Thái Thượng Thanh Tĩnh Kinh
Thanh Tĩnh Kinh
Thanh Tĩnh Kinh và Đạo Đức Kinh là hai bộ kinh của Đạo Giáo do Đức Thái Thượng Lão Quân lưu lại. Đạo Đức Kinh trên 5000 chữ, chia làm 81 chương, đã được lưu truyền khắp thế giới qua những bản dịch bằng ngoại ngữ của nhiều học giả trứ danh.
Riêng về bộ kinh Thanh-Tĩnh, chỉ lưu truyền trong giới chân tu, ẩn sĩ. Trọn bộ kinh chỉ có 395 chữ, nhưng đã bao gồm cả phần Thể lẫn Dụng của Đạo. Bản thể của Đạo vô hình, vô danh, nhưng mọi sự mọi vật đều từ bản thể này mà ra. Phật cho là “ chân không sinh diệu hữu ”, Nho thì gọi là “ Vô thanh vô xú chi Thiên ”. Loài người cũng như vạn vật, đều phát xuất từ Đạo, nhưng không thể phản bổn hoàn nguyên được là bị khí-bỉnh và vật-dục câu thúc, do đó mới lưu lãng trên đường sinh tử luân hồi.
Vạn pháp quy Tâm, Tâm là chủ tể của thân vật. Trong kinh, Đức Thái Thượng đã chỉ rõ : “ Nhân năng thường thanh tĩnh, Thiên Địa tất giai quy ”. Nếu như biết khiển dục trừng tâm thì bản tâm sẽ trở nên thanh tĩnh và tự nhiên sẽ hợp với Đạo. Phật có “ Minh tâm kiến tính ”, minh tâm tức là phải “ hàng phục kỳ tâm ” trong kinh Kim-Cang. Nho có “ tồn tâm dưỡng tính ”, tồn tâm tức là phải “ cách vật trí tri ” của sách Đại Học. Tam giáo nhất lý, không ngoài hai chữ Tâm Tính. Đạo mà rời Tâm, Tính tức là ngoại đạo.
Trong thời kỳ phổ-độ, có duyên được Tế-Công Hoạt Phật chỉ điểm, nhưng vì bản tính mê muội, không có trí-tuệ để diễn đạt tâm ý của Thánh-nhân. Mục đích của dịch giả chẳng qua chỉ là “ phao chuyên dẫn ngọc ”, mong chư mộ Đạo quân tử nhờ quyển kinh này, trên kết duyên cùng chư Phật, dưới độ hóa chúng sinh, để mọi người đều tu tâm hướng thiện, hóa thế giới ta bà thành thế giới cực lạc. Cổ Đức nói : “ Đọc kinh không bằng giảng kinh, giảng kinh lại không bằng hành theo ý của kinh ”. Văn dĩ tải Đạo, Đạo không ở nơi văn tự mà do Tâm ngộ, Tâm hành, mong đọc giả hãy lĩnh ý mà quên lời.
Nội dung của phần dịch chỉ là thiển kiến của dịch giả, tránh không khỏi có chỗ sai lầm và thiếu sót, kính mong các bậc cao-minh đại-đức vui long bổ chính.
Viết vào Tiết Trung Nguyên
Năm Nhâm Tuất
Vô Tri cẩn chí
Thanh Tĩnh Kinh
Lão Quân viết :-
“ Đại Đạo vô hình . sanh dục thiên địa . Đại Đạo vô tình . vận hành nhật nguyệt . Đại Đạo vô danh . trưởng dưỡng vạn vật . Ngô bất tri kỳ danh . cưỡng danh viết ĐẠO .
Phù đạo giả , hữu thanh hữu trược . hữu động hữu tĩnh . Thiên thanh địa trược . Thiên động địa tĩnh . Nam thanh nữ trược . Nam động nữ tĩnh . Giáng bản lưu mạt. Nhi sanh vạn vật .
Thanh giả trược chi nguyên . Động giả tĩnh chi cơ . Nhân năng thường thanh tĩnh . Thiên địa tất giai quy.
Phu nhân thần háo thanh . Nhi tâm nhiễu chi . Nhân tâm háo tĩnh . Nhi dục khiên chi . Thường năng khiển kỳ dục . Nhi tâm tự tĩnh . Trừng kỳ tâm . Nhi thần tự thanh, tự nhiên . Lục dục bất sanh . Tam độc tiêu diệt .
Sở dĩ bất năng giả. vi tâm vị trừng Dục vị khiển dã .
Năng khiển chi giả . Nội quan kỳ tâm . Tâm vô kỳ tâm . Ngoại quan kỳ hình . Hình vô kỳ hình . Viễn quan kỳ vật . Vật vô kỳ vật . Tam giả ký vô . Duy kiến ư không . Quan không diệc không . Không vô sở không . Sở không ký vô . Vô vô diệc vô . Vô vô ký vô . Trạm nhiên thường tịch . Tịch vô sở tịch . Dục khởi năng sanh . Dục ký bất sinh . Tức thị chân tĩnh .
Chân thường ứng vật . Chân thường đắc tính . Thường ứng thường tĩnh . Thường thanh tĩnh hỹ. Như thử thanh tĩnh, tiệm nhập chân đạo . Ký nhập chân đạo . Danh vi đắc đạo . Tuy danh đắc đạo . Thực vô sở đắc . Vi hoá chúng sanh . Danh vi đắc đạo . Năng ngộ chi giả . Khả truyền thánh đạo .
