NGỮ LỤC BỒ ÐỀ ÐẠT MA III
HUYẾT MẠCH LUẬN
Ba cõi(1) thiên hình vạn trạng khởi lên cùng về một tâm. Phật trước Phật sau lấy tâm truyền tâm, không dựa vào văn tự.
Hỏi : Nếu không dựa vào văn tự, lấy gì hiểu được tâm ?
Đáp : Ông hỏi ta, đó là tâm ông. Ta trả lời ông, đó là tâm ta. Nếu ta không có tâm, làm sao trả lời ông được ? Nếu ông không có tâm, ông làm sao hỏi được ? Từ vô thỉ kiếp đến nay, những vận động lớn nhỏ trong mọi lúc, mọi nơi đều là bản tâm của ông, đều là bản Phật của ông. Tâm này là Phật cũng lại như vậy. Ngoài tâm đó ra, rốt không có Phật nào chứng được. Bỏ tâm mà tìm Bồ Đề (Trí Huệ) và Niết Bàn (giải thoát) ở bên ngoài thì không thể được. Tự Tánh (2) chân thật, là pháp không có nhân quả, đó là nghĩa của Tâm. Tâm là Niết Bàn. Nếu cho rằng ngoài tâm có thể tìm thấy Phật và Bồ Đề, thật không có chuyện đó. Phật và Bồ Đề ở chỗ nào ? Ví như có người lấy tay nắm bắt lấy hư không phỏng có được không ? Hư không chỉ có tên gọi, cũng không tướng mạo, cầm không được, thả không được, nên không thể nắm bắt hư không. Bỏ tâm mà tìm Phật bên ngoài thì không bao giờ tìm được. Phật chính nơi tâm mà được, cớ sao lại bỏ tâm mà tìm Phật bên ngoài ? Phật trước Phật sau chỉ nói tâm này. Tâm chính là Phật, Phật chính là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm. Nếu cho rằng ngoài tâm có Phật, Phật ở chỗ nào ? Ngoài tâm đã không có Phật, sao lại khởi tâm thấy Phật. Đi theo sự lừa dối, không thấu được tâm mình, bị sự vật vô tình ở bên ngoài làm chủ, mất hết tự do. Nếu không tin như thế thì chỉ lừa dối mình một cách vô ích, đó không phải là lỗi của Phật.
Chúng sanh điên đảo, không biết không hay tâm mình là Phật. Nếu biết tâm mình là Phật thì không ngoài tâm mà tìm Phật. Phật không độ Phật, đem tâm tìm Phật thì chẳng biết Phật, chỉ theo bên ngoài mà tìm Phật, đó là chẳng biết tự tâm là Phật. Cũng không có việc đem Phật mà lễ Phật, không có việc dùng tâm mà niệm Phật. Phật không tụng Kinh, Phật không giữ giới, Phật không phạm giới. Phật không giữ, không phạm, cũng không tạo việc lành việc dữ. Nếu muốn tìm Phật, cần phải thấy Tánh.(1) Người thấy Tánh là Phật. Nếu không thấy Tánh, niệm Phật, tụng Kinh, ăn chay, giữ giới cũng đều là những chuyện vô ích. Niệm Phật thì được hưởng quả báo tốt, tụng Kinh được thông minh, giữ giới được sinh cõi trời, bố thí được hưởng phước, còn dùng để tìm Phật thì trọn không thể được.
Nếu tự mình không thấu rõ, nên tìm gặp bậc thiện tri thức để trừ cho xong cái nền móng của sanh tử. Người không thấy Tánh thì không thể gọi là thiện tri thức. Nếu không thấy Tánh thì dù có giảng được mười hai bộ Kinh cũng không thoát khỏi sanh tử luân hồi,(2) chịu khổ trong ba cõi không có ngày ra. Xưa có vị tỳ kheo(3) tên là Thiện Tinh tụng thuộc mười bộ Kinh cũng không thoát khỏi luân hồi cũng do không thấy Tánh. Thiện Tinh mà còn như vậy, người ngày nay giảng được năm ba bản Kinh Luận lại cho đó là Phật Pháp thì thật là mê mờ. Nếu không biết được tự tâm, giảng giải văn thư suông thì chỉ là vô dụng.
