Ngày tết là những ngày mà người người đều an vui nhàn hạ, ví như được hưởng phước ở trên trời, chẳng phải bận lòng đến những việc mưu sinh thường nhật.
Những ngày cận tết, người ta phải tất bật bận rộn hơn, đi mua sắm tích trữ thức ăn, y phục, giày dép nhiều hơn, ví như việc phải tất bật cực nhọc chuẩn bị sẵn “ tư lương công đức phước báo ” để có thể hưởng phước thanh nhàn “trên trời” vậy.
Những ngày cuối năm, nhà nhà đều phải quét dọn lau chùi vệ sinh, sơn sửa nhà cửa lại tươi mới, ví như việc người người đều cần phải quét trừ sạch những bụi trần phiền não trong ngôi nhà giả tạm của tứ đại hợp thành, phải sám trừ sạch hết những uế bẩn trong tâm, hối cải tu sửa để làm người mới, đón vận mới sáng tươi tốt đẹp.
Hôm giao thừa cuối năm, cả gia đình đoàn viên chung vui tiệc gia đình, ví với việc các huynh đệ nguyên thai Phật tử đang lưu lạc ở khắp bốn bể năm châu chốn nhân gian đến thời điểm cuối cùng rồi cũng phải quay về đoàn tụ với đại gia đình nơi cố hương cực lạc, nơi cội đạo ban đầu.
Đêm giao thừa là đêm cuối cùng nhất trong năm ví với sự vô minh của nhân loại khi đã tiến đến giai đoạn tột cùng thì đột nhiên sẽ có “ánh sáng và tiếng nổ vang trời” từ "que pháo bông" xé tan màn đêm vô minh tăm tối, thức tỉnh nhân loại đương trong giấc mộng dài của đêm trường vô minh.
Những ngày mồng tết, người ta phải tập chúc nhau những lời tốt lành, ví với việc mọi người phải tập phát khởi niệm lành hồi hướng chúng sanh, rộng kết duyên lành với chúng sinh, gieo nhân lành để gặt quả lành vậy.
Những phong lì xì trao nhau ví với việc bố thí kết duyên lành, gieo nhân giàu có trong tương lai vào mẫu ruộng phước của bản thân, đồng thời học tập buông xả bỏ thói ích kỉ, tham xan.
Muốn được thần tài tìm đến gõ cửa tươi cười ban tài lộc, thì trước phải làm thần tài hoan hỷ ban tài lộc cho người.
Ngày mồng một tết được chọn là ngày vía của đức Di Lặc Bồ Tát, ví với việc phải học tập tinh thần từ bi cùa bồ tát lũy kiếp chẳng ăn thịt chúng sinh, luôn hoan hỷ đem lại niềm an vui cho chúng sinh, và luôn từ bi hỷ xả rộng lượng khoan dung tha thứ.
Nhân vật nổi trội đáng yêu nhất trong ngày tết chính là trẻ con, ví với việc nhắc nhở người lớn phải quay về lại với những tháng năm của tuổi thơ ấu, học tập trở về lại với bổn lai diện mục ban đầu.
Ngày tết người người quay về đoàn tụ với gia đình, cúng bái tổ tiên, chúc tết ông bà cha mẹ anh chị em thân quyến, bạn bè, ví với việc nhắc nhở người phải biết uống nước nhớ nguồn, dẫu đi đâu xa cũng phải luôn biết tìm quay về với gốc cội ban đầu, niệm niệm luôn nhớ nghĩ, luôn chúc nguyện những điều tốt lành đến với tất cả mọi người từ trong gia đình cho đến người ngoài xã hội, tóm lại thì là niệm niệm luôn nhớ nghĩ và hồi hướng tất cả những điều thiện lành đến tất cả chúng sinh.
Ngày xuân trăm hoa đua nở, người người đều đi ngắm hoa nơi chợ hoa xuân, mua hoa về nhà trưng bày, để rồi chỉ sau một thời gian ngắn lại thấy hoa nở rồi hoa lại tàn úa bị đem vứt đi như rác, ví với việc nhắc nhở người đời rằng tất cả các sắc tướng dẫu đẹp đến thế nào đi chăng nữa nơi cõi hồng trần này thì vẫn đều chỉ là sự giả tạm ngắn ngủi, sớm sẽ tàn lụi phai theo thời gian và sự vô thường, từ đó mà phải giác ngộ để tìm cầu con đường giải thoát sanh tử vô thường, tìm cầu sự tốt đẹp trường cửu vĩnh hằng bất diệt.
Ẩn sâu bên trong các sự việc của ngày tết thì ra lại là mang ý nghĩa sâu sắc nhắc nhở người đời vui xuân đón tết mới bên ngoài chớ quên học tập tu sửa bản thân, tu tâm dưỡng tánh bên trong để đón vận mệnh tươi sáng mới trong tương lai. Tất cả mọi việc ấy suy ngẫm kĩ lại thì dường như đều đã có sự an bài sẵn hết sức vi diệu và đầy dụng ý giáo hóa sâu sắc trong vô hình của ơn trên, chỉ là người đời phần nhiều vẫn chấp mê hình tướng mà chưa thể tỏ ngộ diệu ý hàm ẩn bên trong mà thôi.