Phân biện rõ chơn vọng, hàng vọng hiển chơn ( Sự thù thắng của Minh Sư một chỉ )
Tu hành có thể có thành tựu hay không, then chốt là ở chỗ phải chăng có thể phân biện rõ “ chơn tâm ” và “ vọng tâm ”. Liên quan đến sự phân biệt của chơn vọng, giảng nói rõ ràng nhất thì chẳng gì bằng “ kinh lăng nghiêm ”.
“ Kinh Lăng Nghiêm ”
Nhân duyên Phật thuyết “ Kinh Lăng Nghiêm” là bởi vì A Nan thân là người học tiểu thừa, nhưng lại trong tình trạng chẳng có người cùng đi, chỉ độc có mỗi một mình, noi theo các hành giả đại thừa, hành thứ đệ khất thực ( không lựa chọn nghèo giàu, cứ theo thứ lớp khất thực, là khất từ nhà thứ nhất, rồi đến nhà thứ hai, thứ ba…, tối đa 7 nhà, không được chọn lựa ) . Trước kia, A Nan đã từng nghe Phật quở Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp, là bậc A La Hán mà người chuyên chọn khất thực nhà giàu, người chuyên chọn khất thực nhà nghèo, tâm chẳng bình đẳng, nên quyết tuân theo pháp bình đẳng bất nhị của Như Lai, để tránh mọi sự chê bai và nghi hoặc, trong tâm cho rằng: Đối với trai chủ, chẳng kể quý tộc hay hèn hạ, thức ăn dơ sạch, phát tâm từ bi bình đẳng để thành tựu cho tất cả chúng sanh đều được gieo trồng vô lượng công đức. Vừa nghĩ như vậy, tay ôm bình bát, đi từng nhà dọc theo đường phố, oai nghi nghiêm chỉnh, đúng pháp khất thực. Thế nhưng do định lực của A Nan không đủ, kết quả là Lúc A Nan đang khất thực đi ngang nhà dâm, bị nàng huyễn thuật Ma Đăng Già “ dùng tà chú Phạm Thiên của ngoại đạo tóc vàng nhiếp vào nhà dâm, vuốt ve cám dỗ, sắp bị hoại giới thể”, may là Phật Đà sai Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đem “ Thần chú Lăng Nghiêm ” đến cứu hộ, tiêu diệt tà chú.
Bồ Tát Văn Thù cứu dắt A Nan về nơi Phật ở, A Nan gặp Phật, đảnh lễ rơi lệ, hối hận xưa nay chỉ ham học rộng nghe nhiều, chưa tròn đạo lực, chẳng biết rằng tu hành phải hạ công phu ở “ định lực ”, do vậy ân cần thỉnh hỏi Phật Đà từ bi khai thị “ phật định ” mà mười phương Như Lai đã tu được thành chánh giác, thành vô thượng bồ đề là tu như thế nào mà thành tựu ? Phật Đà từ bi khai thị rằng : “ tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sanh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chơn tâm thường trụ, thể tánh thanh tịnh trong sạch sáng tỏ, lại nương theo vọng tưởng, vọng tưởng chẳng chơn nên có luân hồi ”, lại nói : “ Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sanh tử đều do trực tâm, vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, ở khoảng giữa chẳng có các tướng quanh co ”.
Do vậy, Phật hỏi A Nan tâm ở nơi đâu ?
A Nan tiếp nối trả lời 7 chỗ, kết quả đều bị Phật lắc đầu phủ định, bởi vì những câu trả lời của A Nan đều là dùng sự tư duy tưởng tượng phỏng đoán, đấy là cái tâm ý thức thứ sáu, còn điều mà phật mong đợi là hy vọng A Nan có thể ngộ nhập lí thể chơn tâm mà Chư Phật Như Lai đã chứng. Do A Nan chẳng biết nơi chỗ của chơn tâm, do vậy mà Phật lại từ bi khai thị rằng : “ Những người tu hành chẳng được chứng quả vô thượng Bồ Đề, trở thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành cõi Trời ngoại đạo, ma vương và quyến thuộc ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dẫu cho trải qua nhiều kiếp cũng chẳng đắc đạo.
Hai thứ căn bản này, một là chơn bổn, hai là vọng bổn.
“ Vọng bổn ” là căn bản của sanh tử từ vô thỉ đến nay, tức là ngộ nhận tâm phan duyên hư vọng làm tự tánh của mình và chúng sanh.
“ Chơn bổn ” là bản thể vốn thanh tịnh của Bồ Đề Niết Bàn từ vô thỉ, tức là cái Bản Thức vốn sáng tỏ, hay sanh các duyên mà bị các duyên che khuất thành lạc mất. Vì chúng sanh lạc mất Bản Thức sáng tỏ này, dù hàng ngày sống trong bản thức mà chẳng tự biết, oan uổng vào lục đạo luân hồi.