Muốn tìm Phật cần phải thấy Tánh. Tánh tức là Phật. Phật là người tự tại, người không để tâm, không tạo tác. Nếu không thấy Tánh, suốt ngày lang thang đuổi theo bên ngoài mà tìm kiếm, tìm mãi cũng không thấy được Phật.
Tuy không một vật có thể được, nhưng nếu muốn thấu rõ cũng cần tìm gặp bậc thiện tri thức, đem hết lòng khổ cầu làm cho tâm hiểu thấu. Sống chết là việc lớn, không nên luống để trôi qua, tự lừa dối chẳng ích gì. Giả như có trân bảo nhiều như núi, quyến thuộc như cát sông Hằng, mở mắt thì thấy, nhắm mắt làm sao thấy được ? Cho nên biết rằng các pháp hữu vi(1) đều giống như huyễn mộng. Nếu không gấp tìm thầy, bỏ uổng một đời. Dù rằng Phật Tánh vốn sẵn, nếu không nhờ Thầy rốt cuộc cũng không thấu rõ. Người không Thầy mà ngộ, trong vạn người khó tìm được một. Nếu tự mình hội đủ nhơn duyên mà rõ được ý Thánh nhân không nhờ học hỏi bậc thiện tri thức, đó là người mới sinh đã biết, là bậc đã vượt qua sự học rồi vậy (vô học). Nếu chưa ngộ giải, nên khổ công tham học, nhờ sự dạy dỗ mà được ngộ.
Người chưa ngộ cho rằng không học cũng đắc thì chẳng khác người mê, không biết phân biệt đen trắng, nói càn là lời dạy của Phật, chỉ là chê Phật, bài Pháp. Những hạng như vậy, nói Pháp như mưa, thảy đều lời ma, không phải lời Phật, thầy là vua ma, trò là dân ma. Người mê chịu chúng sai khiến không biết là mình rơi vào biển sanh tử. Những người không thấy Tánh dối xưng là Phật, những chúng sanh đó là những đại tội phạm, lừa dối hết thảy những chúng sanh khác đi vào cõi ma. Nếu không thấy Tánh có giảng được mười hai bộ Kinh, thảy đều là lời ma, là họ hàng nhà ma, không phải đệ tử nhà Phật. Đã không phân rõ trắng đen, nhờ đâu mà khỏi sanh tử !?
Thấy Tánh là Phật, không thấy Tánh là chúng sanh. Nếu rời tánh chúng sanh, không có Tánh Phật nào bên ngoài. Phật hiện tại ở chỗ nào ? Tánh chúng sanh chính là Tánh Phật vậy. Ngoài Tánh không có Phật, Phật tức là Tánh. Ngoài Tánh này ra, không có Phật để đắc, ngoài Phật này ra, không có Tánh để đắc.
***************************************************************************
Hỏi : Nếu không thấy Tánh, niệm Phật, tụng Kinh, bố thí, giữ giới, tinh tấn, rộng làm việc phúc, có thành Phật được không ?
Đáp : Không được.
Hỏi : Tại sao không được ?
Đáp : Chỉ được chút ít. Những pháp hữu vi đó đều là pháp nhân quả, pháp thọ báo, pháp luân hồi, sanh tử còn không thoát, làm sao thành Phật Đạo ? Thành Phật thì phải thấy Tánh. Nếu không thấy Tánh, bao nhiêu lời nói nhân quả đều là ngoại đạo. Nếu là Phật thì không theo pháp ngoại đạo. Phật là người không có nghiệp, không có nhân quả, nếu mà có chút pháp có thể đắc, đó là phỉ báng Phật. Cứ vào đâu mà đắc thành ? Dù chỉ trụ trước vào một tâm, một khả năng, một sự hiểu, một sự thấy, cũng không có được Phật.
