BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Trích lược trọng điểm trong Lục Tổ Đàn Kinh ( Ngộ Pháp Truyền Y Đệ Nhất 3 )

Tác giả liangfulai on 2023-07-11 15:12:01
/Trích lược trọng điểm trong Lục Tổ Đàn Kinh ( Ngộ Pháp Truyền Y Đệ Nhất 3 )

Ngộ Pháp Truyền Y Đệ Nhất ( 3 )

 

Cái này nhất thiết cần phải tâm hành, không phải chỉ là niệm niệm ở trong miệng mà thôi.


 

“ Tâm hành ” có nghĩa là quán chiếu. “ Quán chiếu ” chính là dựa theo những lời dạy của Phật, tùy lúc tùy nơi mà dùng để phản quán nội chiếu, khiến cho tâm không bị cảnh giới lay chuyển, cũng chính là tùy lúc ùy nơi có thể nắm bắt được tâm của mình.

 

Nếu chỉ là miệng niệm mà không nâng cao quán chiếu, thì cũng như ảo thuật, biến hóa, sương mai, điện chớp vậy, là không thực tại; nếu miệng niệm mà lại có thể nâng cao quán chiếu, mới có thể tâm khẩu tương ứng, khế nhập thực tướng. Thực tướng hiện tiền, mới thật sự chứng tri, thì ra bổn tánh thanh tịnh chính là Phật. Rời khỏi tự tánh thì chẳng có Phật khác.

 

Cái gì gọi là “ Ma ha ” ? Ma ha là lớn, tâm lượng quảng đại. Tâm lượng ở đây không phải là tâm lượng mà chúng ta thường nói, bởi vì cái tâm lượng mà bình thường nói là tâm ý thức. Cái tâm lượng ở đây là chỉ cảnh giới hiện lượng của Phật đích thân chứng được ( cảnh giới chân thật ), là chơn tâm, cũng chính là tự tánh của chúng ta. Tự tánh lớn bao nhiêu ? tự tánh tận hư không, khắp pháp giới, giống như hư không chẳng có biên giới.

 

“ Kinh Kim Cang ” nói : “ Tu Bồ Đề !Có thể suy lường được cõi hư không ở phương nam, tây, bắc, cõi hư không ở bốn hướng cạnh, và cõi hư không ở trên, dưới, chăng ? ”.

 

“ Bạch thế tôn, không, không thể ”

 

Hư không là không có biên giới, như Tôn Ngộ Không trong “ Tây Du Ký ” , một cái cân đẩu có thể vượt được 10 vạn 8 nghìn dặm, vẫn là thoát không khỏi lòng bàn tay của Như Lai.

 

“ Như Lai ” là chỉ tánh thể, lớn bao nhiêu ? lớn như hư không, tận hư không khắp pháp giới, Tôn Ngộ Không làm sao có thể thoát ra khỏi lòng bàn tay của Như Lai ? đó chính là “ tâm lượng ”, là cảnh giới Như Lai đích thân chứng đắc, lớn vô lượng vô biên, vô hình vô tướng, không có đối đãi ( đối lập nhau ).

 

Quốc thổ của chư Phật là tâm thổ, cái gọi là “ tâm tịnh thì phật thổ tịnh ”; cảnh giới mà chư Phật chứng đắc được đồng đẳng với hư không, là vô lượng vô biên.

 

Diệu tánh của thế nhân vốn không, không một pháp nào khả đắc; chân không tự tánh cũng như vậy.

 

Câu này phải đặc biệt ghi nhớ. Phật đã chứng đắc cảnh giới này, chúng ta vẫn chưa, nhưng chúng ta phải tin, phật tánh mà mọi người có đều giống với chư Phật, là vô nhị vô biệt. Chúng ta tu hành chứng ngộ, phải ngộ cái gì ?chính là phải ngộ đến bổn lai vô nhất vật.

 

Thiện tri thức! đừng có nghe ta nói không thì chấp chước trên cái không, cái quan trọng nhất chính là tuyệt đối không nên chấp không. Nếu như vì muốn cầu không, huấn luyện bản thân không tâm tĩnh tọa, cái gì cũng chẳng nghĩ, vậy thì đã chấp “ vô ký không ”.

