BẠCH DƯƠNG KỲ - Bạch Dương Tu SĩBạch Dương Kỳ 2002

Bố Đại Hòa Thượng

Tác giả liangfulai on 2022-09-07 21:52:17
/Bố Đại Hòa Thượng

Nước Lương thời Ngũ Quí,

Thường thấy một hoà thượng,

Trán nhăn, bụng lớn, mập,

Là “Bố Đại Hoà Thượng”.


 Mỗi khi ngài đi đường,

Thường cầm gậy Tích Trượng,

Túi Vải chẳng rời mình,

Mười tám trẻ đeo đuổi.

Lục căn, trần, lục thức,

Đeo đuổi mãi chẳng thôi,

Thường bày trò diễu cợt,

Khiến ngài mãi tức cười.

Gặp Sa Môn đi qua,

Ngài vỗ lưng một cái,

Thầy Sa Môn giật mình,

Quay đầu ngó lại hỏi.

“Hoà Thượng làm gì vậy?”

“Ta xin một đồng tiền”,

“Nếu tôi hỏi hoà thượng,

Nói được tôi cho liền.”

Ngài liền để túi xuống,

Chấp tay đứng một bên,

Lấy túi mang trở lại,

Lật đật quảy đi liền.

Thế rồi có một hôm,

Có ông Tăng thỉnh hỏi,

“Trong đám đông người ấy,

Hoà thượng muốn làm gì?”

“Đương đợi một người đến”,

“Hoà Thượng đang đợi ai?”

Ngài thò tay vào túi,

Lấy quýt đưa ông liền.

Ông vừa giơ tay lấy,

Ngài liền thục tay lại,

Nhoẻn miệng cười mà bảo,

“Ngươi chẳng phải người ấy!”

Rồi lại có một bửa,

Ông Tăng chợt thấy ngài,

Đứng bên đường gần chợ,

Hỏi “ở đây làm chi?”

“Ta đi hoá duyên đó”,

“Sao nơi Ngã Tư vậy?”

“Ngã Tư chính là chỗ,

Nơi ta muốn hoá duyên!”

Ông Tăng muốn hỏi nữa,

Ngài mang túi vải đi,

Rồi cười ngất ha hả,

Một hơi ngài bỏ đi.

Rồi lại có một khi,

Bạch Lộc Hoà Thượng hỏi,

“Ẩn dưới cái túi vải,

Rốt cuộc là việc chi?”

Thiền yếu Hoà Thượng hỏi,

Ngài chẳng trả lời chi,

Một lời cũng chẳng nói,

Vác túi lên mà đi.

Ông Bảo Phước Hoà Thượng,

Gặp ngài thưa hỏi rằng:

“Xưa Đức Tổ Tây Phương,

Qua đây ý gì vậy?”

Ngài nghe liền để túi,

xuống rồi đứng tự nhiên,

Hoà Thượng lại hỏi nữa,

“Ngoài ra còn ý chi?”

Ngài nghe hỏi như thế,

Lại lấy túi vải mang,

Một lời cũng chẳng nói,

Lẳng lặng liền bỏ đi.

Ông Trần Cư Sĩ hỏi,

“Ngài có pháp hiệu không?”

Ngài liền đọc kệ nhanh,

Bốn câu thay lời đáp.

“Ta có cái túi vải,

Rỗng rang Không quái ngại,

Mở ra khắp mười phương,

Thâu vào Quán Tự Tại.

Trần Cư Sĩ lại hỏi,

“Hoà Thượng đi đó đây,

Liệu có mang hành lý?”

Ngài đáp kệ tức thì:

“Bình Bát cơm ngàn nhà,

Thân du muôn dặm xa;

Mắt xanh xem người thế,

Mây trắng hỏi đường qua.

Trần Cư Sĩ lại thưa,

“Đệ tử sao ngu quá,

đệ tử biết làm sao,

cho đặng thấy Tánh Phật?”

“Chỉ cái Tâm Tâm Tâm là Phật,

Thập phương thế giới vật linh nhất,

Tung hoành diệu dụng muôn cảnh sanh,

Hết thảy chẳng bằng tâm chơn thật.”

Trần Cư Sĩ lại thưa,

“Hoà Thượng đi lần này,

Ngài nên ở nơi chùa,

Nhà thế gian chớ ở!”

Ngài bèn đáp bài kệ,

“Ta có nhà Tam Bảo,

Trong vốn không sắc tướng,

Chẳng cao cũng chẳng thấp,

Không ngăn và không chướng,

Người học khó làm bằng,

Người cầu khó thấy dạng,

Người trí biết rõ ràng,

Ngàn đời không tạo đặng;

Bốn môn bốn quả sanh,

Mười phương đều cúng dường.”

Trước khi rời Cư Sĩ,

Ngài viết một bài kệ,

Dán nơi Cửa, tựa rằng:

“Ta Có một thân Phật”

“Ta có một thân Phật,

Người đời thảy chẳng biết;

Chẳng vẽ cũng chẳng tô,

Không chạm cũng không khắc;

Chẳng có chút đất bùn,

Chẳng có chút màu sắc;

Thợ vẽ, vẽ không xong,

Kẻ trộm, trộm chẳng mất;

Thể tướng vốn tự nhiên,

Thanh tịnh trong vặc vặc;

Tuy là có một thân,

Phân đến ngàn trăm ức.

Trước khi ngài nhập diệt,

Ngài ngồi dáng thẳng ngay,

Tụ họp chúng sanh tại,

Chùa Nhạc Lâm, kệ vầy:

“Di-lặc Chơn Di-lặc,

Hoá thân trăm ngàn ức,

Luôn chỉ bảo người đời,

Người đời đều chẳng biết.”

Di Lặc Chơn Di Lặc,

Người đời mấy ai biết?

Túi vải đeo bên mình,

Ngài cười người chẳng biết!

Muốn tìm gậy Tích Trượng,

Mau bái Minh Sư tầm,

Một chỉ ngộ huyền thâm,

Chơn Di Lặc liền hiện.

Mười vạn tám ngàn dặm,

Tây Phương từ một tâm,

Mê thì xa vời vợi,

Ngộ rồi hiện nơi Tâm.

Một chỉ ngộ Bổn Tâm (本心),

Liền thấy Phật tự tánh,

Chẳng nơi sắc, thanh cầu,

Tự Tánh Di Đà hiện.

Ý Tổ thâm diệu huyền,

Mấy ai khả tự ngộ?

Muốn ngộ được thiền yếu,

Duy đắc Minh Sư truyền.

Người dẫu đã khai ngộ,

Vẫn phải Minh Sư tầm,

Tìm bái Chơn Thiên Mệnh,

Một chỉ tâm ấn tâm.

 

 

  

 

Số lượt xem : 1634