Giới Thiệu Đơn Giản về Phật Hiệu Tiên Phật thời kì Bạch Dương
Minh Minh Thượng Đế
“ Vị Chơn Tể của tam giới thập phương, chí tôn chí thánh, vô lượng thanh hư - Minh Minh Thượng Đế ” chính là vị chơn chủ tể sanh thiên, sanh địa sanh vạn vật. Nho giáo gọi là “ Duy Hoàng Thượng Đế ”, Thiên, Thượng Thiên; Thiên Chúa giáo gọi là “ Thượng Đế ”, Phật Giáo : có những tôn xưng như : Đại Nhật Như Lai, Tỳ Lô Giá Na, Vô Sanh, Chân Như, Như Lai, …Đạo giáo : có những tôn xưng như Vô, Đạo, Vô Cực Thiên Tôn, Huyền Huyền Thượng Nhân, Vương Mẫu …, Hồi Giáo gọi là Allah.
Chư Thiên Thần Thánh
Chính là bao gồm tất cả các vị thần trong trời đất, các vị Thánh, Hiền, Tiên, Phật, Bồ Tát, La Hán trong tam giới thập phương.
Di Lặc Tổ Sư
Di Lặc Tổ Sư, tên gốc là A Dật Đa, tiếng phạn phiên dịch sang tiếng trung thì gọi là Vô Năng Thắng. Di Lặc là họ của ngài, ý tức là Từ Thị, là do vô lượng kiếp về trước tinh tấn tu Từ Tâm Tam Muội đắc thành chánh quả, đã từng chuyển kiếp làm Bố Đại Hoà Thượng, Phó Đại Sĩ, nay ứng vận vào lúc tam kì mạt kiếp, đảo trang giáng thế làm vị tổ sư đời thứ 17 Lộ Trung Nhất, bởi vì phụng mệnh chưởng thiên bàn Bạch Dương cho nên còn gọi là Tổ Sư Chưởng Bàn.
Nam Hải Cổ Phật
Tức là ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, tầm thanh cứu khổ, từ bi độ chúng, nay vào thời kì Bạch Dương thì trợ hoá khai đạo khắp nơi, các sự tích hiển ứng đặc biệt nhiều. Cổ Phật vì để rộng độ những chúng sanh bi khổ mạt hậu nên vẫn đảo giá từ hàng, hiện thân Bồ Tát để rộng độ quần sanh mê muội trong biển khổ hồng trần, cùng với Văn Thù Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát, gộp chung lại là Tứ Đại Bồ Tát.
Hoạt Phật Sư Tôn
Tức là “ Tế Công Hoạt Phật ”, nguyên là “ Nhật Tinh Tử ” của Tiên Thiên, đảo trang giáng thế làm người nhà họ Lý, tên là Tu Duyên, pháp hiệu là Đạo Tế, sống vào năm Thiệu Hưng ( tây nguyên năm 1131 ) đời Tống, là La Hán Hàng Long. Lúc lâm bồn, ánh hồng quang bao trùm nhà, khắp nhà có mùi thơm lạ xộc mũi. Hoạt Phật Sư Tôn sinh ra có gương mặt khôi ngô tuấn tú, ngũ quan đoan chánh, tướng mạo thanh tú bất phàm, chỉ có điều là cứ khóc mãi chẳng ngưng, khóc mãi cho đến 3 hôm, Lão Phương Trượng của chùa Quốc Thanh đến chúc mừng, vừa mới nhìn thấy Hoà Thượng thì bèn lập tức ngừng khóc, nhếch mép cười rồi. Phương Trượng Tánh Không Trưởng Lão đặt cho cậu bé cái tên để ghi nhớ tên thâu làm đồ đệ, lấy tên cho cậu là Lý Tu Duyên. Hoạt Phật Sư Tôn lúc 7 tuổi thì chẳng muốn nói chẳng muốn cười, chẳng có tụ họp chơi đùa với những đứa con nít cùng thôn