Thật Tướng Niệm Phật (Hòa Thượng Tuyên Hóa thuyết giảng)
Thật tướng niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền.
Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền; người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì "nhất tông bất lập," một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.
Chúng ta là chúng sanh chẳng nên tự sanh tâm phân biệt, chẳng nên "đầu thượng an đầu" trên đầu còn đặt thêm đầu nữa, nói rằng: "Thiền tông là Thiền tông, Mật tông là Mật tông, chẳng có tương quan gì cả." Không phải như vậy! Tất cả các tông vốn là một, vốn chẳng có phân biệt quá nhiều như vậy, chỉ vì chúng sanh không có việc chi làm, muốn tìm cái gì để làm, cho nên phân ra đây một tông, đó một tông; nam một tông; bắc một tông; đông một tông; tây một tông, trên một tông, dưới một tông, rốt cuộc chẳng biết tôi thuộc tông nào, ông thuộc tông nào.
Tại Mỹ thường có người hỏi tôi: "Chẳng hay thầy thuộc tông nào?" Tôi đáp: "Chẳng tông nào cả. Nếu tôi thuộc một tông thì tôi đang ở trong một phạm vi hạn hẹp; tôi chẳng thuộc tông nào thì tận hư không, cùng khắp pháp giới đều là của tôi, bao trùm tất cả. Tại sao tôi lại tự vẽ cho mình một phạm vi nhỏ bé, tạo ra một giới hạn chật hẹp, nói rằng mình thuộc một tông nào đó? Tôi thuộc Phật giáo, không có tông mà cũng chẳng có phái lại cũng chẳng có môn mà cũng không có hộ. Tôi với tông nào cũng là một.
Như vậy thật tướng niệm Phật tức là tham thiền. Do đó quý vị Thiện tri thức chớ nên làm một đệ tử bất hiếu của Phật Thích Ca Mâu Ni, chớ nên luôn quấy nhiễu, chớ nên gây tổn thương tình ruột thịt, chớ nên tự tạo rắc rối cho mình. Ðó là kỳ vọng của tôi đối với Phật giáo hiện đại."
Số lượt xem : 1578