 

Bởi vì chấp chước không, thì rơi vào “ tướng chấp không ” rồi. Cái gọi là “ vô ký ” chính là không phải thiện, cũng chẳng phải ác. “ Vô ký không ” chính là chẳng nghĩ thiện, cũng chẳng nghĩ ác; cái gì cũng chẳng nghĩ, chính là chấp thủ “ không ”, kết quả biến thành ngoan không; không cách nào liễu liễu phân minh, như vậy là chấp chước rồi. Cái Định mà tu thành này chính là “ vô tưởng định ”. Quả báo của “ vô tưởng định ” là ở “ vô tưởng thiên ”. Cái “ vô tưởng thiên ” này là “ ngoại đạo thiên ”, ở trong tứ thiền thiên, vẫn chưa ra khỏi tam giới. Ngoại đạo Ấn Độ lúc Phật còn tại thế, trong đó có chuyên môn tu loại định này. Họ tưởng rằng đây là cảnh giới rất cao, kỳ thật không phải là cứu cánh, cũng chẳng phải là chân không.

 

Vô tưởng định với cái chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, thiện ác đều chẳng suy lường mà Lục Tổ nói là không giống nhau, Thiện ác hai bên mà Lục Tổ đã nói tuy không chấp chước, nhưng đối với cảnh giới thiện ác lại liễu liễu phân minh.

 

Cái gì là cái Không thật sự ? Cái thế giới mà Kinh Phật nói và cái quan niệm của người thường đối với thế giới - chỉ là chỉ thế giới địa cầu, hai cái này là không giống nhau. “ Thế ” là chỉ tam thế : đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai. Giới là chỉ tam giới : dục giới, sắc giới, vô sắc giới, bao quát thời gian và không gian, cũng có nghĩa là vũ trụ. Thế giới hư không rốt cuộc lớn bao nhiêu ? là bao hàm tam thiên đại thế giới vô lượng vô biên, cho nên Lục Tổ nói :

 

Có thể hàm vạn vật sắc tượng, nhật nguyệt tinh tú, sơn hà đại địa, nguồn suối dòng chảy khe núi, thảo mộc rừng rậm, ác nhân thiện nhân, ác pháp thiện pháp, thiên đường địa ngục, hết thảy biển lớn và núi Tu Di đều ở trong cái không.

 

Cũng chính là trong cái “ không ” hàm có cái tướng vô lượng vô biên, chân không diệu tánh của chúng ta cũng giống y như cái hư không của thế giới. Cho nên tiểu thể và đại thể kỳ thật là đồng nhất bổn thể, “ Kinh Lăng Nghiêm ” ví cái sắc thân của chúng ta như bọt nước trong biển lớn. Mỗi người cứ ngỡ bọt nước nhỏ là bản thân mình mà không biết biển lớn mới là bản thân mình thật sự - đại ngã ( cái ta lớn ).

 

Trong tam pháp ấn, có một “ chư pháp vô ngã ”, tất cả các pháp phân tích ra sẽ phát hiện trong đó không có một cái “ tôi ”; “ tôi ” ở đâu ? Mọi người cứ ngỡ cái thân thể này là tôi, kỳ thật xem xem : ngũ uẩn bao hàm sắc, tâm nhị pháp, tâm vương, trong tâm sở làm gì có một cái tôi thật sự ? sắc pháp có tứ đại, chính là đất, nước, lửa, gió; đất là thể rắn, nước là thể lỏng, lửa là nhiệt độ, gió là thể khí. Tứ đại cũng chẳng có một cái “ tôi ”, chỉ là nhân duyên tụ hợp, biến thành hình dạng hiện tại, còn chúng ta ngộ nhận tưởng rằng cái nhục thể này chính là “ tôi ”.

 

Đây là “ cái tôi thật ” sao ? nếu là cái tôi thật. “ tôi ” có nghĩa là “ chủ ”, có nghĩa “ tự tánh ”, nếu quả thật có thể làm chủ, vậy thì sắc thân lý ra sẽ không bị hoại diệt; nếu không thể vĩnh viễn tồn tại thật sự, duyên tụ thì sanh, duyên tán thì ảo diệt, vậy thì không phải là chân thật rồi ! làm gì mà có cái “ tôi ” ? Do chúng ta ngỡ cái nhục thể này chính là mình, chỗ nào cũng lo liệu tính toán cho cái “ tôi ” này, do vậy mà mê mất trong cái cảnh giới hư ảo này. Phật bảo với chúng ta, không nên chấp chước cái thân ảo ngũ uẩn. Cái thân ảo ngũ uẩn này là hư ảo không thật.

 

Cái chân ngã ( cái tôi thật ), cái tôi lớn là tận hư không khắp pháp giới, đấy mới là cái tôi chân chánh. Chúng ta mê rồi, nhận giả làm thật, lấy vọng thức làm chủ, do vậy mà thường luân hồi. Cho nên, phải hàng phục tâm vọng tưởng, chuyển thức thành trí, khôi phục cái diệu trí bát nhã vốn có. Cái diệu chơn như tánh này là tận hư không khắp pháp giới, cho nên nói diệu tánh chơn không của thế nhân, cũng như vậy, hàm tạng tất cả vạn pháp.

