Ý nghĩa thật của Bố Thí
1. Lời nói đầu :
Cái gì gọi là bố thí ?
Bố tức là dùng tâm hoài từ bi ( tâm hoài : ý niệm và cách nghĩ trong tâm ) để cứu giúp chúng sanh khắp thập phương, trợ giúp giải quyết những khốn khó của chúng sanh.
Thí là cho người ta ân huệ, có thí tất có nhận, nhận tức là có được lợi ích từ chỗ của người khác. Thí có phước hơn nhận, cho nên thí cũng là tăng phước. Bố thí tức là tu phước, dùng cái phước này để tế độ bản thân, trang nghiêm bản thân. Cho nên bố thí là phước tuệ song tu, không chỉ tu phước mà còn mượn quá trình bố thí khiến cho phật tánh của tự tâm hiện ra sáng rõ, kiên cố sự hành trì của tự thân, hóa trừ những sự che lấp của hậu thiên, cái công ấy rất lớn.
2. Trong lục độ vì sao bố thí là hàng đầu, bố thí đi trước ?
Trong lục độ ba la mật, bố thí là hàng đầu. Vì sao vậy ? Lục độ là sáu pháp môn của việc hành trì bồ tát đạo. Hôm nay các đệ tử Bạch Dương chính là những người hành bồ tát đạo. Ngoài việc chánh kỉ ra lại còn phải thành nhân ( Chánh kỉ : đoan chánh lời nói và hành động của bản thân; Thành nhân : thành toàn người khác ), lợi kỉ còn phải lợi tha ( lợi kỉ : đem lại lợi ích cho bản thân; lợi tha : đem lại lợi ích cho người khác ).
Bố thí độ tham lam keo kiệt. Con người rơi vào hậu thiên thường không ngừng theo đuổi danh lợi ân ái, muốn chiếm hữu, muốn có thể đạt được tất cả mọi thứ.Cho nên tất cả mọi suy nghĩ cân nhắc đều lấy mình làm trung tâm, tất cả mọi hành vi cũng đều vì bản thân mình. Đối với tất cả mọi tiền tài danh lợi tất nhiên tham chấp chẳng xả, nếu đã có sự tham lam chấp trước thì sản sanh cái tâm tham lam, keo kiệt, so đo tính toán, chẳng trách Dưỡng Chân Tập nói rằng : “ từ xưa đến nay, các học giả thế gian nhiều như lông trâu, đại khái chẳng phải là vì danh thì là vì lợi, ngoài vì danh lợi ra, những người dụng công như thế, hiếu học như thế có mấy ai ? ”
Lão Tiền Nhân cũng nói : “ tu đạo phải có tâm bố thí, tâm bố thí chính là tâm từ bi, nếu con có cái tâm tham lam keo kiệt, tiền làm việc tốt khó xả thí thì nhất định không thể thành đạo. ”, cho nên cái tâm tham trước mà không hóa bỏ đi, tất cả mọi thứ đều là vì bản thân mình, do vậy tự tư tự lợi, cái tâm từ bi hỷ xả chẳng cách nào bộc lộ ra được, vậy cái bổn lai diện mục ( phật tánh ) ấy của con ở đâu ? Cái tâm nhân đức có thể thường trú lâu dài được không ? Phật tâm. Phật tánh lại làm sao hiện sáng rõ được ? nếu như điểm gốc ( nơi bắt đầu xuất phát ) của nguyên tâm tìm không được, vậy thì còn nói gì đến tu đạo nữa, càng chớ nói đến thành đạo.
Mượn việc bố thí để trừ bỏ đi sự tham trước, keo kiệt của chúng ta, khiến cho sự từ bi trong bổn tánh của chúng ta tự nhiên bộc lộ mới có thể đi độ hóa chúng sanh, thành toàn chúng sanh. Cho nên trong lục độ thì bố thí tất nhiên đứng hàng đầu, bố thí tất nhiên phải đi trước.