làng. Cha của cậu mời đến một vị lão tú tài là ông Đỗ Quần Anh dạy cho cậu học hành đọc sách ngay tại nhà. Cậu có trí nhớ rất tốt, hễ nhìn qua rồi thì không quên, tốc độ đọc hiểu rất nhanh, năm 14 tuổi thì thi lấy Văn Đồng ( Tú Tài ), nào ngờ đâu cha bệnh qua đời. Bẩm tánh của Tu Duyên yêu thích kinh điển, đến lúc 18 tuổi thì mẹ ruột cũng bị bệnh mà qua đời. Mãn kì thủ hiếu thì nhìn thấu hồng trần, lập chí xuất gia tu hành, đem những việc trong nhà giao phó lại cho Vương Viên Ngoại, đến chùa Linh Ẩn dưới núi Phi Lai Phong ở Hàng Châu xuất gia, bái Nguyên Không Trưởng Lão làm thầy; Nguyên Không Trưởng Lão ( hiệu là Viễn Hạt Đường ) đặt cho cậu cái pháp danh gọi là Đạo Tế; sau khi ngộ đạo thì giả điên giả khùng tại thế, đi khắp nơi hàng yêu trừ quái, trị bệnh cho các Trung Thần Hiếu Tử, trinh nữ tiết phụ, dùng diệu pháp cứu giúp đời, công đức vô lượng. Đến nay các chùa như chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, chùa Tịnh Từ, chùa Hổ Bào … vẫn còn lưu lại rất nhiều những tích xưa; bởi vì ngài ấy đi khắp nơi cứu người, khởi tử hồi sanh, vậy nên người người đều xem ngài ấy là Phật Sống tại thế, xưng gọi ngài ấy là “ Tế Công Hoạt Phật ”. Nay gặp kì Tam Tào Phổ Độ, trở thành vị Tổ Sư chưởng lí đạo bàn, cũng là vị Sư Tôn Tiên Thiên của chúng ta.
Nguyệt Tuệ Bồ Tát
Nguyên là Nguyệt Tinh Tử của Tiên Thiên giáng thế, tức là Thái Âm Tinh Quân, đã tu thành chánh quả từ vô lượng kiếp về trước, cùng chưởng đạo bàn với Tế Công Hoạt Phật, là Sư Mẫu Tiên Thiên của chúng ta. Bởi vì đại sự mạt hậu tam kì, Nguyệt Tuệ Bồ Tát và Tế Công Hoạt Phật phụng thiên mệnh cùng chưởng đạo bàn cùng trợ giúp cho Tam Tào phổ độ thâu viên mạt hậu do Phật Di Lặc ứng vận.
Theo ghi chép thì khi Nguyệt Tuệ Bồ Tát hiển hiện, thì là lúc nhân tâm bại hoại, đạo đức luân thường mai một biến mất. Trong cái thế giới đen tối ấy, Nguyệt Tuệ Bồ Tát tựa như trăng sáng vậy, hiện ánh sáng từ bi chiếu rọi, dẫn dắt chúng sanh cải tà quy chánh, khiến cho người đời được yên ổn mát lòng.
Các Vị Pháp Luật Chủ ( chính là 4 vị Thần Thánh : Quan, Trương, Lữ, Nhạc )
Quan Thánh Đế Quân : Họ Quan tên Vũ, tự là Vân Trường, là người Giải Lương, quận Hà Đông; lúc tráng niên ôm ấp chí lớn, muốn giúp Hán diệt Tào. Thánh tích cả đời của ngài gồm có :
- Ngàn dặm tìm huynh ( Lưu Bị ), ấy là nhân.
- Ở Hoa Dung tha Tào Tháo là nghĩa.
- Tay cầm ngọn đèn nến đã thắp sáng mà đọc sách suốt đêm mãi cho đến tận trời sáng ( lúc hộ tống bảo vệ sự an toàn cho hai bà vợ của Lưu Bị ) , ấy là Lễ.
- Lập kế dìm bảy quân, ấy là trí.
