Luận Về Xá Lợi của Phật Và Chư Tổ, Chư Thánh Tăng
Trong kinh nói, xá lợi là do một người thông qua sự tu trì giới, định, tuệ, cộng thêm đại nguyện lực của tự bản thân mà đắc được, vô cùng hiếm có, quý báu.
Việc sản sinh xá lợi là do đạo lực của người tu hành, đấy là điều chính xác không còn gì để nghi ngờ. Vậy nên xá lợi có thể “ chứng tín ” chứng minh sự thành tựu giới định tuệ của người tu hành. Vậy nên những người tu hành siêng tu giới định tuệ thì sau khi viên tịch trà tỳ, thường thường có thể sàng ra rất nhiều viên xá lợi. Về phần các vị cao tăng có đạo lực tinh thâm thì xá lợi của họ còn sẽ biểu hiện ra đủ thứ các hiện tượng thần dị.
Thế nhưng sau lễ trà tỳ chẳng có để lại xá lợi, thì có phải là biểu hiện rằng người đã mất chẳng có tu hành hay không ?
Xá lợi là kết tinh của định tuệ; những người dựa theo phật pháp tu tập giới, định, tuệ tất có thể đắc được. Có xá lợi thì cố nhiên là người có tu hành, thế nhưng một người tu hành tiêu dao thoát tục, tự tại siêu thoát vô ngại cũng có khả năng không để lại bất cứ chứng tích gì, bởi vì tứ đại giai không, mọi cái thảy đều đã buông xuống, lại hà tất nhất định phải để lại kiến chứng của sự tu hành ? Nói tóm lại thì xá lợi không phải là kiến chứng duy nhất của việc có tu hành hay không. Đức Phật nói : " phàm hễ có tướng, đều là hư vọng. Các pháp hữu vi đều là như huyễn. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai. "
Trong kinh Kim Cang, đoạn 26 " Pháp Thân Phi Tướng ", Thế Tôn nói bài kệ :
" Nếu do sắc thấy ta,
Do âm thanh cầu ta,
Người ấy hành tà đạo,
Không thể thấy Như Lai "
Vậy nên chỉ có thể dùng chân tâm, hiểu được huyễn pháp mới giúp chúng ta thấy được Như Lai.
Vậy, vì sao phải để lại xá lợi ? Đấy là vấn đề rất có ý nghĩa. Trong kinh Pháp Hoa, Phẩm “ Như Lai Thọ Lượng ”, chính miệng đức Thế Tôn nói :
Chúng thấy ta diệt-độ
Rộng cúng-dường Xá-lợi
Thảy đều hoài luyến mộ
Mà sinh lòng khát-ngưỡng,
Chúng-sinh đã tín-phục
Ngay thực ý diệu-hòa
Một lòng muốn thấy Phật
Chẳng tự tiếc thân mệnh
Từ đấy có thể biết rằng, Phật Đà và các vị Cao Tăng Đại Đức để lại xá lợi có thể khiến chúng ta tâm hoài luyến mộ mà sinh lòng khát ngưỡng, tín thuận phật pháp. Đức Phật vốn dĩ chẳng có sự sanh diệt, sở dĩ ngài diệt độ mà không ở lâu nơi đời, đấy là một loại phương tiện thị hiện, là vì để tránh việc chúng sanh khởi lên cái tâm ỷ lại, thậm chí còn sinh lòng chán ngán, buông lung nhàm trễ, chẳng thể sinh ra ý tưởng khó gặp gỡ cùng lòng cung kính nếu như thấy đức Như Lai thường còn chẳng mất, cho nên đức Như Lai dùng phương tiện nói rằng : “ Tỳ kheo phải biết, các đức Phật ra đời, khó có thể gặp gỡ. ” Phật thị hiện sau khi diệt độ để lại xá lợi, để chúng sanh xây dựng tháp cúng dường, là để khiến cho chúng sanh sinh ra ý tưởng khó gặp gỡ, khởi lòng cung kính, nhìn xá lợi mà nghĩ thấy Phật, cho đến “ một lòng muốn thấy Phật, chẳng tự tiếc thân mệnh ”, từ đấy mà tu hành một cách dũng mãnh tinh tấn. Nếu như chúng ta chí thành cung kính cúng dường xá lợi của Phật thì sẽ cảm ứng đạo giao, cảm Phật hiện thân. Điều này thì từ xưa đến nay đều không thiếu các câu chuyện để chứng minh. Kinh Pháp Hoa lại nói :
Giờ ta cùng chúng tăng
Đều ra khỏi Linh-Thứu
Ta nói với chúng-sinh
Thường ở đây chẳng diệt
Vì dùng sức phương-tiện
Hiện có diệt chẳng diệt.
Nước khác có chúng-sinh
Lòng cung-kính tín-nhạo
Ta ở lại trong đó
Vì nói pháp vô-thượng
Ông chẳng nghe việc đó
Chỉ nói ta diệt-độ.
Ta thấy các chúng-sinh
Chìm ở trong khổ-não
Nên chẳng vì hiện thân
Cho kia sinh khát-ngưỡng
Nhân tâm kia luyến-mộ
Hiện ra vì nói pháp
Sức thần-thông như thế
Ở trong vô-số kiếp
Thường tại núi Linh-Thứu
Và các trụ xứ khác.
Và đức Phật còn khuyên rằng :
Các ông người có trí
Chớ ở đây sinh nghi
Nên dứt khiến hết hẳn
Lời Phật thật không dối.
Vào triều đại nhà Tuỳ, Trí Giả Đại Sư, vị sơ tổ của tông Thiên Thai, đọc “ kinh Pháp Hoa ” đến phẩm “ Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự ” thì chợt ở trong sự nhập định mà nhìn thấy Linh Sơn Hội nghiễm nhiên chưa tan. Việc này có thể lấy làm điều chứng minh.
Người Phật tử cần có sự tín ngưỡng chân chính, gọi là chánh kiến, chánh tư duy, nhìn thấy xá lợi răng, tóc, móng của Phật, hay các di vật của chư thánh Tăng, Thầy Tổ thì dùng tâm vô nhiễm, cung kính, lễ bái cúng dường, tán thán mà chẳng mong cầu được ban phước lành, tâm hoàn toàn chẳng có chút chỗ mong cầu phước lành, chỉ một lòng muốn thấy Phật mà càng tu hành một cách dũng mãnh tinh tấn, nghiêm trì giới luật, học tập noi theo tinh thần của Phật Bồ Tát độ hoá, thành toàn làm lợi lạc chúng sanh, chẳng tiếc thân mệnh.
Có chánh nghiệp thì không ngụy tạo xá lợi theo tri kiến phàm phu. Hướng dẫn mọi người tín ngưỡng chân chính, có chánh kiến, chánh tư duy thì việc tôn thờ xá lợi mới có ích lợi, mới khả tăng trưởng phước huệ.
Số lượt xem : 1829