BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Quên mất tâm bồ đề khi tu pháp lành: đó là ma nghiệp

Tác giả liangfulai on 2023-07-07 07:33:43
/Quên mất tâm bồ đề khi tu pháp lành: đó là ma nghiệp

Thế nào là ma nghiệp?

( theo Kinh Hoa Nghiêm ) 

 


Ma nghiệp là những hành vi, thói quen, lời nói, suy nghĩ hay thái độ làm chướng ngại sự khai phát chân tánh, sự phát triển trí huệ và sự giải thoát Niết BànMa nghiệp cũng có nghĩa là nghiệp khiến ta làm ma hay quyến thuộc của ma; vì thế ma nghiệp cũng tức là nghiệp của loài ma. Khi tu hành, ta phải hiểu rõ những nghiệp ấy để tránh, đừng tạo nghiệp. Ma nghiệp tuy vô vàn, song Kinh Hoa Nghiêm tóm tắt chúng trong mười phạm vi như sau:

 

1. Vong thất Bồ Ðề Tâm, tu chư thiện pháp, thị vi ma nghiệp.

(Quên mất tâm bồ đề khi tu pháp lành: đó là ma nghiệp).

Tâm Bồ Ðề là tâm giác ngộ, tâm hướng về giác ngộ và cứu độ chúng sinh. Quên mất tâm Bồ Ðề là quên mất phương hướng tu hành; quên mất bản thể đường tu; quên rằng tu để ngộ thể tánh bất sinh bất diệt sẵn có trong tự tâm mình. Bởi vậy cho nên lòng hướng ngoại truy cầu; quên rằng tu không phải để thành đạt bất kỳ thứ gì ngoài tâm. Vì thế quên gốc bồ đề tự tánh nên người tu phóng tâm truy đuổi những thành tựu bên ngoài ( như phước đức, quả báo, thiền định, thần thông, biện tài...). Chẳng phát triển tâm bồ đề, đủ pháp lành, chỉ gặt phước báo, song không thành chánh giác đặng. Ðó chính là ma đạo.

Phán quyết một người rốt cuộc có phải là một vị Bồ Tát đại thừa hay không thì điểm then chốt chẳng ở chỗ người ấy đã tạo thiện nghiệp hay đã tạo tội nghiệp, mà là trong nội tâm của anh ta có phải thật sự muốn trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sanh hay không.

 

Ngẫu Ích Đại Sư nói : “ các pháp chẳng có tánh, thảy đều theo tâm chuyển. ” Tâm là vì bồ đề thì pháp hướng về bồ đề. Tâm vì danh lợi, thì tất cả các pháp đều hướng về danh lợi.

 

Bảo rằng chúng ta hôm nay tạo tác một nghiệp lành - bạn hoặc là bố thí, hoặc là trì giới, hoặc là tu tập nhẫn nhục, thiền định, chúng ta có thể nói những nghiệp lành như thế có thể thành tựu quả báo an lạc, chúng ta chỉ có thể nói như thế thôi. Thế nhưng cái quả báo an lạc này rốt cuộc là hướng về phương hướng nào đây ? Cái nghiệp lành này vẫn còn chưa có một phương hướng quyết định, các pháp chẳng có tánh. Cái tính phương hướng này là ai quyết định đây ? Thảy đều theo tâm chuyển, Nhân địa phát tâm của bạn quyết định phương hướng của cái nghiệp lành này. Nếu như hôm nay bạn tu tập nghiệp lành là vì bồ đề, tâm là bồ đề, tất cả các pháp hướng về bồ đề. Sự bố thí, trì giới của bạn thoạt nhìn thì là một pháp lành của nhân thiên, thế nhưng bởi vì bạn có sự dẫn đạo của tâm bồ đề, toàn bộ đều có mang cái bầu không khí của tâm bồ đề. Nếu như bạn hôm nay bố thí, trì giới là vì để thành tựu quả báo an lạc của nhân thiên, tâm vì danh lợi, tất cả các pháp hướng về danh lợi, toàn bộ nghiệp lành của bạn đều đã triêm đầy bầu không khí của danh lợi. Nhân địa hữu lậu ( có chỗ rò rỉ ), quả báo tự nhiên là hữu lậu.