- Một mình đơn đao đến dự hội tiệc, ấy là tín.
Ngài luỹ kiếp chuyển thế đều là đại trung đại nghĩa, tận trung giữ chức, trung hiếu lưỡng toàn, lòng trung xông nhật nguyệt, nghĩa khí quán càn khôn, đủ có thể thấy được hạo nhiên chánh khí của ngài, vậy nên Thượng Đế sắc phong làm Văn Hành Thánh Đế, Huyền Linh Cao Thượng Đế, bắt đầu từ năm Giáp Tý thì trở thành Ngọc Hoàng chấp chưởng trung thiên, cũng là vị Pháp Luật chủ chưởng quản tam thiên trong đạo.
Ông Trương Tam :
Họ Trương tên Phi, Ích Đức, hay thường được gọi là Dực Đức, người Trác Quận (nay là Trác Châu, địa cấp thị Bảo Định, tỉnh Hà Bắc), là vị Mãnh Tướng của nước Thục trong thời tam quốc. Ông kết nghĩa đào viên cùng với Lưu Bị và Quan Vũ, cùng ôm ấp đại chí phò trợ Lưu Bị giúp Hán diệt Tào, một mình dũng cảm quát lui quân Tào ở cầu Tràng Bản. Cả đời ông vô cùng kính yêu các bậc quân tử, xem thường chẳng thích làm bạn với những kẻ tiểu nhơn; là người tận trung hành nghĩa. Bởi vì sự trung nghĩa của ngài mà sau khi quy thiên, được Thượng Đế sắc phong làm Hằng Hầu Đại Đế, phụ tá cho Ngọc Hoàng, cũng là một trong bốn vị Pháp Luật Chủ trong Đạo.
Lữ Tiên Ông : là người huyện Vĩnh Nhạc, Bồ Châu, triều Đường, họ Lữ, tên Nham, tự là Động Tân, đạo hiệu là Thuần Dương Tử, tục gọi là Lữ Tiên Tổ. Bởi vì đến chợ Trường An, vào trong quán rượu tình cờ gặp vị đạo sĩ chính là Chung Li Đại Tiên, hai người vừa mới gặp gỡ thì đã như bạn thân cũ lâu năm rồi vậy. Vị Đạo sĩ nói : “ Ta là Chung Ly Vân Phòng, tu ở núi Triều Hạc, Ông có muốn theo ta đi tu Đạo không ? ”
Ðồng Tân có vẻ lưỡng lự. Vân Phòng biết họ Lữ còn muốn đi thi Tiến Sĩ để trổ danh với đời, nên ý còn dùng dằng, đã không nhận lời. Tuy nhiên, Vân Phòng và Lã Động Tân ở cùng một phòng trọ với nhau.
Vân Phòng muốn độ Lữ Ðồng Tân nên ngồi nấu một nồi huỳnh lương, tức là nồi cháo kê. Trong lúc chờ cho nồi cháo kê chín, Vân Phòng đưa cho Lữ Ðồng Tân một cái gối, bảo nằm xuống nghỉ, còn mình thì tiếp tục chụm củi đun nồi cháo kê.
Ðồng Tân nằm xuống, kê đầu lên gối, thì đột nhiên ngủ mê mệt; giây lát chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua nhà giàu nọ, gặp người con gái rất đẹp thì ướm lời. Nàng nói rằng: Nếu chàng thi đậu Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa trấp.
Lữ Ðồng Tân vào khoa thi đỗ Trạng, về cưới nàng ấy, sau lại cưới thêm hầu thiếp, được vua bổ làm quan Gián Nghị, lần lần thăng lên. Sau 40 năm được vua phong tới chức Thừa Tướng, đảm nhiệm chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình tròn một thập niên. Con cái đông đảo, sui gia cũng là bậc quan lớn, lại có cháu nội cháu ngoại. Thật là vinh sang phú quí tột bực.
