Kim Cang Kinh ( chú giải của Tế Công Hoạt Phật )
Lời tựa của Tế Công Hoạt Phật
Phật dùng diệu trí tuệ vô thượng mà quán ( xem ) tất cả chúng sanh, biết được căn khí của họ lớn nhỏ khác nhau, do đó dùng trí phương tiện mà thuyết pháp phương tiện, tám vạn bốn nghìn pháp môn để đối trị tám vạn bốn nghìn phiền não, có thể biết đức Như Lai thuyết pháp là ứng cơ mà nói, cho thuốc phù hợp đối với từng căn bệnh và chẳng có lời nói nhất định.
Đạo bổn vô ngôn, phi ngôn bất hiển, ngôn hữu bất đạt, đạo vô dĩ minh. ( Tạm dịch là : đạo vốn dĩ chẳng có lời nói, nhưng chẳng phải là lời nói thì lại không hiển hiện được đạo, lời nói có chỗ không diễn đạt đến được thì đại đạo càng chẳng có thể giải thích rõ ).
Phật giảng quyển Kim Cang Kinh này là nói tâm pháp của Như Lai, lấy việc cắt đứt sự nghi ngờ để sanh lòng tin làm chủ yếu, lấy li tướng làm tông, lấy vô trụ làm thể; cái diệu của chân không không ở giữa hình tích, lời nói; thật sự bất đắc dĩ mà nói đấy thôi. Cho nên tông chỉ của kinh sâu rộng, vô cùng khó liễu ngộ. Nếu người tụng kinh chẳng biết giải thích nghĩa của kinh, người xem kinh chẳng biết lời của Phật thì cho dù thuộc nát kinh văn cũng vẫn là mơ hồ chẳng đắc được gì, lại càng làm sao có thể nói đến đạo lí dĩ tâm truyền tâm, kiến tánh thành Phật ?
Từ xưa đến nay những quyển sách chú giải Kim Cang Kinh nhiều không dưới nghìn loại, đáng tiếc đều là dùng những câu cú cao thâm để giải thích, dẫn đến việc những thiện nam tín nữ bình thường với hiểu biết câu cú không sâu vẫn chẳng hiểu biết được nghĩa của nó, bàng hoàng vô chủ, bối rối chẳng rõ nên bắt tay vào từ đâu. Như thế, lẽ nào chẳng phải tâm pháp cực kì vi diệu của đức Như Lai do vậy mà không thể minh truyền ? Do cảm nhận được điều này, cho nên ta bèn phát tâm muốn dùng lời văn cực kì đơn giản dễ hiểu để chú giải Kinh Kim Cang, để tiện cho những người biết chút văn tự có thể hiểu tường tận. Nào ngờ vẫn chưa đặt bút xuống viết thì hai đồ nhi Quách, Trương lập tức dùng ba loại Kim Cang Kinh ( Thạch Thị Tập chú, Thông Tục Tập Nghĩa, Tôn Thị Giảng Nghĩa ) thỉnh mời ta cho chỉ thị xem xem quyển nào tương đối hay thì đem đi in mà lưu truyền rộng rãi. Ta lật xem qua hết một lần, cảm thấy rằng ba loại chú giải tuy có một hai chỗ chưa thoả, nhưng câu cú đơn giản dễ hiểu, trong đó đặc biệt quyển Thông Tục Tập Nghĩa là ngắn gọn súc tích, rõ ràng, rất hợp với ý ta. Ta bèn lấy quyển này làm chính, hai quyển Thạch, Tôn làm phụ, tuyển chọn lấy ưu điểm của mỗi quyển, tham khảo làm ý, thu thập rồi biên tập để liễu cái nguyện của một chút phát tâm ban đầu. Nguyện những ai sau này được xem qua quyển sách này có thể từ cạn ( dễ ) mà biết sâu, từ gần mà ngộ xa, do lời biên mà biết lời chú giải, do lời chú giải mà ngộ lời của kinh phật, ngộ lời của phật thì tin là thật, lập nguyện khẩn thiết, mãi mãi hành theo, tỉnh mê phá si, ngộ đạo tham tu, hiểu rõ chân thường, chánh tâm tu thân, viên minh tự như, thoát biển khổ mà đăng Dao Trì, bỏ hoa ảo mà nhặt hoa ưu đàm, cùng chứng cái diệu vô thượng, cùng hưởng cái vinh cực lạc là cái mà ta kì vọng.
Dân Quốc năm thứ 27 Tuế thứ Mậu Dần ngày 9 tháng 3.