Lão Quân viết :-
“ Thượng sĩ vô tranh . Hạ sĩ háo tranh . Thượng đức bất đức . Hạ đức chấp đức . Chấp trước chi giả . Bất minh đạo đức . Chúng sanh sở dĩ bất đắc Chân Đạo giả . Vị hữu vọng tâm Ký hữu vọng tâm . Tức kinh kỳ thần . Ký kinh kỳ thần . Tức trước vạn vật . Kí trước vạn vật . Tức sanh tham cầu . Ký sanh tham cầu . Tức thị phiền não . Phiền não vọng tưởng. Ưu khổ thân tâm . Tiện tao trược nhục. Lưu lãng sanh tử . Thường trầm khổ hải. Vĩnh thất chân đạo . Chân-Thường chi Đạo, ngộ giả tự đắc . Đắc ngộ Đạo giả . Thường thanh tịnh hỹ .”
Tam khấu thủ ( 3 lạy )
Phần Chú Giải
Lão Quân viết :-
“ Đại Đạo vô hình . sanh dục thiên địa . Đại Đạo vô tình . vận hành nhật nguyệt . Đại Đạo vô danh . trưởng dưỡng vạn vật . Ngô bất tri kỳ danh . cưỡng danh viết ĐẠO .
Chú thích :
Lão Quân : Lão Tử, họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá-Dương, thụy là Lão-Đam, là giáo-chủ của Lão giáo.
Hình : là hình thù, phàm có hình có sắc, mắt có thể thấy được.
Thiên Địa : khi hỗn độn chưa khai, chỉ là một khí hỗn nhiên, không âm không dương. Hỗn-độn sơ khai, phân âm phân dương. Khí dương thanh, nhẹ, thăng lên thành Thiên. Khí âm trọc, nặng, hạ giáng ngưng kết thành địa.
Tình : là cảm tình, như : hỷ, nộ, ái, lạc…
- Giải thích nghĩa : Đức Thái Thượng Lão Quân nói: Đại Đạo vốn dĩ vô hình vô sắc, nhưng có thể sinh dục Thiên Địa. Đại Đạo vô tình, nhưng vận hành nhật nguyệt mà sinh bốn mùa. Đại Đạo không có tên nhưng có thể sinh hóa và nuôi dưỡng vạn vật. Cái vô hình, vô tình, vô danh đó không thể hình dung và mô tả được, cũng không biết phải đặt cho một danh từ gì cho thích hợp, miễn cưỡng đặt danh cho là Đạo.
- Diễn giải : Đạo là một chân lý hư không, vô hình vô sắc, khi chưa có trời đất thì chân lý này đã tồn tại. Kinh Dịch viết : “ Có Trời Đất mới có vạn vật, có vạn vật sau mới có Nam Nữ, có Nam Nữ mới có Phụ Tử…”. Thiên Địa có trước rồi mới có người sau, loài người cũng như loài vật, đều phải nhờ ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng, nhờ không khí, nước, lửa của Trời Đất mới sống được. Nhưng khi chưa có Trời Đất thì loài người ở đầu ? Chân lý hư không bất dịch này không thể cảm giác hay suy đoán ra được. Đó là căn nguyên của Trời Đất và muôn vật. Đức Lão Tử đặt danh cho nó là Đạo. Phật gọi chân lý này là “ Nhất hợp lý ”. Sách Trung Dung viết : “ Chúa tể của Trời Đất không có tiếng, không có mùi ”. Danh từ tuy khác nhau, nhưng đều chỉ chân lý bất biến này.
Phù đạo giả , hữu thanh hữu trược . hữu động hữu tĩnh . Thiên thanh địa trược . Thiên động địa tĩnh . Nam thanh nữ trược . Nam động nữ tĩnh . Giáng bản lưu mạt. Nhi sanh vạn vật .
- Chú thích :
- Thanh : Trong sạch, thuần khiết
- Bản: là gốc, Đạo là gốc của muôn loài. Chân lý này ở nơi Trời gọi là Thiên lý, nơi Đất gọi là Địa lý, phú cho người gọi là Tánh-lý, Phật gọi là Phật tính, Lão gọi là Nguyên Thần.
- Mạt: là ngọn, là phần hình hài hậu thiên chịu hai khí âm dương mà thành.
- Giải thích nghĩa : Đại Đạo bao la vạn tượng, có thanh có trược, có động có tĩnh. Thiên thuộc thanh, Địa thuộc tĩnh, Nam thuộc thanh, Nữ thuộc trược. Nam chủ động, Nữ chủ tĩnh. Từ phần tiên thiên do Vô-Cực phú, cộng với phần hình hài của hậu-thiên, vạn vật từ đó sinh sinh bất diệt.
- Diễn giải : Đại Đạo vô tình, vô hình, vô danh, nhưng vạn vật đều xuất phát từ Đạo. Khi âm dương chưa phân, chỉ là một chân lý hư không, không thể hình dung. Dùng một vòng tròn “ O” để tiêu biểu cho chân-lý hư không này. “ O” chí hư, chí linh, là Vô-Cực ( vô đến cùng cực ). Vô-Cực động sinh thái cực, Vô-Cực là tính Tĩnh của Thái Cực. Thái-Cực là tính động của Vô-Cực. “ O” động sinh “ __” ( Nhất ). Nhất tức là Thái Cực. Thái Cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh ra Bát Quái. Vạn vật đều từ Bát Quái mà ra.
Bát Quái không ngoài hai khí âm dương của Thái Cực. Thái Cực vốn dĩ từ Vô-Cực.
Đạo Đức Kinh viết : “ Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật ”, Đạo tức là Vô-Cực; Nhất là Thái-Cực, vạn vật đều do Đạo sinh.
Thanh trược, động tĩnh của Trời biểu tượng ở nơi Nhật Nguyệt, của Đất biểu tượng nơi Xuân Thu, ở nơi người tiêu biểu tại Thánh Phàm.
Nhật thuộc dương, thường viên mãn. Nguyệt thuộc âm, có tròn có khuyết.
Xuân thuộc dương, nên vạn vật sinh trưởng. Thu thuộc âm, vạn vật thu sát.
Thánh thuộc dương, tu thân thành Tiên thành Phật. Phàm thuộc âm, khi chết thì thành ma quỷ. Đó là lý lẽ của thanh trược và động tĩnh.
