Đời người vì cái gì ? ( Lời của Thầy )
Đời người trăm bất mãn, thường mang ngàn năm sầu.
Trong cõi hồng trần cuồn cuộn này, con người chỉ vì vô minh mà sản sanh nghìn nghìn vạn vạn những vướng mắc lo lắng, từng vòng từng vòng một, từng tầng từng tầng một chốt thật chặt cái “ tâm ” lại rồi. Mục đích sống của đa số người hoàn toàn rơi vào trong một mảng ảo tưởng và sự ngây ra ( không có thần ) đối với quá khứ, hiện tại, và vị lai, mà chẳng có thời gian rảnh rỗi để tham thảo ý nghĩa thật sự của sinh mệnh ở đâu, do đó bèn đã có tham, sân, si, ái, đã có nhân quả luân hồi, đã có sự chìm nổi vĩnh viễn chẳng ngưng của sanh sanh tử tử. Cái gì là vô minh đây ? Trong tâm khảm của chúng sanh, phàm là chấp trước ở tất cả những sự có, không của hình tướng, đủ thứ những niệm đầu khiến cho người ta chẳng cách nào thanh tịnh, tự tại, giải thoát, do sự so đo tính toán, phân biệt sản sanh, thì gọi là vô minh. Bởi vì sự vô minh do những ái dục và chấp trước của cá nhân mỗi người sản sanh chính là nguyên nhân chủ yếu của sự luân chuyển sanh tử không ngừng của chúng sanh, cho nên các đồ nhi phải ghi nhớ kĩ, phàm việc gì cũng chớ có phan duyên theo cảnh, nếu không thì đã sản sanh sự chấp trước rồi, tâm trí bèn chẳng cách nào sáng tỏ mở mang, phải biết rằng “ Sông yêu ngàn thước sóng, biển khổ sóng vạn trùng ”, cả đời người chấp trước thì chẳng cách nào tự tại rồi.
Thật ra, đời người như vở kịch, nếu như tham vui chốc lát, con chẳng thấy, chẳng biết lúc nào có người lẫy lừng, chẳng biết lúc nào có người lo nhọc sanh tử. Đời người vô thường, thế gian vô thường hư hoa ảo ảnh, các đồ nhi ơi, phải có thể nhìn rõ bổn tướng của vô thường thì mới có thể nhìn thấu giấc mộng này. Nhưng con người thường hay hướng về những cái giả, những cái có hình tướng để theo đuổi, nào biết rằng đợi vô thường đến một cái, cho dù là vương hầu, tướng soái, tể tướng, tước vị cao biết bao, phước lộc nhiều biết mấy, cuối cùng đều như lầu các giữa không trung vậy, một cảnh hư ảo chẳng thật. Thế nhưng các đồ nhi ơi, nếu ở trong cái hư hoa giả cảnh này, giấc mộng Hàm Đan chẳng tỉnh, vậy thì đời này kiếp này của con sẽ bị vận mệnh dắt kéo đi, tâm chẳng thể chuyển cảnh. Còn đời người chân thiện mĩ là đòi hỏi con có thể dùng diệu trí tuệ bát nhã đi tham thấu sự vô thường của đời người, chớ chẳng phải chỉ là đi theo đuổi những cảnh đẹp trước mắt, bởi vì tất cả những cảnh đẹp đều sẽ theo tháng năm vô tình mà phai nhạt biến mất. Con xem xem, những anh hùng hào kiệt xưa nay, có mấy ai có thể chiến thắng được những năm tháng vô tình đây ?
Các con lại từng nghĩ qua chưa, sau khi vở tuồng này hát xong, linh tánh của các con lại phải dọn nhà đi đâu đây ? Nếu đã là sinh mệnh ngắn ngủi, chẳng cách nào miễn cưỡng duy trì kéo dài được, thì những người có trí tuệ đều sẽ mượn nhờ sinh mệnh ngắn tạm để khai sáng thánh nghiệp vĩnh hằng. Do đó sự đáng quý của đời người là ở chỗ tìm kiếm một chỗ cuối cùng vĩnh hằng để quay về nghỉ ngơi, phải không ? Sự đời phù hoa thoáng chốc tàn lụi, danh tiếng lẫy lừng một đời chôn nơi nấm mồ hoang.