( chú thích : Bản thức: Bản Tâm, Bản Kiến, Bản Văn, Bản Giác, Bản Tri đều là biệt danh của tự tánh ) .
Tiếp theo sau đó, Phật vì A Nan mười lần hiển kiến ( 10 phen chỉ bày tánh thấy ). “ Kiến ” nghĩa là chơn kiến, chơn tâm. Đấy chính là “ 7 chỗ gạn hỏi tâm ( cũng có người cho là 7 lần phá chỗ chấp ), 10 phen hiển kiến ” của “ Kinh Lăng Nghiêm ” nổi tiếng.
Cái gì là “ vọng tâm ” ? tỉ mỉ mà nói, ví dụ như trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, cái tâm của những sự phán đoán, phân tích, nghiên cứu, tư duy, tưởng tượng, thảo luận mà các hoạt động học tập dùng đến đều là vọng tâm, quy nạp lại thì chẳng qua chính là những sự vọng tưởng, chấp trước.
“ Chơn tâm ” lại là cái gì đây ? Chơn tâm mà phật pháp nói đến có chỗ khác với cái chơn tâm mà bình thường hay nói đến. Cái chơn tâm, chơn tình, chơn ý mà bình thường hay nói đến thì ở trong phật pháp nó vẫn là vọng tâm, tuy rằng là vọng tâm, nhưng vẫn có thể xem là thiện tâm. Do vậy có thể biết rằng vọng tâm có thiện ( chỗ tâm thiện ) có ác ( chỗ tâm phiền não ) , nếu có thể buông xuống những sự chấp trước đối đãi của thiện ác, như ngài Lục Tổ đã nói : “ chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác ”, và “ thiện ác đều chẳng đắn đo suy xét, tự nhiên được vào bản thể vốn thanh tịnh ”, và cũng duy chỉ có buông xuống vọng tâm thì chơn tâm mới được hiển hiện.
“ Chơn tâm ” chính là lí thể, tự tánh, phật tánh, chơn như, bản thể vốn thanh tịnh. “ Chơn tâm hiện tiền ” ( chơn tâm hiển hiện ở trước mắt ) thì là minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ rồi. Mạnh Tử chủ trương “ tánh thiện ” chắc rằng là cái thiện mà siêu vượt ra khỏi sự thiện ác, do vậy mà gọi là thuần thiện, cái mà chỉ đến là “ chơn tâm ”.
Các bậc Đại Đức xưa nói rằng : “ 但求息妄,莫更覓真 ”“ đãn cầu tức vọng, mạc canh mịch chơn ” ( chỉ cầu ngưng vọng, chẳng cần tìm chơn ) , tu hành nên dốc sức vào việc hàng phục vọng tưởng, vọng tận tình không, chỉ cần trừ vọng, vọng đã không còn thì chơn tâm nhất định hiển lộ. “ Chơn tâm ” có thể dùng ví như mặt trời vậy, “ vọng tâm ” thì giống như những đám mây đen ở trên không. Khi mây đen bao phủ dày đặc, muốn nhìn thấy mặt trời đâu có dễ chút nào; hễ một khi mây đen tản hết, mặt trời tức khắc hiển hiện, chính là cái gọi là “ vén mây thấy mặt trời ”. Phật chẳng phải cũng nói rằng : “ nếu chẳng có vọng tưởng, chấp trước, thì vô sư trí, tự nhiên trí tức thời hiện ngay trước mắt ” đó sao ? Đấy chính là cái việc gọi là “ hàng vọng hiển chơn, phá mê khai ngộ ”.
“ Kim Cang Kinh”
“ Kim Cang Kinh” ghi chép lại việc sau khi Tu Bồ Đề khai ngộ kiến tánh rồi, hướng về phật nêu ra hai vấn đề : “ phải trụ tâm như thế nào ? nên hàng phục tâm mình như thế nào ? ”, theo lí mà nói, Tu Bồ Đề nếu như đã kiến tánh rồi, hai vấn đề này lẽ ra đã không thành vấn đề; sở dĩ ông nêu ra để hỏi Phật, là hy vọng nương nhờ vào câu trả lời của Phật có thể lợi ích cho tất cả chúng sanh. Lại vì sao đặc biệt nêu ra hai vấn đề này mà không nêu ra những vấn đề khác vậy ? Đấy là ông Tu Bồ Đề sau khi đã khai ngộ kiến tánh, cho rằng là vấn đề quan trọng nhất, vì để giúp cho chúng sanh, cho nên mượn nhờ vào cơ hội hỏi phật, chớ chẳng phải là ông thật sự có điều nghi hoặc.
