BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Làm Thế Nào Để Tu Bàn Tinh Tấn Bất Thối Chuyển ?

Tác giả liangfulai on 2022-08-01 21:01:27
/Làm Thế Nào Để Tu Bàn Tinh Tấn Bất Thối Chuyển ?

Thường nghĩ xem cái chết như đang cận kề, ngày mai một hơi thở ra không hít lại vào được nữa, công đức chưa được bao nhiêu mà tội nghiệp lũy kiếp đến nay vẫn còn nhiều, tội nghiệp chưa tiêu lại còn thêm chồng chất, chết rồi ắt đoạ vào đường dữ.


Thường nghĩ xem cuộc đời mình đến nay đã vất vả gian lao cực khổ biết bao nhiều. Từ lúc đi học cho đến lúc ra xã hội kiếm tiền, đến nay đã lập gia đình làm ông bà cha mẹ của người, tất cả đều vì cơm áo gạo tiền, bị ái tình danh lợi quyền vị xiềng xích trói chặt, vì dục vọng riêng tư ích kỷ mà không ngớt nhọc nhằn phiền não, không phải chỉ riêng kiếp này không thôi, mà lũy kiếp cũng đã từng như vậy, là một sự lặp đi lặp lại những hành vi việc làm sinh hoạt luân hồi như thế, chẳng khác gì con dã tràng cố xây lâu đài cát, rồi lại sẽ bị những cơn sóng vô thường vùi dập cuốn trôi, chết rồi lại về với tay trắng số không, chẳng thứ gì có thể mang theo được, duy có công đức và nghiệp tùy thân. 

 

Kiếp này còn may được gặp các bậc thiện tri thức, được nghe Phật pháp, cầu đắc chơn đạo giải thoát, thế nên phải nhanh chóng giác ngộ tu hành chuyển nghiệp phàm thành Thánh, trọng Thánh khinh phàm, dẫu có nhọc nhằn hơn bởi phải Thánh Phàm kiêm tu trong thời kì Bạch Dương, chỉ cần tinh tấn tu đạo bàn đạo chẳng biếng nhác thì chỉ còn một kiếp này thôi là có thể thành tựu giải thoát khỏi muôn sự khổ nhọc luân hồi mà lũy kiếp đến nay đã từng phải nếm trải chịu đựng. Muốn nghỉ ngơi an nhàn thì cũng phải đợi đến khi về được cố hương Phật quốc mới thật sự có thể nghỉ ngơi an nhàn. Trần gian là " lò luyện " nên hễ còn trong lò thì ngày đêm vẫn phải không ngừng tôi luyện.

 

Ta nay may mắn gặp được cơ duyên tốt lành như vậy thì cũng phải độ hóa gia đình mình cùng thoát khỏi những thứ phiền não của nghiệp phàm tục ấy. Muốn vậy thì tự bản thân phải không ngừng tinh tấn tu hành trọng thánh khinh phàm, tự bước ra khỏi ngôi nhà phiền não trước rồi mới có thể kéo dần các thành viên khác trong gia đình cùng bước dần ra khỏi ngôi nhà phiền não.  

 

Thường nghĩ rằng ta lũy kiếp đến nay đều lầm chọn cuộc sống phàm phu nhàm chán vô nghĩa như một thói quen lặp đi lặp lại mãi nên mới luân hồi không ngớt khổ đau trong cõi phàm tục này. Nay hữu duyên được nghe Phật pháp, cầu đắc chân đạo, ta nhất định phải tinh tấn tích cực chuyển hoá dần nghiệp phàm sang Thánh để ngưng dứt sự luân hồi với cuộc sống nhàm chán vô nghĩa giả tạm, khổ nhiều sướng ít trong cõi phàm tục.

 

 