Phụ Chú :
Giấc mộng hạt kê vàng ( mộng Hàm Đan ) – miêu tả một giấc mộng ngắn ngủi về sự giàu sang phú quý.
Đời Nhà Đường có người tên là Lư Sinh, hôm nọ anh ta đến một quán trọ ở Thành Hàm Đan để gặp một Đạo sỹ tên là Lữ Ông. Lư Sinh than phiền với Lữ Ông về sự nghèo khó và không thể nào đạt được mong muốn của mình. Lữ Ông lấy ra một cái gối và nói rằng Lư Sinh có thể đạt được giấc mơ của mình về sự giàu sang và phú quý nếu anh ta ngủ trên cái gối đó. Lư Sinh nằm xuống trên cái gối. Một chốc, người chủ quán trọ liền đi đặt cái chảo trên bếp lò và rang một ít hạt kê. Lư Sinh liền có một giấc mơ nơi mà anh sống trọn cuộc đời của mình. Trong giấc mơ, anh ta thi đỗ kỳ thi của triều đình và trở thành quan ngự phẩm trong triều. Anh ta sống như thế cho đến hết đời. Khi anh ta thức dậy, anh ta nhận ra rằng giấc mơ của mình thật là ngắn ngủi đến mức những hạt kê được rang chưa vàng.
Làm thế nào có thể thanh tịnh tự tại giải thoát ?
Người đời sở dĩ cảm thấy đời người rất khổ, chính là bởi vì tham ngộ chẳng thấu đối với sự cứu cánh rốt ráo của sinh mệnh, sự nhận thức đối với sanh tử mơ hồ chẳng rõ, mà điều càng quan trọng là do vọng tâm tham cầu chẳng đủ ! Các đồ nhi phải biết rằng, nguồn gốc của tất cả mọi nỗi khổ chính là sự tham muốn chẳng thôi đối với những cảnh giả của thế gian, tham muốn nhiều thì phiền não bèn nhiều, muốn nhiều thì sự tham cầu cũng nhiều, mong cầu mà chẳng thể được thì sanh oán giận, oán giận sanh thì những ưu sầu khổ não đến. Do vậy những người tu đạo chúng ta nên an bần lạc đạo ( ở trong cảnh ngộ bần tiện mà lấy việc cầu đại đạo lập thân xử thế làm niềm vui ) , lấy việc theo đuổi trí tuệ làm việc quan trọng, không bị những ngũ dục của thế gian đánh bại, tự nhiên có thể sống một cách thanh bình yên ổn. Phải biết rằng, tuy rằng là cơm canh đạm bạc, quần áo lam lũ, chỉ cần có thể đạm bạc, chẳng tham cũng chẳng lo âu, nếu chịu tuỳ duyên, mật đắng có thể biến thành suối ngọt, nếu có thể hoá cảnh, mái nhà tranh cũng là mái che đẹp.
Bình thường các con muốn được thân thể khoẻ mạnh, các con đều chỉ nghiên cứu vệ sinh sinh lí, nhưng thật ra vẫn còn một hạng vệ sinh tâm lí quan trọng, các con đều chẳng có đi thực hiện. Cái gọi là vệ sinh tâm lí tức là ít nghĩ ít dục vọng tham muốn, thường thanh thường tịnh, thanh thanh tịnh tịnh đến cực điểm mới là vệ sinh tâm lí cao nhất, biết không ? Vậy thì phải làm thế nào đây ? Chính là cái gọi là “ chẳng trồng cỏ um tùm rậm rạp, thì chẳng chiêu dẫn đến rắn độc; chùa miếu chẳng tốt thì quỷ thần xa lánh mà đi ”, do đó tâm ta chẳng có tham muốn thì tà ma tự nhiên rời khỏi. Các đồ nhi có biết chăng, cái mà chư phật ba đời duy trì bảo vệ chính là một cái Thiên Tâm chẳng bị ô nhiễm này đấy ! Cũng có nghĩa là đồ nhi nhất định cần phải thời thời khắc khắc dùng Chơn Chủ Nhân đi ứng sự. Khi những tham muốn dục vọng đối với vật chất quấy rầy đeo bám, phải dùng trí tuệ diệu quán một cách điềm tĩnh, khi những sự mê hoặc quấy nhiễu bám thân, thì phải khảo sát tất cả những diệu lí của trước trước sau sau ( toàn bộ quá trình sự việc ) , chẳng thụ nhận tà thì tà khí tự đi. Các con chẳng biết, cả thế giới này chuyện gì khó khống chế nhất đây ? chính là cái tâm viên ý mã của chúng ta đấy ! Do vậy muốn tu đạo thì phải học tập khóa tâm vượn, ghì ý ngựa, mà hoả hầu của sự tu đạo cũng chính là ở chỗ chẳng động một tâm.
