy ra từ trong miệng rồi. Chúng ta nói tâm bồ đề, sự chân thành con chẳng có, tâm của con là hư dối đấy; sự thanh tịnh con chẳng có, con là ô nhiễm đấy; sự bình đẳng con chẳng có, con là cao thấp đấy; cứ mãi cảm thấy rằng mình là đúng, người khác là không đúng, chánh giác chẳng còn rồi, con ngu si, sự từ bi con chẳng có, con tự tư tự lợi.
Tô Đông Pha và Thiền Sư Phật Ấn
Một hôm Tô Đông Pha đến chơi chùa, cùng ngồi thiền với nhà sư, trong khi ngồi thiền thấy an lạc xuất hiện. Xả thiền xong, Tô rất vui vẻ hỏi nhà sư:
- Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế giống cái gì?
- Trông ngài giống như Đức Phật...
Tô nghe thế vui lắm. Thiền sư hỏi lại:
- Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì?
Tô đáp:
- Trông ngài ngồi thiền giống 1 đống phân bò...
Thiền sư nghe thế cũng hứng chí lắm.
Tô Đông Pha cười suốt dọc đường về, nghĩ bụng hôm nay ta đã thắng lão hòa thượng đó 1 phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò mà không bẻ lại được câu nào cả.
Tô về khoe với em gái Tô tiểu muội:
- Hôm nay anh đã qua mặt được lão sư già đó rồi
Tô tiểu muội hỏi chuyện gì, Tô Đông Pha hào hứng kể lại. Tô tiểu muội cười ầm lên, Tô Đông Pha càng hào hứng. Tiểu muội nói:
- Muội cười là cười huynh đó, huynh lại thua lão hòa thượng ấy rồi.
Tô ngạc nhiên hỏi thế nào.
Tiểu muội đáp:
- Tâm lão hòa thượng là tâm Phật, nên thấy huynh cũng giống như Phật. Còn tâm của huynh thì toàn phân bò nên huynh thấy hòa thượng như đống phân bò thôi. Tâm huynh như thế làm sao mà bằng được tâm lão hòa thượng.
Tô đỏ mặt tía tai, xấu hổ với em gái quá. ...
17. Chúng ta lúc đang tạo khẩu nghiệp phải đặc biệt chú ý, có khi chúng ta nói một câu một cách tùy tiện, mọi người phải chú ý một cái đạo lí “ Nhân nhỏ Quả lớn ” đấy ! Những gì mà Phật Đà đã nói đều là thật đấy ! móc ruột bằm chém, kéo lưỡi cày bừa, những nỗi đau khổ này đều là thật đấy ! quả báo không thể nghĩ bàn, do đó chúng ta phải rất cẩn thận, rất cẩn thận; hãy kiểm thảo thật nhiều trên thân, ngữ, ý nghiệp; chớ có đợi cho đến có một ngày chúng ta đau khổ như thế mới phát hiện ra thì chúng ta thật sự là chẳng cách nào gánh nổi đấy !
18. Sự lớn nhỏ của thành tựu pháp xuất thế gian toàn ở chỗ cao thấp của công phu nhẫn nại. Công phu nhẫn chịu càng cao thì thành tựu càng lớn; công phu nhẫn chịu càng thấp thì thành tựu càng nhỏ. Không thể nhẫn chịu thì chẳng có thành tựu !
Dưới đây là 2 câu chuyện nói về cách mà người thời xưa đối diện với những thị phi.
Câu chuyện thứ nhất:
Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng:
– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương.
Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.
Câu chuyện thứ hai:
Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.
Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được. Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.
Số lượt xem : 468