Nam chịu khí dương của Trời mà hình thành, nên Nam thuộc thanh, chủ động.
Nữ bỉnh khí âm của Đất mà sinh nên thuộc trược, chủ tĩnh.
Thiên Địa, Nam Nữ, thanh trược, động tĩnh, đều không ngoài hai khí âm dương.
Âm Dương phát xuất từ Thái Cực, Thái Cực vốn dĩ từ Vô Cực.
Chân lý của Vô-Cực ở trời gọi là Thiên lý, tại Đất gọi là Địa lý, phú cho người gọi là Tính lý.
Sách trung Dung : “ Thiên mệnh chi vị Tính ”. Tính này phật gọi là Phật Tính. Lão gọi là Cốc Thần, Nguyên Thần. Có phần bản của Tiên-thiên, hợp với phần mạt của hai khí âm dương mà thành hình.
Thái Cực Đồ Thuyết của Châu Tử : “ Vô Cực chi chân, nhị ngũ chi tinh, diệu hợp nhi ngưng, Càn đạo thành nam, Không đạo thành Nữ, nhị khí giao cảm nhi sinh vạn vật, vạn vật sinh sanh nhi biến hóa vô cùng yên ”.
Vô Cực chi chân tức là phần Tính do Thiên phú.
Nhị ngũ chi tinh tức là phần hình hài có tự phụ tinh mẫu huyết, một chân một giả mới hợp thành người.
Phần mạt của người và vật tuy khác nhau, nhưng phần Tính thì như nhau. Người được phần tinh hoa của Trời Đất nên linh hơn vật.
Phật nói : “ Chúnh sinh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật ”. Loài thú còn có thể tu thành tinh, huống chi người là vạn vật chi linh. Hiền nhân quân tử thử nghĩ xem, phần bản của người từ đâu mà ra ? Người xưa vì 2 chữ sanh tử, phải bỏ sự nghiệp, vợ con, mà vạn lý phỏng Minh Sư, ngàn lý tìm khẩu quyết. Nay đang thời kỳ phổ độ, Đạo giáng thứ dân, phàm có tâm mộ Đạo tu hành, hãy tích công hành thiện để cảm động Trời Phật, sớm gặp Minh-Sư, liễu thoát con đường sanh tử, trở về cõi Tiên, Niết Bàn, Thánh Vực, chỗ bất sinh bất diệt, làm bạn cùng Tiên, Phật, Thánh.
Thanh giả trược chi nguyên . Động giả tĩnh chi cơ . Nhân năng thường thanh tĩnh . Thiên địa tất giai quy.
- Chú thích :
- Nguyên : là cội nguồn
- Căn : Căn bản, căn nguyên
- Thanh tĩnh : Tâm không nhiễm trần gọi là thanh, không sinh niệm là tĩnh.
- Giải thích nghĩa : Trược lấy thanh làm gốc, Tĩnh lấy động làm căn. Nếu tâm đạt được thanh tĩnh, Thiên Địa vạn vật đều quy tụ tại bản tính nguyên lai của ta.
- Diễn giải : Thanh chỉ về phần Nguyên-Thần, tức Phật-tính. Trược chỉ phần hình hài.
Khi người chưa sinh, bản tính Thiên phú tròn đầy không khuyết, vô sở bất tri. Một khi chào đời, chịu hai khí âm dương của phụ mẫu mà thành hình, Tính nhập vào Khiếu mà thành người.
Nếu người chỉ có phần “ hình ” mà không có phần “ Tính” thì phần “ hình” chỉ là cái xác vô hồn. Tính thuộc chân, vĩnh cửu bất hoại, tu thì thành Tiên thành Phật, không tu thì thành ma thành quỷ, quanh quẩn trong vòng luân hồi. “ Hình ” thuộc phần giả, nên tránh không khỏi luật sinh, lão, bệnh, tử, nên có ngày hoại. Mọi sự cử động, suy tư của người đều do “ Tính” điều khiển, chi phối. Một khi “ Tính” rời khỏi xác thì có mắt cũng không thể nhìn, có miệng cũng không thể nói. Đó chẳng phải là : “ Thánh giả trược chi nguyên, động giả tĩnh chi cơ” ?
Lục Tổ Huệ Năng : “ Tính tại thân tâm tại, Tính khứ thân tâm hoại”.
Tính của người vốn dĩ viên mãn, hội đủ chúng lý để ứng vạn sự, nhưng bị vật dục che lấp, chỉ biết đến phần nhân tâm mà quên mất phần Đạo-tâm. Nhân-tâm hành sự mà Đạo-tâm ẩn thì thất tình lục dục từ đó mà sinh. Thánh Phàm khác nhau tại chỗ biết “ khử trược dưỡng thanh ” , biết “ tu tâm dưỡng Tính ”. Trược là thất tình lục dục, tham, sân, si, ái. Thanh là phần nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Một khi nhân dục hết thì Phật Tính hiện, tự nhiên vạn pháp quy Tính, vô sở bất tri, như mây tan trăng hiện.
Á Thánh Mạnh Tử : “ Vạn vật giai bị ư ngã ” ( vạn vật đều quy ở nơi ta ).
Lục Tổ Huệ Năng : “ Bồ Đề Tự Tính bản lai thanh tịnh, đán dụng thử tâm trực liễu thành Phật ”.
Đạo Đức Kinh : “ Bất xuất hộ tri thiên hạ, bất khuy dữu kiến Thiên Đạo ”. Tâm tức Phật, Phật tức tâm, Thánh phàm khác nhau tại mê và ngộ mà thôi.
Phu nhân thần háo thanh . Nhi tâm nhiễu chi . Nhân tâm háo tĩnh . Nhi dục khiên chi . Thường năng khiển kỳ dục . Nhi tâm tự tĩnh . Trừng kỳ tâm . Nhi thần tự thanh, tự nhiên . Lục dục bất sanh . Tam độc tiêu diệt .