 

Mạnh Tử cũng nói : “ vạn vật giai bị ư ngã ”. Cái “ ngã ” ( tôi ) này không phải là cái tiểu ngã ( tôi nhỏ ) của nhục thể, là chơn ngã ( cái tôi thật ), là cái đại ngã ( cái tôi lớn ) tận hư không khắp pháp giới. Tất cả vạn vật đều ở trong cái chơn ngã, đều ở trong cái “ không ”, đấy cũng chính là cái đạo lý mà “ thanh tĩnh kinh ” nói : “ nhân năng thường thanh tịnh, thiên địa tất giai quy ”.

 

Bồ Đề tự tánh vốn dĩ thanh tịnh, khi khôi phục sự thanh tịnh của tự tánh của mình thì cùng một thể tánh với vũ trụ, đấy mới là bản thân thật sự, đấy chính là bổn lai diện mục; chơn ngã là tận hư không khắp pháp giới. Người có thể thường thanh tịnh, trời đất bèn ở trong cái chơn tâm của mình. Cho nên nói tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức, mười pháp giới chẳng qua là ở trong cái chơn tâm của chúng ta.

 

Nhất tâm thập pháp giới ( Nhân đạo, ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo, súc sanh đạo, A Tu La đạo, Thiên đạo, Bích chi Phật đạo, Phật đạo, Bồ Tát đạo, A La Hán đạo ).

 

Tự tánh là tận hư không, khắp pháp giới, cho nên có thể hàm vạn pháp, vạn pháp đều ở trong chư nhân tánh.

 

Đấy chính lá cái mà gọi là “ vạn pháp quy nhất ”, vạn pháp đều ở trong tự tánh. Bởi vì diệu tánh vốn dĩ không, cho nên có thể hàm vạn pháp.

 

Tất cả vạn vật đều là “ bản thân mình ”, bởi vì ( cái tôi thật ) là tận hư không khắp pháp giới, vạn việc, vạn vật, vạn pháp mà mình thấy, thiện và bất thiện, kỳ thật đều là “ tôi ” ; tất cả cảnh giới đều là “ tôi ”.

 

“ Đồng thể ” có nghĩa là phật tánh của chúng ta cùng một bổn thể. Chư Phật Bồ tát chính là chứng đắc cảnh giới này mà sau đó đứng trên cơ sở đồng thể, phát ra tâm đại từ bi, gọi là “ đồng thể đại bi ”. Chúng sanh mê mất cái cảnh giới này, cho nên trong tất cả cảnh giới có sự chọn lựa. Chọn lựa cái ác thì là chấp tướng, chọn lựa cái thiện cũng là chấp tướng. Phải biết được thật tướng là bổn lai vô nhất vật.

 

Cho nên, nếu nhìn thấy tất cả mọi người, bất luận là ác hay là thiện, có thể không lấy cũng không bỏ, cũng không có chỗ bị nhiễm thì tâm giống như hư không, thì gọi là vĩ đại, tiếng phạm gọi là “ Ma ha ”.

 

Thiện tri thức !Người mê thì miệng chỉ nói mà thôi, người giác ngộ có thể hạ công phu trên tâm địa.

 

Nếu không có tâm hành, cho dù học thuộc lòng nhiều kinh điển hơn nữa, cũng là dư thừa; giống như “ Kinh Lăng Nghiêm ” ghi nhận, A Nan Đà tuy đa vấn đệ nhất ( nghe nhiều nhất ), nhưng do không xem trọng tu hành, cho nên định lực không đủ mà bị nhiếp thụ vào dâm thất, nguy hiểm gặp một ít nạn Ma Đăng Gìa nữ, xém tí thì phá đi đại giới căn bản.

 

Lại có người mê mà không ngộ,  phóng không tâm tư tĩnh tọa, cái gì cũng không nghĩ, tự cho là hay, những người như thế này thật sự là không cách nào đàm luận đạo lý vi diệu với họ, bởi vì họ đã rơi vào tà kiến.