Phật không giữ không phạm, Tâm Tánh vốn không, cũng không dơ không sạch. Các Pháp không có tu, không có chứng, không nhân không quả. Phật không giữ giới, Phật không làm lành, Phật không tạo ác, Phật không tinh tấn, Phật không giải đãi. Phật cũng là người không tạo tác. Lấy tâm trụ trước mà thấy Phật thì không thể được. Phật không phải là Phật, đừng tìm kiến giải về Phật. Nếu không hiểu nghĩa này, dù ở nơi nào, lúc nào cũng đều không rõ được bản tâm.
Nếu không thấy Tánh mà trong mọi lúc cứ thực hành hạnh không tạo niệm tưởng là người có tội lớn, là người ngu si, rơi vào trong cái không vô ký,(1) ngây ngất như người say, không rõ tốt xấu. Nếu muốn tu pháp vô tác, trước phải thấy Tánh, sau mới dừng các tưởng nghĩ. Nếu không thấy Tánh mà thành được Phật Đạo là chuyện không có. Có người cho rằng không có nhân quả, hung hăng tạo nghiệp ác, nói xằng rằng vì hết thảy vốn không, nên tạo ác không có lỗi lầm. Hạng người như vậy đọa vào địa ngục vô gián hắc ám không có ngày ra. Là người trí thì không nên có kiến giải đó.
***************************************************************************
Hỏi : Mọi vận động lớn nhỏ trong mọi lúc đều là bản tâm, trong thời khắc biến dịch không ngừng của thân xác này, tại sao không thấy được bản tâm ?
Đáp : Bản tâm thường ngay trước mắt, tại ông không thấy mà thôi.
Hỏi : Tâm ngay trước mắt, do đâu không thấy ?
Sư hỏi : Ngươi đã từng nằm mộng chưa ?
Đáp : Đã từng.
Hỏi : Trong lúc ngươi nằm mộng có phải là thân ngươi không ?
Đáp : Chính là bản thân.
Lại hỏi : Các lời nói, vận động lớn nhỏ của ngươi là riêng khác hay không riêng khác ?
Đáp : Không riêng khác.
Sư nói : Đã không riêng khác thì thân này là bản Pháp Thân của ngươi, Pháp Thân này là bản tâm của ngươi. Tâm này từ kiếp vô thủy xa xôi đến nay không khác nhau, chưa hề sanh tử, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch, không tốt không xấu, không đến không đi, cũng không phải quấy, không có tướng nam nữ, cũng không tăng tục, già trẻ, không Thánh không phàm, cũng không Phật không chúng sanh, cũng không tu chứng, cũng không nhân quả, cũng không gân sức, cũng không tướng mạo, giống như hư không, giữ không được, bỏ không được, núi sông vách đá không ngăn ngại được, đi đến hiện ẩn thần thông tự tại, xuyên qua núi năm uẩn, vượt qua sông sanh tử. Không nghiệp nào giữ được Pháp Thân này. Cái Tâm này vi diệu khó thấy. Tâm đó không giống tâm cảm thọ. Tâm đó người người đều muốn thấy. Ở trong ánh sáng này, khua tay động chân, nhiều như cát sông Hằng, vậy mà hỏi đến, đều nói chẳng được, giống hệt người gỗ, tất cả đều tự mình thọ dụng, vì sao không biết ? Phật nói hết thảy chúng sanh đều là người mê, do đó tạo nghiệp, rơi vào giòng sông sanh tử, muốn ra lại đắm chỉ vì không thấy Tánh. Chúng sanh nếu không mê, sao hỏi sự việc trước mắt lại không có một người hiểu. Tự mình khua tay động chân làm sao lại không biết ? Do đó biết rằng lời của bậc Thánh nhân không sai, mà do người mê không hiểu. Cho nên biết rằng cái đó khó hiểu thấu, chỉ Phật mới thấu được pháp đó, ngoài ra người trời cùng các loại chúng sanh đều không hiểu được. Nếu trí huệ soi rõ, tâm này được gọi là Pháp Tánh,(1) cũng gọi là giải thoát, sống chết không giam hãm được. Không pháp nào giam hãm được người này, gọi là Đại Tự Tại Vương Như Lai, cũng gọi là Bất Tư Nghì (không thể suy lường), cũng gọi là Thánh Thể, là Trường Sanh Bất Tử, là Đại Tiên. Tên tuy không đồng, thể thì là một.