- Chú giải :
Thần : Nguyên-Thần
Nhiễu : quấy nhiễu, làm loạn.
Khiên : Lôi cuốn
Khiển : Cách trừ, từ bỏ.
Trừng : Thanh lọc, bỏ trược dưỡng thanh.
Lục dục : Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
- Diễn giải :
Bản tính tiên-thiên do Thiên phú, nơi Thánh không tăng, ở phàm cũng không giảm, bất sinh bất diệt, tròn đầy, trong sáng, như mảnh gương chưa nhiễm bụi, vật đến thì ứng, vật đi thì tĩnh, bất chấp bất lưu. Chỉ vì khí-bỉnh và vật dục của hậu-thiên làm cho Tâm háo động, nguyên thần vì thế mà không được thanh.
Nguyên thần là quân vương, Tâm là thần-tử. Chướng ngại của Tâm tức là chướng ngại của Tính. Vật dục bên ngoài làm cho bản tính trung dung của Tâm bị thiên lệch, lục thần vô chủ, tham, sân, si từ đó mà ra.
Muốn cho Tâm được thanh tĩnh, tất phải cách bỏ vật dục. Nhưng vật dục không thể diệt, chỉ có thể chánh Tâm cho hợp với Đạo. Có được công phu của Nhan-Hồi : “ Phi lễ vật thị, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật thính, phi lễ vật động ”, công phu thuần thục, đối cảnh bất sinh tình thì dục từ đâu mà ra.
Kinh Phật : “ Tâm sinh chủng chủng pháp, Tâm diệt chủng chủng pháp”.
Tướng sinh từ Tâm, có Tướng vô Tâm thì Tướng từ Tâm diệt.
Có Tâm vô Tướng, thì Tướng từ Tâm sinh.
Tính và Tâm như nước và sóng, tuy hai mà một. Mặt nước phẳng lặng, sóng nước là một, gặp gió thì nước biến thành sóng. Vật dục không sinh, Tâm tức là Tính, Tính tức là Tâm. Đó là bản tính vô-vi thanh tĩnh của Nguyên-Thần.
Sở dĩ bất năng giả. vi tâm vị trừng Dục vị khiển dã .
- Giải thích nghĩa : Tính không được thanh, tâm không được tĩnh, nguyên do là tại Tâm hãy còn vọng niệm và vật dục còn chưa cách bỏ được.
- Diễn giải : Tiên, Phật, Thánh đều do con người tu chứng mà thành. Chúng sanh đều có Phật tính, đều có thể thành Phật, chỉ xem có chí và hằng tâm hay không.
Thánh Nhan Hồi : “ Vua Thuấn là người, ta cũng là người, có chí học Thánh tức là Thánh vậy ”.
Phàm có Tâm tu hành, trước hết phải đạm bạc công danh, xem tính mệnh là trọng. Nên biết rằng, mọi vật trên thế gian hễ có sinh tất có diệt, có thành tất có hoại. Phần hình hài của ta chính ta còn không thể giữ mãi, huống chi tài vật, công danh lợi lộc là vật thuộc thân ngoài, có gì mà bỏ không được. Từ cổ chí kim, biết bao nhiêu anh hùng hào kiệt, đế vương quốc thích vang danh vùng vẫy một thời, nay cũng chỉ là những nấm mồ hoang không ai biết đến. Người đời thường than rằng : “ Đời người như một giấc mộng, như hý trường ”. Chỉ biết than mà không bỏ được phần ảo ảnh bên ngoài thì luôn luôn vẫn là diễn viên diễn kịch ở trên sân khấu và sống trong mộng. Hiểu thấu được cảnh vô thường của tạo hóa, hãy buông xuôi tất cả để tìm lại bản tính nguyên thủy của ta.
Lữ Tổ có thơ : “ Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên
Lục thân hòa hợp tự an nhiên
Lục căn thanh tĩnh phương thành Đạo
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
Ung dung nhàn hạ một ngày thì làm Tiên một ngày. Nếu ngoại vật bất nhập, nội niệm bất xuất thì dục từ đâu mà sinh. Dục không sinh thì Thần tự tĩnh và Tâm tự thanh, tịnh-thổ hiện trước mặt, cần gì tham thiền, cần chi nhập định !
Năng khiển chi giả . Nội quan kỳ tâm . Tâm vô kỳ tâm . Ngoại quan kỳ hình . Hình vô kỳ hình . Viễn quan kỳ vật . Vật vô kỳ vật . Tam giả ký vô . Duy kiến ư không .
- Chú thích :
- Quan : Nhìn, xét. Đó là hồi quang phản chiếu.
- Tâm : ý niệm, Tâm niệm.
- Hình : Phần hình hài, thể xác của người.
- Vật : Cảnh vật bên ngoài.
- Không : hư không
Giải thích nghĩa : Người khiển được vật dục, khi hồi quang phản chiếu, nội quan Tâm không thấy Tâm, ngoại quan Hình không thấy Hình, xa nhìn vật, vật cũng không có. Ngộ được Tâm, Hình, Vật đều là sự giả hợp nhất thời không thực, chỉ là một khối hư không trước mặt mà thôi.
Diễn giải : Quan Tâm, Hình, Vật đều nhìn mà không thấy, không chắp không giữ. Như Nhạn bay qua hồ, mặt hồ không có ý lưu ảnh của Nhạn. Vật đến thì ứng, vật đi thì trở nên thanh tĩnh.
Niệm từ tâm sinh, không có tâm thì mỹ sắc đối diện mà vẫn không động lòng, Thái sơn sập trước mặt cũng không sợ. Tâm từ hình mà sinh, không chắp hình thì tâm từ đâu mà sinh. Sơn hà đại địa đều do sự hòa hợp của ngũ hành mà có, tránh không khỏi luật thành, trú, hoại, không của Vòng Thái-Cực. Duy có bản tính Tiên Thiên do Vô-Cực phú, vô hình vô sắc, lịch kiếp trường tồn mà không hoại.