Chẳng may, sau đó bị gian thần hãm hại, vu oan giá họa, vua tin lời, bắt tội, truyền tịch thâu gia sản, đày qua núi Lãnh Biển, cực khổ vô cùng. Khi đang cưỡi ngựa giữa cơn gió tuyết, ông thở dài cảm thán thì đã thấy mình thức dậy bên cạnh nồi cháo kê đang nấu. Chung Li Đại Tiên lớn tiếng cười ha ha và tụng hai câu thơ rằng : “ Nồi kê còn chưa chín, giấc mộng đã mơ xong. ”
Lữ Động Tân thất kinh, hỏi: “Tiên sinh có biết giấc mộng của tôi có nghĩa là gì không?”
Vân Phòng đáp: “ Giấc mộng vừa rồi của ngươi, thăng trầm muôn vẻ, vinh nhục đa đoan. Năm mươi năm không là gì hết, chỉ trong nháy mắt. Do vậy, được mất trong cuộc sống ngắn ngủi này không có nghĩa lý gì cả. Thế nhân phải trải qua quá trình đại triệt đại ngộ, mới hiểu ra rằng nhân thế chẳng qua chỉ là một giấc mộng dài mà thôi ”. Giấc kê vàng bừng tỉnh, Lữ Động Tân cảm ngộ, nhận ra rằng giấc mộng trên là một điểm hóa, chợt ngộ ra rằng đời người thì ra là một giấc mơ lớn, rồi thì cuối cùng bái Chung Li làm thầy, theo thầy đến núi Chung Nam để tu luyện, từng trải qua 10 lần khảo nghiệm lớn, sau đó tu thành chánh quả, được liệt vào một trong các vị Đại La Kim Tiên, chí hướng của ngài là hy vọng độ tận chúng sanh trong thiên hạ. Bắt đầu từ năm Giáp Tý, ngài cùng với ngài Quan Thánh Đế Quân bắt đầu khai sáng thiết lập Loan Đường, cứu dân độ thế, công đức vô lượng, cũng là một trong các vị Pháp Luật Chủ của Đạo.
Nhạc Vũ Mục : Họ Nhạc tên Phi, tự là Bằng Cử, Nhạc Phi là người của thời Tống Huy Tông, sinh ra ở huyện Thang Âm, Tương Châu, nay là huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam, cực kì hiếu thảo với mẹ. Tổ tiên họ Nhạc làm nghề nông, cha Nhạc Phi là Nhạc Hòa tính tình đôn hậu, sống tằn tiện để hay giúp đỡ người nghèo khó. Nhạc Phi lúc nhỏ sống điềm đạm ít nói, siêng năng làm lụng, cố gắng học hành, yêu thích sách binh pháp của Tôn Vũ và Ngô Khởi. Theo “Thang Âm huyện trí”, Nhạc Phi còn chưa thành niên đã có thể nâng được cây cung nặng 150 kg, có thể kéo được chiếc nỏ nặng khoảng 440 kg. Nhạc Phi võ thuật cao cường, không thua kém võ nghệ của vị thầy mà ông đã theo học từ nhỏ. Ông may mắn được theo vị danh sư Chu Đồng học võ và bắn cung. Nhạc Phi học võ rất tinh tấn, sau khi Chu Đồng qua đời, ông mong muốn được tiếp tục tìm thầy học võ, năm thứ 4 Tuyên Hòa (năm 1122 sau công nguyên), Nhạc Phi khi đó 20 tuổi đã bái Trần Quảng, một cao thủ về bắn cung nổi tiếng trong vùng làm thầy, đây là vị võ sư thứ hai của Nhạc Phi. Được Trần Quảng hết lòng truyền thụ, Nhạc Phi cũng dốc sức theo học, giúp ông đạt được đỉnh cao về kỹ thuật đao thương và quyền thuật, trở thành một người “không ai địch nổi” trong huyện. Ông mang đại chí “ tận trung báo quốc ”, thề diệt quân Kim, vì đất nước rửa mối nhục. Sau đó Nhạc Phi tòng quân, đảm nhiệm chức Nguyên Soái thống binh, nhiều lần đánh thắng tướng Kim là Ngột Truật. Để khen thưởng cho chiến công của Nhạc Phi, Tống Cao Tông đã cho thêu bốn chữ lớn “ Nhạc Phi tận trung ” trên nền cờ để tưởng thưởng, lại thăng Nhạc Phi làm Tri sứ Giang Tây. Những chiến công của Nhạc Phi đã cổ vũ mạnh mẽ quân dân Nam Tống chống Kim, Nhưng do ảnh hưởng của Tần Cối đứng đầu của phái chủ hoà và phái đầu hàng, Cao Tông đã nhiều lần triệu hồi Nhạc Phi về kinh. Năm 1140, Triều đình lại đem thắng lợi của Nhạc Phi làm vốn xin hoà với người Kim, trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi. Trước đó, Tần Cối đã bí mật lệnh cho các tướng lĩnh rút lui, để lại một mình Nhạc Phi cùng quân của ông thâm nhập trận địa.