Thánh nhân nhiều loại khác nhau thảy đều không lìa Tự Tâm. Lượng Tâm rộng lớn, ứng dụng không cùng, theo mắt thấy sắc, theo tai nghe tiếng, theo mũi ngửi mùi, theo lưỡi biết vị, cho đến vận động lớn nhỏ đều là tự tâm. Ngay trong mọi lúc, ngôn ngữ không đến được, đó là Tâm này. Cho nên nói "Sắc Như Lai là vô tận, Trí huệ Như Lai cũng như vậy." Sắc vô tận là Tự Tâm. Tâm thức khéo phân biệt được hết thảy, cho đến vận động lớn nhỏ đều là trí huệ. Tâm không có hình tướng, trí huệ cũng không cùng tận, cho nên nói "Như Lai sắc vô tận, Trí huệ diệc phục nhiên."
Thân xác tứ đại(1) là phiền não. Sắc thân thì có sinh diệt. Pháp Thân thì thường còn mà không có chỗ nương, vì Pháp Thân của Như Lai không biến đổi vậy. Kinh nói : "Chúng sanh nên biết rằng Phật Tánh vốn tự có sẵn." Ca Diếp(2) chỉ là ngộ được Bản Tánh. Bản Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Tánh. Tánh này đồng với Tâm chư Phật. Phật trước Phật sau chỉ truyền Tâm này, ngoài Tâm này ra không có Phật. Chúng sanh điên đảo(3) không biết Tâm mình là Phật, hướng ra ngoài mà đuổi tìm, suốt ngày hoang mang niệm Phật lễ Phật, không biết Phật ở đâu. Không nên có các cái thấy như vậy. Chỉ biết Tự Tâm, ngoài Tâm ra không có Phật khác. Kinh dạy : "Phàm cái gì có tướng đều là hư dối." (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.) Cũng dạy : "Ngay chỗ đang ở bèn là có Phật."
Tâm mình là Phật. Chẳng nên đem Phật lễ Phật. Như có hình tướng Phật và Bồ tát bỗng hiện trước mắt, cũng không phải kính lễ. Tâm ta vốn rỗng lặng, vốn không có hình tướng. Nếu bám vào tướng tức là ma, rơi vào tà đạo, đó là huyễn do tâm khởi, không phải kính lễ. Người lễ thì không biết, người biết thì không lễ. Lễ thì bị ma nhiếp. Sợ người học không biết nên nói ra. Tánh thể của chư Phật Như Lai thảy không có tướng mạo như vậy. Cần ghi nhớ điều này. Như có cảnh giới khác lạ cũng không nên chọn giữ, cũng không sợ hãi. Không nên nghi ngờ, tâm ta xưa nay vốn thanh tịnh, làm sao có hình trạng như vậy. Cho đến các hình tướng thiên, long, dạ xoa, quỷ thần, Đế Thích, Phạm Vương, cũng không khởi tâm kính trọng, cũng không sợ hãi. Tâm ta vốn xưa nay rỗng lặng. Hết thảy các hình tướng đều là hư dối, cho nên đừng chấp giữ hình tướng.
Nếu khởi lên cái thấy hiểu về Phật, cái thấy hiểu về Pháp, cùng các tướng Phật, Bồ tát mà sinh kính trọng, tự mình rơi vào địa vị chúng sanh. Nếu muốn trực tiếp hiểu rõ, chỉ không bám giữ tất cả các tướng là được, ngoài ra, không có lời nào khác. Vì vậy Kinh dạy : "Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng." Rốt ráo không có cái chân, cái huyễn (1) cố định, không có hình tướng cố định, đó là pháp vô thường.(2) Chỉ không bám giữ hình tướng là hợp Thánh ý. Kinh dạy : "Rời hết thảy tướng thì gọi là Phật."
