Hãy buông xuống cái tâm Tự Ngã, cái tâm thành kiến, con sẽ phát giác rằng thì ra mình đã bỏ lỡ mất đi rất nhiều các nhân duyên lớn tốt đẹp.

Nhân ngã chi kiến nếu không thể thật sự buông xuống thì cho dù là người có tốt đi chăng nữa, những thứ có tốt đi chăng nữa đều bị sự chủ quan của con chặn lại mất rồi.

 

Bản thân mình ích kỷ mới cho rằng người khác có tư tâm, bản thân mình suy đoán nghi ngờ nhiều nên mới hoài nghi người khác có lỗi với mình, đấy là tập khí do lòng kiêu mạn dưỡng thành.

 

Tu hành chẳng thể buông xuống thì sẽ có cái Ngã ( tôi ), có Ngã sẽ có thị phi, có sinh tử, có luân hồi.

 

Vợ chồng không thể buông xuống thì sẽ làm tổn thương hòa khí, sẽ có oán hận.

Bằng hữu chẳng thể buông xuống thì sẽ dày vò lẫn nhau, thường khởi sự ma sát.

Làm việc chẳng thể buông xuống thì sẽ không cam tâm tình nguyện.

 

Không thể buông xuống sự kiêu mạn của bản thân, cứ mãi kiên trì cách nhìn và cách nghĩ của mình là đúng thì sẽ không thể chuyển hóa tất cả các nhân duyên thiện ác; như thế một ngày nào đó người khác không hợp với điều kiện, thói quen, thước đo của con thì con sẽ thường sống trong vực sâu của sự sinh diệt luân hồi.

 

Hãy buông xuống, hãy đem tảng đá trong lòng con buông xuống, sẽ có thể bù đắp cho những tiếc nuối trong lòng, hóa giải những oán khí đã đông cứng lại.

 

Học Phật tu hành cũng là đang học làm người. Người đời ở trong thời đại đa nguyên hóa, trong sự tiếp xúc Nhân, Ngã, ngoài việc khẳng định bản thân, làm tốt trách nhiệm của mình ra, càng nên mang một tấm lòng và thái độ bao dung đi thưởng thức và tiếp nạp người khác. Do đó trước khi muốn thay đổi người khác, thì phải thay đổi bản thân mình trước đã. Hy vọng người khác từ bi với con, thế nhưng con lại chưa từng từ bi qua, thì sao có thể thể hội được ý nghĩa chân thật của sự từ bi ? trước hết hãy hỏi bản thân đã đãi người xử sự như thế nào, đem cái tâm đã hướng ra bên ngoài xoay chuyển về nhìn ngược lại bản thân, thường đối mặt với bản thân, hướng nội tự phản tỉnh ( tự kiểm thảo hành vi lời nói của bản thân mình, đưa ra sự phê bình đánh giá khách quan đối với bản thân ) thì mới có thể tương ứng với Tiên Phật, sư phụ, bằng hữu, và tất cả chúng sanh.

 

Hãy buông xuống ! hãy đem những tập khí và gánh nặng cũ trước đây buông xuống, nhân gian khắp nơi đều là tịnh độ, có lúc nào mà không tự tại ?

 

Chú thích :

 

Tập khí : “ Tập ” là những kinh nghiệm thói quen đã tích lũy từ vô thỉ kiếp đến nay, từ những khởi tâm động niệm, đã triêm nhiễm những tập tánh sinh hoạt không tốt của thế gian, bất tri bất giác bộc lộ ra ngoài trên những hành vi cử chỉ lời nói, thật sự là thâm căn cố đế ( đã ăn sâu vào, rất khó lay chuyển được nữa ) , không dễ sửa bỏ được, cũng giống như đồ dùng đựng rượu vậy, tuy đã rửa sạch nhưng vẫn có mùi rượu.

 

Tập khí là những tập tánh được huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống ( chủng tử ) thiện ác. Đó là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể ( chánh sử ) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.

 

Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường ta không thấy bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không thấy hình dạng chi cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì chúng xuất đầu lộ diện ngay. Như có người mắng chửi ta, thì tập khí sân hận, liền phát khởi hiện hành tức khắc. Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm ta không lúc nào yên cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu  của mỗi người mà nó có nặng nhẹ khác nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời ( bản hữu chủng tử ) như tham, sân, si …ra, còn có những thứ tập khí mà chúng ta mới huân tập  ( tân huân chủng tử) vào. Như những tập khí ( thói quen) nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè, hút thuốc, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…

 

Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp. Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Ðòi hỏi người tu hành phải chuyên cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được. Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền não nầy.