BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Cầu Đạo Và Quy Y, Ý Nghĩa Có Giống Nhau Hay Không ?

Tác giả liangfulai on 2022-04-04 19:02:31
/Cầu Đạo Và Quy Y,  Ý Nghĩa Có Giống Nhau Hay Không ?

Cầu đạo và quy y là khác nhau xa. Thiên Mệnh Minh Sư có thể thọ ký cho người cầu đạo, có thể khiến thiên bảng ghi danh, địa phủ xoá tên. Còn khi đến cửa Phật quy y, e rằng các pháp sư cũng chẳng dám bảo đảm tự bản thân mình liệu có thể đoạn dứt cái gốc rễ của luân hồi hay không, sao có thể bảo đảm rằng sau khi quy y rồi thì nhất định siêu sanh liễu tử ? Vậy nên đấy là sự khác nhau rất xa. Cầu đạo thì khác, được Thiên Mệnh Minh Sư thọ ký cho chúng ta, thông qua nghi thức này, một chỉ kiến tánh, liễu thoát sanh tử, đấy là chỗ quý báu nhất của sự thọ kí. Còn quy y chỉ là kết xuống một mối duyên lành với Phật Pháp Tăng, toàn dựa vào sự tu hành của cá nhân.


Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh viết rằng : “ Trước thời Phật Oai Âm Vương thì được, sau Phật Oai Âm Vương, không thầy mà tự ngộ, không có thầy chứng minh, thì đều là thiên nhiên ngoại đạo. ” Ý là nói trước thời Phật Oai Âm Vương, người người đều có thể khai ngộ, chẳng cần phải thọ ký, chẳng cần người nào ấn chứng cả. Từ thời Phật Oai Âm Vương trở về sau, những ai tự giác khai ngộ, đều nhất định phải thông qua sự ấn khả, chứng minh của Tổ Sư hoặc bậc Thiện Tri Thức ( đã khai ngộ ) thì mới đúng phép, như đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đã khai ngộ kiến tánh rồi được đức Phật Nhiên Đăng thọ kí ( trong Kinh Kim Cang ); lại như ngài Diệu Thiện ( Quán Thế Âm Bồ Tát ) cũng phải thông qua sự chỉ điểm của tôn giả Trường Mi thì mới có thể đắc được đạo quả. Trong pháp hội Lăng Nghiêm, có 25 vị Thánh Nhân tường thuật sự chứng đắc viên thông của họ vẫn phải thỉnh mời đức Phật Thích Ca Mâu Ni ấn chứng.

Chúng ta hôm nay cầu đạo cũng là được Phật thọ ký giống như các vị Thánh Nhân vậy. “ Nơi Phật thọ ký ” có huyền cơ gì ? Nơi Phật, chính là nơi sở tại của Phật. Phật, ở đây là chỉ đến Tự Tánh Chơn Phật. Trong Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh, Huệ Năng Đại Sư nói : “ bổn tánh là Phật, hễ lìa tánh thì chẳng có Phật nào khác ” ( tự tâm là Phật, ngoài tâm chẳng có Phật ). Nơi Phật thọ ký, ý là thọ ký ở “ nơi sở tại của Tự Tánh Chơn Phật ”. Thọ ký gì ? Thọ Phật Ký, bảo với người được thọ ký rằng người người đều có phật tánh, người người đều có thể thành Phật. Người nếu chẳng có tâm Phật, thì ở đâu tìm cầu Chơn Phật.

 

 

Vì Sao Cầu Đạo Là Bí Truyền ?

 

Trong Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói : “ Từ xưa Phật Phật chỉ truyền bổn thể, Sư Sư mật trao bổn tâm…”, lúc Ngũ Tổ truyền đạo cho Lục Tổ cũng là lúc canh ba thọ pháp, dùng cà sa che lại chẳng để cho người khác nhìn thấy, người khác thảy đều chẳng ai biết, đấy là chỉ sự thầm truyền.

Đại Phạm Thiên Vấn Phật Quyết Nghi kinh ghi chép tường tận việc Phạm vương đến núi Linh Thứu dâng Phật một cành hoa ba-la vàng rồi xả thân làm sàng toạ, thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng toà, đưa cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu gì, thảy đều im lặng, duy chỉ một vị Đầu-đà nước da vàng ánh rạng rỡ mỉm cười. Thế Tôn nói: “Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, nay ta trao cho Ma-ha Ca-diếp, chớ để cho đoạn đứt ”.

Xưa nay đạo bất truyền lục nhĩ ( sáu tai, nghĩa là người thứ ba ), đạo chẳng ở nơi văn tự, và chỉ truyền riêng cho người có căn cơ khế hợp đã khai ngộ, như ngài Huệ Năng đã khai ngộ trước “ gạo trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng thôi ”. Đấy là thời kì đơn truyền độc thụ, tu trước, ngộ trước, đắc sau.