 

 

 

 

Chúng ta có thể đi tư duy một việc, rằng lúc Phật Đà tại thế nơi Nhân địa ngài đã tu tập đủ thứ các nghiệp lành, Ma vương lúc tại thế nơi nhân địa cũng đã tu tập rất nhiều các nghiệp lành. Đương nhiên là chúng ta giờ đây chán ghét ma vương là bởi vì hắn làm chướng ngại những người tu hành. Chúng ta từ kinh điển thì có thể biết được Ma vương lúc còn tại thế nơi Nhân địa cũng là đã tu tập đủ thứ những sự bố thí, cũng đã xây một ngôi chùa, đã tu rất nhiều những “ Vô Giá Đại Hội ” ( còn gọi là Ngũ Niên Nhất Hội ), trong đó còn cúng dường một vị Phích Chi Phật, lại còn phụng trì Bát Quan Trai Giới, dựa vào 3 loại phước nghiệp mà sanh làm Ma vương, hưởng thụ những sự khoái lạc ngũ dục của thế gian. Vì sao mà Phật Đà lúc tại thế nơi Nhân địa tu tập các nghiệp lành mà nghiệp lành này thành tựu nên quả báo thanh tịnh trang nghiệm, vạn đức trang nghiêm tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông của Phật vậy ? Cùng là một nghiệp lành mà khi vào đến bên trong nội tâm của Ma vương thì cái nghiệp ấy trở thành quả báo ngũ dục của sự tạp nhiễm vậy ? Cớ sao mà cùng là nghiệp lành như nhau mà lại có những kết quả khác nhau như thế ? Chính là do sự khác nhau của Nhân địa phát tâm của chúng ta, chính là cái nghiệp lành này chúng ta đã cho chúng những phương hướng khác nhau cho nên cái nghiệp lành này hướng đến những kết quả khác nhau, ví như nói rằng con bò đi uống nước, con bò do bởi nhân duyên của cái tâm hiền lành mà đã tạo ra sữa bò để lợi dưỡng chúng sanh; rắn độc đi uống nước, rắn độc bởi vì do cái tâm sân hận mà đem cái nước này chuyển thành dịch độc để độc hại chúng sanh. Hai chúng sanh này cùng là đi uống nước, một con đã tạo ra sữa bò, một con đã tạo ra dịch độc, cho nên mới nói các pháp đều chẳng có tánh, thảy đều theo tâm chuyển.

 

Vậy nên chúng ta khi mới bắt đầu tu học Phật Đạo thì nhất định trước tiên phải thành ý chánh tâm, nhất định phải làm cho rõ mục tiêu, bạn rốt cuộc là trong sinh mệnh của bạn, bạn muốn truy cầu theo đuổi những gì ? Đây chính là một điểm then chốt. Nếu như chúng ta đã quên mất đi cái tâm bồ đề, thì tu các pháp lành, đấy gọi là nghiệp Ma.

 

“ Quên mất tâm bồ đề khi tu các pháp lành, đó là Ma nghiệp ”. Vì sao là Ma nghiệp vậy ? Bạn chẳng muốn truy cầu theo đuổi bồ đề vô thượng, bạn tu tập pháp lành là truy cầu theo đuổi quả báo nhân thiên, kiếp sau bạn sẽ triệu cảm một quả báo phú quý. Thế nhưng mà cái quả báo phú quý thì khiến cho con người dễ dàng bị đoạ lạc. Khi mà phước báo của bạn lớn, nghiệp lực của bạn càng lớn, sự việc của bạn càng nhiều, đấy là nghiệp lành mà kiếp trước bạn đã tạo lại trở thành những chướng ngại của bạn trong kiếp này. Bạn muốn tu học phật pháp bèn sẽ rất khốn khó, bởi vì bạn có quá nhiều việc để phải đi bận rộn, phân tâm. Cái chướng ngại này, bạn tu tập Thánh đạo thì là nghiệp Ma. Những việc mà Ma Vương đã làm chính là gây chướng ngại những người tu hành, hy vọng mọi người đều không có thoát khỏi tam giới, tiếp tục lưu chuyển không ngừng bên trong tam giới. Vậy nên chúng ta hôm nay phải biết những nhân duyên như thế nào có thể vào đại thừa, chúng chẳng ở chỗ bạn hôm nay đã tích luỹ bao nhiêu công đức, mà là ở chỗ bên trong nội tâm của bạn thật sự phát khởi tâm bồ đề, đấy là nền tảng đầu tiên của chúng ta.