Các đồ nhi phải làm thế nào khiến cho tấm lòng rộng mở đây ? Phải bắt tay vào từ chỗ quét tâm địa; tham, sân, si là những gốc rễ của địa ngục, từ đấy sinh sôi nảy nở nghìn nghìn vạn vạn những tạp niệm. Đồ nhi nhất định cần phải quét sạch tất cả những thứ này từ tận đáy lòng, mãi đến cuối cùng, cho dù là niệm thiện, niệm ác cũng không khiến cho nó tồn tại, để tránh chấp trước ở hai cực đoan. Tạp niệm quét sạch, tự nhiên tâm Không, thì tấm lòng bèn rộng mở rồi. Ví dụ như có người hỏi, nhịn cơn nóng giận của nhất thời thì có ích lợi đối với việc tu đạo hay không ? Thật ra, lợi ích chẳng nhiều đâu, nhẫn nhịn là công phu của Hiền Nhân; người chưa đạt chơn đạo mới cần phải nhẫn nhịn, người đạt rồi thì chẳng cần nhẫn nhịn nữa rồi. Trong tâm nếu chẳng có thành kiến, thì chẳng cần phải nhẫn nhịn; trong tâm nếu chẳng khởi những sự phân biệt của phàm, thánh, thiện, ác, nội tâm có thể điềm điềm tĩnh tĩnh, cũng chẳng cần nhẫn nhịn, đấy là sự tự nhiên của Thánh Phật. Bởi vì chữ Nhẫn ( 忍 ) là con dao ( 刀 ) cắm ở trong tâm ( 心 ) rất đau khổ đấy. Do bởi phật tánh chẳng có sự ghét hận, cũng chẳng buồn bã, do đó Thánh Phật chẳng có cái công phu nhẫn nhịn. Người tu đạo nếu có thể đạt đến lúc chẳng cần nhẫn nhịn, lại cũng chẳng oán ghét, tâm tự nhiên có thể bình tĩnh rồi.
Bậc trượng phu một đời phải có sự đảm đương gánh vác, chẳng đảm đương gánh vác thì chẳng có sự nghiệp xử thế; bậc Minh Triết Đạt Nhơn phải giỏi giải thoát ( khỏi mọi ràng buộc ), chẳng giải thoát thì chẳng có tấm lòng xuất thế. Thế nhưng cái gọi là giải thoát, là sự trừ khử những vọng niệm tham, sân, si, chớ chẳng phải là tất cả mọi sự vật toàn bộ thảy đều chẳng quản đến. Phải biết rằng trách nhiệm của con người chưa liễu dứt thì sẽ trở thành món nợ, do vậy mà trong sự giải thoát vẫn phải gánh lấy trách nhiệm, chỉ cầu trong lúc đang làm, đang hành chớ có chấp trước. Phải biết rằng những người và việc xung quanh cá nhân chúng ta đều có nhân duyên tế hội của nó ( do có nhân duyên mà gặp gỡ nhau ) ; các đồ nhi lúc ở đạo trường thì là một thành viên trong đạo, khi trở về nhà thì là một phần tử trong gia đình, trường hợp nào thì trình hiện pháp tướng nấy, nhưng dùng cái tâm bất động để hoá giải tất cả những thứ này. Tuy nói rằng đạo dễ tu, duyên khó liễu, thế nhưng vẫn là hy vọng có thể tận cái tâm ấy, để cầu mong có thể tu đạo liễu duyên.
