Bố thí bán nghèo
Phú quý là thứ mà mọi người đều hy vọng cầu đắc được; nghèo khổ là thứ mà mọi người đều chán ghét; giả như nghèo khổ có thể bán đi được, theo đạo lí mà nói, phàm là những người nghèo khổ, có ai không chịu đem cái nghèo bán đi ?
Thế nhưng trên thế gian quả thật là có những người không chịu bán cái nghèo khổ đi, và lại tiếp tục tham cầu sự nghèo khổ, đồng thời lại hận sâu sự nghèo khổ, đấy chính là lý do chúng sanh sở dĩ là chúng sanh, phật nói rằng là những người đáng thương nhất. Có người có thể sẽ chẳng tin, nghèo khổ làm sao có thể bán đi được ? Trên thực tế, không những có thể bán nó đi mà còn rất dễ dàng bán đi được, chỉ xem người ta có chịu bán đi hay không mà thôi, có cái quyết tâm bán nó đi hay không. Thật ra có tâm cầu sự giàu có thì trước tiên nhất định cần phải bán cái nghèo đi, không tin thì trước tiên tôi xin kể một đoạn câu chuyện về việc bán đi cái nghèo để chứng minh.
Việc này phát sinh vào thời đại của Phật Đà trụ thế, nước A Xà Đề lúc bấy giờ có một vị trưởng giả rất giàu có, trong nhà có một bộc phụ già làm những công việc chân tay nặng nhọc, thường là áo chẳng đủ che thân, mặc đồ rách rưới, ăn cũng là những thức ăn thô sơ, vả lại lại còn thường phải chịu sự đánh đập chửi mắng nữa. Có một hôm, bà ta cầm lấy chiếc bình, một mình đến bờ sông đi lấy nước, do bỗng nghĩ đến cái mệnh khổ của mình, nhịn không nổi sự xót xa phát ra trong lòng, bèn ngồi ở bờ sông cất to tiếng khóc, vô cùng thê thảm. Lúc này, một vị đệ tử lớn của Phật Đà là Ca Chiên Diên tôn giả, vừa đúng lúc đi ngang qua đó, nghe thấy bà lão khóc lóc thương tâm đến như vậy thì vô cùng mủi lòng thương cảm, bèn đi qua đó nói với bà lão rằng : “ nếu bà đã chán ghét sự nghèo khổ như vậy, sao lại không đem nó bán đi ? ”; bà lão quả thật nghe chuyện chưa từng nghe qua, trong lòng nghĩ rằng thế gian làm gì có chuyện như thế, do vậy bèn khóc mà nói rằng : “ có ai chịu mua cái nghèo khổ ? ”. Ca Chiên Diên tôn giả nói rằng : “ sự nghèo khổ quả thật là có thể bán đi được ”. Bà Lão nhìn thấy ngài là người xuất gia, không tránh khỏi bán tín bán nghi, bèn hỏi rằng : “ cách bán như thế nào ? ”. Ca Chiên Diên tôn giả bảo với bà rằng : “nếu như bà muốn bán đi cái nghèo khổ, nhất định cần phải hoàn toàn nghe lời của tôi, bây giờ, trước tiên bà hãy rửa sạch cái bình, sau đó dùng cái bình này đựng nước, bố thí cho tăng già ”. Bà Lão nói rằng : “ cái bình này là món đồ của ông chủ, sao có thể dùng để bố thí ? ”. Ca Chiên Diên tôn giả nói rằng : “ cái bình tuy rằng là của ông chủ, nhưng mà nước trong hồ thì bà cũng có phần, có thể tự mình làm chủ ! ”. Bà Lão nghe xong sự giải thích như thế, cảm thấy cũng rất đúng, do vậy mà vui vẻ làm theo, bèn dùng nước để cúng dường, Ca Chiên Diên tôn giả vui vẻ tiếp nhận, lập tức sau đó thuyết giảng cho bà lão nghe về tam quy ngũ giới, lại dạy bà niệm phật; sau khi bà lão về nhà, tối hôm đó bà liền qua đời, thần thức của bà liền thăng lên đến cung trời Đao Lợi, đi hưởng thụ thiên phước.
Câu chuyện này chẳng phải là do vị nào biên tạo hư cấu nên, cũng chẳng phải là truyện ngụ ngôn gì, mà là ra từ những câu chuyện chân thật trong kinh phật. Từ đấy có thể chứng minh rằng sự nghèo khổ quả thật là có thể bán đi, cách bán đi cái nghèo khổ chính là bố thí cúng dường. Từ luật nhân quả mà nói, con người sở dĩ nghèo khổ là quả báo do sự keo kiệt dẫn đến. Các phàm phu tục tử của thế gian đa phần là lấy sự keo kiệt làm con đường trở thành giàu có, mà chẳng biết rằng đấy chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự nghèo khổ bần cùng.