 

Thiện tri thức !Cái chơn tâm hiện lượng mà Như Lai đã chứng vô cùng quảng đại, vô lượng vô biên, phổ biến toàn pháp giới. Nếu có thể dựa vào bổn thể mà hiện khởi diệu dụng, thì có thể liễu liễu phân minh, rõ rõ ràng ràng, ứng dụng mà biết hết thảy chẳng qua cũng là diệu dụng của Phật. “ nhất thiết ” ( hết thảy ) là chỉ thập pháp giới y chánh trang nghiêm, bao hàm nhất thiết (  hết thảy ) vạn pháp; “ nhất ” chính là tâm. “ Nhất thiết vạn pháp ” chính là “ nhất tâm ”, “ nhất tâm ” chính là “ nhất thiết vạn pháp ”

 

Có người hỏi hòa thượng Triệu Châu : “ cái gì gọi là vạn pháp quy nhất ? ”. Hòa thượng Triệu Châu trả lời : ta từ Thanh Châu đến, mua một cái áo cà sa nặng 7 cân ( 3 ký rưỡi ) ”. Thật là câu trả lời khéo diệu. Cà sa do các sợi bông ngang dọc đan chéo nhau, đan thành vải, lại thông qua thợ may cắt may, may thành áo. Một chiếc cà sa có cổ áo, tay áo, góc áo, thân áo, có đủ kiểu mẫu. Do tất cả nhân duyên – vạn pháp, cấu thành một chiếc cà sa, một chiếc cà sa bao hàm nhất thiết ( hết thảy ) vạn pháp, đấy chẳng phải là “ vạn pháp chính là một ” hay sao ?

 

Nếu có thể chứng đắc cảnh giới này, đi lại tự do, tâm thể thông đạt vô ngại, đấy chính là Bát Nhã.

 

Thiện tri thức ! nhất thiết Bát Nhã diệu trí, đều là bộc lộ tự nhiên từ chơn như tự tánh, là vốn tự đầy đủ, không phải từ bên ngoài mà có được, tuyệt đối không nên dụng tâm sai, thì gọi là chơn tánh tự dụng.

 

“ Kinh Kim Cang ” nói : “ phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng ” Đó là Phật nói với những đệ tử chưa khai ngộ, là để phá trừ sự chấp chước của các đệ tử Phật đối với ngoại cảnh. Một khi đã khai ngộ kiến tánh thì là “ phàm sở hữu tướng, giai thị thật tướng ” như “ Kinh Lăng Nghiêm ” đã nói : “ Ngũ uẩn, lục nhập, thập nhị sứ, thập bát giới, bổn như lai tạng, diệu chân như tánh ”. Đấy chính là nhất chơn nhất thiết chơn ( một cái thật hết thảy đều thật ); “ nhất chơn ” là chứng đắc chơn tánh; “ nhất thiết chơn ” là lục căn, lục trần, lục thức đều là Phật tánh. Người xưa nói “ dĩ kim tạo khí, khí khí giai kim ” chính là ý nghĩa như vậy.

 

Phá mê khai ngộ chứng đắc đại sự của chân tâm Như Lai chứ không tu cái tiểu đạo không tâm tĩnh tọa. Trong miệng không cần cả ngày nói Không, trong tâm lại chẳng tu cái hạnh chân không ! Giống như người phàm, lại tự xưng là Quốc Vương, rốt cuộc không thể thành Quốc vương chân chánh. Những người như thế thì không phải là đệ tử của ta !

 

“ Thiện tri thức ! cái gì gọi là Bát Nhã ?

 

Bát Nhã, tiếng hoa gọi là “ trí tuệ ”

 

“ nhất thiết xứ ” ( tất cả mọi nơi ) là chỉ không gian, chính là vô luận ở nơi nào,

“ nhất thiết thời trung ” , là nói về thời gian, chính là vô luận vào lúc nào,

 

Bất luận ở nơi đâu, bất luận vào lúc nào, niệm niệm chẳng ngu si, không chấp chước, thường hành trí tuệ không điên đảo, cho nên gọi là hạnh bát nhã. Nếu khởi một niệm ngu mê, Bát Nhã bèn đoạn tuyệt, một niệm rời mê thì là trí, thì sanh ra bát nhã.

 

Thế nhân ngu si mê muội, không thể chứng đắc chân tánh Bát Nhã vốn có. Tuy là miệng nói Bát Nhã, trong tâm lại thường chấp chước ngu mê.

 

“ Đương tự ngôn ” , ý nghĩa là nên tự nhắc nhở mình, ta tu Bát Nhã. Nếu chỉ là niệm niệm bảo Không, không biết cái lý chân không, rốt cuộc cũng vô ích.

 

Cái gọi là “ chân không ”, là đồng thời Không, Có, cũng chính là “ tức nhất thiết pháp, ly nhất thiết tướng ”; trong tất cả mọi cảnh giới có thể không khởi phân biệt, không chấp chước, không bị cảnh giới lôi kéo, vậy mới là chân không; cũng chính là cái mà “ Kim Cang Kinh ” nói : “ sanh vô sở trụ tâm ” ( tâm vô trụ ).