Thật ra, chỉ cần trong tâm có chí hướng kiên định, bất luận là tại gia hay xuất gia đều có thể tu, người có chí, thì vợ, con tại gia là bạn, sự đời chẳng thể nhiễm, ân ái chẳng thể vướng mắc ràng buộc, lấy tánh mệnh làm trọng, lấy đạo đức làm tôn quý, mượn pháp trụ thế mà tu pháp xuất thế. Kẻ chẳng có chí thì sự đời nhìn chẳng thấu, xem trọng cái giả mà xem nhẹ cái thật, chẳng biết sanh tử đại sự của tánh mệnh. Do đó điều quan trọng nhất là phải có thể nhục thể ở bên trong ngũ hành mà tâm siêu vượt trên ngũ hành; phải biết rằng có Ngã ( cái tôi ) thì có khổ, mà gỡ chuông vẫn cần đến người buộc chuông, muốn thoát lìa phiền não, biển khổ thì cần phải dựa vào sức mạnh của tự bản thân, người khác chẳng cách nào giúp được. Chỉ có trừ bỏ đi Ngã chấp, chẳng chấp trước nữa ở : đây là cái tôi nên có, đây là cái mà mình nên đi giành lấy…, và đem những sự vật lộn, bất bình và động niệm đã khởi từ đáy lòng đều buông xuống, như thế tâm cảnh tự nhiên có thể nâng cao, có thể hoá bỏ ( biến đổi ) mọi thứ, chớ chẳng phải là bị mọi thứ làm cho biến đổi.
Đương nhiên, mọi thứ hoạ phước có khi sẽ khiến cho con chẳng biết làm thế nào đi ứng phó, lại thêm tất cả những thứ xảy ra trên thân con là tốt hay là xấu, quyết chẳng phải là trong tâm con đã có sự chuẩn bị rồi thì nó mới đến, do vậy tâm của con phải có thể “ việc đến thì ứng, việc đi thì chẳng lưu giữ lại ”, như thế thì con mới sẽ không phiền não treo nơi tâm, mới có thể thời thời khắc khắc bình tâm tịnh khí, mới có thể trong sự bôn tẩu bận rộn vì cái ăn mặc, vì sự nghiệp, vì chúng sanh mà vẫn có thể lúc nào cũng đắc được sự thanh tịnh tự tại thật sự, chính là cái gọi là “ Tâm thiền cần tịnh trong cõi trần, phật đạo vẫn phải thành trên đời ” chính là hạng công phu này.
Làm người khó, người khó làm
Tu đạo tuy rằng là không làm trái luân thường, thế nhưng nhân cách cũng nên có cảm giác tôn nghiêm, không được phép học theo kiểu những người xã hội, rơi vào kiểu người thế tục ( những tập quán trào lưu phong tục đang lưu hành trong xã hội ) , điều đó sẽ làm sỉ nhục xấu hổ hết cả đạo trường ta đấy. Hy vọng các đồ nhi phải bảo trì gìn giữ sự tôn nghiêm của bản thân, duy trì bảo vệ pháp đàn thần thánh của ta trong quy phạm đạo đức, được không ? Các đồ nhi phải biết rằng tu đạo cũng không nằm ngoài sự viên dung của nhân sự; giữa người với người lẫn nhau khi tư tưởng chẳng cách nào thông nhau, vô minh sản sanh, đấy là sự luân hồi của nghiệp thức chấp trước luỹ kiếp, đốt cháy ( kích động ) lên thì mùi vị rất khó chịu, lúc này thì nên làm thế nào đây ? rất đơn giản, chỉ cần một cái niệm đầu chuyển qua lại thì được rồi, hãy nhanh chóng dùng cái tâm trạng cảm ân, nghịch đến thì thuận chịu ( dùng thái độ thuận tùng để tiếp nhận hoàn cảnh ác liệt hoặc những sự đãi ngộ không hợp lí ) , nhẫn nhục bao dung, phải biết rằng lùi một bước thì biển rộng trời không, nhường ba phân thì thanh nhàn biết bao, nhịn mấy câu chẳng lo buồn, tự tại, chịu đựng nhất thời vui vẻ tựa thần tiên !