Lấy doanh nghiệp của thế tục để nói vậy, cũng trước hết nhất định cần phải đầu tư, sau đó mới có thể sáng lập sự nghiệp lớn kiếm tiền lớn. Ai cũng biết rằng giai đoạn ban đầu của sự đầu tư là chỉ có sự bỏ ra chứ chẳng có sự thu vào, nếu như tiếc chẳng nỡ đầu tư, tuyệt đối không thể nào sáng lập được sự nghiệp kiếm tiền. Giả như có người đem trăm lượng vàng cất giấu đi, cho dù trăm năm thì vẫn là con số cũ; giả như dùng nó để làm vốn, thật tốt kinh doanh mưu sinh thì sau vài năm có thể hóa thành nghìn vạn, cũng có khả năng thua lỗ đến chẳng còn cái gì. Có thể thấy giá trị của tiền bạc ở chỗ lưu thông vận dụng. Dùng pháp của thế gian nói thì là như vậy, dùng phật pháp nói thì cũng là như vậy.
Bố thí, loại đầu tư này chẳng những bền chắc hơn so với sự đầu tư làm ăn, thậm chí còn có sự thu hoạch một vốn vạn lời, điều này từ xưa đến nay có nhiều ví dụ để minh chứng. Cũng giống như bà lão người hầu, chẳng qua chỉ là bố thí một bình nước bèn được hưởng thụ quả báo thiên phước, đâu chỉ một vốn vạn lời.
Về phần dụng tâm có thuần chánh hay không thì kết quả có sự khác biệt, như “ Bồ Tát Bổn hạnh kinh ” quyển thượng nói rằng : “ nếu có chúng sanh chẳng thể thành tâm mà bố thí, chẳng thể dùng tâm cung kính mà bố thí, chẳng thể dùng tâm hoan hỷ mà bố thí, hoặc cống cao tự đại mà bố thí, hoặc là người nhận bố thí tín tà đảo kiến, thì sự bố thí đó ví như canh tác nơi mảnh đất cằn cỗi, gieo hạt giống tuy nhiều nhưng cái thu được rất ít ”
Chú thích : tín tà đảo kiến ( rất tín phục những hành vi không chính đáng, điên đảo chân lí sự tướng, như xem vô thường là thường, lấy khổ làm vui…)
Lại nói rằng : “ nếu lúc bố thí có thể dùng tâm hoan hỷ và tâm cung kính, tâm thanh tịnh, tâm chẳng mong đền đáp, hoặc đối tượng bố thí cho là bồ tát thánh tăng, thì giống như mẫu ruộng màu mỡ, gieo hạt tuy ít, nhưng cái thu được lại rất nhiều. ”
Trong “ nghiệp báo sai biệt kinh ” lại nói rằng : “ nếu có chúng sinh, do sự khuyên bảo của người khác mà bố thí, nhưng sau khi bố thí lại hối hận, do nhân duyên này mà kiếp sau sẽ trước giàu sau nghèo. Lại có chúng sanh do người khác khuyên bảo mà bố thí chút ít, sau khi bố thí lại vui vẻ, người đó kiếp sau tại nhân gian sẽ trước nghèo sau giàu. ”
Những cái này đều là do tâm lí bố thí hoặc đối tượng bố thí khác nhau mà sản sanh sự khác biệt trên quả báo. Những người có tâm bán đi cái nghèo khổ để cầu đắc sự giàu sang không thể không đặc biệt lưu ý.
Từ những cái đã nói ở trên, bố thí có thể bán đi cái nghèo dẫn đến giàu sang, như vậy thì lễ kính Tam bảo nhất định có thể bán đi sự hạ tiện, dẫn đến sự tôn quý; giới sát phóng sanh đương nhiên có thể bán đi sự đoản mệnh, được trường thọ, tham thiền niệm phật, tụng kinh, nghiên cứu kinh điển giáo lý nhất định có thể bán đi sự ngu si, đắc được trí tuệ. Nếu quả có thể như thế, nên phát tâm đại dũng mãnh, dùng đại trí tuệ của phật pháp đem tất cả mọi việc không như ý của thế gian bán hết đi cùng lúc.
TIỀN KIẾP CỦA KASSAPA (CA DIẾP)
Vào thời đức Phật quá khứ tên là Vipassì, tiền thân Ca Diếp (Kassapa) và Mỹ Hạnh (Bhaddà) đã sinh làm đôi vợ chồng Bà-la-môn vô cùng nghèo khổ. Họ khốn khổ đến độ mà cả hai chỉ có một mảnh vải che thân. Hễ chồng đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn, thì vợ phải chịu cảnh lõa lồ, ẩn thân trong chòi lá. Còn khi vợ ra đồng gánh nước, hái rau, thì chồng phải trốn trong nhà, không dám gặp ai cả.
Vì "gia sản" của họ chỉ có một tấm vải che thân, nên người đời đã gọi họ , là "cặp vợ chồng chỉ có một cái khố " (Ekasàtaka)!
Ðối với chúng ta ngày nay, cảnh cùng khốn cỡ ấy là một điều khó tưởng tượng được. Nhưng càng khó tưởng tượng hơn nữa, là trên thế gian nầy, hẳn đã có những kẻ bất hạnh như vậy, mà họ vẫn vui vẻ, nhẫn nại, tiếp tục kiếp sống. Và tiền thân của hai vị Thánh trong Phật giáo chúng ta, là hai con người đã trải qua quãng đời khốn khổ ấy! Ðức tính độc đáo đáng nói ở đây, là sự hòa thuận của đôi vợ chồng cùng đinh kia, được mô tả như một thứ "hạnh phúc" căn bản, có thể giúp họ vượt qua, và chịu đựng nổi một cuộc sống hoàn toàn đen tối!