 

“ Thật tướng bát nhã ” là lý thể, vô hình vô tượng, chính là trí tuệ đối với tất cả cảnh giới có thể không chấp chước, không phân biệt, không ngu mê. Nếu có thể làm được kiến giải như thế, thì là trí Bát Nhã rồi.

 

Cái gì gọi là “ Ba La Mật ” ?

Đây là tiếng ấn độ. Tiếng hoa gọi là “ đến bờ bên kia ”

 

“ Ba la ” là bờ bên kia, “ Mật ” có nghĩa là đến.

Tại ấn độ, “ Bát Nhã Ba La mật ” là một câu nói rất thông tục, nghĩa là “ đến nhà ”. Phàm là kỹ nghệ của một ai đó xuất chúng, công phu rất giỏi, đạt đến cảnh giới cao nhất thì ca ngợi công phu của người đó là Ba La Mật; hoặc hoàn thành một sự việc cũng gọi là Ba La Mật. Từ này ứng dụng đến trên Phật pháp thì nói: “ Bát Nhã Ba La Mật ”. Nếu như Bát Nhã đã Ba La Mật, thì nhất định là Bát Nhã thực tướng, là trí tuệ viên mãn cứu cánh.

 

Bỉ ngạn ( bờ bên kia ) là đối với thử ngạn ( bờ bên này ) mà nói, “ bờ bên này ” là sanh diệt, “ bờ bên kia ” chính là cảnh giới niết bàn bất sanh bất diệt. Cho nên nói, nếu dựa vào phật pháp để giải thích ý nghĩa của nó, gọi là rời khỏi “ tâm sanh diệt ”. Nếu tâm đối với cảnh giới lục trần có chỗ nhiễm chấp, bị cảnh giới lôi kéo, sanh diệt cũng theo đó mà sanh khởi, giống như nước nổi sóng, không cách nào bình tĩnh, gọi là “ thử ngạn ” ( bờ bên này ); tâm nếu có thể ly cảnh, đối với cảnh giới lục trần không theo ngoại cảnh mà thay đổi, không bị cảnh giới lôi kéo lưu động chuyển dời thì chẳng có sanh diệt, giống như nước chảy thường êm xuôi vô ngại, gọi là “ bỉ ngạn ” ( bờ bên kia ), cho nên gọi là “ Ba La Mật ”.

 

Thiện tri thức ! Người chấp mê bất ngộ chỉ là trong miệng niệm niệm mà thôi. Khi niệm, có vọng niệm, có thị phi. Nếu có thể khẩu niệm tâm hành, niệm niệm tâm hành, mới là chân như bổn tánh chân thật. Có thể ngộ đến pháp này chính là pháp Bát Nhã, có thể tu loại hạnh này, thì là hạnh Bát Nhã. Nếu không tu hành, để vọng niệm bay tứ tung, thì là phàm phu; nếu có thể nhất niệm tu hành thì nhất niệm này thanh tịnh, tự nhiên tương ứng với Phật. Tự thân ngay nhất niệm lúc ấy bèn đồng đẳng với Phật, không có gì khác biệt.

 

Đạo lý nhất chỉ thành Phật chính là ở đây, ngay lúc Minh Sư nhất chỉ điểm, căn trần đốn đoạn, thân tâm đều không, khế nhập vô sanh, tư thân đồng đẳng với phật. Nếu có thể dùng tam bảo hàng phục vọng tâm, niệm niệm tương ứng với tự tánh, thì “ niệm niệm là Phật ”.

 

Thiện tri thức ! “ phàm phu chính là phật ”. Trong “ Kinh Hoa Nghiêm ” cũng nói : “ nhất thiết chúng sanh bổn lai thành phật ” , lấy bổn giác mà nói, phàm phu và phật vô nhị vô biệt; phàm phu cũng có phật tánh. Sự thật thì một vị thánh giả đã khai ngộ kiến tánh, xem tất cả chúng sanh đều là phật. Phàm phu sở dĩ trở thành phàm phu chỉ là do mê đi phật tánh, tạm thời hiện khởi cái giả tượng; cho nên : “ Kinh Kim Cang ” nói “ Này Tu Bồ Đề ! Phàm phu đó, đức Như Lai nói chính chẳng phải phàm phu, đó tạm gọi là phàm phu ”.

