BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )( phần 27 - 28 )

Tác giả liangfulai on 2023-07-12 15:44:52
/Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )( phần 27 - 28 )

Phần thứ hai mươi bảy 

 Vô Đoạn Vô Diệt


Phân giải

 

Đoạn : là đoạn của thường đoạn. Chấp trước pháp thế gian, chẳng thoát tri kiến điên đảo, do đó mà trong đoạn tính thường, trong thường tính đoạn. Cho rằng là đoạn, mà cái pháp bát nhã vô hạn, không được gọi là đoạn. Cho rằng là thường, mà cái pháp bát nhã có cái dụng tuỳ duyên, không được gọi là thường. Nay nói vô đoạn là nói cái pháp bát nhã vốn chẳng đoạn chẳng thường, không thể dựa vào đoạn thường chi kiến ( ý kiến, cái nhìn về đoạn thường ) mà tính.

 

Diệt là cái diệt của sanh diệt. Người thế gian chẳng ngộ niết bàn thật tế, do sanh mà nói diệt, do diệt nói sanh. Cho rằng là diệt, mà pháp bát nhã vốn chẳng sanh, không được nói diệt. Cho rằng là sanh, mà pháp bát nhã vốn chẳng diệt, không được nói sanh. Nay nói vô diệt là nói pháp bát nhã vốn bất sanh bất diệt, không thể dựa vào cái pháp sanh diệt mà luận.

 

Nguyên Văn

 

Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ thế nầy: Đức Như-Lai, không phải vì có tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác!

 

Tu-Bồ-Đề! Ông cũng đừng nghĩ như vầy: Đức Như-Lai há chẳng do nơi tướng cụ-túc mà được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác sao?

 

Tu-Bồ-Đề! Nếu ông nghĩ như vầy: Người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nói các pháp đều đoạn diệt.

 

( tức gọi là tất cả pháp đều không thể dùng )

 

Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao? Vì nơi các pháp, người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác không nói tướng đoạn diệt.

 

( tức là lúc chưa ngộ, nhất định cần phải dựa vào phật pháp mà tu hành ).

 

 

Khái luận

 

Ba mươi hai tướng là tướng trang nghiêm đầy đủ. Phật có vô lượng vô biên công đức, mà sau đó thản nhiên viên tịch, hiện ra diệu tướng. Phật đắc Bồ Đề chẳng phải vì diệu tướng, là do công hạnh. Chắc chắn công hạnh viên mãn thì diệu tướng tự hiện. Diệu tướng này không được chấp có, cũng không được chấp không. Chấp có thì trụ một bên tướng, làm sao thấy Như Lai ? Chấp không lại trụ một bên chẳng có pháp, làm sao nỗ lực công phu tu hành ? cho nên lại triển khai nói, cái thứ nhất là nói nếu ông nghĩ thế này, cái nữa là nói ông đừng nghĩ như vầy. Lại nói lặp lại rằng nếu ông nghĩ như vầy : người phát tâm bồ đề nói các pháp đều đoạn diệt. Lại thận trọng khuyên nhủ rằng ông đừng nghĩ như thế, người phát tâm bồ đề nơi các pháp không nói tướng đoạn diệt. Phần này muốn điểm phá phi pháp tướng, là phá cái trước vô ( chấp trước không có ) của học giả.

 

Giảng nghĩa

 

Phật Như Lai dựa vào 32 loại tịnh hạnh, thành 32 loại tướng tốt là do cái nhân đã tu, chứng quả bồ đề tức do từ đấy mà đắc. Vì dùng câu hỏi tu từ hỏi rằng : ông hoài nghi đức Như Lai không dùng tướng cụ túc đắc vô thượng bồ đề này ? lại nói thẳng bảo rằng : ông đừng nghĩ như vầy, đức Như Lai thật sự đúng là chẳng do cái duyên cố có đầy đủ diệu tướng này mà do đó đắc vô thượng bồ đề. Lại dùng câu hỏi tu từ để khuyên nhủ rằng : nếu ông nói chẳng do tu phước mà có thể đắc chánh giác thì tất cả các pháp đều có thể phế mà không dùng đến, tất đến trầm không trệ tịch, tâm nản trí đần ( nản lòng, trí tuệ u ám ) mà thành tướng đoạn diệt. Tuyệt đối không được khởi niệm này. Lại nói thẳng để biểu rõ rằng người phát tâm chánh giác không dựa vào phật pháp tu hành phải ở chỗ Không mà chẳng đoạn,  ( chẳng có ) mà bất diệt.

 

 

Phần thứ hai mươi tám 

 Bất thụ bất tham

 

Phân giải

 

Lãnh nạp nơi tâm là thụ. Người phàm đối với trần tướng bên ngoài, bất luận là cảnh thuận hay nghịch, như có tâm yêu ghét, đều gọi là thụ. Ngay cả nói rằng tất cả thuận nghịch cảnh đều chẳng thụ cũng vẫn gọi là thụ. Chỉ cần là có chỗ sanh tâm động niệm thì đều là thụ. Nếu đi sâu vào nghiên cứu cái gốc rễ của thụ, thì là do vẫn chưa quên cái tôi rất nhỏ. Nếu đã thông đạt cái pháp vô ngã ( chẳng có cái tôi ), vô ngã thì vô thụ, cái tôi mà có thể thụ đã trống, do đó nói là chẳng thụ.