Thiền Sư Lâm Tế : “ Chân Phật vô hình, Chân Tính vô thể, Chân Pháp vô tướng ”. Từ cổ chí kim, những vị cao chân đều vì pháp vong hình mà đắc Đạo. Nếu không rõ Chân-Tính mà chắp không ngồi thiền thì suốt đời cũng không thể kiến tính.
Quan không diệc không . Không vô sở không . Sở không ký vô . Vô vô diệc vô . Vô vô ký vô . Trạm nhiên thường tịch . Tịch vô sở tịch . Dục khởi năng sanh . Dục ký bất sinh . Tức thị chân tĩnh .
- Chú thích :
1. Trạm nhiên : Thanh-u, thanh nhàn.
2. Tịch : Tịch mịch, thanh tĩnh.
- Giải thích nghĩa : Khi tâm, hình và vật đều trở nên không, trống không một vật, không đến cùng cực thì “ không ”cũng không tồn tại. Khi “ không ” không còn, “ không” trở nên vô. Vô tức là vô vật, vô ngã, vô tha, tam tâm tứ-tướng đều bay, vô đến mức cùng cực thì ngay cả “ vô” cũng không có. Lúc đó bản tính trở nên tịch mịch, thanh tĩnh. Đến mức cực tĩnh thì dục từ đâu mà sinh. Dục không sinh tức là chân tĩnh.
- Diễn giải : Đức Thái-Thượng sợ người chắp không, nên viết thêm: Không cũng trở nên vô ( không cũng chẳng có ). Lại sợ người bỏ không mà chắp vô, nên lại nhắn thêm rằng vô cũng không thể chắp. Công phu đến mức này, bản tính dần dần trở nên tịch mịch thanh tĩnh. Nhân dục không còn thì Đạo-Tâm sẽ hiện.
Phàm nhân không rõ Chân-Đạo, nhắm mắt ngồi thiền, trăm vật không nghĩ, cho vạn vật đều không thực mà chắp vô. Có biết đâu Đại-Đạo tuy vô hình, vô tình, vô danh, nhưng vạn vật đều từ đó mà ra. Đó là chân không sinh diệu hữu. Chân không là thể của Đạo, diệu hữu là dụng của Chân-Không, nếu không mà vô diệu hữu thì không này là Ngoạn-không, như cục đá vô tri, như cây gỗ chết. Đức Thái Thượng vì thế mà phá không thành vô. Lại sợ người chắp vô nên lại dặn rằng “ vô vô diệc vộ” ( vô cũng không có), vô “ dục giới”, vô “sắc giới”, vô “ vô sắc giới”, vô đến mức niệm không sinh, nhất trần bất nhiễm thì Bồ-Đề tự tính sẽ hiện. Lúc đó mới là chân tĩnh.
Chân thường ứng vật . Chân thường đắc tính . Thường ứng thường tĩnh . Thường thanh tĩnh hỹ.
- Chú thích :
- Chân thường : Chân là chân thực, thường là bất biến. Đây chỉ về chân-lý của Đạo.
- Tính : Bản tính Thiên phú, tức Phật-tính.
- Giải thích nghĩa : Dùng chân lý bất biến của Đạo để ứng vật, theo chân lý này mà hành sẽ tìm được lại bản tính ban đầu. Mạnh Tử : “ Có thể tận tính của người sẽ có thể tận tính của vật ”. Mỗi giờ, mỗi khắc cũng dùng lý mà ứng sự, ứng vật, không chắp không lưu, bản tính dần dần trở nên thanh tĩnh.
- Diễn giải : Chân lý của Đạo phú nơi người gọi là Tính. Tính quy đủ ngũ đức, ngũ thường là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ngũ thường mọi người đều có, chỉ vì vật dục che lấp mà không thể phát huy đức tính này để xử thế ứng vật.
Mạnh Tử nói : “ Hài đồng đều biết yêu thương cha mẹ, biết kính huynh trưởng, đó là Thiên tính ”. Lại nói : “ Chợt thấy hài nhi sắp rơi xuống giếng, tự nhiên động long trắc ẩn đến cứu vớt”. Đó là sự phát hiện của lương tâm mà không trải qua một sự suy tư, hay nghĩ đến sự báo đáp của cha mẹ đứa bé, cũng không nghĩ đến việc cứu đứa bé rồi sẽ được mọi người khen thưởng, chỉ nghĩ đến sự nguy hiểm của đứa bé mà hành động. Lương tâm của người bộc lộ ra một cách tự nhiên.
Nếu mỗi thời, mỗi lúc đều có thể dùng bản tính chân thường để ứng vật, vật lai thì ứng, vật khứ thì tĩnh, như mặt gương soi vật không vì vật tốt mà soi, cũng không vì vật xấu mà khước từ, vật có xấu tốt, nhưng tính soi của gương không vì tốt xấu mà thay đổi. Bản tính của người không vì phú quý mà thay lòng, không vì bần cùng mà đổi chí, hỷ bất lưu, nộ bất thiên, ai bất thương…Tính vô quái, vô ngại, tự nhiên sẽ thanh tĩnh vô vi.
Như thử thanh tĩnh, tiệm nhập chân đạo . Ký nhập chân đạo . Danh vi đắc đạo . Tuy danh đắc đạo . Thực vô sở đắc . Vi hoá chúng sanh . Danh vi đắc đạo . Năng ngộ chi giả . Khả truyền thánh đạo .
- Chú thích : Chân Đạo : Là chân lý bất biến, sinh Trời, sinh Đất, sinh vạn vật. Khác hẳn với bàng môn tả đạo, khi đắc Chân-Đạo, Thích-giáo gọi là Phật, Nho-giáo gọi là Thánh, Lão-giáo gọi là Kim Tiên. Phật, Thánh, Tiên đều ngoài vòng sinh tử luân hồi.