 

“ Phiền não chính là Bồ Đề ”. Phiền não là tâm, Bồ đề cũng là tâm, phiền não và bồ đề đồng thời là nhất tâm đang khởi tác dụng. Niệm trước mê hoặc điên đảo, nhận giả làm thật, phân biệt chấp chước, thì là “ phàm phu ”; niệm sau giác ngộ rồi thì là “ Phật ”; sự khác biệt giữa Phật và phàm phu chỉ là ở mê ngộ mà thôi. Niệm trước chấp chước cảnh giới lục trần, vọng khởi tham ái, chính là phiền não; niệm sau có thể không bị cảnh giới lay chuyển, thanh tịnh ly tướng thì là Bồ Đề. Là phiền não ? hay là Bồ Đề ? toàn bộ đều là ở công phu chuyển niệm.

 

Thiện tri thức ! “ Ma ha bát Nhã ba la mật ” chính là đại trí tuệ đến bờ bên kia, cũng chính là trí tuệ viên mãn cứu cánh nhất; là phật pháp tôn quý nhất, tối thượng đẳng, tối đệ nhất. Khi thực tướng hiện tiền, khế nhập bổn thể, bổn thể vô sở trụ, bổn thể cũng chẳng đến chẳng đi. Tất cả chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều là từ Bát Nhã mà thành tựu, cái gọi là “ chư phật dĩ pháp vi sư, pháp tức bát nhã ba la mật ” ( Chư Phật lấy pháp làm thầy, pháp tức là Bát Nhã Ba La Mật ), cho nên nói bát nhã là mẹ của chư Phật.

 

Nên vận dụng trí tuệ viên mãn cứu cánh phá trừ phiền não trần lao do do sự chấp chước đối với ngũ uần mà sản sinh ra. Nếu có thể tu hành như thế, nhất định thành tựu phật đạo, biến tham, sân, si tam độc thành giới định tuệ tam vô lậu học.

 

“ dùng đại trí tuệ đả phá ngũ uẩn phiền não trần lao ”, chính là cái mà “ tâm kinh ” nói : “ hành thâm bát nhã ba la mật, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. ”

 

Khi thực tướng bát nhã hiện tiền, lúc minh tâm kiến tánh, ngũ uẩn đều là tánh không; bổn như lai tạng, diệu chân như tánh, ở đâu mà đến nhất thiết khổ ách ?

 

Thiện tri thức ! Pháp môn của ta, từ một bát nhã thực tướng – cái trí căn bản, sinh ra tám vạn bốn nghìn trí tuệ - hậu đắc trí. Do đâu vậy ?  Bởi vì thế nhân có 8 vạn 4 nghìn phiền não trần lao. Nếu chẳng có trần lao, tâm không theo cảnh giới lục trần mà thay đổi, trí tuệ bèn có thể thường xuyên hiển hiện; trí tuệ này là bổn tánh vốn có, cho nên bảo rằng bất ly tự tánh.

 

Những người ngộ đến pháp môn bát nhã này, tự nhiên niệm niệm thanh tịnh, không có vọng niệm, chẳng khởi suy nghĩ, không có chấp chước, sẽ không dùng lời nói để lừa gạt người khác. Dùng chân như bổn tánh của mình, dùng trí tuệ vốn tự có đủ để đi quán chiếu tất cả sự vật, đối với tất cả pháp chẳng chấp giữ và cũng chẳng bỏ đi, chính là đạo kiến tánh thành Phật.

 

Người mê hoặc điên đảo, cứ ngỡ rằng thế gian này có đủ thứ, đáng để chúng ta tranh giành, cho nên dùng tận tâm cơ, chẳng qua chính là hy vọng có cái được; Người giác ngộ biết được, tất cả những thứ này đều là mộng ảo bào ảnh, có gì để chấp thủ đâu ? Và tất cả những thứ này cũng đều là thứ trong tự tâm, lại làm sao có thể xả rời ? Cho nên, “ chứng đạo ca ” nói : “ giữ chẳng được, xả chẳng được, trong cái chẳng được có gì là được ? ”

 

Thiện tri thức ! Những người nếu muốn ngộ nhập nhất chân pháp giới sâu hơn, và bát nhã chánh định, nhất định phải tu hạnh bát nhã; bất luận ở tất cả mọi nơi, mọi lúc, niệm niệm chẳng ngu, thường hành trí tuệ, trì tụng “ Kinh Kim Cang Bát Nhã ” thì có thể nhìn thấy tự tánh.

 

Nên biết công đức của “ Kim Cang Kinh ” là vô lượng vô biên, trong kinh văn có tán thán thêm rất rõ ràng, ở đây không cách nào mà thuyết minh cho hết được.

 

Phần thứ 8 nói : “ tất cả chư phật và pháp a Nậu Đa La Tam Diệu Tam Bồ Đề của chư Phật  đều từ kinh này mà ra. ”

 

Pháp môn này là giáo pháp của phật thừa tối thượng nhất, chuyên nói cho người có đại trí tuệ, nói cho người có căn cơ thượng đẳng. Người tiểu căn tiểu trí nghe rồi tâm sanh chẳng tin.