 

2. Ác tâm bố thí, sân tâm trì giới, xả ác tánh nhân, viễn giải đãi nhân, khinh mạn loạn ý, cơ hiềm ác huệ, thị vi ma nghiệp.

(Bố thí với lòng ác ý, trì giới với lòng sân hận, bỏ rơi kẻ có tánh xấu, xa rời người hay lười biếng, khinh khi kẻ tâm tán loạn, hiềm ghét người có ác kiến).

Ðây là dạy ta thái độ đúng đắn khi tu lục độ ba la mật. Cốt yếu là giữ tâm trung đạo, giữ trạng thái cân bằng về tâm lý cũng như thể xác. Hễ khi ta cống cao ngã mạn, ích kỷ nhỏ nhen, lòng thiếu từ bi bao dung thì sự cân bằng, trung đạo sẽ bị phá tan.

 

a. Ác tâm bố thí:

Bố thí cốt để bỏ tánh bỏn xẻn, trừ chấp ngã, phá tham trước đồ sở hữu. Khi Bố thí ta cần thành tâm, vui lòng, chân chính quên mình vì người, chẳng hối hận, tiếc rẽ gì cả. Ðó là chính đạo. Thí nhưng có tâm mong cầu tính toán: vì muốn đổi chác, "mình cho họ cái này, sau này họ giúp mình chuyện kia"; vì muốn quả báo, "bố thí sẽ đặng giàu sang" đều là tà. Bố thí vì có ác ý làm người nhận tức giận hay đau khổ thì tức là ma nghiệp. Hoặc là bố thí với thái độ khinh khi, khó chịu, dằn vặt người nhận cũng là ma nghiệp. Ví như, biết người ta không thích không ưa đồ gì, song cứ bố thí cho họ đồ ấy để chọc giận họ: đó cũng là ma nghiệp. Tóm lại: nếu động cơ, thái độ và mục đích của ta là ích kỷ, nhỏ nhen, ác độc thì thay vì tạo công đức, mình chỉ gây tội nghiệp, lạc đường ma.

 

b. Sân tâm trì giới:

Phật dạy ta trì giới để tam nghiệp thanh tịnh, không làm ác. Gốc của giới là thanh tịnh vô nhiễm. Kinh Lăng Nghiêm gọi trì giới tức là nhiếp tâm: thu nhiếp tâm, chẳng để tâm phóng dật buông lung. Trì giới mà khởi lòng giận dữ thì tâm chẳng thanh tịnh. Dùng lòng tức giận ghen tuông oán thù để trì giới thì càng sai lầm. Luận Ðại Trí Ðộ thuật lại chuyện vị Sa di đắm nhiễm nhan sắc các cô Long nữ. Sa di khởi lòng muốn chiếm đoạt các Long nữ, nên sinh ghen ghét với Long vương. Về lại chùa Sa di quyết chí tinh tấn trì giới tu thiền. Chẳng bao lâu hoạch thần thông, biết quả báo đã tới, xuống Long cung, giết Long vương, đoạt ngai vàng, chiếm Long nữ. Ðây là ví dụ về động cơ trì giới tu hành vừa tham lam vừa sân hận. Khi tu đạo, ta chớ khởi lòng hiếu thắng, tranh giành "bậc nhất, giỏi nhất." Ðừng cạnh tranh, ganh đua với sự tu hành của kẻ khác. Nói tóm: động cơ và thái độ khi trì giới phải hoàn toàn chẳng có lòng sân hận, ghen ghét.

 

c. Xả ác tánh nhân:

Ðây nói về hạnh nhẫn nhục. Khi bị hủy báng, xỉ vả, ngược đãi mà nội tâm tức giận, song ngoài mặt phớt tỉnh, thì đó chưa phải là nhẫn nhục ba la mật. Nhẫn nhục là hạnh chấp nhận vô điều kiện ở nội tâm, mặc cho chuyện gì bên ngoài xảy tới, mà lòng chẳng hề sinh phiền não, phản kháng, tức giận. Nếu hoàn cảnh khiến ta phải giao thiệp tiếp xúc với kẻ ác, tánh nết xấu xa, mình phải tu nhẫn. Hãy học hỏi phương tiện thiện xảo để giúp mình tu hạnh từ bi nhẫn nại.