Lời tựa của Nam Bình Tăng Điên tại Phật đường Trương Thị
Phần Chú thích của Dịch Giả
Bản dịch chính văn của Kinh Kim Cương Bát-nhã thì Tế Công Hoạt Phật đã dựa theo bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập để chú giải. Nay trong bản dịch tiếng Việt này, phần chính văn Kinh Kim Cương Bát-nhã thì hậu học đây dựa theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Trí-Tịnh. Phần lời tựa của Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng vốn dĩ không có trong phần chú giải của Tế Công Hoạt Phật, là do dịch giả đọc thêm từ tư liệu bên ngoài, cảm thấy hay mà thêm vào để đọc giả tham khảo thêm.
Nội dung của phần dịch chỉ là thiển kiến của dịch giả, tránh không khỏi có chỗ sai lầm và thiếu sót, kính mong các bậc cao minh đại đức vui lòng bổ chính.
Vô danh Bạch Dương Kì cư sĩ biên dịch.
Lời tựa của Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng
Kinh Kim Cang này lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ lúc Đạt Ma đến từ phía tây để truyền trao ý chỉ của kinh này, khiến cho người ngộ lí kiến tánh. Chỉ vì người đời chẳng thấy tự tánh, do đó lập pháp môn kiến tánh. Người đời nếu hiểu thấy cái bổn thể chơn như, thì đâu cần lập pháp môn. Những người đọc tụng kinh này thì vô số, người xưng tán vô biên, có hơn tám trăm nhà luận giải, những đạo lí mà họ đã nói đều tuỳ theo cái thấy của mỗi người; năng lực thấy đạo tuy không giống nhau, nhưng pháp thì chẳng có hai. Người túc thực thượng căn mới nghe liền liễu ngộ, nếu chẳng có túc huệ ( trí tuệ từ kiếp trước mà đến ) thì đọc tụng tuy nhiều mà chẳng ngộ, chẳng thông đạt được ý của Phật. Đó là lý do mà cần phải giải thích nghĩa lý của Thánh Nhân, đoạn trừ tâm nghi ngờ của học giả; nếu nơi kinh này mà đắc chỉ vô nghi ( hiểu được ý chỉ của kinh, không có nghi ngờ ) thì không cần giải thích.
Như Lai từ ngàn xưa thuyết giảng các thiện pháp là để diệt trừ tâm bất thiện của phàm phu, kinh là lời nói của Thánh Nhân, dạy cho người ta nghe rồi tiến đến siêu phàm ngộ thánh ( lĩnh hội mà vượt qua thân phận phàm phu, thấy Thánh đạo ), vĩnh viễn diệt trừ cái tâm mê muội. Một quyển kinh này vốn có trong tánh của chúng sanh, chỉ là không tự nhìn thấy mà thôi. Nhưng đọc tụng văn tự, nếu ngộ bổn tâm, mới biết kinh này chẳng ở nơi văn tự. Nếu có thể hiểu rõ tự tánh, mới tin tất cả chư phật đều từ kinh này mà ra. Nay e rằng người đời thân ngoài tìm phật, hướng ngoại cầu kinh, chẳng phát nội tâm, chẳng trì nội kinh, vì vậy mới phải tạo luận, giải quyết nghi lầm để người tu học biết giữ lấy kinh trong tâm của mình, thấu rõ Phật tâm thanh tịnh vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.
Những học giả sau này đọc kinh mà có nghi ngờ, nhìn thấy những giải nghĩa này mà xua tan đi cái tâm nghi ngờ; hy vọng các học giả cùng thấy tánh vàng trong quặng, dùng ngọn lửa trí tuệ mà luyện nấu chảy, để cho quặng đi, chỉ còn lại vàng tồn tại. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nói Kinh Kim Cang ở nước Xá Vệ là do Tu Bồ Đề khởi vấn, Phật đại từ bi vì thế mà nói. Tu Bồ Đề nghe pháp đắc ngộ, mời Phật đặt tên cho pháp, khiến người đời sau dựa theo mà thọ trì. Do đó kinh viết : Phật bảo Tu Bồ Đề rằng tên kinh là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, ông nên theo danh tự ấy mà thọ trì. Vì sao thế ? bởi vì kim cương là báu vật của thế gian, tánh cứng sắc bén lợi hại của nó có thể làm vỡ nát các vật. Kim loại tuy rất cứng, sừng linh dương có thể phá hoại; kim cương ví như phật tánh, sừng linh dương ví như phiền não. Kim loại tuy cứng rắn, nhưng sừng linh dương vẫn có thể phá hoại, phật tánh tuy kiên cố, nhưng phiền não vẫn có thể làm não loạn; phiền não tuy cứng chắc, nhưng trí bát nhã vẫn có thể phá được, sừng linh dương tuy cứng chắc, nhưng sắc thép có thể cắt được. Người ngộ được cái lí này thì thấy được phật tánh.
