Tu “ đạo ” ở tại “ đức ” chớ chẳng phải là cầu phước
Tu “ đạo ” ở tại “ đức ”
chớ chẳng phải là cầu phước
“ Tôi đến tu đạo, nhất định phải bảo đảm tôi càng ngày càng khoẻ, càng ngày càng có tiền … Nếu không thì tôi không tu, không tin, tôi bèn phải rút lui khỏi đạo trường … ”. Đấy là cách nghĩ trong lòng của rất nhiều đạo thân, có người thậm chí trực tiếp nói ra, có người không nói thế nhưng trong lòng lại nghĩ như thế. ”
Điểm truyền sư của các đạo trường thường phải đối mặt với việc đạo thân tu bàn nhưng lại chẳng có được sức khoẻ giàu sang phú quý mà bất mãn, thoái đạo, thậm chí còn mang thái độ xấc xược hỏi tội để chất vấn điểm truyền sư : “ Vì sao mà tôi tu đạo lại còn sinh bệnh ? Vì sao mà tôi tu đạo lại còn mất mát tiền tài, nghèo hơn trước nữa ? vì sao mà Tiên Phật chẳng có phù hộ … ? ”
Mục đích tu đạo ở chỗ bồi đức
Mục đích tu đạo là vì cái gì đây ? Là vì thân thể càng khoẻ mạnh ? Vậy thì nên đi tìm bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khoẻ để cố vấn vậy; là vì để càng ăn nên làm ra, càng nhiều tiền hơn chăng ? vậy thì nên đi tìm các chuyên gia quản lý tài chính; vì để cho cuộc sống càng có sự bảo hiểm chăng ? vậy thì nên đi mua bảo hiểm vậy.
Đương nhiên, tu hành không phải là chẳng có phước báo, thế nhưng sức khoẻ, tiền tài giàu sang thuộc về phần “ tu phước ”, chớ chẳng phải là thuộc về phần “ tu đạo ”. Nếu như muốn sức khoẻ, tiền tài giàu sang thì chuyên tu phước chớ chẳng phải là tu đạo.
Mục đích của tu đạo chẳng qua là ở chỗ “ bồi đức ”, đạo đức, đạo đức, chữ “ đạo ” và chữ “ đức ” là không tách rời ra đâu, vậy nên sản phẩm của tu đạo là “ đức ”.
Chữ “ đạo ” vốn chẳng có liên quan mật thiết gì với sức khoẻ, tiền tài, giàu sang phú quý cả; nếu như có, cũng chỉ có thể nói rằng sức khoẻ, tiền tài giàu sang phú quý là những sản phẩm phụ của việc tu đạo, chớ chẳng phải là sản phẩm chính của sự tu đạo.
“Đạo” chẳng có nghĩa vụ phải ban cho bạn sức khoẻ, tiền tài, giàu sang phú quý, “đạo” vốn dĩ là thứ vô hình, trừu tượng, vì sao phải ban cho bạn sức khoẻ, tiền tài giàu sang phú quý những thứ hữu hình ? Cái đạo vô hình chính là muốn cho bạn cái “đức” của trạng thái vô hình.
Nếu như bạn thành tâm tu đạo, “ phẩm đức ” chẳng có nâng cao, vẫn là tham lam, so đo tính toán, oán hận, đố kị, ganh ghét … vậy thì “Đạo” có lỗi với bạn, bạn có thể đến trách Điểm truyền sư : “ Vì sao mà tôi tu lâu như vậy rồi, đức hạnh lại vẫn cứ là tồi tệ như thế ? phương pháp tu đạo mà đạo trường đã dạy có sai không ? pháp môn tu hành phải chăng là có sự sai lệch rồi không ? … ”, đấy là phần mà đạo trường và những người lãnh đạo đạo trường nên chịu trách nhiệm. Nếu như những đạo thân mà người truyền đạo chúng ta đã tiếp dẫn, thành toàn mà trên mặt đức hạnh vẫn cứ chẳng có nâng cao, thì phải kiểm thảo lại phương pháp thành toàn của đạo trường, nội dung có sai lệch hay không ? Thế nhưng nếu như tu đạo lại chẳng có đắc được sức khoẻ, tiền tài giàu sang phú quý, về phần này thì không nên trách đạo trường, điểm truyền sư đâu đấy.