Nhẫn một chút, gió im sóng lặng

Lùi một bước, biển rộng trời trong

Ðối với bậc thầy hay kẻ đã an trụ trong lý đạo, nếu không dạy dỗ cảm hóa kẻ xấu ác thì ai dạy dỗ cảm hóa họ? Bởi vậy đã là kẻ hiểu đạo, bạn càng phải phát đại nguyện để cảm hóa kẻ xấu ác. Cảm hóa họ là đường Bồ tát, xả bỏ hất hủi họ là đường ma tà.

 

d. Viễn giải đãi nhân:

Ðây là nói về hạnh tinh tấn. Thông thường mình hay nghĩ: "Ðường ai nấy đi; Ai tu nấy hưởng," Song tu hạnh Bồ tát, là phải làm sao cho kẻ khác cùng tu như mình. Mình tu tinh tấn để làm gương cho kẻ khác, cổ vũ kẻ khác cùng tu. Ðừng nên kiêu ngạo, tự đại khi tinh tấn tu hành, cho rằng mình tu hay hơn người. Nên sinh tâm từ bi bình đẳng, đừng chê bai bỏ rơi kẻ lười biếng, và tìm cách giúp họ tinh tấn. Bạn hãy suy nghĩ, xét nghiệm lại động cơ làm cho mình tinh tấn tu đạo: Phải chăng bạn muốn thành đạt cái gì? Phải chăng bạn có sở cầu? Phải chăng xưa nay bạn chỉ biết đến sự tu hành của cá nhân mình. Hãy sửa đổi động cơ sai lầm, mở rộng quan niệm tu hành: Tu là tu với chúng sinh, chẳng phải tu chỉ riêng mình.

 

e. Khinh mạn loạn ý:

Ðây nói về thiền định. Bệnh thông thường của kẻ mới tập thiền, đắc được chút cảnh giới là cho mình đặc biệt khác người. Tu đắc đến cảnh giới cao siêu, trụ thiền nhập định, chứng thần thông gì đi nữa, hễ hành giả khởi một ý niệm nhỏ như đầu lông rằng: ta đắc, ta chứng, ta hay, ta giỏi, hành giả lập tức lạc vào đường tà. Tu thì phải vô ngã, không còn cái ta. Sinh tâm khi dễ, chê bai, dù là một ý niệm. Cho rằng "ta tu giỏi, bọn họ tu kém"- ý niệm so sánh nhân ngã- thì mình đi vào đường ngã mạn, bạn bè với ma vương. Do đó phải tập tu thái độ bình đẳng khiêm nhường, đừng cho mình là đặc biệt. Ðừng xem thường kẻ chưa tu, không tu hay kẻ tán loạn. Thử hỏi mình đã làm gì để giúp họ.

 

f. Cơ hiềm ác huệ:

Ðây là nói về hạnh bát nhã. Kẻ ác huệ là kẻ có tà kiến điên đảo, hủy báng Tam bảo, không tin nhân quả. Không biết lấy tâm phục thiện, ngoan cố chấp trước vào kiến giải, học thức của mình. Ðối với những người có tà kiến như vậy, đức Phật dạy ta đừng đấu lý với họ, đừng tranh chấp hơn thua với họ. Cũng chớ sinh thù oán, hiềm khích. Trí bát nhã thì an trú nơi cõi lòng trong suốt, tỏ lý và biểu hiện nơi đạo đức vị tha. Trí Bát Nhã không hiện hữu nơi ngôn từ tranh chấp, nơi lời lẽ thị phi tranh đấu, hay nơi lý luận xa vời. Tu trí bát nhã là tu tinh thần vô ngại: thẩm thấu chân lý, xuyên suốt mọi kiến giải. Do đó sẳn lòng bao dung mọi lý lẽ, mọi kẻ dị kiến hay ác kiến. Nếu chẳng đạt vô ngại thì lúc nào cũng cho mình đúng, họ sai; mình chính, họ tà; mình tốt, họ xấu. Vĩnh viễn tranh chấp. Nên kinh dạy: đừng hiềm ghét kẻ ác kiến.