Bàng môn tả đạo tuy nhiều, nhưng đều không ngoài : “ Thuật, Lưu, Động, Tĩnh.
Thuật chỉ về phép thuật, như vẽ bùa niệm chú, rắc đậu thành binh, độn thổ đằng vân…
Lưu chỉ về sự chiêm tinh, coi bói, y thuật, thông đạt thiên-văn địa lý…
Động chỉ về võ thuật, tập khí công cho đao thương bất nhập, biết khinh công, phi thân…
Tĩnh : chỉ về sự tham thiền nhập định, linh hồn có thể xuất khiếu đi ngao sơn du thủy, biết được quá khứ lẫn vị lai…
Bàng môn tả đạo, dù pháp thuật hay công phu cao siêu đến bực nào chăng nữa, vẫn không thể thoát sanh liễu tử.
Chân Đạo chỉ có một, vô hình, vô sắc, thanh tĩnh vô vi. Chân lý của Đạo do Tâm Tính mà ngộ. Do đó Phật có công phu minh tâm kiến tính, Nho có công phu tồn tâm dưỡng tính, Lão có công phu tu tâm luyện tính. Đạo mà rời Tam Tính đều không phải là chân Đạo.
- Giải thích nghĩa : Khi đạt đến mức thanh tĩnh, dần dần sẽ đi vào Chân-Đạo. Khi nhập Chân-Đạo rồi thì gọi là đắc Đạo, thực ra là vô sở đắc. Phải độ hóa chúng sanh mới là đắc Đạo. Khi đạt được tự giác và giác tha, ngộ chứng đạo quả, có thể thay trời hành Đạo, dẫn độ chúng sanh thoát ly bể khổ của cõi trần ai này.
- Diễn giải : Đạo do tâm ngộ, một khi nhân dục không sinh, bản tính tự nhiên trở nên thanh tĩnh mà dần dần hợp với Đạo. Đó là Thiên nhân hợp nhất, gọi là đắc Đạo. Tuy nói là đắc Đạo, nhưng thật ra bản tính phát xuất từ Đạo nên hợp với Đạo, chỉ vì vật dục và khí bỉnh của hậu-thiên mà mất đi bản tính nguyên lai như gương bị phủi bụi. Nay bụi hết gương trong, bản tính của gương không tăng thêm và cũng không giảm bớt.
Kinh Hoa Nghiêm : “ Mây che thì trăng khuất, nhưng trăng vẫn không mất. Mây tan thì trăng hiện nhưng trăng vẫn không đến”. Trăng ẩn hay hiện đều do mây che hay tan ở phần ngoài của trăng, trăng không đi và cũng không đến. Sự giác ngộ của người cũng thế, không đắc mà cũng không thất, chỉ là sự phản bổn hoàn nguyên mà thôi. Do đó, Đức Thái Thượng mới nói : “ Thực vô sở đắc ”, mục đích cho người tin rằng chúng sanh đầu có Phật tính, đều có thể thành Phật, Phật và chúng sanh đều như nhau, ngộ thì chúng sanh là Phật, mê thì Phật là chúng sanh.
Từ cổ chí kim, biết bao nhiêu vị quân vương, công hầu bá tước, anh hung hào kiệt, đã vang danh lừng lẫy một thời, nhưng nay còn đâu. Chỉ có Tiên Phật, Thánh Hiền, vì giác ngộ được chân lý của Đại Đạo, phát đại nguyện cứu nhân độ thế, hành nhân nghĩa đạo đức, mong chúng sanh đều thoát ly bể khổ. Dù cuộc sống của người đời ngắn ngủi, nhưng khi mất thì được lưu danh vạn thế, được người tôn kính thờ phụng, sống cùng Trời Đất. Như thế mới gọi là Đắc Đạo.
Đạo Đức Kinh : “ Tử nhi bất vong giả thọ ”, chết mà không mất gọi là thọ, như Đức Phật Thích Ca, Đức Quan Thế Âm, Đức Khổng Tử, Đức Chúa Jesu…Còn như đối với những ai suốt đời ngồi thiền ở nơi thâm sơn cùng cốc, dù tu đến cảnh giới xuất thần nhập hóa, không có công với đời, cũng chỉ là cái hồn để giữ xác, thoát không khỏi được hai cái khí âm dương của vòng Thái-Cực. Cho nên Đức Thái Thượng mới nhắn : “ vi hóa chúng sanh, danh vi đắc Đạo ”.
Phật nói : “ Tự giác giác tha ”, Nho nói: “ Minh đức thân dân ”, ý nghĩa đều như nhau. Công phu nội thánh ngoại vương, thiếu một cũng không thành.
Lão Quân viết :-
“ Thượng sĩ vô tranh . Hạ sĩ háo tranh . Thượng đức bất đức . Hạ đức chấp đức . Chấp trước chi giả . Bất minh đạo đức .
- Chú thích :
- Thượng Sĩ : Thánh Nhân, người quân tử có đức hạnh, tài đức kiêm toàn.
- Hạ sĩ : Chỉ người không có đức hạnh.
- Giải thích nghĩa : Đức Thái Thượng nói : Thượng Sĩ, người có đức hạnh, không tranh giành với người, còn như kẻ hạ-sĩ thì háo tranh. Người quân tử có đức với đời nhưng lại không cho rằng đó là cái đức của mình. Trái lại kẻ hạ-sĩ, một khi làm được một việc gì tốt cho người thường hay khoe khoang, kể công. Những người háo tranh, chấp chước công đức đều không hiểu rõ đạo đức.