Sức khoẻ không tốt thì phải đi tìm bác sĩ, chuyên gia sức khoẻ cố vấn, kiếm không được tiền thì nên trách năng lực, phước báo, vận số của tự bản thân, hoặc trách cố vấn quản lý tài chánh của bạn. Đạo trường vốn không phải là một cơ cấu giúp bạn kiếm tiền, dưỡng sinh, mà là một nơi tu đạo bồi đức. Cái mà đạo trường phải phụ trách là nâng cao đạo đức của bạn.
Tiên Phật lẽ nào không phù hộ cho chúng ta sao ?
Đạo thân sở dĩ có loại quan niệm “ tu bàn đạo nhất định có thể đắc được sức khoẻ, tiền tài giàu sang ” này là bởi vì trong đạo trường có quá nhiều những ví dụ thực tế thuộc loại vì tu bàn đạo mà đã cải thiện được sức khoẻ và sự nghèo khổ rồi, dần dần theo đó các đạo thân bèn đem việc đó xem thành định luật lẽ đương nhiên. Trên thực tế thì tu bàn đạo đương nhiên là có tiên phật hộ pháp phù hộ xoay chuyển, thế nhưng ở trên cái tiền đề là khiến cho chúng ta có thể phát tâm tu bàn đạo.
Thông thường mà nói, Tiên Phật sẽ phù hộ chúng ta có sự bình an, sức khoẻ cơ bản, vả lại mục đích là ở chỗ để cho chúng ta có thể phát tâm tu bàn đạo, chính là cái gọi là “ ăn mặc đủ mà biết liêm sỉ, kho lương thực đầy đủ sung túc mà biết lễ nghĩa ”, chớ chẳng phải là ban cho chúng ta phước báo lớn. Nếu như ơn trên cảm thấy người này tu hành rất có đức hạnh, có từ tâm bi nguyện lớn, có tiền cũng chỉ sẽ đi bố thí, hành thiện, giúp đỡ trợ đạo, hoằng pháp lợi sanh, thay trời tuyên hoá, xả thân bàn đạo … ơn trên có lẽ không chừng cũng sẽ xoay chuyển ban cho những phước báo mà vốn dĩ trong túc mệnh chẳng có; hoặc do luỹ kiếp, tiền kiếp, và kiếp này bạn đã từng siêng rộng gieo trồng ruộng phước do ưa thích bố thí cúng dường, hành thiện thì mới có thể có được phước báo to lớn mà thôi.
Nếu như sức khoẻ, tiền tài giàu sang chẳng có sự giúp ích mà lại còn gây trở ngại đối với việc nâng cao phẩm đức, phát tâm tu đạo của chúng ta, khiến cho chúng ta càng chìm đắm mê muội thêm thì ơn trên sẽ không xoay chuyển cho chúng ta, hoá giải cho chúng ta những tai ách, kiếp số vốn có trong mệnh của chúng ta, mà sẽ để cho chúng ta tuỳ theo nghiệp chướng của bản thân mà sanh bệnh, tiêu phá tiền của để tiêu nghiệp liễu tội, hoặc do vậy mà phản tỉnh, sám hối, sửa đổi, giác ngộ, từ đấy mà nâng cao nhân cách phẩm hạnh.
Tu đạo là việc tuyệt đối hữu ích vô hại, tuyệt đối sẽ không để chúng ta chịu gặp phải những tai ách mà trong vận mệnh chẳng có, sẽ không tăng thêm tai hoạ, thế nhưng còn về việc có thể tiêu trừ đi những tai hoạ vốn có trong mệnh của chúng ta hay không, có được những phước báo mà trong mệnh vốn chẳng có hay không, vậy thì còn tuỳ vào nghiệp lực cá nhân, tuỳ vào nguyện lực, công đức hồi hướng, sự sám hối nghiệp chướng của bản thân và còn phải xem coi sức khoẻ và tiền tài giàu sang phải chăng là có sự trợ ích đối với phẩm đức và sự phát tâm tu đạo của chúng ta hay không rồi ?