Các đồ nhi tu đạo cũng phải hoạt bát linh lung, thông quyền đạt biến ( căn cứ theo tình huống thực tế mà làm những cách xử trí thích hợp thuận ứng với sự thay đổi của tình huống, tình thế ) , giống như nước vậy, có thể tánh tình ôn hoà dễ gần không cố chấp, có thể làm lợi vạn vật mà chẳng tranh, bất cứ sự việc gì nhẫn nại lui nhường một cái thì tự nhiên bèn biển rộng trời không, vô ưu tự tại rồi.
Cái gọi là “ Thượng thiện nhược thuỷ ” ( người thiện vào bậc cao, có đức hạnh cao nhất, hoàn mĩ nhất thì giống như phẩm tánh của nước vậy ) , chính là muốn chúng ta học tập sự nhẫn nhục hạ mình của nước, sự bao dung mềm dịu của nước vậy. Phải biết rằng, có thể làm việc mà người khác chẳng thể làm nổi, thì chẳng qua chỉ là việc mà các hào kiệt đã làm mà thôi, thế nhưng, có thể nhẫn nhịn việc mà người khác chẳng thể nhẫn nhịn nổi mới là việc mà các Thánh Hiền đã làm đấy !
Các con có biết không ? Khi chỉ có nửa thùng nước thì mới lắc được ra tiếng; nếu như là đầy cả thùng, cho dù là lắc như thế nào thì cũng chẳng có phát ra tiếng, người ta mới cảm thấy rằng con là thật chớ chẳng hư dối khoác lác, cảm thấy con cao thâm chẳng cách nào đo lường được, cũng giống như bông lúa vậy, càng chín thì càng rũ xuống, cho nên các con càng là đứng ở nơi cao thì càng phải nghĩ đến chỗ thấp, càng là địa vị cao thì nhất định cần phải càng hạ mình khiêm tốn. Những người ở bậc trên phải thường thường thí tình yêu thương cho những người cấp dưới, người cấp dưới phải thường thường tồn cái tâm cảm ân. Mỗi một người đều có thể lúc nào cũng đứng ở trên lập trường của người khác để quán ngược lại mình ( dùng một góc độ khác để nhìn, để quan sát ) , như thế thì trên dưới mới có thể liên kết lại với nhau, mới không có chỗ ma sát, khoảng cách giữa người với người mới sẽ càng kéo lại càng gần, vui vẻ hoà thuận. Phải nhớ rằng “ nội tâm khiêm hạ là công, ngoài hành nơi lễ là đức ”, người muốn hành công đức thì phải “ tâm chẳng khinh người, lễ kính tất cả mọi chúng sanh ” mới phải.
Những người trẻ tuổi các con đây vẫn cứ hay thích tranh sủng ( tranh giành được sự yêu chiều ), thậm chí ngay đến ở trên đạo trường cũng tranh sủng. Nên biết rằng người được cưng chiều quá mức không nhất định có thể thành đạo, trái lại, người mà bị lãnh đạm thờ ơ cũng không nhất định là tu không tốt. Những hình hình sắc sắc vẫn cứ là hư ảo, cho dù là các con muốn hiển hách quý phái ở trước mọi người thì cũng nhất định cần phải âm thầm kín đáo nhẫn chịu tội nhiều vào đấy ! Nhẫn chịu tội có rất nhiều loại, chịu chút oan khuất, chịu bị huỷ báng, chịu sự mệt mỏi kiệt sức, chịu sự oán trách, chịu sự dày vò lăng nhục, bạc đãi của người khác; nếu như đều có thể vui vẻ tiếp nhận, chẳng từ lao khổ, chẳng sợ mọi oán ghét, tất sanh hoan hỷ, lúc nào thì “ Đạo ” bèn đã ở trên thân của các con rồi, biết không ?