 

Thường mãi không thoả mãn thì là tham, tham cầu niềm vui của ngũ dục chẳng ngơi gọi là tham, tham cầu phước đức gọi là tham, ngay cả tham cầu niết bàn cũng gọi là tham. Bồ Tát sau khi ngộ vô ngã, chẳng tham niệm ngũ dục, chẳng bôn tẩu truy cầu phước đức, chẳng nhắm tới niết bàn, do đó gọi là chẳng tham.

 

Nguyên Văn

 

Nầy Tu-Bồ-Đề! Nếu Bồ-tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát sông Hằng để làm việc bố-thí.

 

Nếu lại có người biết lý vô-ngã của tất cả pháp mà đặng thành nhẫn trí ( tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn ) . Vị Bồ-tát nầy được công-đức hơn phước-đức của vị Bồ-tát trước. Bởi vì sao? Nầy Tu-Bồ-Đề! Vì các vị Bồ-tát không nhận lấy phước-đức."

 

Ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Phật rằng: "Bạch đức Thế-Tôn! Tại sao các vị Bồ-tát không nhận lấy phước-đức?"

 

"Nầy Tu-Bồ-Đề! Vị Bồ-tát phàm có làm việc phước-đức thời chẳng nên tham-trước, vì thế nên nói là chẳng nhận lấy phước-đức.

k

Khái luận

 

Pháp chẳng đoạn diệt, mà pháp cũng không thể trụ. Đức Phật Như Lai lần lữa lại lấy việc Bồ Tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát Sông Hằng để làm việc bố thí để làm ví dụ, hiển thị công đức của việc hành bố thí vô trụ. Do đó, bảo rằng : nếu có người biết lý vô ngã của tất cả pháp mà đắc thành việc Nhẫn, loại người này tức là Bồ Tát thật sự, hơn công đức bố thí của vị Bồ Tát trước. ( Đấy là lần thứ 8 dùng việc bố thí bảy thứ báu để so sánh công đức ) , là đang dạy người về cái công hạnh thật sự của việc phát tâm bồ đề, nếu đã chẳng thể dựa vào tướng mà xem, lại không được nói tướng đoạn diệt, ở đây tự có cái chân đế ý nghĩa thật sự ) tồn tại. Phần này muốn điểm phá rằng phước đức không thể trụ, là phá cái chấp có của học giả.

 

Phụ ngôn

 

Tất cả các pháp cần phải vô ngã ( không có cái tôi ). Con người sở dĩ không thể vô ngã đều do không thể Nhẫn. Không thể nhẫn thì sao có thể vô ngã ? cho nên Nhẫn nhục ba la mật phải có thể nhẫn nhục, cho đến không chỉ quên nhục, mà còn quên cả sự nhẫn chịu của mình, nghịch đến thuận chịu ( khi nghịch cảnh đến thì thuận theo mà tiếp nhận ), trái lại còn thêm độ thoát thì vô ngã mới đắc thành. Không thể nhẫn, sao có thể vô ngã ? Duy chỉ vô ngã cho nên đắc thành nơi Nhẫn. Cái bản lĩnh kiên cường tinh tiến thành Phật này, toàn kinh 5000 từ hơn, chỉ 10 từ rải rác này ( tri nhất thiết pháp vô ngã, đắc thành ư nhẫn ) là lời tinh yếu của đức Phật Như Lai.

 

 

Giảng nghĩa

 

Phật nói rằng : này Tu Bồ Đề ! nếu Bồ Tát tuy dùng bảy thứ báu của vô lượng thế giới để hành bố thí, do tâm ( chấp ) trước tướng, do đó cái phước đã đắc tuy nhiều nhưng có hạn. Nếu lại có người, tâm chẳng trước tướng, biết tất cả pháp vô ngã, lúc nào cũng Nhẫn, việc gì cũng Nhẫn, kiên trì bền lâu, Nhẫn rồi lại Nhẫn, đến mức Nhẫn mà quên Nhẫn ( quên cả sự nhẫn chịu của mình đang chịu đựng ) thì vô ngã mới đắc thành. Như vậy thì công đức vị Bồ Tát này đã đắc được càng nhiều hơn so với công đức của vị Bồ Tát trước đã đắc. Cái duyên cố này là do có cái nhân li tướng thì đắc cái quả thù thắng, nhưng mà chẳng nhận lấy. Tu Bồ Đề bạch với Phật rằng : bạch đức Thế Tôn ! Nhân quả thụ thí, là cái lí tự nhiên, vì sao nói Bồ Tát chẳng nhận lấy phước đức ? cho nên, Phật lại bảo rằng : này Tu Bồ Đề ! Bồ Tát bố thí độ sanh, vốn là hành cái nên hành ( làm cái nên làm), từ đầu chẳng có cái ý niệm tính công tính năng ( cái có thể đạt được ), cái đến và không đến của phước đức chỉ là nghe mà thôi, là gọi là chẳng tham chẳng nhận lấy.

 

Số lượt xem : 278