***************************************************************************
Hỏi : Tại sao không lễ Phật, Bồ tát ?
Đáp : Thiên Ma Ba Tuần, A Tu La hóa hiện thần thông đều có thể làm ra hình tướng Bồ tát, các loại biến hóa, đó là ngoại đạo, chẳng phải Phật gì cả, vì Phật là Tự Tâm, đừng lầm lễ lạy. Phật là tiếng Ấn Độ, nghĩa là Tánh Biết (Giác Tánh), Người Biết, Linh Giác. Tùy thời đối việc, đưa mày, nháy mắt, khua tay, động chân đều là tánh linh giác của mình. Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật, Phật là Đạo, Đạo tức là Thiền. Một chữ Thiền không phải là chỗ phàm Thánh đo lường. Lại dạy : "Thấy Bản Tánh là Thiền." Nếu không thấy Tánh mình thì không phải là Thiền. Giả như có giảng được ngàn quyển kinh, vạn cuốn luận mà không thấy Tánh mình thì cũng chỉ là phàm phu, không phải là Phật Pháp. Đạo lớn thâm sâu mầu nhiệm, không thể dùng lời mà hiểu, điển giáo làm sao chỉ tới ?
Chỉ thấy Bản Tánh, còn không biết một chữ cũng đắc. Thấy Tánh tức là Phật. Thánh thể xưa nay vốn thanh tịnh, không có uế tạp. Mọi lời nói ra đều là Thánh nhân từ tâm khởi dụng. Thể của dụng xưa nay vốn rỗng không, lời nói, tên gọi không đến được, mười hai bộ Kinh làm sao nói hết được.
Đạo vốn viên thành, không cần tu chứng. Đạo không có âm thanh, hình dáng, vi diệu khó thấy. Như người uống nước, nóng lạnh tự biết, không thể nói cho người khác. Chỉ Như Lai biết được, còn các loài trời người đều không hay biết. Trí phàm phu đến không tới vì bám giữ vào hình tướng, không biết rằng Tâm mình xưa nay vốn rỗng lặng, chấp lầm hình tướng cùng hết thảy các pháp, rơi vào ngoại đạo. Nếu biết rằng các pháp đều do Tâm sinh, thì không còn bám giữ. Bám giữ tức chẳng biết.
Nếu thấy được Tánh mình, hết thảy mười hai bộ Kinh chỉ là văn tự suông. Ngàn Kinh vạn luận chỉ làm rõ Tâm. Nếu ngay nơi lời nói mà khế hiểu được, cần gì đến giáo tướng (kinh luận). Chân lý tột cùng dứt đường nói năng. Giáo lý chỉ là ngôn ngữ, thật không phải là đạo. Đạo vốn không lời, nói ra là lầm lẫn. Như trong mộng thấy có lâu đài, cung điện, voi ngựa, cùng các loại hình tướng như cây cối, tòng lâm, ao, nhà, không khởi một niệm vui được. Đó thảy đều là sanh tử trôi lăn. Nên ghi nhớ điều này.
Đến khi sắp chết, không bám vào tướng thì che chướng được trừ. Tâm nghi một thoáng khởi lên, liền bị ma dắt dẫn. Pháp Thân xưa nay vốn thanh tịnh không thọ nhận, chỉ do mê mờ, không biết không hay, do đó vọng chịu thọ báo. Vì ôm giữ cái vui, không được tự do. Nay nếu ngộ được cái Thân Tâm xưa nay thì không còn bị ô nhiễm.