Chúng ta bình thường đối với bản thân, phải ở trong sự chẳng có lỗi mà tìm có lỗi, tức là phải ràng buộc nghiêm khắc đối với bản thân, còn đối với người khác thì phải ở trong sự có lỗi mà tìm chẳng có lỗi, tức là dùng thái độ khoan dung để đối đãi người khác. Mà có lỗi thì phải có thể sửa, muốn sửa thì phải có thể biết, mà muốn biết thì phải “ tìm ở bản thân ” đấy ! Do đó, khi các đồ nhi có chỗ không hài lòng đối với môi trường hoàn cảnh xung quanh, hoặc khi có cảm giác không vui trong đạo trường thì cần phải quay đầu lại kiểm tra những lỗi lầm của bản thân, có phải là niệm đầu của mình có sai lầm đây ? Sự đời tốt xấu, vẫn cứ có hai mặt, hà tất cứ mãi hướng về sừng trâu mà khoan đục đây ? ( nghĩa là hà tất cố chấp chẳng biết biến thông, phí sức vào những chuyện vô ích không đâu, những chuyện chẳng cách nào giải quyết ) . Nếu như con thường có cảm giác không thoải mái đối với người khác, có thể chính là những tư niệm của con chưa trừ, thành kiến chưa trừ, do đeo cặp mắt kính có màu sắc mà nhìn người khác dẫn đến, nếu là như vậy, thì phải nhanh chóng mà tìm ra nguyên nhân, chém sạch hết những ma niệm thì thân tâm của con mới có thể trong ngoài đều cân bằng, nếu không, chớ có bảo rằng chúng sanh cứu chẳng nỗi, e rằng ngay đến cả bản thân con đều có vấn đề, do đó có khi nhất định cần phải mượn nhờ vào hoàn cảnh để tạo tựu mỗi một người. Nếu chẳng phải là sự dày vò lẫn nhau, vướng mắc quấy nhiễu lẫn nhau, thì làm thế nào có thể đạt đến cảnh giới mà mọi việc đều viên dung, đạt đến mọi cái đều chẳng có góc chẳng có cạnh, lại làm sao có thể cùng chung với phật, cùng đến bàn đại sự thâu viên đợt cuối cùng này đây ?
Khi giao tế qua lại với người khác, nếu chỉ có cho người khác sự yêu thương tràn ngập trong lòng, người khác không nhất định sẽ tiếp nhận đâu, còn phải tuỳ cơ mà làm ( tuỳ theo tình thế phát triển của sự vật, xem tình hình cụ thể mà linh hoạt bàn sự ) mới phải, ví dụ như người này thích ăn ngọt, thì phải cho ngọt, nếu anh ta thích mặn, nhưng con cho anh ta ngọt, thì chẳng phải là tuỳ cơ mà làm, hiểu không ?
Khi thị phi đang lưu hành lan rộng, con hãy giả câm giả điếc vậy, tất cả mọi thị phi đúng sai rồi sẽ qua đi. Người tu đạo phải tu tâm dưỡng tánh, vậy thì tâm của các con đã chánh hay chưa ? Phải biết rằng, lí chẳng rõ thì tâm chẳng được ngay chánh, tâm có chỗ quải ngại lo lắng vướng mắc thì chẳng được chánh. Thầy đây nhìn thấy hiện nay rất nhiều những người tu đạo chỉ chú trọng ngoại công, khắp nơi đi độ người, khắp nơi đi giảng đạo, giảng đến hoa trời rơi rụng, kết quả thì lại dẫn đến sự huỷ báng của rất nhiều người, rất nhiều người chẳng tin, đấy là vì sao vậy ? Bởi vì con thiếu sót hai chữ “ đạo đức ”, bởi vì con ở trong ngày thường tam độc “ tham, sân, si ” chẳng thể tiêu diệt. Bởi vì con tham công đức, nếu như con chẳng hiểu rằng độ người cứu người đều là bổn phận của con, vậy thì khi con độ một người, nếu chẳng thể thuận lòng, trong tâm của con bèn rất dễ sản sinh sự oán trách, chính là tâm sân; con nếu đã sanh niệm sân, tâm bèn chẳng được chánh rồi, biết không ?