 

Như phần thứ 16 của kinh này nói : “ Này Tu Bồ Đề ! về đời mạt thế sau này, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào, thọ trì, đọc tụng kinh này,  công đức có được của những người đây đặng, nếu ta nói đủ hết cả ra, hoặc có kẻ nghe đó, trong lòng liền cuồng loạn, nghi ngờ không tin. Này Tu Bồ đề, phải biết rằng nghĩa lý của kinh này chẳng thể nghĩ bàn được, quả báo cũng không thể nghĩ bàn được. ”

 

Đấy là do nguyên nhân gì đây ? cũng giống như thiên long hạ mưa nơi Diêm Phù Đề vậy. Diêm Phù Đề là thế giới địa cầu, “ thành ấp ” là thành thị lớn. Những kiến trúc cổ đại đa số đều dùng gỗ để xây dựng, không giống như kiến trúc làm bằng bê tông cốt thép bây giờ. Có khi lũ lớn ập đến, các ngôi nhà rất dễ bị cuốn trôi, giống như lá của cây táp, nước đến một cái thì bị cuốn trôi rồi. Tình hành này, bất kể là thành thị lớn hay là ngôi làng nhỏ, rất thường xuyên xảy ra. “ Nếu mưa trong biển lớn thì chẳng thêm, chẳng bớt ”. Nếu nước mưa này rơi xuống biển lớn, bất kể nhiều hơn nữa, nước biển vẫn không tăng không giảm. “ Nước biển ” ở đây là dùng để ví người thượng căn lợi trí. Người thượng căn lợi trí, trí tuệ như biển, tự tánh vốn dĩ viên mãn đầy đủ. Việc nghe phật pháp đối với bát nhã tự tánh của người đó là không tăng không giảm.

 

Nếu là người có căn tánh đại thừa, người có căn tánh tối thượng thừa, mới nghe “ Kim Cang Kinh ”, như Lục Tổ nghe đến “ ứng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm ”, ngôn hạ đại ngộ, nhất thời tâm khai ngộ giải. cho nên biết đươc bổn tánh tự có trí bát nhã, vì vậy mà thường dùng trí tuệ quán chiếu chứ không phải nhờ vào việc giải thích văn tự mà đắc được.

 

Đấy chính là cái “ ngộ hậu khởi tu ” ( sau khi ngộ thì bắt đầu tu ) mà thiền tông nói, sau khi khai ngộ mới thật sự bắt đầu tu đạo thật sự. Tác dụng của kinh điển là ở chỗ “ dẫn chỉ kiến nguyệt ” ( dùng ngón tay chỉ dẫn để chỉ cho nhìn thấy mặt trăng ), dạy chúng ta khởi quán chiếu như thế nào, làm thế nào chứng được nghĩa chân thật của Như Lai. Người tu hành nên thiện dụng kinh điển, dựa vào pháp mà tu hành, khởi phát trí tuệ, tuyệt đối không thể chấp chước văn tự, đương nhiên cũng không thể rời khỏi kinh điển, trọng điểm là ở chỗ có thể thiện dụng hay không.

 

Tiếp theo, Lục Tổ đưa ra ví dụ : giống như nước mưa, vốn dĩ chẳng phải là trên trời có, “ Dịch Kinh ” nói : “ mây từ rồng, gió từ hổ ”, thì ra là thiên long hạ mưa, để cho tất cả chúng sanh, thảo mộc, bất luận là chúngsanh hữu tình hoặc những vật vô tình đều được làm ẩm. Giống như hàng trăm con sông chảy, mỗi con sông có lưu vực riêng, một khi chảy vào biển lớn, sẽ hợp thành một thể như nhau với hải dương mênh mông vô biên.

 

Tất cả chúng sanh vốn có phật tánh, nhưng do chưa khế nhập cảnh giới của phật, mỗi người có sự chấp chước của mình. Một khi khai ngộ kiến tánh, đích thân chứng đắc tánh bổn đồng thể, thì ra “ thể của hằng sa chư phật đều như nhau ”, tiểu thể và đại thể dung hòa thành một thể. Cái đạo lý này giống với hàng trăm con sông chảy và biển lớn hợp thành một thể.