- Diễn giải : Tâm của Thánh nhân sáng như nhật nguyệt, bao trùm cả Thiên-địa, xem hiền ngu như một, tự khiêm, tự tốn, có tài nhưng không lộ, có đức nhưng không chấp. Các bậc minh-quân như Nghiêu, Thuấn, Văn-Vương, trị vì Thiên hạ, dân trong nước đều được cơm no áo ấm, ban ngày thấy vật rơi ở giữa đường mà không người nhặt lấy làm của riêng, ban đêm không cần khóa cửa nhà mà vẫn không có trộm cướp, thiên hạ sống trong cảnh thái bình, bá tánh đều mang ơn mà không biết.
Trái lại, đối với hạ-sĩ, là người có tài mà không có đức, làm việc gì cũng vì danh lợi, có công thì tự mình chiếm lấy, có lỗi thì đổ cho người. Đó là những người không rõ đạo đức. Đức Khổng Tử nói : “ Người quân tử vì đạo nghĩa, kẻ tiểu nhân thì vì danh lợi”. Đạo nghĩa trường tồn, danh lợi dễ mất.
Đại Đạo vô vi, vạn vật đều theo lẽ tự nhiên của Đạo. Hiểu được sự vật có thịnh có suy, có sanh có tử, có thành có hoại, ngay cả phần hình hài của ta cũng chỉ là một công cụ cho ta sử dụng vài chục năm mà thôi, có gì mà phải tranh giành với đời.
Đạo đức Kinh : “ Thánh nhân không dám đi trước mặt người mà luôn luôn ở sau, thân ở sau người mới có danh thơm muôn thưở, đặt thân ngoài vòng thiên hạ thì thân mới được vĩnh cửu lâu dài ”.
Hành thiện không cho người hay mới là chân thiện, còn như muốn cho người hay mới làm, đó là nhân tâm dụng sự. Trời đất cho loài người ánh sáng, không khí, nước, lửa, trái cây, ngũ cốc…nhưng lại không chấp lấy đó là công lao. Thánh nhân hiệu pháp thiên địa, theo lẽ tự nhiên, tận tâm của mình để hợp với lòng Trời mà thôi.
Chúng sanh sở dĩ bất đắc Chân Đạo giả . Vị hữu vọng tâm
- Chú thích : Vọng tâm : là sự hư vọng bất thật, mơ mộng hão huyền của long người.
- Giải thích nghĩa : Chúng sanh sở dĩ không thể đắc Chân Đạo là vì có vọng tâm.
- Diễn giải : Đại Đạo không rời thế gian, ngộ thì đắc, mê thì thất. Thiền Tông : “ Phật tức Tâm, Tâm tức Phật ”. Nho : “ Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” ( Đạo không xa người, người làm việc trái Đạo nên mới rời Đạo xa ). Tâm tức là Phật, Tâm này mọi người đều có, ở Thánh không tăng, nơi phàm không giảm. Sở dĩ không thể đắc Đạo là bởi vọng tâm tác quái. Tâm mơ mộng đến phú quý, công danh, lo nghĩ đến sự được mất, tâm muốn làm Thánh, làm Phật…đều là sự vọng tưởng, làm cho bản tính bị lu mờ, tự nhiên rời Đạo xa.
Có Tăng già hỏi Thiền sư Tuệ Hải cái gì là Đạo ?
Thiền sư Tuệ Hải đáp : Tâm bình thường tức là Đạo.
Tăng già hỏi : Cái gì là tâm bình thường ?
Thiền sư Tuệ Hải : “ Đạo rất bình thường, ở trong sinh hoạt hằng ngày, như ăn cơm và đi ngủ chẳng hạn. Đói thì ăn cơm, mệt thì đi ngủ.
Tăng già : Tâm này mọi người đều có cả, nhưng tại sao lại không có Đạo ?
Thiền Sư : Đến lúc ăn cơm thì ăn cơm, lúc đi ngủ thì đi ngủ. Còn kẻ phàm phu thì khác hẳn, trong lúc ăn cơm cũng như đi ngủ đều suy nghĩ vẩn vơ, người ở đây mà tâm đâu mất, tất nhiên rời Đạo xa.
Ký hữu vọng tâm. Tức kinh kỳ thần . Ký kinh kỳ thần . Tức trước vạn vật . Kí trước vạn vật . Tức sanh tham cầu . Ký sanh tham cầu . Tức thị phiền não .
- Chú thích :
- Kinh : là kinh động
- Thần : chỉ về thức thần
- Trước : Sự si mê, chấp chước
- Giải thích nghĩa : Một khi lòng người có vọng tâm thì làm kinh động đến thức-thần. Khi thức-thần bị kinh động thì tâm ý hướng ngoại, đối cảnh thì sinh tình, gặp vật thì sinh lòng say mê. Đó là sự chấp chước. Một khi có sự chấp chước tất sinh lòng tham, một khi lòng tham không được toại nguyện thì tâm thần sẽ bị sự đắc thất, buồn phiền làm đau khổ.
- Diễn giải : Chúng sanh sở dĩ không thể đắc Chân-Đạo là vì tam tâm chưa quét, tứ tướng chưa bay. Phân chia ra mà nói thì là Tam Tâm Tứ Tướng, nhưng nói chung đều không ngoài hai chữ vọng tâm. Nên biết : “ Phàm sở hữu tướng đều thuộc hư-vọng, nếu thấy được chư tướng phi tướng tức kiến Như-Lai”. Đó là bản lai diện mục ban đầu.
Xét trong thời kỳ con nít, nguyên-thần chủ sự, vô tâm đối với vật. Hỉ, nộ, ái, lạc phát đều trung tiết, không biết đến hai chữ phiền não là gì. Đến khi trí thức tiệm khai ( dần dần mở mang ), tâm ý hướng ngoại, nguyên-thần phải thoái vị, nhường ngôi cho thức-thần. Mắt vì sắc, tai vì thanh, mũi vì hương, miệng vì vị…,lục thần vì thế mà mất đi tính tự chủ, thức-thần từ đó không được yên, bị sự được mất ràng buộc. Mất thì than vãn buồn phiền, được thì say mê quyến luyến, tinh khí thần vì thế mà tiêu hao, người chưa già thì đã suy yếu. Đó phải chăng là địa-ngục trần gian !