Thầy khảo sát qua, phẩm đức của các đồ nhi thì vẫn còn được, còn hoả hầu thì kém quá nhiều rồi, hoả hầu là công phu chủ yếu của việc dưỡng tánh; thiếu hoả hầu thì dễ ngưng bỏ nửa đường ( làm việc chưa thành công mà bỏ nửa chừng ) , bị người huỷ báng thì sanh tâm sân, chịu sự dụ dỗ của danh lợi thì sanh tâm tham, bị phàm nghiệp đeo bám vướng mắc thì sanh tâm lười nhác mệt mỏi; một lời nói chẳng thuận lòng thì nổi cơn tam bành; một câu nói oan khuất thì nhỏ lệ. Trải qua đủ thứ cảnh, thì sanh đủ thứ tâm, dần dần bị cảnh lôi kéo mà trệch rời chánh đạo, cuối cùng dẫn đến toàn bộ những công lao đã vất vả gầy dựng trước kia thảy đều bị phế bỏ, phải không ? Phải cẩn thận đấy ! Đồ nhi ơi, nếu có những tánh khí, bệnh thói xấu thế này thì phải nhanh chóng mà hồi quang phản chiếu, phản tỉnh, suy ngẫm đi suy ngẫm lại, sám hối, sửa lỗi, biết không ?
Những lời từ bi tận đáy lòng của thầy Hoạt Phật
Nhớ các con rời khỏi thiên đường, luân lạc nơi hồng trần, thật chẳng dễ gì tìm được các con. Dẫn Bảo Sư dẫn con đến Phật đường, lúc đó toàn thân của con đã đầy tội nghiệp và trược khí xông thiên; khi con bước vào phật đường, Tứ đại Kim Cang, Bát Đại Thiên Vương chẳng cho con vào, có rất nhiều người chẳng đến được, có rất nhiều người đến rồi lại quay về, chẳng cho phép cầu đạo, lúc con muốn cầu đạo là lúc Thầy khẩn trương bồn chồn biết bao, lo lắng biết bao rằng con chẳng qua nổi cửa ải này.
Còn sau khi con cầu đạo, nhân duyên tiền kiếp của con cũng đều đã đến, Thầy có thể sợ họ chăng ? Đồ nhi của mình mình không bảo vệ thì ai bảo vệ ? Đồ nhi nhiều như thế, nhân duyên nghiệp lực đều hiện trước mắt, từng cái tránh không khỏi vài lần vì điều đình giải quyết nói lời tốt cho các con, hòa giải cho các con, nói ổn rồi thì Thầy rơi nước mắt cười một cái, ai bảo ta là Thầy của các con làm chi ? Cái oan nghiệt này ta không gánh lấy thì ai có thể gánh đây ? Ta đã lãnh mệnh của Lão Mẫu, phải phổ độ Tam Tào ta đương nhiên phải tận tâm tận lực, chết cũng không nghỉ!
Thầy đã giáng thế làm người qua rồi, làm qua Hòa Thượng, ta biết được nỗi khổ của việc làm người ở nhân gian,Thầy thân ở thiên đường biết được sự tiêu dao của Thiên đường, Thầy cũng đã xuống qua địa phủ, biết được sự đáng thương của địa ngục, chẳng nỡ chúng sinh lưu luyến khổ hải hồng trần, trầm luân địa ngục nên mới phát thề nguyện phổ độ chúng sinh, chỉ mong đồ nhi đều quay về Thiên đường, hưởng thụ sự tiêu dao của thiên đường.