Tu đạo không nhất định sẽ giàu sang phú quý hay bần tiện, không nhất định sẽ khoẻ mạnh hay nhiều bệnh; nếu như sự giàu sang phú quý có giúp ích đối với sự tu hành của một người thì có thể ông trời sẽ ban cho người đó những tiền tài giàu sang vượt quá cái mà trong mệnh anh ta nên có, thế nhưng nếu như một người tu đạo mà còn phá sản vỡ nợ, tuyệt đối không phải là do tu đạo dẫn đến phá sản vỡ nợ, nhất định là trong túc mệnh của bản thân đã định sẵn là có hoạ phá sản vỡ nợ, còn việc ơn trên chẳng có hoá giải cho bạn là có thể bởi vì loại khảo nghiệm này là cái để mà bạn cần phải học tập giác tỉnh, sám hối, liễu nghiệp từ trong đó mà tiến đến phải có chỗ đột phá, tiến bộ, nâng cao tâm cảnh và trí tuệ…
Có một số người trong tình cảnh bần tiện mới có thể nâng cao phẩm đức, có một số người trong hoàn cảnh giàu sang mới nâng cao phẩm đức, có người phải khoẻ mạnh mới nâng cao, có người phải sanh bệnh mới nâng cao, … mỗi người đều không giống nhau, và phước hoạ của chúng ta thì Tiên Phật là lấy việc nâng cao phẩm đức làm tiền đề.
Nói tóm lại thì tu đạo ( vô hình ) là nâng cao cái đức vô hình vô tướng của chúng ta, chớ chẳng phải là nâng cao những tiền tài giàu sang, sức khoẻ, danh vọng, địa vị … của chúng ta, tuyệt đối chớ có lầm tưởng với tu phước. Vậy nên các vị thiện tri thức hãy chớ lầm dụng tâm. Trong Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư có bài kệ Vô Tướng Tụng rằng :
Kẻ mê tu phước chẳng tu đạo,
Chỉ cho tu phước tức là đạo.
Bố thí cúng dường phước vô biên,
Trong tâm tam ác vẫn còn tạo.
Muốn dùng tu phước để diệt tội,
Kiếp sau được phước tội vẫn còn.
Nhân duyên tội ác trừ nơi tâm,
Hướng vào tự tánh chơn sám hối.
Hoát ngộ Đại thừa chơn sám hối,
Tà dứt hạnh chánh tức vô tội.
Học đạo thường quán nơi tự tánh,
Thì với chư Phật đồng một loại…
Bài kệ này vô cùng quan trọng. Chúng ta phải nhận rõ tự bản thân mình rốt cuộc là đang tu đạo, hay là đang tu phước.
Cái gì gọi là “ tu đạo” ? Đạo chính là Tự Tánh, tu học có thể lấy việc minh tâm kiến tánh làm tông chỉ thì mới gọi là “ tu đạo ”, không lấy việc minh tâm kiến tánh làm tông chỉ, thì không thể gọi là “ tu đạo ”. Bài kệ tụng chỉ ra rằng kẻ mê muội không hiểu, chỉ tu phước chớ chẳng tu đạo, lầm tưởng rằng tu phước chính là đang tu đạo. Bố thí và cúng dường tuy rằng có thể tạo tựu phước vô lượng vô biên, kiếp sau hưởng thụ phước báo; thế nhưng tam ác trong tâm thì vẫn cứ đang tiếp tục tạo y như ban đầu.
Trong sự bố thí có tam thí : tài thí, pháp thí, vô uý thí. Chớ có tưởng rằng tam thí làm rất nhiều thì là đang tu đạo. Đấy chẳng phải là tu đạo, đấy là tu phước.
Tu đạo có công đức, bởi vì công đức ở trong pháp thân; lấy sự minh tâm kiến tánh làm tông chỉ thì là đang tu đạo, thì có công đức. “ Bố thí ” là tu phước, không thể đem phước đức xem là công đức được, giống như Lương Võ Đế vậy.
Nếu như có thể buông xuống những sự tham, sân, si, bố thí mà chẳng có chỗ trụ, thì giống như sự “ dùng cái tâm vô vi mà hành những việc hữu vi ” mà ngài Trần Đại Cô ( Bất Hưu Tức Bồ Tát ) thường nói vậy, đấy bèn là phước tuệ song tu, phước đức và công đức đều có đủ cả.