 

3. Ư thậm thâm pháp tâm sinh xan lẫn, hữu kham hóa giải nhi bất vì thuyết. Nhược đắc tài lợi cung kính cúng dường, tuy phi pháp khí nhi cưỡng vì thuyết. Thị vi ma nghiệp.

(Nếu bạn sinh lòng bỏn xẻn đối với pháp thâm sâu, Không chịu thuyết cho kẻ có khả năng thọ nhận; Lại miễn cưỡng thuyết cho kẻ cúng dường tài lợi cho bạn dù họ không phải là kẻ pháp khí: Ðó là nghiệp ma).

Ðây là nói tới thái độ ích kỷ tự lợi khi thuyết pháp. Thuyết pháp độ sinh thì phải vô tư, không thiên vị. Ai đáng được dạy thì dạy, ai đáng độ thì độ. Ðó gọi là đối cơKẻ chưa đủ nhân duyên, chưa có khả năng lãnh hội mà ta cưỡng thuyết, e chẳng làm lợi cho họ. Nếu ta sinh tâm tham lam ích kỷ chỉ dạy pháp cho kẻ cúng dường thì há chẳng phải mình đem Phật pháp trao đổi như một món hàng? Pháp là chân lý tồn tại trong mọi thời ở trong tâm mọi chúng sinh. Pháp không phải là vật, là món hàng mình có thể sở hữu. Nhiệm vụ vị Pháp sư là chỉ điểm chân lý sẵn có ấy. Hễ ta sinh lòng bỏn xẻn, sinh tâm đổi chác thì sai lầm. Không xem pháp là chân lý cộng hữu, và mình là phương tiện truyền đạt vô tư thì sớm muộn gì cũng rơi vào ma đạo.

 

4.Chẳng thích lắng nghe các môn Ba la mật, tuy nghe nói mà chẳng tu hành, dầu cũng tu hành mà phần nhiều lười biếng. Vì lười biếng nên chí ý hèn kém chẳng cầu pháp đại Bồ đề Vô thượng. Ðây là ma nghiệp.

 

5. Viễn thiện tri thức, cận ác tri thức, lạc cầu nhị thừa, bất lạc thọ sinh, chí hướng Niết Bàn, ly dục tịch tịnh.

(Xa rời bậc thiện tri thức, gần gũi kẻ ác tri thức, ưa thích pháp Nhị thừa, chẳng ưa việc thọ sinh, chí hướng về Niết Bàn, ly dục tịch tịnh).

Thiện tri thức là bậc chính trực đức hạnh, hiểu biết chân lý, có lòng từ bi, có thể dạy mình đi đường chính, làm người tốt. theo kinh Hoa Nghiêm bậc thiện tri thức có nhiều loại :

a.      Kẻ có thể làm cho ta an trụ tâm bồ đề: làm ta phát triển lòng đại bi, đại nguyện, tu hành hướng về nhất thiết trí.

b.     Kẻ có thể làm cho ta tu tập thiện căn: làm ta phát triển đạo đức, công hạnh tốt, hiểu biết đúng đắn, xả thân làm lợi ích chúng sinh.

c.      Kẻ làm ta tới chỗ cứu cánh của pháp ba la mật: tức làm ta tu tập các pháp ba la mật tới chỗ rốt ráo viên mãn.

d.     Kẻ có thể phân biệt, thuyết giải tất cả các pháp: tức là kẻ hiểu thấu tường tận các pháp môn và sự lý tu hành, do đó có thể giảng giải cho ta hiểu biết để dứt trừ nghi hoặc.

e.      Kẻ có thể làm ta an trụ thành thục tất cả chúng sinh: Thành thục chúng sinh là làm tâm bồ đề của chúng sinh khởi phát, tăng trưởng, và viên mãn. Công hạnh thành thục chúng sinh đòi sự thành khẩn, tín nhiệm, nhẫn nại và từ bi.

f.       Kẻ có đầy đủ biện tài trí huệ, tùy theo vấn đề khéo léo giải đáp: tức là kẻ có trí huệ hiểu biết đường đạo, có năng lực giải trừ nghi vấn và nghi ngờ của ta.