Kinh Niết Bàn viết : thấy Phật tánh thì không gọi là chúng sanh, chẳng thấy Phật tánh thì gọi là chúng sanh. Cái ví dụ kim cang mà Phật đã nói chỉ là vì tánh của người đời không kiên cố, miệng tuy tụng kinh mà ánh sáng tuệ giác không phát, nếu ngoài tụng trong hành trì thì ánh sáng tuệ giác sẽ phát sinh, nếu nội tâm chẳng kiên cố, thì định tuệ liền mất, miệng tụng, tâm hành trì thì định tuệ đồng đẳng, như vậy là rốt ráo. Vàng ở trong núi, mà núi chẳng biết là báu vật, báu vật cũng chẳng biết núi, là vì sao vậy ? vì là vô tánh. Người thì có tánh, biết lấy báu vật ấy dùng, đục núi phá đá, lấy quặng luyện đốt, đúc luyện thành vàng ròng, tuỳ ý sử dụng, miễn được khổ nghèo.
Trong thân tứ đại, phật tánh cũng thế. Thân ví như thế giới, nhân ngã ví như núi, phiền não ví như quặng mỏ, phật tánh ví như vàng, trí tuệ ví như thợ mỏ, tinh tiến dũng mãnh ví như sự công phá đúc luyện. Trong thế giới của thân có ngọn núi nhân ngã ( người, ta ), trong núi nhân ngã có mỏ phiền não, trong mỏ phiền não có báu vật phật tánh, trong báu vật phật tánh có thợ trí tuệ, dùng thợ trí tuệ đục phá núi nhân ngã, sẽ thấy có quặng mỏ phiền não, dùng ngọn lửa giác ngộ luyện rèn thì sẽ nhìn thấy phật tánh kim cương của mình trong sạch chiếu sáng, do đó Kim cương được lấy làm ví dụ và đặt tên kinh là thế. Chỉ hiểu suông mà không thực hành thì chỉ có tên, không có thật chất, nếu có hiểu nghĩa mà lại có tu hành tức có tên và bản chất đầy đủ. Không tu thì là phàm phu, tu thì là cùng trí tuệ bậc thánh, do đó gọi là kim cang.
Vì sao gọi là bát nhã ? bát nhã là tiếng phạn, tiếng hoa là trí tuệ. Người trí không khởi tâm mê, người tuệ có phương tiện khéo léo; Trí là thể của tuệ, Tuệ là dụng của trí. Thể nếu có tuệ thì dụng trí chẳng ngu; Thể nếu chẳng có Tuệ thì dụng ngu chẳng có trí. Chỉ vì ngu si chưa ngộ, do đó mà tu trí tuệ để trừ. Ba La Mật là gì ? tiếng hoa nghĩa là đến bờ bên kia. Đến bờ bên kia nghĩa là rời sanh diệt. Chỉ vì tánh của người đời chẳng kiên cố, ở nơi tất cả các pháp đều có tướng sanh diệt, chưa đến mảnh đất chơn như, thì là bờ bên này. Phải có trí tuệ lớn, viên mãn nơi tất cả các pháp, rời tướng sanh diệt, tức là đến bờ bên kia. Cũng nói rằng tâm mê thì là bờ bên này, tâm ngộ thì là bờ bên kia; tâm tà thì là bờ bên này, tâm chánh thì là bờ bên kia. Miệng nói tâm hành, tức tự pháp thân có ba la mật; miệng nói tâm chẳng hành, tức chẳng có ba la mật.
Vì sao gọi là kinh ? kinh là con đường, là con đường để thành tựu phật đạo. Phàm người muốn phát tâm thành tựu phật đạo, trong tâm phải tu hạnh bát nhã cho đến chỗ rốt ráo. Nếu miệng chỉ có thể tụng giảng suông, mà tâm không y theo đó hành trì thì tự tâm chẳng có kinh; thấy đúng, thật hành đúng thì tự tâm có kinh. Do đó kinh này đức Như Lai đặt tên là Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Số lượt xem : 943