Nhạc Phi bị ép vào thế khó đã ngửa mặt than: “ Công lao 10 năm, đã bị phá hỏng trong một buổi! ”. Lần ra quân này, không những khiến cho giấc mộng tận trung báo quốc, thu thập lại giang sơn cũ của Nhạc Phi trở nên hão huyền mà lại còn gặp phải vận rủi. Người Kim vốn ôm hận Nhạc Phi sâu sắc, họ liên kết với Tần Cối, bắt triều đình nhà Tống phải giết hại Nhạc Phi để làm điều kiện hoà nghị. Tống Cao Tông đã điều Nhạc Phi đi làm Khu mật phó sứ để tước bỏ hết binh quyền của ông. Ngày 25 tháng 12 âm lịch, năm 1141, Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị Tần Cối hạ độc giết chết tại đình Phong Ba thuộc Đại lý tự Lâm An. Lúc chết thì ông mới có 39 tuổi. Cả đời ông đại trung đại hiếu. Tống Hiếu Tông (1163-1189) lên ngôi đã giải nỗi oan khuất cho Nhạc Phi, lấy lễ nghi cải táng lập miếu cho ông tại đất Ngạc, truy thụy hiệu là Trung Liệt. Năm 1179 ban thuỵ là Vũ Mục, đến đời Ninh Tông năm 1211 truy phong vương vị là Ngạc vương. Đến nay còn để lại mộ của ông ở Tây Hà, Hàng Châu, được nhiều người đến viếng thăm, danh truyền vạn cổ, được người Hoa trên toàn thế giới biết đến. Bởi vì ngài cùng với ngài Quan Thánh khai sáng bàn Loan Đường thiên hạ, độ hoá người đời có công, cho nên Thượng Đế sắc phong làm một trong các vị Pháp Luật Chủ.
Táo Quân
Còn gọi là Táo Thần, Táo Vương, bình thường gọi là ông Táo Quân, tục gọi là Tư Mệnh Táo Quân, chuyên việc khảo sát những việc thiện ác của mỗi nhà. Quyển Kính Táo Toàn Thư ghi chép rằng : “ nhận hương hoả mỗi nhà, bảo vệ phù hộ mỗi nhà mạnh khoẻ bình yên, tra xét việc thiện ác của mỗi nhà, trình tấu công và tội của mỗi nhà. ”
Sư Tôn
Là Cung Trường Tổ, tục họ Trương, huý là Khuê Sanh, tự là Quang Bích, đạo hiệu là Thiên Nhiên, là người Sơn Đông, Tế Ninh, ra đời vào ngày 19 tháng 7 năm Thanh Quang Tự thứ 15 ( năm 1889 ) , cầu đạo vào Dân Quốc năm thứ tư ( năm 1915 ) , đến Dân Quốc năm thứ 19 ( năm 1930 ) phụng mệnh cùng với Tôn Sư Mẫu hai người cùng lãnh thiên mệnh, phổ độ Tam Tào, làm Bạch Dương nhị tổ. Dân Quốc năm thứ 36 ( năm 1947 ) ngày 15 tháng 8 âm lịch giờ tuất ( 19:00 – 21:00 ) thì ngài quy không, hưởng thọ 59 tuổi, là hoá thân của Tế Công Hoạt Phật đảo trang giáng thế, thừa nguyện lại đến vì đại sự thâu viên Tam Tào Phổ Độ, ứng vận vào cuối đời nhà Thanh.