3. Chủng loại của bố thí :
a. Tài thí : chính là đem tiền tài, tài vật của mình thí cho những người cần gấp, như là đem tặng cái ăn cái mặc cho người khác, tế trợ những người góa bụa mồ côi…đều có thể gọi là tài thí. Ý nghĩa vốn có của tài thí chính là tặng than trong cái lạnh băng giá ( nghĩa là : giúp đúng lúc khi người ta gặp khốn khó nguy cấp cần sự giúp đỡ nhất ), chẳng phải là trên vải gấm thêu thêm hoa ( nghĩa là : làm cho cái vốn đã hoàn hảo tốt đẹp lại càng hoàn hảo tốt đẹp hơn ). Đức Phật nói rằng :
“ Các Tỳ Kheo nên biết! những người có trí nên dùng 3 loại pháp chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch 3 sự bền chắc. Thế nào gọi là ba ? Một là nên dùng tiền tài chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch tài sản bền chắc, hai là nên dùng cái thân chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch cái thân thể bền chắc. Ba là nên dùng cái mạng chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch cái mạng bền chắc.
Thế nào là dùng tiền tài chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch tài sản bền chắc ? Nghĩa là thiện nam tử hoặc thiện nữ nhơn có lòng tin thanh tịnh, siêng năng tinh tiến như pháp, lao dịch bằng chân tay, ra sức đổ mồ hôi mới có được những tài sản quý giá; nên tự cung cấp cho bản thân mình, cung phụng lên cho cha mẹ, trợ giúp cho vợ con, nô tỳ, bạn bè quyến thuộc, ngày đêm gặp gỡ, vui vẻ sinh sống. Còn khi gặp những Sa Môn hoặc Bà La Môn, có giới đức thanh tịnh, hay điều phục thiện pháp, siêng tu phạm hạnh, trừ bỏ sự dâm dật và sự hống hách kiêu mạn, nhẫn nhục nhu hòa, thẳng ngay đường tốt, bỏ các đường tà, chí thú Niết Bàn thì dùng cái tâm với lòng tin thanh tịnh, hoan hỷ cung kính, nên như thế, những lúc như thế để giữ gìn sự bố thí. Xa cầu vô thượng an lạc Niết Bàn; hoặc hy vọng tương lai được quả vui trời người. Đó gọi là dùng tiền tài chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch tài sản bền chắc. ” ( trích từ Kinh Bổn Sự )
Do tiền tài dựa theo sự giải thích trên kinh điển thì nó là thuộc về quyền sở hữu chung của “ ngũ gia ”. Cái gọi là ngũ gia chính là : trộm cắp, nước, lửa, ác ma, bại tử ( những đứa con ăn tiêu phung phí làm tán gia bại sản ). Cho nên nói tiền tài là thứ chẳng bền chắc. Cho dù tiền tài của bạn có nhiều bao nhiêu đi chăng nữa, ngũ gia này đều sẽ thay bạn dùng hết. Chúng ta nếu muốn bảo vệ gìn giữ tất cả tài sản, không để cho ngũ gia này đoạt lấy mất đi, vậy thì phải dựa theo lời phật đã dạy “dùng tiền tài chẳng bền chắc để trao đổi mậu dịch tài sản bền chắc ” , nói cách khác là dùng tiền tài hữu hình ấy của đông phương để đổi lấy tài pháp công đức vô hình của cõi tây phương.
Sự thật thì người chết rồi cái gì cũng chẳng đem theo được, nhưng cái mang theo được thì duy chỉ có tất cả những thiện nghiệp và ác nghiệp mà chúng ta đã làm lúc tại thế. Người xưa nói rằng : “ một khi vô thường đến, mới biết người trong mộng, vạn thứ chẳng mang được, duy có nghiệp tùy thân ” . Tiền tài nếu có thể dựa theo phương pháp mà Phật Đà đã chỉ thị “ dùng cái tâm với lòng tin thanh tịnh, hoan hỷ cung kính để trì dụng bố thí ” thì có thể “ cầu đắc đạo vô thượng, được đến niết bàn an vui ”
Người chịu bố thí chính là Bồ Tát, Bảo Vũ Kinh rằng : Phật bảo rằng : “ bố thí là bồ tát, bồ đề, do bố thí mà đoạn dứt được 3 loại pháp chẳng thiện, chính là tham keo, đố kị, và những suy nghĩ xấu ”, do đó mà ta nên học ở đức Như Lai, tùy tiền tài mình sở hữu mà thường hành bố thí. Tuy bố thí nhiều mà chẳng khởi tâm ngạo mạn thì gọi là bồ tát thành tựu tài thí.
