Những câu hỏi thắc mắc trước và sau khi cầu đạo
1. Vì Sao Phải Cầu Đạo ?
Vì duy chỉ có cầu đạo, học đạo mới có thể ngộ đạo nơi tự thân, mới hiểu rõ chính mình, như phải cầu học sinh học, y học mới hiểu rõ cấu tạo cơ thể con người mình, cách chữa trị bệnh nơi thân. Cầu đạo, học đạo mới có thể tỏ ngộ bổn tâm bổn tánh của mình, tỏ rõ thật giả, tâm bệnh của mình và phương pháp điều trị tâm bệnh.
2. Vì Sao Phải Tu Đạo ?
Vì như máy bị trục trặc thì phải tu sửa, thân bệnh và bị thương rồi thì phải chữa lành bệnh, chữa lành vết thương. Tu đạo tu tâm, bởi tâm bệnh rồi nên phải tu sửa lại tâm, điều chỉnh lại ý niệm cho ngay chánh, sửa bỏ những thói hư tật xấu mà gốc vốn dĩ từ tâm khởi niệm rồi hành, lâu thành thói tật, nay cần phải tu sửa là để khôi phục lại Đạo ( Phật tánh thanh tịnh vô nhiễm ban đầu ) của tự thân. Nếu chẳng tu đạo, thì thật có lỗi với tự thân, với Mẫu tánh linh, với song thân phụ mẫu, với huynh đệ ruột rà quyến thuộc, …và với tất cả muôn vàn chúng sinh khác.
3. Vì Sao phải Bàn Đạo, hành đạo ?
Vì duy có Bàn đạo, hành đạo, làm lợi lạc chúng sinh mới có thể hợp với Đạo, hiển đạo, chứng đạo nơi tự thân.
4. Vì sao phải điểm đạo ?
Vì tuy mỗi người đều sẵn có đạo nơi tự thân, thế nhưng tự chẳng thể ngộ đạo, nên cần phải được Thiên Mệnh Minh Sư chỉ điểm, ví như khi chưa nhìn thấy mặt trăng thì phải tạm nương nhờ vào ngón tay chỉ trăng của người đã nhìn thấy chỉ lại cho mình thấy vậy.
Hoằng Nhẫn đại sư nói với Huệ Năng đại sư rằng : “Chẳng biết bổn tâm, học pháp vô ích. Nếu biết bổn tâm, tức gọi là Trượng phu, là thầy của trời và người, là Phật”. Nếu chẳng nhận biết được cái gốc, lại cứ mãi truy tìm cầu những cái ngọn, thì chẳng khác gì vớt trăng dưới mặt nước, bỏ hình bắt bóng, mãi chẳng tỏ ngộ chơn đạo nơi tự thân, nhận giả làm thật, mãi chẳng ích lợi gì, chẳng thể chứng đắc đạo quả vậy.
5. Vì sao phải giảng Đạo ?
Vì giảng đạo là thay trời tuyên hóa, hoằng pháp lợi sanh, đem lại nhiều lợi ích an vui giải thoát phiền não đau khổ, sự thăng tiến tâm linh cho chúng sanh, cũng là đang thực hành Bồ Tát đạo tự độ, độ tha, tự giác, giác tha để tiến dần đến giác hạnh viên mãn, vẹn thành Phật đạo. Trời đất vũ trụ muôn vật đều có đạo, chỉ là chẳng có tiếng nói nên phải thông qua phương tiện ngôn ngữ, ngôn từ lời nói của con người để truyền tải diễn đạt giúp chúng sinh dần thấu hiểu ngộ đạo.