Còn nếu từ Thánh vào phàm, hiện ra các thứ chủng loại, là vì chúng sanh. Cho nên biết rằng Thánh nhân ngược xuôi đều tự tại. Không có nghiệp nào câu thúc được. Thánh nhân vốn có oai đức lớn, hết thảy các nghiệp đều bị vị Thánh nhân đó chuyển. Thiên đường địa ngục không làm gì được. Thần thức(1) của người phàm mờ tối, không giống Thánh nhân trong ngoài đều sáng tỏ.
Nếu có nghi ngờ thì chớ làm. Làm thì trôi theo sanh tử, sau dù hối hận cũng không có chỗ cứu. Bần cùng khốn khổ đều do vọng tưởng sinh ra. Nếu rõ Tâm này, lần lượt khuyến khích nhau, chỉ cần không làm mà làm, tức vào Tri Kiến của Như Lai.
Người mới phát tâm, thần thức không ổn định, nếu trong mộng thấy hay thấy các cảnh lạ, không cần gì phải nghi ngờ, đó đều do tâm mình khởi ra, không phải từ ngoài vào. Nếu trong mộng thấy ánh sáng xuất hiện, sáng hơn mặt trời, các thói quen còn lại sẽ liền dứt tận, thấy Pháp Giới Tánh.(1) Nếu việc đó xảy ra, đó là nhân thành Đạo, chỉ tự biết, không nên nói cho người khác. Hay trong vườn yên rừng vắng, đi đứng nằm ngồi, mắt thấy ánh sáng, hoặc lớn hoặc nhỏ, đừng nói với người khác, cũng không nhận giữ, đó là quang minh của Tự Tánh. Hoặc khi đi đứng nằm ngồi trong đêm tối yên tĩnh, mắt thấy ánh sáng, giống như ban ngày không khác, đừng nghi ngờ lo sợ, thảy là Tự Tâm hiển lộ. Hoặc ban đêm trong mộng thấy trăng sao rõ ràng, ấy là các duyên của Tự Tâm sắp dứt, cũng không nên nói cho người ngoài biết. Mộng nếu mơ hồ, giống như đi trong bóng tối, là phiền não chướng trong tâm còn nặng, cũng tự biết.
Nếu thấy Bản Tánh, không cần đọc Kinh niệm Phật. Học rộng biết nhiều chẳng có ich gì, còn làm cho thần thức thành mờ tối. Lập ra giáo lý chỉ là để nêu ra cái Tâm, nếu biết được Tâm, cần gì coi giáo lý.
Muốn bỏ phàm vào Thánh, cần nên dứt nghiệp, dưỡng thần, tùy phận sống qua ngày. Nếu có nhiều sân giận là làm cho Tánh chuyển thành trái nghịch với Đạo, là tự dối một cách vô ích.
Bậc Thánh ở trong sanh tử đến đi một cách tự tại, ẩn hiện không bị hạn định, không một nghiệp nào trói buộc được. Bậc Thánh nhân dẹp được các loại tà ma.
Tất cả chúng sanh chỉ cần thấy Tánh mình, các dư tập(1) liền tiêu diệt, thần thức không mê mờ, ngay liền lãnh hội, chỉ ngay hiện tại đây. Muốn thật sự hiểu Đạo, đừng bám vào một pháp nào. Dứt nghiệp, dưỡng thần thì dư tập cũng dứt, tự nhiên rõ ràng, không phải dụng công xa xôi.
Ngoại đạo không hiểu ý Phật, đem hết sức dụng công, càng xa ý Thánh. Suốt ngày lăng xăng niệm Phật, chuyển Kinh, làm thần tánh hôn mờ, không khỏi luân hồi.
Phật là người an nhàn, cần gì lăng xăng tìm cầu danh lợi. Làm thế có ích gì về sau ? Chỉ người không thấy Tánh mới đọc Kinh, niệm Phật, học hỏi tinh tấn, sáu thời hành đạo, ngồi mãi không nằm, học nhiều nghe nhiều, coi đó là Phật Pháp. Những chúng sanh như vậy thảy là những người phỉ báng Phật Pháp. Phật trước Phật sau chỉ nói Thấy Tánh. Các hành (1) thì vô thường. Nếu không thấy Tánh mà nói càn rằng đã đắc A Nậu Bồ Đề là đại tội nhân.