Một người vui hành thiện, thích bố thí, thường thường làm sự nghiệp từ thiện cứu tế người nghèo, thế nhưng xưa nay cũng chẳng vì thế mà nghèo đến đâu. Tiền bố thí cứu tế người đi trong sự minh bạch rõ ràng nhưng lại đến một cách âm thầm. Cho nên nói : “ tài thí giống như nước trong giếng, một bên múc lên một bên thêm, ba ngày năm ngày chẳng múc nước, nước có bao giờ ngập đến bờ miệng giếng đâu ? ”
b. Pháp thí : giảng kinh thuyết pháp, khuyên người hành thiện, giải thích những nghi hoặc, khiến người ta rõ lý, khiến cho chúng sanh đều có thể hành chánh đạo thoát rời biển khổ, cùng bước lên bờ đạo.
Phạm vi của pháp thí cực rộng, nhỏ thì từ chỗ tán thán người làm việc thiện, viết sách khuyến thiện, lớn thì cho đến việc thuyết pháp độ chúng, truyền bố chân lý đều có công đức pháp thí vô lượng vô biên.
Tài thí hữu tận, pháp thí vô cùng tận. Trong Kinh Kim Cang có nói rằng : "Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên, đại-thiên, để làm việc bố-thí, phước-đức của người đó đặng, có nhiều hay chăng?" Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn, rất nhiều ! ”, thế nhưng "nếu như có người, nơi trong kinh nầy, nhẫn đến thọ-trì một bài kệ bốn câu v.v... lại giảng nói cho người khác, thời phước-đức nầy trội hơn phước-đức trước.” Từ đây có thể biết rằng công đức của pháp thí là vô lượng vô biên.
c. Vô úy thí : Có tinh thần đại vô úy , trợ giúp cho những kẻ nhỏ yếu không có chỗ dựa, trượng nghĩa trực ngôn, cứu mạng sống của người …chẳng có sợ hãi, chẳng kinh khiếp gọi là vô úy. Hy sinh năng lực, tinh thần, thời gian của mình khiến cho chúng sanh chẳng có sự kinh hoàng, khiếp sợ tức là vô úy thí.
Vô úy thí có đại vô úy, tiểu vô úy. Cái nhỏ thì phàm là những việc vì phật đường, vì đạo trường, bất cứ những việc có liên quan đến việc độ hóa chúng sanh như quét lau dọn dẹp, giao thông, ăn, mặc, ở …mà phụng hiến tâm sức đều là vô úy thí. Nếu vì hộ trì chánh pháp mà mạo hiểm, tinh thần dũng cảm tiến về trước không sợ khó khăn hiểm trở, chẳng lo sự an nguy của mình, chẳng chút thoái rút, thậm chí hy sinh mạng sống, bất luận thế nào cũng tuyệt đối chẳng khước từ thì là đại vô úy. Tóm lại phàm là tuyên dương đại đạo, hộ trì chánh pháp mà bỏ ra mọi hành động, tâm sức đều là vô úy thí.