g.     Kẻ làm ta không chấp trước vào sinh tử: Chỉ có người bạn tốt mới có thể giúp ta không đắm trước vào năm thứ dục vọng của thế gian như tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và hưởng thụ. Vị thiện tri thức cũng còn giúp ta biết đuợc chỗ chấp trước, thói quen xấu vi tế của mình và khiến mình dũng cảm xả bỏ những chấp trước ấy.

h.     Kẻ làm ta tu bồ tát hạnh trong vô lượng kiếp mà không hề sinh lòng nhàm chán mệt mỏi: Bồ tát hạnh là công hạnh không có ngừng nghỉ, không có giới hạn trong không gian và thời gian, do đó đòi hỏi hành giả phải có lòng tinh tấn và nhẫn nại vô biên. Vị thiện tri thức dạy ta tu bồ tát hạnh như vậy thì không những có lòng nhẫn nại và từ bi, mà ngài còn có trí huệ thấu suốt nhân quả của việc tu hành nữa.

i.       Kẻ làm ta an trụ nơi hạnh Phổ Hiền: tức là làm ta tu tập bồ tát hạnh cho đến cứu cánh. Tinh thần của đức Phổ Hiền trong khi tu hành là tinh thần: "Ðến khi nào thế giới chúng sinh cùng tận, nghiệp báo của chúng sinh dứt sạch, phiền não của chúng sinh hết tận, lúc đó hạnh nguyện tu hành của ta mới hết."

j.       Kẻ làm ta thâm nhập vào trí huệ của chư Phật: tức là dẫn dắt ta vĩnh viễn đi trên chính đạo, khai mở, chỉ bày, làm ta thể nghiệm và cuối cùng hội nhập vào cảnh giới của chư Phật.

 

Những kẻ gọi là ác tri thức là những ai làm trái ngược với những điều trên; ví dụ như làm ta thối thất bồ đề tâm, hoặc làm ta hủy phá giới luật, lánh xa Tam Bảo, trở nên cống cao ngã mạn, ích kỷ tự thị, chẳng muốn hy sinh xả thân tu bồ tát đạo, chỉ muốn hưởng thụ thú vui thế gian dục lạc, sống đời nhỏ hẹp, hướng ngoại. Tóm lại, thiện tri thức thì khuyến khích điều tốt, khiến ta hướng thượngác tri thức thì dạy ta buông lung, đắm nhiễm ngũ dục, khởi tri kiến sai lầm nhân quả, rồi sinh đọa lạc.

 

Bởi vì không thấu rõ rốt ráo ngọn ngành đường tu, không gần gũi thiện tri thức, để được khuyến khích và chỉ dạy đúng đắn pháp tu nên hành giả sinh tri kiến sai lầm về chuyện tu trì. Một trong những lỗi lầm thông thường nhất là cho rằng có quả vị khả chứng, có cảnh giới khả đắc. Tâm ấy gọi là tâm lượng tự hạn chế, nhỏ hẹp. Người tu đạo gọi tâm ấy là tâm nhị thừa. Ðối với người sơ cơ hay lão luyện tu hành, khuynh hướng thích so sánh, như so sánh địa vị cao thấp, so sánh công phu, biện tài, phước đức, v.v.. đều là nhân xấu đưa tới con đường hạn chế nhỏ hẹp hay ma đạo. Ðối với người tu chứng cảnh giới thâm sâu thì khuynh hướng an trụ Niết Bàn sẽ hạn chế sự phát triển viên mãn bồ đề tâm và do đó ngăn chận sự viên thành chánh đẳng chánh giác. Ngài Tỉnh Am có lời khuyên như vậy:

 

Vì biết tự tánh là chúng sinh nên mình nguyện độ thoát hết thảy.

Vì biết tự tánh là Phật đạo nên mình nguyện thành tựu đạo cả.

Chẳng thứ gì rời ra tâm này mà tự hiện hữu.

Do vậy, hãy dùng tâm lượng rộng rãi như hư không để:

phát nguyện vô biên như hư không,

tu hạnh vô cùng như hư không,

chứng quả vô lượng như hư không.

Song phải biết, đặc tính vô tận như hư không chẳng có thể chứng đắc.