Bài kệ lại nói rằng : “ muốn dùng tu phước để diệt tội, kiếp sau được phước tội vẫn còn. ”.
Nếu như muốn dùng cái phước mà mình đã tu để diệt trừ các tội nghiệp, điều này có thể được hay không ? Đấy là điều không thể được. Kiếp sau tuy rằng có thể đắc được phước báo, thế nhưng tội nghiệp vẫn còn tồn tại, cũng có nghĩa là nói rằng phước báo là chẳng cách nào diệt đi những tội nghiệp trong tâm.
Phước báo chẳng những không cách nào diệt tội, thậm chí là có lúc trong sự tu phước lại còn tạo xuống tội nghiệp; cũng như việc xả tiền tài hành thiện hoặc trợ in kinh sách, các sách khuyến thiện, thế nhưng lại khởi tâm nghi ngờ tiền tài đó phải chăng bị người ta tham ô lạm dụng rồi, hoặc cho rằng bản thân mình đã bố thí rất nhiều tiền tài, nhưng lại chẳng có đắc được sự tôn trọng nên có mà khởi lên cái tâm sân hận.
Các vị hãy nghĩ xem, thí tiền tài nhất định sẽ có phước báo, thế nhưng phước báo có thể diệt trừ những cái tâm nghi ngờ, tâm sân hận trong tâm hay không ? không thể nào. Vậy nên, phước báo và tội nghiệp không thể nào bù trừ cho nhau; phước đức là phước đức, công đức là công đức, tội nghiệp là tội nghiệp, phước báo không thể nào bù trừ cho tội nghiệp được. Vậy nên chớ có mà trong quá trình tu bàn đạo lại còn không ngớt đang tạo nghiệp, thì giống như phẩm thứ nhất của “ Vô Tướng Tụng ” đã nói : “ lìa đạo chớ tìm đạo, trọn đời chẳng thấy đạo, lăng xăng qua một đời, kết cuộc tự sanh não ”, những gì mà bạn làm đều đã lìa đạo rồi, làm sao mà có thể thành tựu đạo nghiệp đây ? Đấy là điều không thể. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã rất từ bi vì chúng ta khai thị cái đạo lý này, chúng ta nhất định phải rõ ràng, tự bản thân mình rốt cuộc là đang tu đạo, hay là đang tu phước.
Tu phước và tu đạo, cả hai cái này đều cần, thậm chí là ở trong sự tu phước thì phải biết tu đạo, như trong lúc đang làm việc phải có thể quán sát được bản thân mình có khởi lên những tham sân si hay không, trong lúc ấy có khởi cái tâm cao thấp hay không, có cái tâm cống cao tự đại hay không ? có hy vọng người ta ca ngợi, hy vọng người ta xem trọng hay không ? hoặc là có ý hay vô ý loan truyền thị phi giữa các đồng tu, nói những lời vô bổ hay không ? Như vậy thì trong sự tu phước bèn có thể tu đạo rồi, bèn có thể chặt đứt những sự tham sân si, thì có thể đem những ác nghiệp trong tâm tiêu diệt đi. Nếu như chỉ có tu mỗi phước không thôi, chẳng biết tu hành như thế nào, chẳng biết tu đạo như thế nào, vậy thì cái phước này chẳng cách nào diệt trừ những tham sân si của bản thân, cho dù là bản thân mình kiếp này phước báo rất lớn, hoặc là kiếp sau phước báo rất lớn, bởi vì kiếp này phước tu được rất nhiều, kiếp sau lại có phước báo, thế nhưng cái này rốt cuộc vẫn còn ở trong sự luân hồi, mà trong sự luân hồi này liệu có thể đắc được thân người, gặp được phật pháp hay không, vậy thì không nhất định rồi, điều này cũng chẳng ai có thể nói chuẩn được, vậy nên trong sự tu phước nhất định phải biết làm thể nào tu hành, làm thế nào tu đạo. Tuy rằng phước báo tu được lớn, cũng không nhất định là sẽ hưởng thụ ở trong cõi người, cũng có thể là hưởng thụ ở trong cõi súc sanh, cõi quỷ đấy. Cũng giống như có rất nhiều những vị quỷ thần trong các chùa miếu, phước báo đều rất lớn, những người cúng dường cho họ cũng rất nhiều, thế nhưng mà tâm sân cũng rất nặng, tập khí rất sâu, lúc còn sống chẳng cách nào dùng cái tâm từ bi để đối đãi chúng sanh, vậy nên vẫn là ở trong sự luân hồi; đợi khi phước của họ hưởng sạch hết rồi, những ác nghiệp mà kiếp này họ đã tạo vẫn cứ phải thanh toán, vẫn là nên sanh tử thế nào thì sanh tử thế đó. Tuy rằng là có phước, nếu như nói rơi vào cõi súc sanh, giống như hiện nay có một số súc sanh kế thừa di sản mấy trăm triệu tiền đô la mỹ, phước báo của nó cũng rất lớn, thế nhưng chẳng có trí tuệ, cảm cái quả báo ngu si. Đợi khi phước báo hưởng xong thì lại đoạ lạc rồi. Do vậy tu phước không nhất định là hưởng phước ở trong 3 cõi lành, nếu như chẳng có tu hành, phần lớn đều là xuống 3 đường ác. Vậy nên phải phước tuệ song tu, phải có thể hiểu được rốt cuộc là tu phước và tu đạo khác nhau ở chỗ nào.
