Ba người đi xem ca kịch, Người Mù Sờ Voi, thành câu chuyện Thị Phi
Có 3 người cùng nhau đi xem ca kịch. Một người thì bị lãng tai nặng, một người bị cận thị nặng chẳng có đeo kính, một người thì cổ bị nghiêng vẹo.
Xem xong phim rồi, gã bị lãng tai nặng bảo rằng : “ vở kịch hôm nay không tồi, chỉ là công phu hát quá tệ ! ”
Gã cận thị nặng nghe thấy rồi liền bảo rằng : “ không ! nghe ca rất hay, chỉ là công phu diễn đóng quá tệ mà thôi ! ”
Gã có cái cổ bị nghiêng vẹo sau khi nghe hai người cãi nhau kịch liệt thì cũng vội vàng biểu lộ ý kiến của mình rằng : “ Vở ca kịch hôm nay hát rất khá, đóng cũng rất tốt, chỉ có điều là sân khấu dựng nghiêng rồi ! ”.
Vở kịch ở đây được ví như “ Đạo ”, sau khi “ Cầu Đạo ” rồi cũng như 3 người trên đã xem xong vở ca kịch, “ Đạo ” vốn dĩ chí tôn chí quý, thế nhưng nhìn nhận như thế nào đối với “ Đạo ” thì lại là tuỳ vào căn cơ của cá nhân mỗi người.
Người mù sờ voi
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn 大般涅槃经 do ngài Đàm Vô Sấm 昙无谶 (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn, dịch ra Hoa ngữ và Kinh Trường A Hàm của Phật Giáo có kể truyện như sau:
Ngày xưa có một ông vua minh triết, thấy các đại thần của mình thường bảo thủ cố chấp các hiểu biết nhỏ hẹp của mình, bèn sai người dắt đến một con voi thật lớn và một bọn người mù bẩm sinh, để cho họ sờ voi. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết con voi là như thế nào chưa?”
– Biết rồi! Bọn người mù đáp.
– Thế voi như thế nào?
– Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.
– Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.
– Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
– Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.
– Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.
– Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.
– Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.
- “Con voi như các ông nói không phải là con voi. Con voi phải như tôi nói mới đúng là voi!”, những người mù bắt đầu tranh cãi, ai cũng cho mình đúng, còn những người kia sai. Tranh cãi bằng miệng không ngã ngũ, họ xoay ra đánh nhau bằng tay.
Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:
Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng
Duyên khởi câu chuyện cho chúng ta thấy rằng, cốt yếu của ẩn dụ này chính là vấn đề nhận thức - cố chấp cho nhận thức của mình là đúng, trong khi thực sự nó là sai, bị trói buộc bởi nhận thức hạn hẹp theo kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, hay bị Tướng trói buộc mà không nhận ra Thể.
" Voi " ở đây tượng trưng cho " Đạo ", là bổn thể, người đắc đạo ngộ đạo thì ví như ông vua minh triết có con mắt sáng nhìn thấu rõ toàn bộ chân tướng, những người mù ở đây thì ví như những người chưa đắc đạo chưa ngộ đạo, khư khư chấp vào nhận thức của bản thân, chấp vào pháp môn mà mình đang tu trì vậy.
Thị Phi
Có con voi lớn nọ
Người mù sờ rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng.
Lại có người mắt thấy,
Có người đeo kính đen,
Có người đeo kính đỏ,
Sự thấy lại khác thêm.
Cũng cùng là một vật,
Do góc nhìn khác nhau,
Thấy khác khởi tranh luận,
Thị phi khởi não phiền.
Người trí thì không chấp,
Kẻ dại thì phân tranh.
Đánh nhau sứt mẻ trán,
Do tâm chấp mê lầm.
Tâm nếu không chướng ngại,
Bao la tựa hư không,
Thị phi liền dứt tuyệt,
Phiền não đâu bận lòng,
Đâu chấp trước vọng tưởng,
Phật hiện nơi đáy lòng.
Số lượt xem : 585