Nhưng cả hai vợ chồng nghèo mạt ấy, đều đã được duyên may, là sinh ra nhằm thời có đức Phật xuất hiện độ đời. Họ một lòng thay phiên nhau, hễ người nầy đi nghe pháp, thì người kia vui vẻ ở nhà.
Ngày nọ, nhân nghe bài pháp của đức Phật Vipassì, thuyết về phước báu của sự dâng y, người chồng bỗng phát tâm muốn bố thí. Nhưng nhìn lại, mình chẳng có một vật gì cả, ngoài cái khố ! - Thứ nhất, bố thí rồi lấy chi vợ che thân, lần sau đi nghe pháp?! - Thứ hai, không khố thì cách chi ló mặt ra làm thuê làm mướn kiếm ăn?!
Sự ngần ngại đã khiến cho người cùng đinh, đấu tranh với nội tâm quyết liệt. Anh tự nhủ "Cái khố này là vật chung của vợ ta và ta. Vậy để thuận vợ thuận chồng, ta hãy về nhà hỏi ý kiến nàng. Nếu nàng đồng ý, thì ta sẽ đem hiến vào lễ dâng y!" Nhưng anh lại suy nghĩ: "Giả sử vợ ta không đồng ý, thì ta không còn hy vọng gì thực hiện hạnh bố thí hay sao!?"
Càng phân tích và đắn đo, anh càng thấy: "Cái phúc mới khó tìm, chứ lòng ích kỷ thì hai vợ chồng anh luôn luôn sẵn sàng dứt bỏ!... "
Ðoạn anh quá vui sướng với sự chiến thắng được lòng mình, quên hết hoàn cảnh xung quanh, là một buổi đức Phật đang thuyết pháp, trước một thính chúng gồm nhiều giai cầp trong xã hội. Anh bất thần chắp tay la lớn "Ta thắng rồi, ta thắng rồi!... ".
Lúc ấy nhà vua cũng có mặt nghe pháp. Tuy vua ngồi trên cao nhưng tiếng la của anh chàng "nhất khố" vẫn thấu tai quân vương rất rõ. Vua liền ra lệnh cho vệ quan bắt người "làm ồn" và dẫn đến hỏi rằng :
- Anh nhà quê kia ! Chỗ đức Phật thuyết pháp là nơi tôn nghiêm, tại sao anh dám la lớn tiếng?
- Cúi tâu bệ hạ! Vì tiện dân hiểu được một quả phúc trong lời Phật dạy, nên thỏa thích quá, quên mất mình đang ở chỗ tôn nghiêm. Muôn lạy bệ hạ rộng dung !
Nhà vua nghe thế lấy làm lạ, bèn hỏi tiếp :
- Ngươi bảo "hiểu được quả phúc" mà la hoảng "ta thắng rồi, ta thắng rồi" là nghĩa làm sao, hãy nói cho trẫm nghe !?
Anh chàng "nhất khố" vội thành thật thuật lại ý định muốn hiến mảnh khố duy nhất của mình vào lễ dâng y, và những do dự trong tâm anh, trước hoàn cảnh vợ chồng chỉ có một mảnh vải. Anh thuật trọn đầu đuôi, đến lúc anh dồn hết nghị lực, chiến thắng được lòng ích kỷ của mình, mà quên cả mọi vật xung quanh, nên buộc miệng la lớn "ta thắng rồi, ta thắng rồi! v.v..."
Nhà vua nghe xong hết tỏ vẻ nghiêm khắc. Ðoạn vua hoan hỉ ban cho anh chàng Bà-la-môn "nhất khố" ấy một số tiền bạc để làm phước, và nhiều quần áo, rồi truyền quan thị vệ đưa vợ chồng anh vào cung, phong cho hai chức Nội Giám và Cung Nữ.
Thế là số phận bần cùng của đôi bạn Bà-la-môn "nhất khố" kia chấm dứt từ đó!
Khi hết tuổi thọ, người chồng làm Nội Giám, nhờ quả phúc bố thí không vị kỷ, do bài pháp của đức Phật Vipassì, đã sinh lên cõi trời. Còn người vợ cũng nhờ thiện nghiệp, sinh là tiên nữ.
Rồi mãn kiếp thiên giới, cả hai cùng giáng trần, sinh làm vua và hoàng hậu, cai trị một vương quốc rộng lớn sung túc. Cả vua và hoàng hậu đều có thiện tâm, hết lòng thương dân, nên bá tánh được an vui, hạnh phúc.
Ðặc biệt là đức vua cùng hoàng hậu luôn luôn tôn kính những bậc Sa-môn, đạo sĩ có giới hạnh, đồng thời hết lòng hộ độ các bậc Thánh nhân, nhất là chư vị Bích Chi Phật (hay còn gọi là Phật Ðộc Giác).
Số lượt xem : 877