 

Do vậy bồ tát không sợ hãi phải đi thọ sinh hay chuyển thân đầu thai. Các ngài cũng không thích thú lưu huyển trong sanh tử luân hồi. Các ngài chỉ tùy duyên độ sinh mà ứng hiện trong thế gian. Trong lúc độ sinh các ngài thực hành vô vàn công hạnh, với tâm lượng vô ngại không chấp trước. Các ngài luôn luôn là bậc thiện tri thức, chỉ đạo đường lành. Tinh thần vô ngại giữa hai đối cực nhập thế và xuất thế bắt nguồn từ sự thể nghiệm thâm sâu Phật tánh bình đẳng, và được vận dụng bởi lòng vô ngã và đại từ bi. Do đó bồ tát luôn tu trung đạo, không ghét thọ sinh, không tham bình an trong cõi tịch tịnh ly dục.

Tóm lại, nên gần gũi các Tiền Hiền thiện tri thức, phát chí bền sâu, lập nguyện rộng lớn. Ðừng hiểu lầm tu tới Niết Bàn thì ngừng nghỉ hết tu; phải tiếp tục tu trì như hạnh Phổ Hiền. Ðừng buông lung phá giới, chê bai người tu. Phải tu hạnh ly dục thanh tịnh, nhưng chớ chấp trước công hạnh thanh tịnh, rồi đắm trước vào sự tịch tịnh chẳng muốn độ sinh. Tinh tấn tu hành, nhưng chớ để tri kiến của bản ngã dắt dẫn, lừa gạt. Nói tóm, hãy giữ trung đạo.

 

 

 

 

6.Ở chỗ Bồ Tát, khởi tâm sân hận, ác nhãn nhìn ngó tìm cầu tội hở để nói kể lỗi lầm, ngăn dứt tài lợi cúng dường Bồ Tát. Ðây là ma nghiệp.

 

7.Phỉ báng chánh pháp, chẳng thích lắng nghe, giả sử được nghe liền sanh lòng chê bai chớ chẳng ca ngợi, thấy người thuyết pháp chẳng sanh lòng tôn trọng, cho lời mình nói là phải, lời của người là quấy. Ðây là ma nghiệp.

 

8.Thích học thế gian luận, khéo giỏi nơi văn từ, ưa thích khai xiển thâm pháp ẩn phú của Nhị thừa, hoặc dùng diệu nghĩa truyền dạy cho người chẳng đáng dạy, xa rời Bồ đề, trụ nơi tà đạo. Ðây là ma nghiệp.

 

9.Người đã được giải thoát đã được an ổn thời thường thích gần gũi mà cúng dường. Người chưa giải thoát chưa an ổn thời vĩnh viễn chẳng chịu thân cận cung kính cúng dường, cũng chẳng giáo hoá. Ðây là ma nghiệp.

 

10.Thêm lớn ngã mạn, tăng trưởng sự khinh mạn khinh thường chúng sanh; làm nhiều sự não hại với các chúng sanh, chẳng cầu chánh pháp trí huệ chơn thiệt. Các căn tán loạn khó mà hoá độ. Ðây là ma nghiệp.

 

Chư Bồ Tát phải mau xa lìa mười ma nghiệp này mà siêng cầu Phật nghiệp.

 

Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát có mười điều bỏ rời ma nghiệp:

 

1.Gần thiện tri thức cung kính cúng dường. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

2.Chẳng tự cao tự đại, chẳng tự khen ngợi. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

3.Nơi thâm pháp của Phật tin hiểu chẳng chê. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

4.Chưa từng quên mất tâm nhứt thiết trí. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

5.Siêng tu diệu hạnh hằng chẳng phóng dật. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

6.Thường cầu tất cả pháp Bồ Tát tạng. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

7.Hằng diễn thuyết chánh pháp tâm không mỏi nhọc. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

8.Quy y tất cả chư Phật mười phương, phát khởi tưởng niệm được cứu hộ. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

9. Tin thọ ức niệm tất cả chư Phật thần lực gia trì. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

10.Cùng tất cả Bồ Tát đồng gieo căn lành bình đẳng không hai. Ðây là bỏ rời ma nghiệp.

Nếu chư Bồ Tát an trụ mười pháp này thời có thể ra khỏi tất cả ma đạo.

 

Số lượt xem : 463