Có những lúc khi con trầm mê, thầy muốn gọi thức tỉnh các con ! thì lại sợ các con chẳng cách nào thể hội được tâm ý của thầy; có lúc thầy tôi luyện các con, lại sợ các con chịu không nổi đủ thứ những sự dày vò mà ngã gục xuống. Thầy có lúc muốn khiển trách các con, lại sợ con chịu không nổi sự khiển trách này mà tam tâm lưỡng ý, do dự bất định đối với đạo, mất đi lòng tin; mỗi lần gặp mặt thì chỉ có hỏi han an ủi, chỉ có cổ vũ khích lệ, cho các con niềm vui, tăng thêm dũng khí và lòng tin cho các con. Khi tâm phật của các con phát hiện, lúc các con muốn độ người, độ bản thân, thì trong lòng thầy vui mừng biết bao ! Khi thiên lí và dục vọng con người của các con tranh đấu với nhau, lúc nhìn xem nội tâm các con đang đấu tranh vật lộn, trong lòng thầy buồn bã biết bao ! Còn khi các con muốn chiến thắng bản thân, minh tâm kiến tánh, thì càng là đã trải qua biết bao nhiêu những gập ghềnh trắc trở. Các con độ người, cũng chẳng biết là đã tốn biết bao nhiêu tâm huyết, đã dùng biết bao nhiêu tiền bạc, đã chịu biết bao nhiêu những uỷ khuất, biết bao nhiêu những lời lẽ huỷ báng, mới có được thành tích của hôm nay, thầy thật sự đang cảm thấy vô cùng hài lòng vui mừng an ủi !
Biết bao nhiều những tài năng lớn trầm mê trong cõi hồng trần đang chờ đợi các con đưa tay cứu giúp dìu dắt, con tuyệt đối chớ xem bản thân mình như là những người thế tục đấy ! Con tuy rằng chẳng khác gì với những người thế tục, thế nhưng một mình con cũng có thể đội chí trăm người, một mình con cũng có thể dùng như vạn người vậy ! Thầy nhìn thấy các con mỗi đứa thanh đạm qua ngày như vậy, vì đạo mà chuyên tâm nỗ lực, bỏ ngủ quên ăn, ôi ! mỗi lần nghĩ đến điều này, thì bất giác lệ tràn đẫm mắt mà tuôn trào. Chúng sanh nào đâu có biết, biết bao nhiêu người vì họ phí tận tâm tư, thần và người cùng bận rộn, cái mà vì là việc gì đây ? Các đồ nhi ơi, hãy đi hướng về phía trước ! Chỉ cần con chịu bỏ ra tâm sức, bỏ ra tình yêu thương của con, mặc kệ người ta có tiếp nhận thiện ý quan tâm của con hay không, chỉ cần cơ duyên chín muồi rồi, thì sẽ có kết quả đấy.
Đảo Bồng Lai, luận thời gian, luận cơ duyên, thì đã tiếp cận những năm đào thải, những năm khảo tuyển, không thể lại kiểu mắt cá làm giả ( lẫn lộn ) với ngọc để bù cho đủ số nữa. Thầy đây sẽ mượn người mượn việc để khảo nghiệm các con bất cứ lúc nào, khảo hoả hầu, luận phẩm đức, phật quy lễ tiết cũng đủ thứ cộng trừ nhân chia, mọi thứ đều khảo rõ ràng, hoặc là đề thị phi, hoặc là đề “ thêm vào cho đủ ”, hoặc là đề vấn đáp, muốn con điền tỉ mỉ vào bất cứ lúc nào đấy ! Giấy thi vô hình bất cứ lúc nào cũng đều có thể xuất hiện, mà tâm niệm của con chính là bút nghiên ( nghiên : dụng cụ dùng để mài mực, thông thường là dùng đá để chế thành ) . Nếu như con chẳng thể bình tâm tịnh khí, nhất thời loạn mất tâm tánh, tự cam chịu đoạ lạc, chẳng cầu thượng tiến, trên tờ giấy thi vẽ bừa nguệch ngoạc, con nghĩ xem tiền đồ của con sẽ như thế nào đây ? Đại đạo vô tình, tốt thì phải biểu dương khen ngợi, những ma đầu làm loạn quy củ của ta thì cũng vậy, cũng phải nêu ra, các đồ nhi phải ghi nhớ kĩ trong tâm đấy !
Số lượt xem : 651