4. Quan niệm cơ bản về bố thí
Bố thí là hành vi của tâm đại từ bi của phật bồ tát. Do Phật Bồ Tát quán thấy chúng sanh trên đời si mê, thường chìm trong biển khổ, cho nên phát tâm đại từ bi, rộng hành bố thí ( tài, pháp, vô úy, 3 thí song hành ), tế độ chúng sanh rời khổ được vui, cùng chứng bồ đề. Cho nên bố thí phải lượng sức mà làm, chẳng tham, chẳng keo kiệt. Thí ân chẳng mong đền đáp, nếu mong đền đáp thì chớ có thí ân, không được ngần ngại chần chừ, không được cau mày nhăn mặt, càng không được có tâm thái sau khi bố thí rồi thì lại hối tiếc. Cho nên bố thí nên có quan niệm và thái độ như sau :
a. Tam luân thể không :
Phàm phu bố thí đều là bố thí trụ tướng, nếu đã là công dụng của hữu vi thì những phước báo có được đều là hữu tận ( có hạn ). Nếu có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên, đại-thiên, để làm việc bố-thí, vì là bố thí có tướng đều là cái thiện của hữu vi, cho dù có phước báo cực lớn, báo hết rồi vẫn phải đọa lạc.
Phàm phu chẳng biết rằng bố thí chẳng trụ tướng, tức là công dụng của vô vi, công đức ấy lại càng lớn hơn, phước đức có được cũng vô lượng vô biên.
Chứng Đạo Ca của Vĩnh Gia Đại Sư rằng : “ nhất thiết hữu vi pháp bất đồng, trụ tướng bố thí sanh thiên phước, Do như ngưỡng tiễn xạ hư không,Thế lực tận, tiễn hoàn trụy, Chiêu đắc lai sanh bất như ý. ”
( Tạm dịch : Tất cả hữu vi pháp chẳng đồng, bố thí trụ tướng hưởng phước trời, ví như tên bắn nhắm hư không, đà bắn hết, tên vẫn rơi, chuốc lấy đời sau không như ý ). Khi bố thí, nếu chấp trước ở cái công bố thí thì chỉ là phước báo của đời sau, chẳng có công đức, do vậy nên hành bố thí vô tướng.
Kim Cang Kinh rằng : “ vị Bồ-tát, đúng nơi pháp, phải nên không- có-chỗ trụ-trước mà hành ( làm việc ) bố-thí. Nghĩa là không trụ-trước nơi hình sắc mà bố-thí, không trụ-trước nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà bố-thí.”
Bồ tát nơi pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác nên không có chỗ trụ trước mà bố thí. Bố thí không trước tướng nghĩa là phải tâm chẳng có yêu cầu đòi hỏi, lục căn thanh tịnh, rời khỏi các trần tướng của sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. ( Thí giả vọng thí - người bố thí quên việc mình thí, trong lòng không còn ý tưởng là ta bố thí ; Thụ giả vọng thụ - không còn ý tưởng người được bố thí là ai, và phải vọng ( quên ) sở thí chi vật - vật đem bố thí là tiền bạc hay bất cứ vật gì, mình cũng phải vứt bỏ quan niệm là có nó, là có sự bố thí. Thí không, thụ không, vật không như thế gọi là tam luân thể không.
Bởi vì bố thí trụ trước nơi tướng mặc dù có thể được phước, nhưng không lâu dài. Nếu bố thí không trụ trước nơi tướng, có thể tam thể luân không thì chẳng có tướng có thể trụ, cái phước của chẳng có trụ trước nơi tướng này, cái phước đức ấy là chẳng thể suy lường được, lượng phước đức ấy bằng với hư không.
Thầy từng nói : “ chẳng cần tiền bạc của các con, chỉ cần một cái tâm tốt của con mà thôi ”. Chư thiên tiên phật đều dạy chúng ta phải bố thí, còn thầy thì lại bảo không cần tiền bạc của chúng ta, chẳng phải là mâu thuẫn hay sao ? Lúc chúng ta hành bố thí, cái mà trong tâm nghĩ, trong mắt nhìn chính là tiền tài của mình đã bố thí cho ai rồi ? đã làm việc gì rồi ? đã lập công gì rồi ? đấy là bố thí có trụ trước nơi tướng, chẳng phải là bố thí thật lòng, do vậy chẳng phải là công đức thật sự. Trong kim cang kinh, Phật Đà đã mấy lần nhắc đến rằng nên chẳng có chỗ trụ trước mà bố thí, cho nên nếu trong lòng nghĩ công đức bố thí có bao nhiêu, vậy thì chỉ là phước báo của tương lai mà thôi, chứ không phải là tánh phước đức ( pháp thân công đức ).