 

Dẫu cho hiện nay là thời kì đại khai phổ độ Tam Tào ( Thiên, Địa, Nhân Tào ), đạo đã truyền khắp vạn quốc cửu châu, người người có thể đắc trước tu sau, thì khi bàn đạo cũng phải thỉnh đàn trước. Thỉnh đàn cũng đồng với việc dùng cà sa che lấy. Sau khi thỉnh đàn rồi thì có Chư Phật và Vạn Tiên Bồ Tát hộ trì vầng linh quang của Lão Mẫu tới Pháp Đàn, có Thiên Binh Thiên Tướng, rất nhiều các vị hộ pháp chốt gác canh giữ bên ngoài. Phật đường sau khi đã thỉnh đàn thì giống như thêm một lớp quang thể ( thể ánh sáng ) bảo hộ, ánh phật quang phổ chiếu bao trùm khắp cả ngôi phật đường, khiến cho ngay đến cả Chư Thiên cũng hoàn toàn nhìn chẳng thấy tình hình vận hành và tình hình truyền đạo bên trong của phật đường, đấy cũng chính là chỗ thù thắng của Thiên Đạo. Người cầu đạo quỳ trước toà sen vàng của Lão Mẫu phát ra mười điều đại nguyện, trong đó có nguyện “ không tiết lộ thiên cơ ”, lúc ấy Thiên Mệnh Minh Sư mới có thể mượn Điểm Truyền Sư để truyền thụ tâm pháp cho họ. Bất luận là ở đâu, dù là ở chế độ xã hội nào thì đạo cũng đều là mật truyền cả. Chỉ bởi y bát là mối tranh giành, nên theo chỉ thị của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thì tới đời của ngài Lục Tổ Huệ Năng thì phải ngưng truyền. Nếu truyền tiếp y bát thì là việc rất nguy hiểm, dễ bị người ám hại, thế nên việc dùng cà sa che lại nay đã được đạo trường phật đường thay thế bằng nghi lễ thỉnh đàn. Phương pháp tuy khác nhau nhưng có cùng một hiệu quả.

 

Có một quyển sách do loan đàn phê, trong sách nhắc đến việc có một vị Thiên Quan dẫn theo vị Loan sinh họ Trang ( gọi tắt là Trang Sinh ) đi du cõi trời. Trang Sinh từ cõi trời nhìn xuống nhân gian nhìn thấy một ngôi nhà của dân phát sáng lấp lánh, bất giác khiến anh ta kinh ngạc vô cùng. Do đó anh ta bèn hỏi vị Thiên Quan : “ cái ngôi nhà dân này sao lại lấp lánh sáng rực ? ” . Vị Thiên Quan trả lời rằng “ hiện tại là Bạch Dương kì, Tế Công Hoạt Phật lãnh mệnh đại khai phổ độ tam tào, ngôi nhà dân này có thiết lập Tiên Thiên Phật Đường, Tế Công Hoạt Phật hiện đang truyền đạo. ” . Trang sinh bèn hiếu kì hỏi rằng : “ chúng ta có thể đến gần một chút để xem cho rõ có được không ? ”. Vị Thiên Quan trả lời rất khẳng định rằng : “ không thể được, bởi vì lúc bàn đạo sẽ thỉnh đàn cung thỉnh Chư Thiên Tiên Phật, Vạn Tiên Bồ Tát hộ đàn, ngươi càng đến gần thì ánh sáng sẽ càng mạnh, sẽ chiếu đến nỗi mắt của con chẳng thể mở ra được, vốn dĩ chẳng cách nào tiếp cận được ”. Quyển sách này do Loan Đàn không liên quan gì đến đạo trường xuất bản, nhưng đã chứng minh cái mà đạo trường đã nói : thỉnh đàn một cái thì Chư Thiên Tiên Phật, Vạn Tiên Bồ Tát cùng đến hộ pháp đàn chơn thật chẳng hư. Cho nên, mục đích của việc thỉnh đàn giống như lúc Ngũ Tổ truyền đạo cho Lục Tổ “ dùng cà sa che lại không cho ai thấy ” . Thời kì đại khai phổ độ hiện nay, người cầu đạo không chỉ một vị, có lúc mười mấy vị, thậm chí hàng trăm vị, vốn dĩ không cách nào dùng cà sa che vây lại, huống hồ hiện nay đạo trường Thiên Đạo cũng chẳng có cà sa, nên dùng phương tiện thiện xảo khẩn thỉnh Chư Thiên Tiên Phật, Vạn Tiên Bồ Tát đến hộ pháp đàn. Hiệu quả cũng đều giống như nhau.

Số lượt xem : 2757