Sư Mẫu
Là hoá thân của Nguyệt Tuệ Bồ Tát chuyển thế, họ Tôn, tên là Tố Chân, đạo hiệu là Huệ Minh, giáng sanh vào ngày 28 tháng 8 âm lịch Thanh Quang Tự năm thứ 21 ( năm 1895 ) . Vào Dân Quốc năm thứ 19 ( năm 1930 ) thì cùng với Sư Tôn đồng lãnh thiên mệnh tại tỉnh Sơn Đông, huyện Đan, phổ độ Tam Tào, lo bàn việc thâu viên lần cuối, cùng là đời Tổ thứ 18. Sau khi Sư Tôn thành đạo, Sư Mẫu dẫn dắt lãnh đạo chúng đệ tử khai triển đạo vụ ở trong và ngoài nước, đại xiển tông phong, hồi thiên giao chỉ vào Dân Quốc năm thứ 64 ( 1975 ) ngày 23 tháng 2 âm lịch.
Trấn Điện Nguyên Soái : Là vị hộ pháp trong phật đường. Trương Mậu Mãnh Sư Huynh, là một trong những quyến thuộc trong 72 lần chuyển thế của thầy Tế Công ( lúc đời Tống giả mạo làm Tế Công, trợ giúp những người yếu đuối, cứu tế những người nghèo khổ, được Tế Công Hoạt Phật thâu nhận làm đệ tử, thời kì Bạch Dương ra đời làm con trai của Sư Tôn ), niên thiếu quy không, hiển hoá trợ đạo có công, được phong làm Trấn Điện Nguyên Soái, làm Tiên Trưởng của lớp Mậu Tự. Hiện nay Tam Tào Phổ Độ Thâu Viên, Chư Thiên Tiên Phật đều giúp đỡ trợ đạo. Trấn Điện Nguyên Soái cũng chẳng luyến quả vị trên trời, vì để trợ giúp cho đại sự mạt hậu nhất trước nên phụng mệnh hộ trì đạo bàn và trấn hộ Vô Cực Lí Thiên.
Trấn Điện Tướng Quân : Trương Mậu Điền Sư Huynh và Trấn Điện Nguyên Soái cùng là anh em, là con trai của Sư Tôn, niên thiếu quy thiên, hiển hoá trợ bàn việc phổ độ Tam Tào có công, được đấng Vô Cực Chí Tôn phong làm Trấn Điện Tướng Quân, để trấn giữ cung Vô Cực Lí Thiên. Ngài còn là vị chủ quản Thiên Phật Viện. Lại do chưởng chức Viện Trưởng khảo thí Tam Thiên, cho nên còn gọi tắt là “ Tam Thiên Chủ Khảo, Giám Ban Viện Trưởng, Viện Trưởng Đại Nhân ”. Những thành tích biểu hiện của cá nhân chúng ta tại thế gian đều là do Viện Trưởng Đại Nhân đang sát hạch đấy.
Giáo Hoá Bồ Tát : Vốn dĩ là Vân Du Cô Nương, vốn là vị đại tiên cõi Khí Thiên; trước khi cầu đạo thì đúng lúc gặp phải nạn ôn dịch, đã hiển hoá khắp nơi để cứu độ chúng sanh, đồng thời đã chữa trị cho Thánh Thể của Sư Mẫu, là một vị đại tiên do Sư Mẫu đích thân độ hoá. Bởi vì trợ bàn cho việc phổ độ Tam Tào có công, cho nên được đấng Vô Cực Chí Tôn sắc phong làm Giáo Hoá Bồ Tát, thường gọi là Giáo Hoá Sư Tỷ, là lớp trưởng của lớp “ Vân ” Tự.