Phật đối với vấn đề này thì trả lời một cách đơn giản rằng : “ ứng như thị trụ, như thị hàng phục kì tâm ”. “ Như thị ” có hai nghĩa : một là bổn tánh chơn như, hai là chỉ ý nghĩa của đoạn trước hoặc đoạn sau. Đối với Tu Bồ Đề mà nói thì là chỉ bổn tánh chơn như; đối với những người chưa kiến tánh thì là chỉ cái mà kinh văn đã nói. Do đó Phật trả lời rằng “ ứng như thị trụ, như thị hàng phục kì tâm ”, nghe ở trong tai của Ông Tu Bồ Đề thì là “ phải dùng tự tánh để an trụ cái tâm bồ đề, phải dùng tự tánh để hàng phục cái tâm vọng tưởng ”, thế nhưng sự trả lời như vậy đối với những người chưa kiến tánh thì là không thụ dụng đâu ( chẳng đắc được ích lợi gì ) , do vậy mà Phật ở phần thứ 3 tiếp tục trả lời tường tận “ hàng phục cái tâm ấy ”, phần thứ 4 trả lời tường tận “ nên trụ tâm như thế nào ? ”.
Trong sự vấn đáp giữa hai ngài, có một điểm đáng để chúng ta đặc biệt chú ý đến là khi Phật trả lời súc tích ngắn gọn dễ hiểu là dựa theo thứ tự những vấn đề mà ông Tu Bồ Đề đã nêu để trả lời, còn trong lúc trả lời tường tận thì lại là giải thích rõ đối với việc “ hàng phục cái tâm ấy ” trước, bởi vì căn bản gốc rễ của vấn đề chẳng ở chỗ làm thế nào mới có thể thường trụ tâm bồ đề, mà là ở chỗ làm thế nào để hàng phục vọng tâm. Vọng tâm hễ một khi đã hàng phục rồi, thì tâm bồ đề làm gì có cái đạo lí không thể thường trụ đây ?
Từ đây có thể biết rằng cái mà “ Kim Cang Kinh ” xiển dương chẳng qua cũng là “ hàng vọng hiển chơn ”. Một câu nói rất nổi tiếng của “ Kim Cang Kinh ” là “ ứng vô sở trụ, nhi sanh kì tâm ” ( nên sanh tâm không trụ trước vào đâu cả, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm ) , “ hàng vọng ” mới có thể “ không có chỗ trụ ”; “ sanh tâm ” cái mà sanh là tự tánh thanh tịnh, chính là cái ý “ hiển chơn ”.
“ Lục Tổ Đàn Kinh ”
Lục Tổ sau khi đắc pháp ở Huỳnh Mai, Ngũ Tổ phó chúc dặn dò rằng : “ ngươi phải đi cho mau, kẻo có người ám hại ! ”, do đó mà Lục Tổ dưới sự đưa tiễn của Ngũ Tổ, suốt đêm lên đường rời khỏi chùa Đông Thiền, hướng về phía nam mà đi; sau khi các sư huynh đệ biết được thông tin rằng Huệ Năng đắc pháp thì có đến mấy trăm người đuổi theo phía sau muốn đoạt y bát, trong đó có một Tăng tên tục là Trần Huệ Minh, trước kia đã từng làm Tứ Phẩm Tướng Quân, do thể lực xuất chúng, dẫn đầu đi trước, đuổi kịp Lục Tổ trước hơn mọi người.
Lục Tổ nhìn thấy mình sắp bị đuổi kịp rồi, do vậy bèn đem y bát đặt trên tảng đá, ẩn mình trong đám bụi cỏ. Trần Huệ Minh nhìn thấy y bát thì mừng rỡ vô cùng, thế nhưng khi ông ta ngờ đâu muốn lấy y bát mà nhấc chẳng nhúc nhích được, liền kêu rằng : “ hành giả ! hành giả ! Tôi vì pháp mà đến, chẳng phải vì y mà đến ”. Huệ Năng nghe thấy rồi bèn từ trong đám bụi cỏ đi ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh nhìn thấy Lục Tổ, bèn hành lễ nói rằng : “ mong hành giả vì tôi thuyết pháp ”. Lục Tổ nói : “ ông đã vì pháp mà đến đây, thì nên ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà thuyết ”. Hai người tĩnh mặc rất lâu rồi, Lục Tổ mới nói với Huệ Minh rằng : “ chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng Toạ Minh ? ” Huệ Minh ngay đó đại ngộ.
Lục Tổ trước khi vì Huệ Minh thuyết pháp, đã bàn giao dặn dò Huệ Minh “ ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm ” chính là phải vạn duyên buông xuống, buông xuống tất cả những tà tư vọng kiến, buông xuống tất cả những vọng tưởng chấp trước, không được có tí ti vọng niệm, do đó “ ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm ” chính là “ hàng vọng ”; tiếp theo đó khi Lục Tổ vì Huệ Minh khai thị. thiện ác hai bên đều chẳng đắn đo suy xét, chính là bổn lai diện mục của Thượng Toạ Huệ Minh ông đây, tức là “ hiển chơn ”. Do vậy Trần Huệ Minh ngay lúc ấy đại triệt đại ngộ.
Số lượt xem : 576