Tu đạo là ở trong tất cả mọi hành vi lời nói đều có thể chặt đứt những tham sân si, phải có thể trừ bỏ những ngã kiến, ngã mạn của bản thân, trừ bỏ vô lượng vô biên những sự phiền não, phân biệt, vọng tưởng, chấp trước mà Phật đã nói trong kinh, vậy thì ở trong sự tu phước bèn là tu đạo, thậm chí là mọi người càng phải xem trọng việc tu đạo, bởi vì tu đạo có thể liễu dứt sanh tử. Cho dù rằng là La Hán ôm bát rỗng ( do tu huệ chứng đắc quả A La Hán, nhưng chẳng tu phước, đi khất thực chẳng ai cúng dường, ngày ngày đói meo ) , thế nhưng mà rốt cuộc thì sanh tử đã liễu, còn nếu như tu phước chẳng tu đạo, vậy thì giống như voi to đeo anh lạc ( Phước báo rất lớn, nhưng chẳng có trí huệ, đời sau đọa trong đường súc sanh, đầu thai làm thân voi lớn. Con voi lớn ấy có phước báo, được vua nuôi, cưỡi, khắp thân voi phủ đầy anh lạc, châu báu, châu tỏa ánh sáng chói lòa, có phước nhưng không trí huệ, đoạ ở trong cõi súc sanh ! ) . Vậy nên trong phẩm tựa thứ nhất của Kinh Pháp Bảo Đàn có nói đến việc Ngũ Tổ triệu tập môn đồ bảo rằng: “ Sanh tử là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phước điền, chẳng cầu lià khỏi biển khổ sanh tử, tự tánh nếu mê, phước làm sao có thể cứu được ? ”
Người mà phước tuệ viên mãn rốt ráo chính là Phật. Mọi người thọ tam quy y, niệm đến quy y Phật, lưỡng túc trung tôn; lưỡng túc tôn chính là phước tuệ cả hai đều đầy đủ, phước báo và trí tuệ viên mãn. Trong tâm của Phật chẳng có bất cứ những phiền não, phân biệt, vọng tưởng, chấp trước gì, và cũng chẳng có ai phước báo lớn hơn nổi so với ngài, vậy nên học Phật thì phải học một cách triệt để, học cho giống. Liên quan đến việc tu phước và tu đạo, mọi người phải rõ ràng chớ có nhầm lẫn, chớ có tưởng rằng tu phước chính là tu đạo; thời hiện nay có rất nhiều người đều nói và nghĩ như thế, tưởng rằng đến làm việc tốt thì là đang tu đạo, điều ấy khác xa với những gì mà các vị Tổ Sư đại đức đã nói. Tổ Sư đại đức nói rằng những người nói lời ấy là những kẻ mê muội, là những người mê hoặc điên đảo, thậm chí là những người ngu si, vậy nên phải dựa theo những gì mà các bậc đại đức ngày xưa đã dạy để tu, tu hành thật sự, khế nhập pháp tánh thì mới thật là tu đạo.
Số lượt xem : 636