6. Vì sao phải về Phật đường ?
Vì Phật đường là nơi mình cầu đắc đạo giải thoát, như Bồ Đề Đạo Tràng là nơi mà Đức Phật đã tu hành ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề, sau 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã đắc đạo, đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu, nay trở thành Thánh địa cho nhiều người đến hành hương lễ bái và tưởng nhớ. Vậy nên đạo tràng nơi mình đắc đạo là nơi quan trọng nhất để lại dấu tích lịch sử đầu tiên về cuộc đời đắc đạo của mình sau hằng ha sa số kiếp luân hồi trong tứ sanh và lục đạo, là nơi chuyển phàm thành Thánh, nơi mà các thế hệ hậu học về sau sẽ tưởng nhớ đến khi mình chứng đạo thành đạo, thành tựu Phật Bồ Tát. Giữa gốc và rễ thì gốc mới là phần quan trọng nhất, vậy nên giữa Phật đường là nơi cầu đắc đạo giải thoát, tìm cầu thấy Phật nơi tự thân ( gốc ) , với chùa miếu là nơi hành hương lễ bái Phật bên ngoài, tu học các pháp môn ( ngọn ) thì Phật đường vẫn là quan trọng nhất, quan trọng hơn nhiều.
Phật đường là nơi có Thiên Mệnh truyền đạo liễu thoát sanh tử, một kiếp này đắc đạo tu đạo bàn đạo thì một kiếp này liền có thể thành đạo, thành tựu quả vị Thánh Hiền Tiên Phật Bồ Tát nhờ sự đắc đạo, ngộ đạo, tu hành khế hợp Đạo ngay lúc còn tại thế.
Phật đường cũng Là nơi kết nối với linh quang của Lão Mẫu ( mẹ tánh linh, cội Đạo ) , gốc của trời đất và muôn vật muôn linh muôn loài. Về Phật đường cũng chính là tìm về lại cái gốc ban đầu, có cơ hội lễ bái cúng dường, hành công lập đức tiêu nghiệp, tận đại đại hiếu chẳng những đối với cửu huyền thất tổ, với chúng sanh ( cha mẹ thân quyến lũy kiếp đến nay ) , mà còn rốt ráo tận hiếu cho đến cả Mẫu tánh linh.
7. Vì sao phải liễu nguyện tiêu nghiệp ?
Vì lập nguyện chẳng liễu thì khó mà về cố hương Phật quốc, cội đạo ban đầu, chẳng thể thành tựu quả vị Phật, sau này vẫn cứ tiếp tục luân hồi trong sáu nẻo.
Chư Phật Bồ Tát đều vì phát tâm Bồ Đề, lập nguyện, thực tiễn đi liễu nguyện mà chứng đạo, thành tựu đạo quả.
Trước khi đến nhân gian để tôi luyện, nâng cao tâm cảnh, thăng tiến tâm linh, độ hóa chúng sinh, mỗi vị trên thiên đều từng phát hồng thệ đại nguyện : “ chúng sinh vô biên thề nguyện độ, phiền não vô tận thề nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thề nguyện học, Phật đạo vô thượng thề nguyện thành. "
Đến nhân gian rồi, khi đầy đủ nhân duyên lành chín muồi để cầu đắc đạo giải thoát, trước khi đắc đạo lại lập xuống mười điều đại nguyện “ thành tâm bảo thủ, thật tâm sám hối ( khôn : thật tâm tu luyện ), không hư tâm giả ý, chẳng thối rút không tiến, không khi sư diệt tổ, không xem thường Tiền nhân, tuân thủ Phật quy, không tiết lộ thiên cơ, chẳng giấu đạo không hiện, lượng sức mà làm ( khôn : thành tâm tu luyện ) .
Đã từng lập xuống nhiều lời nguyện như thế, trong khi sinh mệnh ngắn tạm, hữu hạn và rất vô thường, nên càng phải nhanh chóng thực tiễn mà đi liễu nguyện đã lập.
Nghiệp nếu chẳng tiêu, sẽ bị nghiệp chuyển, dẫn kéo luân hồi mãi trong sáu nẻo, chẳng thể giải thoát khỏi phiền não sanh tử.