Thật ra tác dụng của bố thí chủ yếu là mượn hành vi, cách làm của bố thí để khiến cho phật tâm, phật tánh của chúng ta có thể hoàn toàn hiện sáng rõ, khải phát diệu trí tuệ tiên thiên của chúng ta ! Cho nên Thầy nói rằng : “ chỉ cần một cái tâm tốt của con mà thôi ”
Khi xưa Đạt Ma Tổ Sư lần đầu độ hóa vua Lương Võ Đế, vua hỏi rằng : “ Trẫm suốt đời xây chùa độ Tăng, thiết trai bố thí, được công đức gì ? ” Tổ Ðạt Ma đáp : “ Thật chẳng công đức ”. Hiện nay thời kì mạt pháp, các tu tử mê muội tuy có thể rộng tu hạnh hỷ xả, nhưng lại chẳng thể lãnh hội cái tâm của “ thật vô sở đắc ”. Lục Tổ Đại Sư rằng : “ xây chùa độ tăng, thiết trai bố thí gọi là cầu phước, không thể đem phước biến thành công đức, công đức ở bên trong pháp thân, chẳng ở chỗ tu phước ”. Lại nói rằng : “ công đức phải do tự tánh tự thấy, chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được ”
b. Có xả có đắc :
Người đời cứ tưởng rằng có tiền tài rồi thì là phước, nhà cao cửa rộng, ruộng tốt vạn mẫu, vinh hoa phú quý hưởng dùng chẳng hết thì là đời người suôn sẻ. Nếu dựa theo định luật nhân quả hoặc những điều đã nói trong kinh nhân quả ba đời thì tiền tài, thức ăn ngon, quần áo trang sức đẹp, phước duyên có đầy đủ của kiếp này vốn là phước báo của kiếp trước bố thí bỏ ra ! Cho nên có thể xả mới có thể đắc, bố thí cũng là đang thành tựu bản thân hiện tại hoặc tương lai.
Ân Sư nói rằng : “ chấp trước và tiếc rẻ, không thể xả thí là chỗ tồn tại của gốc rễ đau khổ ”, lại nói rằng : “ “ đi thành toàn chúng sanh mới có thể tiêu oan giải nghiệt ”. Những oan nợ tội nghiệt có cần phải trả, có cần phải tiêu trừ hay không ? có phải là phải xả thời gian, xả tinh thần, xả tiền tài đi phục vụ đại chúng, đi thành toàn chúng sanh ?
Bố thí nhiều thì chẳng tham trước, tự nhiên có thể sửa bỏ thói hư tật xấu, bỏ tánh nóng nảy. Viện trưởng sư huynh tam thiên chủ khảo cũng nói rằng : “ có thể xả tửu sắc tài vật chẳng tham, ân ái chẳng luyến, cái ác chẳng làm, nhân ngã chẳng tranh ”. Xả đi những thứ này thì đạo nghiệp sẽ chẳng khó thành tựu, có xả có đắc.
Ân Sư cũng nói rằng : “ có thể xả nhưng chẳng xả, xả rồi mới là thật xả. ” Một khi tuổi già thân yếu mới nghĩ đến muốn xả, khi danh lợi đã chẳng còn duyên, con còn có cái gì có thể xả đây ? Khi con vẫn còn có năng lực, xả rồi ! mới là thật xả. Những cái hữu hình ở đông phương chẳng xả, thì tài pháp công đức vô hình của cõi tây phương chẳng thể đắc được !
c. Dùng tâm hoan hỷ để bố thí :
Bố thí phải dùng cái tâm hoan hỷ đi làm cái việc mà mình thích, lượng sức mà làm chẳng có chút miễn cưỡng. Phật Đà nói rằng : “ Có một số người tuy rằng nghèo vẫn có thể bố thí, nếu như nhìn thấy người khác làm những việc có liên quan đến phước đức, hãy đi giúp đỡ họ, hoặc tán dương khen ngợi họ, hoặc trong lòng sản sinh tâm hoan hỷ, những người như thế cũng có thể gọi là thí chủ, tương lai sau này cũng có thể đạt được vô lượng phước báo ”. Cho nên chỉ cần là cái tâm hoan hỷ, gật đầu chào một cái, lộ ra một nụ cười, đều là đang hành bố thí.