Trong mười đệ tử lớn của Phật, A Nan học rộng nghe nhiều bậc nhất mà không hiểu được Phật, chỉ suông học rộng nghe nhiều. Nhị thừa, ngoại đạo đều không hiểu được Phật, phân biệt các việc tu chứng, rơi vào nhân quả. Đó là nghiệp báo chúng sanh, không khỏi sanh tử. Trái xa ý Phật đó là loại chúng sanh báng Phật, giết đi còn không có tội. Kinh dạy : "Người xiển đề không có lòng tin, giết đi không có tội." Nếu có lòng tin, ấy là người dự vào Phật vị.
Nếu không thấy Tánh không nên đem lòng phân biệt phỉ báng những người lương thiện, tự dối vô ích. Thiện ác rành mạch, nhân quả phân minh. Thiên đường địa ngục ở ngay trước mắt. Người ngu không tin liền rơi vào địa ngục hắc ám cũng không hay biết. Chỉ do nghiệp nặng nên không khởi lòng tin. Thí như người không mắt không tin rằng có ánh sáng, như có nói cho nghe thì cũng không tin. Chỉ vì mù lòa, vịn vào đâu để phân biệt ánh sáng ? Người ngu cũng giống như vậy, ngày nay rơi vào các loài súc sinh, sinh ra trong hạng bần cùng hạ tiện, muốn sống không được, muốn chết cũng không được. Tuy chỉ chịu các sự khổ, nếu có ai hỏi cũng nói rằng tôi nay vui sướng chẳng khác thiên đường. Cho nên biết rằng hết thảy chúng sanh dù chỗ sinh được coi là cõi vui cũng đều là những kẻ không có tri giác. Những kẻ ác này chỉ vì nghiệp chướng nặng nề, không khởi được lòng tin, không được tự do.
Nếu thấy Tâm mình là Phật, không cạo bỏ râu tóc, người bạch y cũng chính là Phật. Nếu không thấy Tánh, cạo bỏ râu tóc cũng là ngoại đạo.
***************************************************************************
Hỏi : Người bạch y có vợ con, không bỏ dâm dục, làm sao mà thành Phật ?
Đáp : Chỉ nói Thấy Tánh mà không nói dâm dục chỉ vì chưa thấy Tánh. Khi thấy được Tánh, dâm dục gốc vốn rỗng lặng, tự nó đoạn trừ, cũng không vui đắm. Như còn dư tập cũng không làm hại được. Vì sao ? Vì Tánh vốn thanh tịnh vậy. Tuy ở trong xác thân ngũ uẩn nhưng Tánh vốn gốc thanh tịnh, không thể bị nhiễm ô. Pháp thân vốn không thọ nhận, không đói không khát, không lạnh nóng, không bệnh hoạn, không ân ái, không quyến thuộc, không khổ vui, không tốt xấu, không ngắn dài, không mạnh yếu. Xưa nay chưa hề có một vật. Chỉ do chấp có thân xác này nên có đói khát lạnh nóng bịnh chướng các thứ. Nếu không chấp, dù làm bất cứ việc gì, ở trong sanh tử đều được tự tại, chuyển hết thảy các Pháp, cùng với bậc Thánh nhân thần thông tự tại vô ngại, không nơi nào không phải là chỗ an vui. Nếu tâm còn nghi ngờ, nhất định sự hiểu các cảnh giới sẽ không tới nơi, tốt nhất là đừng làm, làm rồi không tránh khỏi luân hồi sanh tử. Nếu thấy Tánh, chiên đà la (1) cũng thành Phật được.
***************************************************************************
Hỏi : Chiên đà la giết hại sinh mạng tạo nghiệp làm sao thành Phật ?