8. Vì sao phải hành công lập đức, tự độ hóa thành toàn tự thân, lại độ hóa thành toàn thân quyến gia đình, bạn bè, rộng ra cho đến tất cả chúng sinh ?
a. Vì mỗi chúng ta tự bản thân mình hiểu rõ mình nhất, có những thói hư tật xấu gì, những ý niệm tà lệch không ngay chánh, tự biết rõ bệnh mình thì phải nguyện tìm thầy tốt thuốc tốt, nguyện uống thuốc để chữa lành tâm bệnh của mình. Nếu chẳng phải vậy, dẫu có thầy tốt thầy giỏi tìm đến, kê cho toa thuốc tốt hiệu nghiệm nhiệm mầu, nhưng bản thân mình tự chẳng nguyện uống thuốc thì bệnh cũng chẳng thể nào khỏi. Thế nên phải tự độ hóa thành toàn bản thân.
b. Mỗi chúng ta ai cũng mong muốn những người thân quyến bạn bè, người xung quanh bên mình đều là những người tốt, có được cuộc sống an vui hạnh phúc. Thế nhưng mỗi người mỗi tâm tính, mỗi tập khí thói hư tật xấu khác nhau, nếu chẳng độ hóa thành toàn họ ngộ đạo tu đạo, thì sao mà có thể được như nguyện đây ?
c. Mỗi chúng ta ai cũng nợ ân tình cha mẹ, ân tình thân quyến ruột rà, ân tình của thầy cô, bạn bè, vợ chồng, đồng nghiệp, ân tình của sếp, cho đến ân tình, thậm chí là sinh mệnh của tất cả chúng sinh. Những ân tình ấy, các món nợ ấy dẫu cho luân hồi hằng hà sa số kiếp để báo đáp vẫn chẳng thể nào đền đáp trọn vẹn. Cách duy nhất để báo đáp trọn vẹn chính là không ngừng hành công lập đức để hồi hướng cho họ, độ hóa thành toàn họ cầu đắc đạo giải thoát sanh tử luân hồi, lìa khổ được vui, thành tựu đạo quả. Biết tri ân, cảm ân, báo ân là điều cơ bản nhất của đạo làm người.
d. Vì duy chỉ có tu dưỡng bản thân, hành công lập đức, sinh mệnh mới trở nên có ý nghĩa, có giá trị, trở nên cực kì tôn quý, có thể giúp cải biến vận mệnh bản thân, cũng có thể giúp người khác cải biến vận mệnh.
e. Chúng ta nhờ được thiên mệnh Minh Sư Tế Công Hoạt Phật, Nguyệt Tuệ Bồ Tát chỉ điểm truyền đạo, đắc đạo giải thoát sanh tử luân hồi, ngộ ra tự Phật nơi thân, có thể tu chứng đạo quả, thành tựu Thánh Hiền Tiên Phật sau này. Cha mẹ tuy sinh ra và nuôi dưỡng thân này khôn lớn, nhưng chẳng thể chỉ điểm đạo giải thoát sinh tử luân hồi. Duy có Thiên mệnh Minh Sư có thể chỉ điểm, truyền đạo giải thoát sinh tử cho chúng ta, cho cha mẹ, thân quyến, vợ con chúng ta, cho đến cứu độ tất cả cửu huyền thất tổ của chúng ta, ân tình này càng là to lớn chẳng dễ gì báo đáp được một phần trong muôn vạn. Vậy nên duy chỉ có tu đạo, bàn đạo, tự độ, độ tha, tự giác, giác tha, tự thành toàn bản thân, lại thành toàn người khác, kế thừa chí nguyện của Thầy, hành công lập đức, cùng chung vai gánh vác sứ mệnh phổ độ Tam Tào của Thầy mới có thể báo đáp được phần nào ân tình của Thầy, mới là đứa học trò, đứa con hiếu thảo ( Cổ nhân có câu “Một ngày làm thầy cả đời làm cha” , tình Thầy như tình cha ). Ngoài ra do bởi chúng ta đắc đạo thời kì Bạch Dương này là đắc trước tu sau ( nhờ sự từ bi đại xá đại khai phổ độ của ơn trên ), công đức chưa viên mãn nên phải không ngừng tiếp tục tu bàn hành công lập đức để vẹn tròn công đức, xứng đáng với việc đắc đạo giải thoát chí tôn chí quý, ví như việc mua trả góp nhận trước một viên kim cương cực kì cao cấp cực kì quý hiếm, cuối cùng vẫn phải trả đầy đủ số tiền tương ứng với giá trị của viên kim cương đó vậy.
Số lượt xem : 1416