d. Dùng tâm bình đẳng để bố thí :
Bồ-tát bố thí , Oán thân đồng đều, Không nhớ thù xưa, Chẳng ghét người ác. Khổng Tử nói rằng : “ hữu giáo vô loài ” ( nghĩa là : đối tượng mà mình thí giáo chẳng có phân biệt phú quý bần tiện, bất kể loại người nào cũng đều có thể nhận được sự giáo dục ). Hôm nay chúng ta phát tâm bồ đề, hành bố thí thì không được phân biệt chủng tộc, khu vực, phải đãi ngộ bình đẳng, chẳng có chút kì thị, dùng cái tâm bình đẳng mà hành bố thí. Các vị tiền hiền của đạo trường đi đến nước ngoài khai hoang hạ chủng, cứu tế chúng sanh ra khỏi biển khổ đều là mang cái tâm niệm như thế, bởi vì trong bốn bể đều là huynh đệ, đều là những đồng bào anh em bắt nguồn từ Lão Mẫu.
e. Dùng tâm từ bi vô lượng để bố thí :
Các đệ tử Bạch Dương nên mang cái tâm “ vô duyên đại từ, đồng thể đại bi ”, dùng tâm từ bi vô lượng để hành bố thí, quán thấy chúng sanh mê lâu chẳng ngộ, chẳng hành thiện đức, chẳng tạo nhân lành, rời xa phước nghiệp mới có những nỗi khổ như cái nghèo, bệnh tật, sự đói rét, khốn cùng, cuộc sống nghèo khó không được như ý; cho nên khi bồ tát bố thí cho chúng sanh thì giống như bố mẹ đang quan tâm đến con cái của mình vậy, chỉ nguyện chúng sanh đều có thể rời khổ được vui, cùng chứng quả phật vô thượng bồ đề.
5. Công năng của bố thí :
Hiểu rõ lợi ích của bố thí, lại từ 7 công năng lớn của bố thí mà Phật Đà đã nói để đi ấn chứng, càng có thể tăng thêm sự hiểu biết và lòng tin đối với bố thí ba la mật :
a. Có thể phá bỏ sự tham lam keo kiệt
b. Trang nghiêm bồ đề
c. Bản thân và người khác cùng được lợi ích
d. Ra đời trong gia đình giàu có
e. Tâm thí xả đời đời kiếp kiếp nối tiếp nhau
f. Kiếp sau được quả lành lớn
g. Sự bố thí thanh tịnh trồng xuống cái nhân của niết bàn, chứng cái quả của vô cực.
6. Những điều nên chú ý khi bố thí
Tuy rằng bố thí thật tâm thì không sợ hòa thượng giả, nhưng để cầu sự trang nghiêm thanh tịnh của bố thí thì có 5 loại bố thí là sai lầm, không thể bố thí; 8 loại bố thí không thể thành chánh quả.
Kinh Bảo Tích rằng : Những thứ không thể thí lại có 5 việc :
a. Những tài vật đắc được mà không hợp lí, do là những thứ không sạch, cho nên không nên dùng chúng bố thí cho người.
b. Rượu và những vật chất có độc tính, do làm loạn chúng sanh, cho nên không nên dùng chúng bố thí cho người.
c. Các loại bẫy, do làm chúng sanh căm phẫn oán hận, cho nên không nên dùng chúng bố thí cho người.
d. Đao và cung tên, do những thứ này có thể làm hại chúng sanh, cho nên không nên dùng chúng bố thí cho người.
e. Âm nhạc nữ sắc, do những thứ này làm hoại tâm thanh tịnh của chúng sanh, cho nên không nên dùng chúng bố thí cho người.
Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói rằng : có 8 loại bố thí không thể thành tựu chánh quả :
① Sau khi bố thí thường nghĩ đến đủ thứ tội lỗi sai trái của người thụ thí ( người được bố thí ).
② Lúc bố thí, tâm không bình đẳng
③ Có yêu cầu đòi hỏi đối với người nhận sự bố thí.
④ Sau khi bố thí, thường tự khen ngợi bản thân mình.
⑤ Sau khi nói mà chẳng làm, hoặc nói nhiều mà làm ít.
⑥ Sau khi bố thí, nói những lời xấu ác
⑦ Sau khi bố thí, cầu lấy sự đền đáp gấp bội.
8. Sau khi bố thí, sanh đủ thứ sự nghi hoặc đối với người được bố thí.
7. Kết luận :
“ Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu ”, trồng cái nhân duyên như thế này thì được cái quả báo như thế này. Bố thí cúng dường được phước vô biên, thế nhưng người mê tu phước nhưng lại chẳng tu đạo, ngỡ rằng tu phước chính là đã tu đạo rồi. Khi xưa có một người vốn dĩ rất bủn xỉn keo kiệt, vì muốn tu phước đức, cho nên thường thường bố thí. Sau này đọc tụng “ Kim Cang Kinh ”, thấy Kim Cang Kinh nói rằng : "Tu-Bồ-Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Như có người đem bảy thứ báu, đầy cả cõi tam-thiên, đại-thiên, để làm việc bố-thí, phước-đức của người đó đặng, có nhiều hay chăng?" Tu-Bồ-Đề bạch rằng: "Bạch đức Thế-Tôn, rất nhiều ! ”, thế nhưng "nếu như có người, nơi trong kinh nầy, nhẫn đến thọ-trì một bài kệ bốn câu v.v... lại giảng nói cho người khác, thời phước-đức nầy trội hơn phước-đức trước.” Từ đấy ông ta cho rằng tu phước nếu đã dễ dàng như vậy, chỉ cần chuyên trì bốn câu kệ thì đã đủ rồi, hà tất phải bố thí ? từ đấy về sau, đối với việc bố thí, ông ta một đồng cũng chẳng chịu xả, đấy thì là chấp trước, chưa ngộ được chân lý, lý giải méo mó sai lệch kinh phật rồi.
“ Kinh này ” vô tự ( chẳng có văn tự chữ viết ), hồi quang phản chiếu, minh tâm kiến tánh mà thôi; được nghe “ kinh này ” mà sanh lòng-tin không trái, rời tướng chẳng trụ, tức là tri kiến của phật. Thọ trì kinh kệ này chẳng những tự mình kiến tánh mà còn phải diễn thuyết vì người khác, khiến cho người ta kiến tánh, tự mình giác ngộ trước rồi giúp người khác giác ngộ, tự mình được lợi ích cũng làm lợi ích cho người khác.
Lại nữa, người diễn thuyết vì người khác phải không trước-tướng, không động tâm.
Bố thí có thể đoạn trừ những sự tham cầu, keo kiệt của cá nhân, tiêu trừ những nghiệp mà lũy kiếp đã tạo, trong việc đem lại lợi ích cho người khác cũng đem lại lợi ích cho bản thân, cũng có thể khiến cho người tu đạo tâm chí chuyên nhất, do vậy mà sản sanh các pháp lành và trí tuệ. Nghĩ kĩ xem, trong lục độ vạn hạnh của Bồ Tát Đạo, vì sao bố thí là xếp hàng đầu, vì sao bố thí đi trước, thì có thể có được đáp án tốt nhất. Chỉ cần là hành chánh đạo, bất cứ những gì mình bỏ ra, bất cứ sự phụng hiến nào mà mình làm vì chúng sanh đều là đang hành bố thí, nói đơn giản là “ hy sinh phụng hiến ” mà thôi.
Chúc phúc các vị Tiền Hiền đều có thể thông qua sự bố thí đạt đến sự viên mãn tự tại của sinh mệnh, sự trang nghiêm vô lượng của pháp thân công đức.
Số lượt xem : 751