Câu chuyện của Vân Du Cô Nương đại thể như sau :
Vân Du Cô Nương vào lúc trước khi cầu đạo, nhân gian trung quốc đang lưu hành trận ôn dịch, Sư Mẫu đại nhân bi mẫn chúng sanh chịu nỗi đau khổ của bệnh tật, trong lòng nghĩ : “ nếu có bất cứ vị Thần nào có thể hiển hoá cứu chúng, ta sẽ độ vị ấy cầu đạo ! ”. Có một lần Vân Du Cô Nương vân du đến nơi nọ, được biết bi nguyện cứu chúng của Sư Mẫu, vậy nên bèn phát nguyện giúp đỡ cứu lấy nạn ôn dịch, cuối cùng đã thành công, đồng thời cũng đã trị khỏi bệnh cho Thánh thể của Sư Mẫu đại nhân, còn Sư Mẫu cũng đã thực hiện bi nguyện lúc bấy giờ, độ hoá Vân Du Cô Nương cầu đạo, là vị thần tiên khôn đạo ở cõi khí thiên đầu tiên mà do Sư Mẫu độ hoá, cũng là kiến chứng của Tam Tào phổ độ Người, Quỷ, Tiên.
Lúc Lão Tổ Sư bàn đạo, chỉ có thể siêu bạt cha mẹ, chưa có việc độ đại tiên. Lúc Sư Tôn lo bàn việc phổ độ Tam Tào, vị thần tiên của cõi khí thiên cầu đạo đầu tiên là Vân Du Cô Nương, lúc bấy giờ mọi người chẳng hiểu rõ, chẳng có ai dám độ, là do Sư Mẫu của chúng ta tốn 10 đồng tiền độ đấy. Từ đấy trở đi, những đại tiên của Loan Đàn các nơi cầu đạo ngày càng tăng nhiều thêm. Vân Du Cô Nương là Tiên Trưởng của lớp “ Vân ” tự, bởi vì cô ấy trợ đạo có công, nên Lão Mẫu sắc phong làm Giáo Hoá Bồ Tát.
Dưới đây là một trích đoạn những lời từ bi phê huấn kết duyên của Giáo Hoá Bồ Tát :
“ Tôi và các vị cũng đều như nhau, đều là đến từ Lí Thiên đấy, từ nhỏ thì đã rất thích giúp đỡ người rồi, thế nhưng còn nhỏ thì đã thành đạo rồi. Bởi vì tôi có công đức, Sư Mẫu nói rằng một cô nương mười mấy tuổi con đây mà lại có lòng yêu thương như thế, nguyện ý đi cứu người, vậy nên Sư Mẫu đã độ tôi, siêu bạt tôi. Bởi vì tôi làm vị Tiên cõi khí thiên rồi nhưng vẫn chưa buông xuống được quê hương của tôi, các đồng bào huynh đệ tỷ muội của tôi, họ đang chịu khổ trong trận ôn dịch. Vốn dĩ tôi có thể hưởng thụ 300 năm hương hoả, thế nhưng tôi chẳng cần hưởng thu, đem công đức của 300 năm này đã luyện ra tiên đơn, đem bỏ vào trong mỗi một cái giếng, nên đã giải trừ rất nhiều ôn dịch. Bệnh ôn dịch rất đáng sợ, những Viên Ngoại có giàu sang phú quý đến đâu đi chăng nữa đều chết trong trận ôn dịch, cho dù là cao sang hiển hách quyền thế đến đâu đi chăng nữa đều chết trong trận ôn dịch, vậy nên tiền tài có ích gì không ? Xem coi các vị dùng như thế nào thôi, cũng giống như các vị, đến nơi đây học tập, có cần tiền tài không ? Chỉ mong các vị thật tốt mà tận dụng lúc học tập mà nỗ lực học hành, đọc sách, tham thảo ý nghĩa của sinh mệnh, ý nghĩa giá trị thật sự của đời người, để cho sinh