Đáp : Chỉ nói Thấy Tánh, không nói tạo nghiệp. Như có tạo nhiều nghiệp khác nhau nhưng không nghiệp nào trói buộc được. Từ kiếp lâu xa, chỉ có người không thấy Tánh đọa địa ngục, vì tạo các nghiệp nên luân hồi trong sanh tử. Từ khi ngộ được Bản Tánh thì không còn tạo nghiệp. Nếu không thấy Tánh, niệm Phật mà khỏi quả báo cũng không thể được, không luận giết hại sinh mạng hay không. Nếu thấy Tánh, tâm nghi liền trừ, giết sinh mạng cũng chẳng can gì.
Từ hai mươi bảy vị Tổ ở Tây Thiên chỉ lần truyền Tâm Ấn.(1) Ta nay sang nước này, chỉ truyền Đại Thừa Đốn Giáo,(2) tức Tâm là Phật, không dạy giữ giới, tinh tấn, khổ hạnh. Những việc vào lửa vào nước, đi trên kiếm luân, ăn một bữa, ngồi hoài không nằm thảy đều là pháp hữu vi của ngoại đạo. Nếu rõ biết tánh linh giác của mỗi mỗi vận động lớn nhỏ, thì tâm ngươi tức là tâm của chư Phật. Phật trước Phật sau chỉ nói truyền Tâm, không có pháp khác. Nếu rõ được pháp này, người phàm phu không biết một chữ cũng là Phật. Nếu không biết Tánh linh giác của mình, thân dù tan ra thành tro bụi tìm Phật cũng không thể thấy.
Phật cũng được gọi là Pháp Thân, cũng gọi là Bản Tâm. Tâm này không có hình tướng, không nhân quả, không gân cốt, giống như hư không, giữ không được, không đồng vật chất, không đồng ngoại đạo. Tâm này ngoài Như Lai hiểu được, còn những chúng sanh khác mê mờ không rõ được. Tâm này không ở bên ngoài sắc thân tứ đại. Nếu bỏ Tâm này, thì không thể vận động, thân này thành vô tri. Giống như cây cỏ ngói gạch, thân là vô tánh, làm sao vận động được ? Nếu Tâm động thì các việc nói năng vận động, thấy nghe hiểu biết đều là động tâm động dụng. Động là tâm động, động là dụng của tâm. Ngoài sự động dụng thì không có Tâm, ngoài Tâm không có động. Động chẳng phải là Tâm, Tâm chẳng phải là động. Động vốn không tâm, Tâm vốn không động. Động không lìa Tâm, Tâm không lìa động. Động không phải là lìa Tâm mà có, Tâm không phải là lìa động mà có. Động là dụng của Tâm, dụng là cái động của tâm. Không động không dụng, thể của dụng vốn là không, không vốn không động. Động và dụng cùng là tâm, mà tâm vốn không động. Vì vậy Kinh dạy : "Động mà không có chỗ động." Suốt ngày tới lui mà chưa từng đi, suốt ngày thấy mà chưa từng thấy, suốt ngày cười mà chưa từng cười, suốt ngày nghe mà chưa từng nghe, suốt ngày biết mà chưa từng biết, suốt ngày vui mà chưa từng vui, suốt ngày đi mà chưa từng đi, suốt ngày đứng mà chưa từng đứng. Vì vậy Kinh dạy : "Đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt. Thấy, nghe, hiểu, biết vốn tự rỗng lặng." Cho đến giận, vui, đau, ốm chẳng khác người gỗ, chỉ do duyên tạo, tìm kiếm đau ốm chẳng thể được. Vì vậy Kinh dạy : "Ác nghiệp thì chịu quả báo khổ, thiện nghiệp thì được quả báo vui." Chẳng những sân đọa địa ngục, vui được sinh thiên, nhưng nếu biết sân và vui tánh không, chỉ không chấp thì nghiệp thoát. Còn nếu không thấy Tánh, giảng Kinh chẳng ích gì.
Nói thì vô cùng, nay lược nói như vậy, không tỏ được một hai phần !
Số lượt xem : 447