Thường quán tưởng rằng cuộc đời người phàm phu tục tử suy cho cùng chẳng khác chi các loài động vật, đặc biệt giống nhất là loài trâu và loài chó. Cả đời người chỉ vì miếng cơm manh áo, vì vợ, vì con vì cháu mà thời trẻ trâu phải bận rộn không ngớt với công việc quần quật cày suốt từ sáng đến tối, cho đến lúc về già chẳng còn nhiều sức khỏe để có thể đi làm hoặc đi chơi khắp đây đó thì lại bị con cháu ngăn cản không cho đi ra khỏi nhà chỉ vì lo lắng cho sự an nguy của mình, cũng sợ gây phiền phức cho chúng, bèn thế mà buộc phải ở nhà trông cháu, trông nhà trông cửa, chẳng khác chi con chó bị xích chặt ở nhà với trách nhiệm phải coi giữ nhà giữ của, cứ vậy mà cả đời chẳng thể tự làm chủ thân tâm. Muôn kiếp ta đã từng sống như vậy, thế nên kiếp này ta phải tự làm chủ thân tâm, làm chủ cuộc đời của mình, cải biến vận mệnh, chẳng cam chịu kiếp sống phàm phu tục tử với số phận cuộc đời như con trâu và con chó nữa. Ta phải vì Thánh Nghiệp Như Lai phổ độ chúng sinh mà tu bàn làm chủ thân tâm mình, cuộc đời mình, tự độ mình thoát khỏi mọi "gông cùm xiềng xích" của nhà phiền não thế gian, lại độ cho cả gia đình mình, rộng ra cho đến muôn chúng sinh đều cùng thoát khỏi. 

 

Thường nghĩ rằng mình phải tinh tấn tu bàn đạo, hành công lập đức chủ động hồi hướng công đức đến tất cả mọi chúng sinh để liễu nguyện, tiêu nghiệp, trả các món nợ lũy kiếp đến nay trước khi bị các chủ nợ đến đòi báo với cả gốc lẫn lãi. Ta phải luôn cảnh giác với sự vô thường, đương an nghĩ nguy.

 

Thường nghĩ mình phải có tinh thần kề vai sát cánh với các vị Tiền Hiền đồng tu bạn đạo, với các vị Hoạt Bồ Tát để gánh vác sứ mệnh trọng trách gia nghiệp Như Lai phổ độ chúng sinh, đền đáp tứ trọng ân. Sự nghiệp vĩ đại tốt đẹp với tương lai quang minh tiền đồ rộng lớn như thế tuyệt đối không thể để thiếu sót phần mình. Không để khởi lên ý niệm rằng “vắng mình thì chợ vẫn đông”, “đó chẳng phải là trách nhiệm của mình, chẳng liên quan gì với mình, mình cũng chẳng có năng lực để gánh vác sứ mệnh”. Nếu đôi lúc có khởi lên những ý niệm tiêu cực như thế, cảnh giác ngay rằng đó đều là tiếng nói của Nội Ma trong tâm làm chướng đạo Thánh nghiệp, quyết chẳng nghe theo.

 

Thường nghĩ rằng mình hiện nay đang được sung sướng hạnh phúc, thân tâm an vui, gia đình mĩ mãn, các mối quan hệ xã hội tốt đẹp, đấy đều là nhờ phước đức tu hành của mình cùng các thành viên trong gia đình lũy kiếp đến nay, vậy nên kiếp này càng phải tinh tấn tu hành, nương nhờ phước ấy mà làm lợi lạc chúng sinh, tăng trưởng thêm công đức và phước báo cho bản thân, gia đình, cũng là để báo đáp ơn chúng sinh, ơn Trời Phật phù hộ, đức Tổ Tiên che chở bấy lâu nay.

 

Thường nghĩ rằng bản thân mình còn nhiều vô minh, ngu muội, nên mỗi ngày mình phải dành chút thời gian để tiếp cận Phật đường học hỏi các Tiền hiền, đọc hiểu kinh điển Thánh Huấn của Tiên Phật để không ngừng trau dồi phong phú thêm đạo học, vun bồi dưỡng trưởng thêm trí tuệ đức hạnh, để có thêm nhiều phương tiện tiếp dẫn chúng sinh, thắp sáng ngọn tâm đăng của bản thân để có thể chiếu phá vô minh tăm tối, soi rọi đường đi cho bản thân và người khác. 

 

Thường nghĩ rằng chúng sinh lũy kiếp đến nay ai cũng đều đã từng làm qua ông bà, cha mẹ, huynh đệ, tỉ muội, vợ con, tình nhân của mình, chứ chẳng phải chỉ có mỗi gia đình hiện tại mới là gia đình của mình. Ta dành thời gian tâm sức nhọc nhằn lo cho gia đình hiện tại của mình, thì cũng phải dành ra một phần thời gian tâm sức để lo cho "đại gia đình Chúng Sinh" thân quyến lũy kiếp đến nay của mình, tu ra cái đạo tâm bình đẳng không thiên lệch. 

 

  

 

 

Số lượt xem : 1378