Á Thánh Mạnh Tử than rằng : “ Người có gà chó bỏ chạy ra ngoài chưa về hãy còn biết đi tìm kiếm, nhưng cái “ phóng tâm ” của chính mình đã buông ra mà không biết tìm về, thương thay! ”. Lại nói thêm : “ con đường Đạo không có gì khó, chỉ cần tìm lại cái tâm đã phóng ra ngoài mà thôi ”. Phóng tâm tức là vọng tâm. Nếu biết được tâm đã phóng ra ngoài thì kiếm cách tìm về, biến vọng-tâm thành đạo-tâm thì Thiên Đàng sẽ ở ngay trước mắt, không cần ngoại cầu.
Phiền não vọng tưởng. Ưu khổ thân tâm . Tiện tao trược nhục. Lưu lãng sanh tử . Thường trầm khổ hải. Vĩnh thất chân đạo .
- Chú thích :
- Ưu khổ : Sự ưu sầu và đau khổ
- trược nhục : Sự khổ nhục của cõi Ta bà
· Giải thích nghĩa : Một khi lòng tham cầu của người không được toại nguyện thì sẽ đưa đến sự buồn phiền ảo não, suy nghĩ vẩn vơ, tâm thần vì thế mà chịu khổ. Lại bị sự ám ảnh và dày vò của cảnh đời ô trược mà lưu lãng trên con đường sanh tử, trầm luân trong bể khổ, mất đi Chân-Đạo, quanh đi quẩn lại trong vòng luân hồi mà không biết đến nguyên do.
· Diễn giải : Tâm là chủ của phần hình hài. Phiền não, vọng tưởng đều do tâm sinh. Do đó muốn trừ đi phiền não, tất nhiên phải trị tâm. Tâm này không phải là trái tim bằng thịt mà mắt có thể thấy được. Muốn tham ngộ để hiểu rõ được tâm này, phải hành công lập đức, phỏng tầm chí nhân chỉ điểm, sau dùng công phu khiển dục trừng tâm, để phục hồi lại bản tính ban đầu. Một khi dục đã khiển, tâm không cần trừng cũng tự thanh, tự tĩnh, tự nhiên lục dục không sinh, Tam độc tiêu diệt, phiền não không còn thì Bồ Đề tự tánh sẽ hiện.
Chân-Thường chi Đạo, ngộ giả tự đắc . Đắc ngộ Đạo giả . Thường thanh tịnh hỹ .”
- Chú thích :
- Chân thường : chân là không giả.
- Thường : là bất biến. Đạo chỉ có một, đó là chân lý, sinh Trời, sinh Đất và muôn vật. trời Đất, vạn vật có thành trú hoại không, nhưng Đạo thì bất biến, lại sinh muôn vật.
- Giải thích nghĩa : Chân Đạo vĩnh cửu bất biến, chỉ có người giác ngộ rồi mới rõ được Chân-Lý bất biến này. Một khi giác ngộ rồi thì Đạo tức là ta, ta tức là Đạo, bản tính quy y thanh tĩnh, bất sinh bất diệt.
- Diễn giải : Chân lý của Đạo bất di bất dịch, vĩnh cửu bất biến. Khi chưa có Trời Đất thì đã có Đạo, khi Trời Đất hoại thì Chân-Lý này vẫn tồn tại. Vạn vật đều từ Chân-Lý này mà ra. Chân Lý này phú cho trời gọi là Thiên Lý, phú cho Đất gọi là Địa Lý, phú cho người gọi là Tính-Lý. Trời không có Lý thì tinh tú sẽ loạn. Đất không có Lý thì biển cạn đất lỡ, người không có Lý thì luân thường bại hoại. Phần Lý phú cho người quy tụ bản tính chí thiện là Nhân, Lễ, Nghĩa,Trí, Tín. Nhưng vì vật dục và khí bỉnh của hậu thiên làm cho bản tính Tiên-thiên bị lu mờ, dần dần mất đi Chân-Đạo, trầm luân trong bể khổ luân hồi.
Tiên, Phật, Thánh, biết được bản Tính của người do Thiên phú, do đó dùng công phu để luyện Tính, kiến Tính, dưỡng Tính, mục đích đều không ngoài phục hồi và phát huy bản tính tiên-thiên này.
Thánh Nhân biết được Tâm tức là Phật, nên chỉ cầu Tâm mà không cầu Phật. Phàm nhân cầu Phật mà không cầu Tâm nên suốt đời không thấy Phật.
Lục Tổ Huệ Năng nói : “ Phật pháp không rời thế gian, nếu rời khỏi thế gian mà tìm kiếm Bồ-Đề, ví như trên đầu thỏ mà kiếm sừng vậy ”.
Đạo do Tâm ngộ, nếu như rời Tâm mà tầm Đạo thì là ngoại-đạo, đó không phải là chánh pháp. Nay đương lúc thời kỳ mạt pháp, chánh pháp lại hiện, mong chư hiền nhân quân tử có lòng mộ Đạo hãy phỏng tầm Minh-Sư để cầu Chân-Đạo, tìm đường phản bổn hoàn nguyên để liễu thoát con đường sanh tử luân hồi, thế mới không uổng công được sống làm người trong kiếp sống ngắn ngủi này.
竹影掃階塵不起
Trúc ảnh tảo giai trần bất khởi
月穿潭底水無痕
Nguyệt xuyên đàm để thủy vô ngân
Dịch nghĩa
Bóng tre quét đất không dấy bụi
Trăng xuyên mặt hồ nước vẫn yên.
Số lượt xem : 6826