 

Thiện tri thức ! người tiểu căn trí nghe đến pháp môn đốn giáo, là không thể khai ngộ, chỉ có không tin, cũng giống như thảo mộc căn tính nhỏ vậy, nếu gặp phải mưa lớn, sức xung kích quá lớn, toàn bộ đều bị cuốn ngã mà không thể tăng trưởng. Người tiểu căn cơ cũng như vậy, nghe đến đốn giáo đại pháp, chẳng những vô ích, nếu như nghi ngờ chẳng tin mà phỉ báng pháp, trái lại có hại.

 

Người tiểu căn cơ vốn dĩ có trí tuệ bát nhã, không có gì khác với người đại căn cơ, vì sao nghe pháp lại chẳng có cách nào tự mình khai ngộ vậy ? chính là do tà kiến chướng nặng, căn phiền não sâu. “ Tà kiến ”, là chỉ “ sở tri kiến ”; “ phiền não ” chính là “ phiền não chướng ”. Hai chướng này sâu nặng, trí tuệ bị che lấp đi.

 

Tu đạo chính là phá hai chướng này. Nếu như không có “ sở tri chướng ” và “ phiền não chướng ”, những chướng ngại khác cũng sẽ chẳng thành chướng ngại.

 

“ Sở tri chướng, còn gọi là trí chướng, chính là mình vốn dĩ nên biết, nhưng bị che lấp đi; diệu trí bát nhã vô sở bất tri, là toàn tri toàn năng, và là vốn dĩ tự có đủ, nhưng mà bị vô minh tà kiến che lấp mất.

 

“ Sở tri chướng ” có thể làm chướng cái nghiệp “ Bồ đề ”.

 

“ Phiền não chướng ” , còn gọi là hoặc chướng, chính là các loại phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, có thể khiến chúng sanh lưu chuyển vào sanh tử của tam giới, do vậy mà chướng ngại “ niết bàn ”. Khi ta phá trừ hai chướng này rồi, ở đó còn có chướng ngại gì nữa ?

 

Có hai loại chướng ngại này, cũng giống như mây mù lớn che mặt trời, không có gió thổi, ánh sáng sẽ không hiển hiện ra ngoài.

 

Cái trí bát nhã cũng chẳng có sự phân biệt to nhỏ, chỉ do tự tâm của tất cả chúng sinh mê ngộ không giống nhau, cho nên mới có sự khác biệt ngu trí.

 

Mê mất đi bổn tâm, lại sanh ra tà kiến tâm ngoài cầu pháp, không biết tâm ngoại cầu pháp chính là ngoại đạo. Cứ mãi hướng ngoại tu hành, rời khỏi bổn tâm mà tìm phật, thật ra tự mình vốn dĩ là phật, nhưng không thể giác ngộ tự tánh, thì là tiểu căn. Nếu có thể chứng ngộ đạo thành phật của đốn giáo, phương thức tu hành không chấp chước tâm ngoài cầu pháp, chỉ cần tự tâm thường sanh khởi chánh kiến, sẽ vĩnh viễn chẳng bị tất cả phiền não trần lao chiếm nhiễm, chính là kiến tánh.

 

Thiện tri thức ! Nội tâm ( bát thức ngũ thập nhất tâm sở ), ngoại cảnh ( lục trần ), nên không có chỗ chấp chước, đi lại tất nhiên tự do. Trừ bỏ đi cái tâm ngã chấppháp chấp và chấp Không, thì có thể thông đạt không có chướng ngại. Có thể tu hạnh Bát Nhã như thế này, thì không có gì khác với những gì mà Kinh Bát Nhã đã nói.

 

Thiện tri thức ! chúng sanh vốn có trí bát nhã, với phật chỉ bất đồng ở chỗ mê ngộ, nếu không ngộ, tuy là có phật tánh, vẫn sẽ đọa lạc ở lục đạo trở thành chúng sanh; nếu có thể bên trong rời tâm ý thức, bên ngoài không trụ tướng cảnh giới lục trần thì là ngộ; khi một niệm ngộ, “ rời tất cả tướng thì gọi là chư phật ”, chúng sanh có thể rời tướng thì là phật. Cho nên biết rằng : tất cả vạn pháp đều toàn ở nhất tâm của mình. Tại sao không từ tự tâm đốn trừ vọng niệm, ngay lúc đó chứng kiến chân như bổn tánh ?

 

Cũng như ánh sáng của bản thân mặt trời là bất biến, nhưng do sự dày mỏng của tầng mây, sẽ ảnh hưởng sự sáng tối của ánh mặt trời, nếu có thể “ vén mây ” tức khắc sẽ “ nhìn thấy mặt trời ”. Bổn tánh của con người cũng như vậy, vốn dĩ là thanh tịnh vô nhiễm, chỉ là bị che lấp đi, cho nên mới có sự khác nhau giữa mê ngộ thiện ác.

 

Số lượt xem : 523