mệnh càng có giá trị hơn. Phật tánh là bình đẳng đấy, bất kể các vị là con cái của quan lớn, vẫn phải ăn cơm ngủ nghỉ, vẫn phải sinh hoạt. Đối mặt với đủ thứ mọi việc, bất kể các vị là thân phận gì, chỉ cần mở ra cánh cửa lòng, tấm lòng rộng mở thì tự nhiên sẽ đột phá. Học đạo là chẳng phân Hoàng Đế hay là bình dân bá tánh, chỉ cần các vị chịu tu, mỗi người đều có thể thành Thánh thành Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni học Phật cũng phải buông xuống thân phận Thái Tử, ngài chẳng cần giang sơn phú quý, là vì cái gì vậy ? Cái mà ngài muốn là sự vĩnh hằng, bởi vì sinh mệnh có thể phát triển vô hạn đấy, tiền tài có nhiều đến đâu đi chăng nữa rồi cũng có một ngày dùng cạn. Thế nhưng sinh mệnh, tình yêu thương sẽ chẳng có điểm kết thúc, chỉ cần các vị lúc nào cũng yêu thương người khác, quan tâm người khác, thì sinh mệnh bèn sẽ vĩnh hằng, đời đời lưu truyền nhân gian. Hiện nay tam kì ứng vận, tuyệt đối chớ có xem thường bản thân, hãy thật tốt mà nắm bắt, cơ hội là dành cho những người có có sự chuẩn bị, có biết nắm bắt. ”
Các Vị Đại Tiên
1.Lúc còn sống đều là những vị trung thần hiếu tử, trinh nữ tiết phụ có công huân với quốc gia, có đức trạch với chúng sanh, về trời được liệt vào Tiên ban, và những người tu hành tại thế công đức viên mãn, được ơn trên sắc phong chức Tiên.
2. Là Những vị Tiên Chơn đắc đạo chứng quả - các Bạch Dương tu sĩ sau khi cầu đạo, chơn tu thật luyện, lập nguyện liễu nguyện, về trời được sắc phong quả vị, hoặc những Tổ Tiên do đại công đại đức của con cháu siêu bạt, cũng được liệt vào vị trí các vị đại tiên.
3. Những vị Thần hộ pháp – lúc mở pháp hội hoặc lúc bàn đạo thỉnh đàn, tất cả các vị thần, các vị đại tiên đã lễ thỉnh, hộ tị lâm đàn, những vị thần hộ pháp giúp đỡ trợ đạo.
Kim Công Tổ Sư
Là vị Tổ Sư đời thứ 17 Lộ Trung Nhất, là người Sơn Đông, Tế Ninh, ra đời vào ngày 24 tháng 4 âm lịch Thanh Đạo Quang năm thứ 28 ( năm 1848 ). Vào Quang Tự năm thứ 31 ( năm 1895 ) ngày 15 tháng 3 âm lịch phụng thiên mệnh chưởng Thiên Bàn, phổ độ chúng sanh, là Di Lặc Cổ Phật giáng thế. Vào Dân Quốc năm thứ 14 ( năm 1925 ) ngày mồng hai tháng hai thì quy thiên, hưởng thọ 73 tuổi, Thượng Đế sắc phong làm Kim Công Tổ Sư.
Thiên Nhiên Cổ Phật
Chính là Sư Tôn, là Phật hiệu được đấng Vô Cực Chí Tôn sắc phong sau khi quy không vào Dân Quốc năm thứ 36 ( năm 1947 ) ngày 15 tháng 8 âm lịch.
Trung Hoa Thánh Mẫu
Chính là Sư Mẫu, là Phật hiệu do đấng Vô Cực Chí Tôn đã sắc phong sau khi quy thiên vào Dân Quốc năm thứ 64 ( năm 1975 ) ngày 23 tháng 2 âm lịch.
Số lượt xem : 3010